23/12/2024 lúc 01:02 (GMT+7)
Breaking News

Huyện Thọ Xuân: Đẩy mạnh chuyển đổi số tạo động lực mới cho phát triển kinh tế - xã hội

Những năm qua, với quyết tâm cao, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, cùng sự chung sức, đồng lòng của người dân, doanh nghiệp, công cuộc chuyển đổi số trên địa bàn huyện Thọ Xuân đã và đang diễn ra mạnh mẽ và đạt được những kết quả quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Huyện Thọ Xuân đạt được nhiều kết quả tích cực trong công tác chuyển đổi số.

Để đẩy mạnh chuyển đổi số, huyện Thọ Xuân đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo thực hiện và chỉ đạo cơ quan chuyên môn tăng cường công tác tuyên truyền đến cán bộ, công chức, viên chức, doanh nghiệp, người dân sẵn sàng thay đổi nhận thức, coi chuyển đổi số là thời cơ, vận hội; tích cực ứng dụng các thành tựu của chuyển đổi số để phục vụ hoạt động của cơ quan, đơn vị, cộng đồng và xã hội. Từ đầu năm 2024 đến nay, được sự quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn của UBND tỉnh, các Sở, ngành cấp tỉnh; sự nỗ lực của các cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở, sự hỗ trợ tích cực của các doanh nghiệp viễn thông, các chi nhánh Ngân hàng đóng trên địa bàn huyện và sự đồng thuận của Nhân dân, công tác chuyển đổi số trên địa bàn huyện Thọ Xuân tiếp tục thu được những kết quả quan trọng trên các lĩnh vực.

Về Chính quyền số, hệ thống thông tin giải quyết TTHC; Cổng Thông tin điện tử, thư điện tử, Hệ thống thông tin báo cáo; Sử dụng có hiệu quả Hệ thống Quản lý văn bản điều hành trong các cơ quan hành chính nhà nước từ huyện đến xã, tạo thành hệ thống liên thông trong việc gửi, nhận và xử lý văn bản điện tử trên địa bàn huyện. Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu dùng chung, cơ sở dữ liệu chuyên ngành được kết nối, chia sẻ, khai thác với các cơ sở dữ liệu của huyện, tỉnh đã được triển khai. Phối hợp triển khai mạng truyền số liệu chuyên dùng; triển khai phòng họp trực tuyến; duy trì Hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến cấp huyện, xã. Cấp chứng thư số cho tất cả các cơ quan, đơn vị thuộc UBND huyện và UBND xã, thị trấn; Cấp 100% chứng thư số cho lãnh đạo UBND huyện, lãnh đạo các cơ quan chuyên môn, đơn vị sự nghiệp thuộc huyện và lãnh đạo UBND các xã, thị trấn và hiện đang triển khai đến các cơ sở trường học trên địa bàn huyện. Hồ sơ công việc được tạo lập, xử lý, ký số, lưu trữ và chia sẻ dữ liệu hoàn toàn dưới dạng điện tử trên môi trường mạng (Phần mềm TDOffice) giúp cho hoạt động của các cơ quan, đơn vị công khai, minh bạch, nhanh chóng, tiết kiệm thời gian, tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành trong cơ quan nhà nước. Tỷ lệ hồ sơ đi và đến trên Phần mềm TDOffice có ký số của lãnh đạo và cơ quan từ cấp huyện đến cấp xã đều đạt trên 100%. 100% cán bộ, công chức, viên chức tại cơ quan UBND huyện được cấp tài khoản thư công vụ của tỉnh ([email protected]) để sử dụng, giao dịch trong công việc. Việc ứng dụng CNTT phục vụ người dân và doanh nghiệp được chú trọng, cổng thông tin điện tử huyện thường xuyên đăng tải các văn bản chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, của tỉnh, huyện về cải cách hành chính; cập nhật kịp thời các bộ thủ tục hành chính của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn huyện để người dân và doanh nghiệp thuận tiện trong thực hiện thủ tục hành chính. Thực hiện chuẩn hóa tất cả các quy trình thủ tục hành chính nội bộ, điện tử cấp huyện, xã trên phần mềm một cửa điện tử của tỉnh để đảm bảo triển khai đồng bộ dịch vụ công trực tuyến và liên thông cấp tỉnh, huyện, xã. Toàn huyện có 30/30 xã, thị trấn vận hành phần mềm một cửa điện tử đạt tỷ lệ 100%. Triển khai mô hình một cửa hiện đại tiếp nhận và trả kết quả liên thông tại 30 xã, thị trấn trên địa bản huyện. Kết quả tiếp nhận và giải quyết hồ sơ TTHC, dịch vụ công trực tuyến được thực hiện thông qua phần mềm một cửa từ cấp huyện đến cấp xã đều vượt chỉ tiêu tỉnh giao hàng năm.

Người dân và doanh nghiệp nhiệt tình hưởng ứng chuyển đổi số mô hình 3 không.

Về kinh tế số, huyện đã phối hợp với VNPT Thanh Hóa, Bưu điện huyện hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể đưa các sản phẩm OCOP, sản phẩm có lợi thế lên sàn giao dịch điện tử nông sản Thanh Hoá, sàn thương mại điện tử postmart.vn, voso.vn; Hỗ trợ cung cấp tem truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm OCOP của huyện. Trên lĩnh vực xã hội số, huyện tiếp tục chỉ đạo ngành giáo dục triển khai có hiệu quả các phần mềm kiểm định chất lượng giáo dục, cài đặt các ứng dụng vnEdu Teacher, vnEdu Connect, SMS edu, Smart, để hỗ trợ giáo viên, phụ huynh cập nhật thông tin, tương tác giữa nhà trường, gia đình và xã hội. Tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn các xã, thị trấn tạo lập hồ sơ sức khỏe điện tử cho Nhân dân trên địa bàn huyện, đạt tỷ lệ 90,78%. Thường xuyên đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thu nhận hồ sơ cấp thẻ Căn cước công dân gắn chíp điện tử, cấp định danh điện tử để phục vụ các tiện ích. Tính đến thời điển hiện tại, trên địa bàn huyện thu nhận hồ sơ cấp, kích hoạt định danh điện tử cụ thể: Mức 1 cấp 28.645 trường hợp, kích hoạt 24.701; Mức 2 cấp 104.843 trường hợp, kích hoạt được 90.280 trường hợp. Có 377 điểm phát wifi miễn phí tại các nhà văn hóa, các điểm công cộng phục vụ người dân truy cập internet, đảm bảo nhu cầu sử dụng mạng của người dân để khai thác các ứng dụng, nền tảng số như: Facebook, Youtube, Zalo, Quản lý sức khỏe điện tử; Ứng dụng VssID Bảo hiểm xã hội; phần mềm ETAX kê khai và nộp thuế điện tử; Thanh toán, chuyển khoản trực tuyến bằng các ứng dụng ngân hàng, MoMo, ZaloPay..Ví như tại các điểm di tích lịch sử trên địa bàn huyện đã được tạo mã QR để du khách có thể quét và tìm hiểu thông tin đầy đủ về di tích; hay việc người dân đã và đang đẩy mạnh giao dịch qua các App điện tử, công nghệ, không dùng tiền mặt… Ngoài ra, huyện đã triển khai 30/30 xã, thị trấn, đạt 100% về mô hình 3 không, trong đó nhiều đơn vị triển khai tốt như: Tây Hồ, Xuân Trường, Xuân Hoà, thị trấn Sao Vàng, Xuân Lai, Xuân Minh, Xuân Lập... Hiện nay toàn huyện có 7/30 xã, thị trấn được công nhận hoàn thành CĐS năm 2022, dự kiến thêm 8 xã của năm 2023 được công nhận, các xã, thị trấn còn lại của huyện, dự kiến trong năm 2025 được công nhận hoàn thành CĐS.

Theo chị Lê Thị Đông, chủ cửa hàng quần áo trong chợ Neo, xã Bắc Lương (huyện Thọ Xuân) chia sẻ: “Tôi đã kết nối mã QR phục vụ thanh toán để thuận tiện cho khách hàng khi mua sắm tại cửa hàng. Tôi thấy, hiện nay, khách hàng sử dụng dịch vụ thanh toán qua mã quét khá phổ biến, ít dùng tiền mặt hơn ngày trước. Hình thức thanh toán này mang lại tiện lợi cho cả người mua và người bán, nó có thể giúp tôi thuận lợi hơn quản lý vốn kinh doanh”.

Bên cạnh đó, trong quá trình thực hiện CĐS trên địa bàn huyện vẫn còn một số hạn chế như, hệ thống chưa đồng bộ về dữ liệu; hạ tầng thông tin chưa phủ kín các cơ quan nhà nước và người dân; nhận thức của người dân chưa đầy đủ vẫn thực hiện giao dịch theo truyền thống; một bộ phận người dân tuổi cao nên tiếp cận với công nghệ máy tính, máy điện thoại thông minh còn hạn chế. Do vậy, để thực hiện có hiệu quả công tác chuyển đổi số, thời gian tới huyện Thọ Xuân tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức của cán bộ, người dân và doanh nghiệp trong chuyển đổi số. Tiếp tục tập trung nâng cao năng lực, hiệu quả công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành của các cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở. Đồng thời, quan tâm đầu tư cơ sở vật chất trang thiết bị phục vụ, đảm bảo đồng bộ với của tỉnh, Trung ương. Phối hợp với nhà cung cấp dịch vụ xây dựng các phương án, đồng bộ hóa trang thiết bị, thông tin tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận chuyển đổi số thuận lợi nhất, hiệu quả nhất.

Theo, đồng chí Nguyễn Xuân Hải - Phó Chủ tịch UBND huyện Thọ Xuân cho biết: “Huyện Thọ Xuân xác định chuyển đổi số là một cuộc cách mạng, xu hướng tất yếu sẽ tạo ra hiệu quả trong quản trị, trong hành chính công, tạo ra năng xuất lao động tốt hơn, từ đó giúp cho người dân và doanh nghiệp được thụ hưởng những thành quả của khoa học công nghệ, đồng thời thuận lợi hơn trong các giao dịch với chính quyền huyện, tạo sự minh bạch trong quản lý, giải quyết thủ tục hành chính công một cách nhanh chóng, tiết kiệm thời gian. Góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn”.

Có thể khẳng định, công tác chuyển đổi số là một quá trình lâu dài, đòi hỏi sự nỗ lực của toàn xã hội. Thiết nghĩ mỗi cán bộ, công chức, viên chức và người dân, doanh nghiệp cần nâng cao nhận thức, trách nhiệm, chủ động tham gia vào quá trình chuyển đổi số, để góp phần đưa công tác chuyển đổi số trên địa bàn huyện Thọ Xuân ngày càng đi vào chiều sâu và đạt chất lượng tốt hơn nữa, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện phát triển nhanh và bền vững./.

Hải Nam