Phúc Thọ là vùng đất cổ thuộc Đồng bằng châu thổ sông Hồng, nằm ở phía Tây của kinh đô Thăng Long xưa – nay là Thủ đô Hà Nội, giàu truyền thống cách mạng và có bề dày lịch sử văn hóa. Trải qua nhiều biến động lịch sử, phạm vi hành chính có nhiều thay đổi, nhưng tên gọi Phúc Thọ, thuộc phủ Quảng Oai, trấn Sơn Tây có từ năm Minh Mạng thứ ba (1822) vẫn được giữ nguyên đến này nay.
Quốc lộ 32 qua trung tâm huyện Phúc Thọ.
Phúc Thọ nổi tiếng là vùng đất thượng võ, giàu truyền thống yêu nước, bất khuất chống giặc ngoại xâm. Buổi đầu Công nguyên, khi Hai Bà Trưng cùng hào kiệt bốn phương dựng cờ khởi nghĩa, nhiều người con ưu tú của quê hương Phúc Thọ đã tham gia dấy binh, đánh tan ách đô hộ của quân phong kiến phương Bắc. Kế tục tinh thần bất khuất chống giặc ngoại xâm của các bậc tiền bối, từ thế kỷ VIII đến thế kỉ X, những người con quê hương này như anh hùng Phùng Hưng, Ngô Quyền đã đứng lên đánh đuổi quân xâm lược, giành lại nền độc lập, tự do cho dân tộc. Thời kỳ đầu chống thực dân Pháp xâm lược, mảnh đất Phúc Thọ tự hào có danh tướng Quận Cồ ở Sen Chiểu và thủ lĩnh quân sự Đốc Ngữ ở Xuân Phú đã đoàn kết, tập hợp nhân dân, anh dũng chiến đấu chống quân xâm lược.
Từ khi Đảng ra đời và có ánh sáng của Đảng dẫn đường, các tầng lớp nhân dân Phúc Thọ đã vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, cùng với nhân dân cả nước giành chính quyền trong cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945. Trong các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mĩ xâm lược, người dân Phúc Thọ đã anh dũng chiến đấu, hi sinh để giải phóng quê hương. Nhiều địa danh của Phúc Thọ đã đi vào lịch sử như: “Lạc Trị kiên cường”, “Tả Hà anh dũng”, “Miền Bún hiên ngang diệt thù”. Cùng với đó, huyện đã huy động sức người, sức của chi viện cho các mặt trận đánh đuổi thực dân, đế quốc, giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà.
Cùng với truyền thống yêu nước, chiến đấu kiên cường, Phúc Thọ còn được biết đến là vùng đất giàu truyền thống văn hóa, khoa bảng. Thời kỳ mang địa danh Phúc Lộc, huyện có Thám hoa Giang Văn Minh. Thời cận, hiện đại có dịch giả nổi tiếng Nguyễn Đỗ Mục; danh họa tài năng Nguyễn Đỗ Cung; nhà sử học Minh Tranh…Tiêu biểu là các đồng chí: Khuất Duy Tiến, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội, Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến hành chính Thành phố Hà Nội thời kỳ chống Pháp; đồng chí Lê Hiến Mai, một trong 9 người được phong Thiếu tướng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam…
Là vùng đất cổ xứ Đoài, Phúc Thọ cũng rất tự hào về truyền thống văn hóa đặc sắc với hệ thống di sản văn hóa đồ sộ 201 di tích. Trong đó, có 3 di tích được xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt gồm: đền Hát Môn (xã Hát Môn), đình Hạ Hiệp (xã Liên Hiệp) và đình Tường Phiêu (xã Tích Giang); 45 di tích cấp quốc gia; 56 di tích cấp tỉnh, thành phố. Đây được coi là tài sản quý giá của địa phương trong bối cảnh phát triển, hội nhập của đất nước.
Trải qua 199 năm xây dựng và phát triển, cán bộ và nhân dân Phúc Thọ luôn phát huy truyền thống anh hùng, chủ động, sáng tạo vượt qua khó khăn xây dựng địa phương ngày càng giàu đẹp, văn minh. Bám sát chỉ đạo của Trung ương, Thành phố và yêu cầu nhiệm vụ thực tiễn, đặc biệt, trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, huyện Phúc Thọ có nhiều đổi mới, điểm nhấn, bước đột phá; hoạt động hiệu quả, chất lượng; nâng cao năng lực, sức chiến đấu của toàn Đảng bộ.
Vượt lên trước những khó khăn do tác động của tình hình chung, nhất là trong thời điểm cả nước chung tay đẩy lùi dịch bệnh Covid-19, bằng sự sáng tạo, nỗ lực với quyết tâm chính trị cao nhất, huyện Phúc Thọ tiếp tục duy trì mức tăng trưởng khá. Tốc độ tăng giá trị các ngành chủ yếu bình quân 10 năm qua đạt 9,1%. Thu nhập bình quân đầu người năm 2020 đạt 52 triệu đồng/người/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng lên.
Chương trình xây dựng nông thôn mới đạt nhiều kết quả quan trọng, trở thành một điểm sáng của thành phố Hà Nội. Có được kết quả đó, ngoài sự quan tâm, tạo điều kiện của các cấp, các ngành Trung ương và Thành phố, Huyện Phúc Thọ đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, với sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia. Nhất là trong triển khai, thực hiện cuộc vận động “Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới; cuộc vận động 3 sạch: “Nước sạch, Môi trường sạch, Nông nghiệp sạch”; xây dựng cụm dân cư kiểu mẫu về cảnh quan môi trường và phát động cuộc thi “Giữ gìn đường, làng, ngõ, xóm, thôn, tổ dân phố sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn”...Trước những nỗ lực đó, ngày nay đến với huyện Phúc Thọ, bất cứ ai cũng có thể thấy rõ sự đổi thay nơi đây. Con người thân thiện, hài hòa, hiếu khách; cảnh quan môi trường sáng-xanh-sạch-đẹp với những tuyến đường tự quản, tuyến đường, tuyến đê kiểu mẫu, đoạn đường nở hoa, con đường bích họa, tranh tường bích họa cùng nhiều công trình khác tạo nên bức tranh nông thôn đa màu sắc…
Các lĩnh vực văn hóa - xã hội tiếp tục phát triển và có nhiều tiến bộ; an sinh xã hội được bảo đảm, tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể. Công tác “Đền ơn đáp nghĩa”, chăm lo đời sống các gia đình chính sách, người có công được quan tâm. Công tác quốc phòng, quân sự địa phương được củng cố. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Các hoạt động giao lưu, hợp tác, đối ngoại được tăng cường mở rộng.
Với những kết quả đã đạt được, theo dòng chảy của lịch sử, quá trình hình thành và phát triển của Phúc Thọ ngày càng tỏa sáng từ những giá trị truyền thống Anh hùng, văn hóa, khoa bảng. Những giá trị này sẽ mãi trường tồn cùng năm tháng và đó cũng là đòn bẩy, là động lực để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Phúc Thọ vững bước đi lên cùng công cuộc đổi mới; đóng góp tích cực cho sự phát triển chung của Thủ đô Hà Nội.