“Viên ngọc xanh” toả sáng giữa núi rừng phía tây của tỉnh Thanh Hóa
Đến Quan Hóa, du khách có thể tận hưởng không khí trong lành, thoáng đãng, dạo bước trong những cánh rừng nguyên sinh, thỏa sức ngắm nhìn núi non trùng điệp với những dãy núi kỳ vĩ, rừng đại ngàn xanh thẳm của Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hu, Khu Bảo tồn các loài hạt trần quý - hiếm Nam Động và Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Luông. Đây còn là nơi giao thoa của các nền văn hóa đồng bào Thái, Mường, Kinh, Mông, Hoa; cùng các làng nghề truyền thống; văn hóa dân gian; văn hóa ẩm thực đặc sắc của các dân tộc trên địa bàn huyện. Đặc biệt, nơi đây còn lưu giữ những giá trị di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc của đồng bào các dân tộc như lễ hội Mường Ca Da, một trong những mường cổ của người Thái, cùng với xường Mường, cồng chiêng, khèn bè, khèn lá, các trò chơi dân gian truyền thống ném còn, chọi cù, kéo co, bắn nỏ... Cùng với đó là Hang Co Phương (người dân tộc Thái gọi là hang Cây Khế) thuộc bản Sại, xã Phú Lệ đã được xếp hạng di tích lịch sử Quốc gia. Trong chiến tranh, đây là căn cứ và là điểm trung chuyển lương thực, vũ khí của quân ta lên thượng Lào và Tây Bắc phục vụ cho chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954. Để chặn tuyến đường huyết mạch này, quân Pháp tìm đủ mọi cách chia cắt nên ra sức bắn phá. Nhắc về những dân công hỏa tuyến đã vĩnh viễn nằm lại trong hang Co Phương, người dân nơi đây ai cũng tiếc thương. Họ đều đang ở tuổi 18, 20 và hầu như chưa ai lập gia đình. Mấy chục năm qua đi, hang Co Phương vẫn còn đó, trầm mặc tựa mình vào dòng sông Mã hùng vĩ… Với những tiềm năng, lợi thế sẵn có do thiên nhiên ưu đãi cùng với truyền thống văn hóa giàu bản sắc, huyện miền núi Quan Hóa đang đẩy mạnh các hoạt động phát triển du lịch để mỗi điểm đến là những trải nghiệm khó quên đối với du khách thập phương, đây cũng là hướng đi mới trong phát triển kinh tế - xã hội của huyện.
Phát triển du lịch gắn kết với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa bản địa
Với mục tiêu, phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mới, theo hướng bền vững, gắn với xóa đói, giảm nghèo và bảo tồn, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc trên địa bàn trong giai đoạn hiện nay, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của huyện phát triển, do vậy Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Huyện lần thứ XXIII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đưa vào Chương trình trọng tâm phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ, góp phần tích cực vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của huyện, tạo bước đột phá trong phát triển cho giai đoạn tiếp theo. Trên cơ sở đó, những năm qua huyện Quan Hóa đã thực hiện hàng loạt các giải pháp về phát triển du lịch. Trong đó, huyện tập trung huy động các nguồn vốn đầu tư, nhất là vốn NSNN được ưu tiên cho các công trình trọng điểm về du lịch, hệ thống kết cấu hạ tầng. Bên cạnh đó, huyện chú trọng quảng bá tiềm năng lợi thế về du lịch của huyện trên các kênh truyền thông; đề xuất tỉnh đưa vào quy hoạch các điểm du lịch có tiềm năng. Đồng thời tăng cường xúc tiến, kêu gọi đầu tư; phát triển cơ sở hạ tầng; tổ chức hội nghị, hội thảo tìm giải pháp thúc đẩy phát triển du lịch. Ngoài ra, huyện mở các lớp bồi dưỡng kiến thức du lịch cộng đồng, tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ như chế biến món ăn; lưu trú; tổ chức các sự kiện, hoạt động văn hóa - văn nghệ...; đưa cán bộ và người dân đi học tập kinh nghiệm làm du lịch ở các địa phương để người dân không chỉ được nâng cao kiến thức mà còn có trách nhiệm hơn trong việc bảo tồn các giá trị văn hóa, cảnh quan gắn với phát triển du lịch bền vững.
Điều đáng mừng là hiện nay, ý thức tham gia làm du lịch cộng đồng của người dân được nâng lên rõ rệt. Một số hộ gia đình trên địa bàn huyện Quan Hóa có điểm du lịch đã bắt tay vào xây dựng mô hình thí điểm, các mô hình homestay, farmstay được hình thành, bước đầu đã thu hút được đông đảo khách du lịch trong và ngoài tỉnh đến tham quan, trải nghiệm. Nổi bật như, bình quân tổng số khách du lịch đến Quan Hóa năm 2023 ước đạt hơn 20.000 lượt khách, riêng quý I năm 2024 tổng số khách du lịch đến Quan Hóa ước đạt khoảng 15.000 lượt khách trong nước và quốc tế.
Để nói về sự thành công trong phát triển du lịch gắn với bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống phải nhắc đến bản Bút xã Nam Xuân, những năm gần đây được sự quan tâm sâu sắc của lãnh đạo huyện, cùng các ban ngành nói chung và sự bắt nhịp kịp thời theo xu thế thời đại của Nhân dân, khu du lịch sinh thái cộng đồng bản Bút xã Nam Xuân đã hình thành đã đang mở hướng đi mới trong phát triển du lịch, bước đầu đã mang lại hiệu quả khởi sắc và ngày càng thu hút đông đảo du khách đến với bản, bộ mặt của bản cũng như của xã đã có nhiều đổi thay. Góp phần không nhỏ cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, tạo công ăn việc làm, tiêu thụ lượng nông sản của bà con, khi mà trước đây, người dân chủ yếu sinh kế nhờ vào cây luồng, cây kinh tế chính của gia đình.
Ngoài bản Bút, bản Hang (xã Phú Lệ), bản Vinh Quang (xã Phú Nghiêm) những năm gần đây đã xây dựng được sản phẩm du lịch phong phú, hấp dẫn, lôi cuốn du khách, đặc biệt là khách quốc tế. Nếu bản Hang là điểm du lịch không thể bỏ qua với những người ưa thích trải nghiệm công việc của một nhà nông qua việc được gặt lúa trên ruộng bậc thang, đánh bắt cá, trồng rau... thì bản Vinh Quang lại làm mê đắm những người thích sông nước. Ở đây, ngoài suối Luông, suối Mác chảy qua bản, còn có hồ Vinh Quang với dải thực vật phong phú, nơi cư trú của một số loài chim quý...
Đặc biệt, đầu năm 2024, huyện Quan Hóa đã tổ chức thành công rực rỡ Liên hoan văn nghệ dân gian – Phiên chợ vùng cao, đã nhận được nhiều lời khen ngợi, đánh giá cao của lãnh đạo tỉnh, các sở, ban, ngành cấp tỉnh cùng các huyện, thị xã, thành phố và để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng Nhân dân và du khách. Cùng với đó, huyện đã tổ chức thành công ngày lễ tâm linh tại Di tích lịch sử cấp Quốc gia Hang Co Phương - Phối hợp với huyện Thiệu Hóa, xã Thiệu Nguyên, các gia đình thân nhân các anh hùng liệt sĩ tổ chức lễ viếng dâng hương vào ngày 02/4 nhằm tri ân, tưởng nhớ, báo công với các anh hùng liệt sĩ đã anh dũng hy sinh vì dân, vì nước. Thông qua hoạt động tri ân, từng bước đưa di tích trở thành “địa chỉ đỏ” về giá trị lịch sử, văn hóa, cách mạng, giá trị tâm linh; một điểm đến đậm dấu ấn trong hành trình khám phá, trải nghiệm của người dân và du khách tại huyện Quan Hóa.
Đồng chí Nguyễn Đức Dũng - Chủ tịch UBND huyện Quan Hóa, khẳng định: “Quan Hóa có nhiều lợi thế và tiềm năng để phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng. Để khắc phục khó khăn, huyện sẽ tiếp tục triển khai thực hiện chương trình hành động về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của huyện và đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số huyện Quan Hóa gắn với phát triển du lịch”. Đồng thời, chú trọng quảng bá hình ảnh, cơ cấu lại sản phẩm du lịch, xây dựng mô hình và sản phẩm đặc thù, gắn với những tiềm năng, lợi thế tự nhiên, cũng như nét đặc sắc, riêng có về văn hóa, con người của từng địa phương trên địa bàn huyện”.
Để tiếp tục bảo tồn, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của địa phương gắn với phát triển du lịch của địa phương. Trong thời gian tới, huyện Quan Hóa tiếp tục ban hành các nghị quyết tạo cơ chế, chính sách để hoàn thiện cơ sở vật chất tại các điểm du lịch của địa phương; duy trì và phát huy hiệu quả các nét đẹp truyền thống văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số, các ngành nghề truyền thống như dệt thổ cẩm, đồng thời khôi phục lại ngày hội gội đầu của người dân tộc Thái ở xã Phú Thanh đã có từ thời xa xưa, đây là phong tục gội đầu để đón một năm mới tốt lành, mạnh khoẻ, bình an, may mắn… Qua đó, nhằm mục đích vừa gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số, vừa tạo điều kiện phát triển du lịch mang nét đặc trưng riêng có của Quan Hóa, là cơ sở để phát triển bền vững du lịch, tạo công ăn việc làm, thu nhập cho người dân và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần quan trọng cùng với Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân xây dựng huyện Quan Hóa trở thành vùng quê năng động, đổi mới, là huyện phát triển khá của khu vực miền Tây xứ Thanh.
Dự kiến, trong thời gian tới, huyện sẽ mở 2 tuyến du lịch gồm: “Xuôi dòng sông Mã” đi qua các điểm: Thủy điện Trung Sơn - Thủy điện Thành Sơn - bản En - Khu du lịch sinh thái Mường Ca Da - thị trấn Hồi Xuân; “Bên dòng sông Luồng” với các điểm du lịch: Bản Bâu - bản Lỡ - bản Bút - hang Phi - thị trấn Hồi Xuân; tuyến bản Bút - hang Phi - đền Ông - động Bà - hang Co Phương - bản Hang. Ngoài ra còn có tuyến liên huyện, liên vùng liên kết với các huyện Bá Thước, Quan Sơn, Mai Châu (Hòa Bình).
Có thể khẳng định, Quan Hóa đang có được nguồn lực nội sinh để phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Tuy nhiên, để phát huy tiềm năng phong phú về các loại hình du lịch tại huyện Quan Hóa, ngoài sự nỗ lực của các cấp ủy, chính quyền địa phương, rất cần sự quan tâm hỗ trợ của Trung ương, các Bộ, Ngành và tỉnh Thanh Hóa, cùng các ngành chức năng để địa phương có điều kiện đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch, giao thông kết nối, triển khai các chính sách ưu đãi đầu tư để thu hút, hấp dẫn nhiều doanh nghiệp đến đánh thức, khơi dậy tiềm năng ngành “công nghiệp không khói” của huyện./.
Hải Nam – Hà Sinh