Phát huy tryền thống cần cù trong lao động sản xuất, anh dũng trong chống giặc ngoại xâm, bền bỉ trong công cuộc xây dựng đất nước, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Kim Bảng không ngừng phấn đấu, gặt hái được những thành tựu vượt bậc trong mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội, xứng đáng với danh hiệu “Anh hùng Lao động” thời kỳ đổi mới và Huân chương Độc lập hạng Nhất mà Đảng và Nhà nước trao tặng.
Huyện Kim Bảng nằm ở phía tây bắc của tỉnh Hà Nam, cách thành phố Phủ Lý khoảng 12 km, cách trung tâm thủ đô Hà Nội khoảng 60 km. Kim Bảng nằm trong vùng tiếp xúc giữa vùng trũng Đồng bằng sông Hồng và dải đá trầm tích ở phía Tây nên có địa hình khá đa dạng cùng với hệ thống di sản văn hóa phong phú, đặc sắc. Trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, ngày nay thực hiện công cuộc đổi mới, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân huyện Kim Bảng luôn bám sát định hướng chỉ đạo của tỉnh, phát huy tinh thần đoàn kết, nỗ lực vượt khó, đồng sức đồng lòng xây dựng kinh tế ngày càng phát triển, văn hóa - xã hội ngày càng khởi sắc, đóng góp tích cực vào sự phát triển của Hà Nam hôm nay.
Huyện Kim Bảng là địa phương đi đầu trong phong trào xây dựng nông thôn mới ở Hà Nam (Ảnh: Một góc huyện Kim Bảng)
Phát triển mạnh mẽ về kinh tế
Trải qua quá trình không ngừng cố gắng, nỗ lực, những năm gần đây, Kim Bảng đã khoác lên mình diện mạo của một huyện nông thôn mới với tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm tăng bình quân trên 13%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, xây dựng từ 65,1% (2011) lên 67,2% (2021); dịch vụ tăng từ 17,8% (2011) lên 25,6% (2021); giảm tỷ trọng nông - lâm - thủy sản từ 17,1% (2011) xuống còn 7,2% (2021)…
Một trong những thành tựu nổi bật của Kim Bảng là chương trình xây dựng Nông thôn mới (NTM) được triển khai mạnh mẽ, đồng bộ, hiệu quả. Đến hết năm 2017, 16/16 xã đạt chuẩn NTM, huyện đạt chuẩnNTM (về đích trước 03 năm so với mục tiêu đề ra). Kim Bảng vinh dự được Chính phủ tặng thưởng Cờ thi đua “Chung sức xây dựng nông thôn mới”; năm 2020 được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba về phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2016 - 2020. Đến năm 2021, 04 xã Thanh Sơn, Thi Sơn, Nguyễn Úy, Nhật Tựu thuộc Kim Bảng được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn xã NTM kiểu mẫu. Giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản tăng bình quân 3,4%/ năm. Trồng trọt chuyển dịch theo hướng chuyển trọng tâm sản xuất từ sản lượng sang chất lượng và hiệu quả. Chăn nuôi, thủy sản phát triển theo hướng nâng cao giá trị gắn với bảo vệ môi trường; quản lý tốt dịch bệnh; triển khai có hiệu quả các giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy chăn nuôi phát triển.
Kim Bảng – Huyện Nông thôn mới
Nhờ tập trung phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp nên giá trị sản xuất trong lĩnh vực này tăng bình quân trên 20%/năm và đồng đều ở cả 04 khu vực (doanh nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề, dân doanh). Đến nay, trên địa bàn huyện có 298 doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả trong các lĩnh vực chủ yếu là may công nghiệp, sản xuất vật liệu xây dựng, cơ khí, chế biến gỗ, đồ thủ công mỹ nghệ... thu hút được trên 12.000 lao động. Trong đó có 83 doanh nghiệp đầu tư vào 03 cụm công nghiệp và 01 khu công nghiệp (Đồng Văn 4) được triển khai đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ, diện tích 300 ha, tỷ lệ lấp đầy 100%. Duy trì và phát triển 04 làng nghề, 63 làng có nghề; bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống Gốm (Quyết Thành). Công tác giảm nghèo được xác định là nhiệm vụ hàng đầu, nên đã được tập trung chỉ đạo, số hộ nghèo giảm từ năm 2011-2021 năm là trên 5.000 hộ, tỷ lệ hộ nghèo đến năm 2021 giảm còn 1,34%.
Hoạt động thương mại, dịch vụ phát triển rộng khắp, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội bình quân tăng trên 21%, đến năm 2021 đạt 4.733 tỷ đồng. Thu hút đầu tư, triển khai thực hiện nhiều công trình, dự án dịch vụ, thương mại có quy mô lớn như: sân golf Kim Bảng, Khu văn hóa tâm linh Tam Chúc (Ba Sao), Khu Du lịch Quốc tế đa năng (Tượng Lĩnh),... Thu hút 28 dự án khu đô thị, nhà ở thương mại, khu dịch vụ vào địa bàn 16 xã, thị trấn, trong đó đã có 05 dự án đang triển khai đầu tư. Huy động các nguồn lực tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng, đặc biệt là cơ sở hạ tầng gắn với xây dựng nông thôn mới như trường học, trạm y tế, các công trình nước sạch; tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn trong 10 năm tăng bình quân trên 25%, đến năm 2021 đạt 6.950 tỷ đồng. Tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn trong 10 năm tăng bình quân trên 25%, đến năm 2021 đạt 6.950 tỷ đồng.
Kim Bảng có 1 Khu CN và 3 Cụm CN được đồng tư cơ sở hạ tầng đồng bộ
Chú trọng phát triển văn hóa – xã hội
Song song với phát triển kinh tế, Kim Bảng đặc biệt chú trọng nhiệm vụ xây dựng và phát triển văn hóa - xã hội. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tiếp tục được nhân rộng, có 91% gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa; tỷ lệ thôn, tổ dân phố văn hóa công nhận hàng năm đạt 100%. Trong xây dựng NTM, các địa phương luôn gìn giữ, phát huy nét đẹp văn hóa quê hương. Các công trình kiến trúc, phong tục tập quán, tín ngưỡng, các loại hình văn hóa nghệ thuật tại các làng xã được bảo tồn hiệu quả. Duy trì các lễ hội truyền thống theo tinh thần bảo lưu, kế thừa những giá trị quý báu của văn hoá dân tộc và sắc thái văn hoá riêng của quê hương. Nhờ đó, công tác giáo dục truyền thống yêu nước, đạo lý "uống nước nhớ nguồn" và bản sắc văn hoá độc đáo của từng làng quê được khơi dậy, phát huy. Phong trào xây dựng văn hóa ở cơ sở phát triển mạnh mẽ, tình làng nghĩa xóm ngày càng được thắt chặt, đời sống kinh tế ngày càng được nâng cao, hộ nghèo giảm dần qua các năm.
Sự phong phú của lễ hội không chỉ là nét đẹp văn hóa dân tộc mà còn là một sản phẩm du lịch tâm linh hấp dẫn nhiều du khách. Là mảnh đất có bề dầy truyền thống với nhiều di tích lịch sử văn hóa được xếp hạng, cùng các lễ hội đặc sắc, Kim Bảng đẩy mạnh xây dựng, quảng bá và khjai thác hiệu qảu các điểm du lịch của địa phương, thu hút khoảng 1 triệu khách tham quan. Hát Dặm Quyển Sơn, Lễ hội chùa Bà Đanh được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia. Đặc biệt, những năm gần đây, Hà Nam nổi lên trên bản đồ du lịch cả nước với Khu Du lịch quốc gia Tam Chúc (Ba Sao – Kim Bảng) – địa điểm du lịch nổi tiếng với ngôi chùa được xem là lớn nhất thế giới, cùng cảnh quan và địa thế hiếm thấy, ẩn mình trong quần thể núi đá vôi độc đáo, được ví như chốn bồng lai tiên cảnh. Năm 2019, huyện Kim Bảng đã tham gia tổ chức Lễ hội Chùa Tam Chúc và Đại lễ Vesak Liên hiệp quốc tại Chùa Tam Chúc, thu hút đông đảo du khách quốc tế và trong nước tham dự; góp phần giới thiệu, quảng bá hình ảnh đất nước, con người, văn hóa truyền thống, văn hóa phật giáo Việt Nam với quốc tế; thúc đẩy du lịch và phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn tỉnh nói chung và huyện Kim Bảng nói riêng.
Khu du lịch Chùa Tam Chúc huyện Kim Bảng (Hà Nam)
Hơn 2 năm qua, trong bối cảnh dịch bệnh Covid - 19 nhiều lần bùng phát gây khó khăn trên mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, xong với tinh thần đoàn kết, nỗ lực vượt khó, Kim Bảng vẫn hoàn thành mục tiêu kép vừa phòng chống dịch bệnh vừa phát triển kinh tế - xã hội. Qua đó, công tác phòng chống dịch bệnh được kiểm soát chặt chẽ. Các tiêu chí về y tế, giáo dục đều đạt mức cao. Công tác chính sách xã hội, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, xoá nghèo... được đẩy mạnh. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn được giữ vững. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền được triển khai nghiêm túc, có hiệu quả.
Với những thành tựu to lớn đạt được, huyện Kim Bảng vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân Chương Độc lập hạng Ba (năm 2007), Huân chương Độc lập hạng Nhì (năm 2011); nhiều năm liền được Chính phủ tặng Cờ thi đua; được tỉnh ghi nhận, đánh giá là đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua khối huyện, thành phố, thị xã trong nhiều năm liên tục. Hiện nay, Kim Bảng đang hoàn thiện hồ sơ, thủ tục đề nghị các cấp công nhận huyện trở thành đô thị loại IV, tiến tới thành lập thị xã Kim Bảng trước năm 2025. Đặc biệt, những ngày đầu năm 2022, Đảng bộ và nhân dân Kim Bảng hân hoan, tự hào tổ chức đón nhận Danh hiệu “Anh hùng Lao động” thời kỳ đổi mới và Huân chương Độc lập hạng Nhất, phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước trao tặng.
Vinh dự lớn lao mà Đảng và Nhà nước dành cho Kim Bảng vừa là sự ghi nhận, sự khích lệ động viên, song cũng đặt ra những trách nhiệm và mục tiêu to lớn hơn để Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân Kim Bảng quyết tâm đoàn kết một lòng, phấn đấu, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thách thức hoàn thành xuất sắc các mục tiêu, nhiệm vụ được giao xứng đáng với phần thưởng cao quý mà Đảng và Nhà nước trao tặng.
Như Thiệp – Như Quỳnh