Trong nhiều năm qua, công tác chỉ đạo triển khai thực hiện công tác dân tộc trên địa bàn huyện Khánh Vĩnh được Huyện ủy, HĐND, UBND huyện quan tâm, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn do chịu ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, tình hình dịch bệnh song công tác chỉ đạo đã tác động tích cực, tạo điều kiện thuận lợi ổn định tình hình kinh tế - xã hội của huyện, được thể hiện thông qua việc chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả các Chương trình, chính sách đối với vùng đồng bào DTTS và miền núi như: Chương trình giảm nghèo, Chương trình Nông thôn mới, Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, Chương trình 135…, đồng thời, phát huy vai trò, hiệu quả của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số có ý nghĩa chính trị to lớn trong việc phát triển kinh tế - xã hội của huyện góp phần giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, xây dựng hệ thống chính trị, tăng cường khối đoàn kết toàn dân tộc.
Qua đó, phát huy tốt việc vận động quần chúng, đồng bào các dân tộc chấp hành tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nhất là chủ trương, chính sách về công tác dân tộc, thực hiện chính sách dân tộc và đại đoàn kết các dân tộc; vận động, hướng dẫn đồng bào dân tộc thiểu số tích cực tham gia phát triển sản xuất, kinh doanh, giảm nghèo bền vững, hiến đất xây dựng các công trình công ích; xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất kinh doanh giỏi, làm giàu chính đáng, đoàn kết vượt khó, xây dựng gia đình văn hóa, làng, thôn, tổ văn hóa; phòng chống các tệ nạn xã hội, bài trừ các hủ tục lạc hậu, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh trên địa bàn.
Chia sẻ với phóng viên, ông Văn Ngọc Hường – Chủ tịch UBND huyện Khánh Vĩnh cho biết: Đến nay, công tác chỉ đạo triển khai công tác dân tộc trên địa bàn huyện được thực hiện khá hiệu quả, triển khai thực hiện tốt việc lồng ghép các nguồn vốn, nhiệm vụ của các Chương trình mục tiêu quốc gia. Cơ sở hạ tầng thiết yếu trên địa bàn khu vực đồng bào DTTS và miền núi được hoàn thiện theo tiêu chí nông thôn mới, đảm bảo tạo được quỹ đất, đi lại vận chuyển hàng hóa trong mùa mưa đạt 100%. Các mô hình phát triển sản xuất về trồng trọt và chăn nuôi tiếp tục được khuyến khích phổ biến, nhân rộng đã tạo hiệu quả tích cực trong việc nâng cao đời sống, thu nhập, góp phần giảm nghèo bền vững đối với đồng bào DTTS, miền núi. Tình hình an ninh, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn được giữ vững, nhận thức pháp luật của người dân được chuyển biến tích cực, các vấn đề về tôn giáo, dân tộc ổn định.
Ngoài ra, các chính sách về giáo dục, y tế, văn hóa – xã hội, đào tạo nghề trên địa bàn được huyện quan tâm chỉ đạo thực hiện đạt được nhiều kết quả khả quan như: thu nhập bình quân đầu người đạt 22,6 triệu đồng tăng 1,5- 2 lần so với đầu giai đoạn; tỷ lệ thôn, tổ dân phố có nhà sinh hoạt cộng đồng 92,3%; năm 2022, số hộ nghèo giảm 321 hộ/429 hộ, tỷ lệ hộ nghèo giảm 3,05%/4,11% đạt 74,2% so với kế hoạch giao đầu năm 2022; kết cấu hạ tầng như các công trình giao thông, y tế, giáo dục,.. đã được đầu tư xây dựng, đáp ứng nhu cầu của người dân, đến nay, trên địa bàn toàn huyện, có 100% số xã có đường giao thông đến trung tâm xã đã được cứng hóa, 100% số thôn có đường giao thông đi lại hai mùa; 100% xã có điện lưới quốc gia và phủ sóng phát thanh truyền hình...
Bên cạnh những thành tích đáng ghi nhận, công tác triển khai thực hiện công tác dân tộc và chính sách dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, tồn tại không ít hạn chế như thời gian thực hiện chính sách ngắn, thiếu tính chiến lược, hầu hết các chính sách đều mang tính chất hỗ trợ việc bố trí vốn đối ứng của địa phương gặp khó khăn do địa phương vùng dân tộc và miền núi đều phải nhận trợ cấp từ ngân sách Trung ương. Việc thực hiện chính sách thiếu đồng bộ, công tác phối hợp giữa các cơ quan, ban ngành chưa nhịp nhàng, chặt chẽ. Việc lồng ghép các chính sách trên địa bàn vùng dân tộc và miền núi còn nhiều khó khăn, bất cập. Mặt bằng dân trí trong cộng đồng các DTTS chưa đồng đều ảnh hưởng đến hiệu quả việc triển khai thực hiện các nội dung chính sách. Nhìn chung, ở vùng dân tộc và miền núi, kinh tế chậm phát triển so với tiềm năng của vùng và phát triển chưa vững chắc...
Nhằm đẩy mạnh và thực hiện hiệu quả việc triển khai công tác dân tộc trong giai đoạn 2022 - 2025, ngoài việc tiếp tục duy trì, phát huy những thành tích đã đạt được, chính quyền huyện Khánh Vĩnh đã xác định cần tập trung triển khai thực hiện một số giải pháp trọng tâm như tiếp tục quán triệt, nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho các tổ chức Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đoàn thể, nhân dân, về quan điểm, mục tiêu, nội dung được xác định trong Chương trình để các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị liên quan tổ chức thực hiện đạt kết quả cao. Thực hiện có hiệu quả các nội dung trong Kết luận số 65-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương (Khóa IX) “về công tác dân tộc trong tình hình mới” và Đề án phát triển tổng thể về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2021 – 2030, đã được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 8, nhằm phát triển bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên toàn tỉnh phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo của vùng đồng bào DTTS và miền núi giảm 4 -5%/năm. Tập trung nguồn lực cho thực hiện Chương trình, nhất là cho đầu tư phát triển và hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi, trước hết là hoàn thành việc làm mới và sửa chữa các tuyến đường giao thông vào khu sản xuất, phục vụ thông thương đi lại, vận chuyển nông, sản phẩm do đồng bào sản xuất ra. Tập trung giải quyết cơ bản nhà ở dột nát, thiếu nước sinh hoạt và đất sản xuất, phấn đấu đạt được mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của huyện một cách toàn diện, bền vững, giảm nghèo vùng DTTS, rút ngắn khoảng cách phát triển giữa các dân tộc. Xây dựng và phát triển đa dạng các Mô hình kinh tế hộ gia đình theo hướng nhân rộng một số cây trồng chủ lực của huyện gắn với tiêu thụ sản phẩm, hỗ trợ đồng bào DTTS phát triển chăn nuôi, phát triển kinh tế vườn rừng …
Triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tại 13 xã trên địa bàn huyện Khánh Vĩnh giai đoạn 2021-2025 với mục tiêu nâng cao số xã, số tiêu chí đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao; duy trì thành quả và nâng cao chất lượng tiêu chí đã đạt chuẩn nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho Nhân dân; xây dựng nông thôn có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phù hợp, cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn với phát triển nông nghiệp với công nghiệp, dịch vụ; gắn phát triển nông thôn với đô thị; xã hội nông thôn dân chủ, bình đẳng, ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc, môi trường sinh thái được bảo vệ; quốc phòng và an ninh, trật tự được giữ vững. Phấn đấu đến cuối năm 2025, trên địa bàn huyện Khánh Vĩnh có ít nhất 02 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó: có 01 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; không còn xã dưới 15 tiêu chí. Số tiêu chí đạt chuẩn nông thôn mới bình quân trên địa bàn huyện đến năm 2025 là 15,62 tiêu chí.
Ngoài công tác triển khai công tác dân tộc, phát triển kinh tế người đồng bào dân tộc thì việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá dân tộc cũng là một nhiệm vụ cấp bách, song song và hoà quyện giữa đời sống vật chất và tinh thần. Để bảo tồn các di sản văn hóa dân tộc thiểu số, huyện Khánh Vĩnh tổ chức trưng bày, triển lãm hình ảnh, hiện vật, dụng cụ sinh hoạt truyền thống của đồng bào các dân tộc thông qua các đợt tổ chức Liên hoan, Hội diễn, giao lưu văn hóa các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện và tham gia tỉnh. Tuyên truyền nhằm phát huy giá trị di sản văn hoá vào các ngày lễ lớn như ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam 30/4, ngày Quốc tế Lao động 01/5, ngày Quốc khánh 02/9, ngày Di sản văn hóa Việt Nam 23/11… Hội thi Tìm hiểu Di sản văn hóa cho đối tượng là các em học sinh trên địa bàn huyện. Ngoài ra, để khuyến khích các hộ gia đình dân tộc Raglai bảo tồn, gìn giữ và duy trì tổ chức Lễ Bỏ mả, Lễ cưới, Lễ Đền ơn đáp nghĩa, Lễ ăn mừng lúa mới theo nghi lễ truyền thống của dân tộc Raglai. Hàng năm, UBND huyện cũng đã bố trí kinh phí nhằm để phục dựng các Lễ hội của người đồng bào dân tộc thiểu số.
Hiện nay, huyện đang triển khai, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025. Trong đó, dự án 6 “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” cũng đang được triển khai. Theo đó, giai đoạn 2021-2025 sẽ tổ chức phục dựng Lễ ăn mừng đầu lúa mới – là một phong tục truyền thống lâu đời của dân tộc Raglai ở huyện Khánh Vĩnh; Phục dựng lễ cưới hỏi của người T’rin (Cơ – Ho). Hỗ trợ nghệ nhân người dân tộc thiểu số trong việc lưu truyền, phổ biến hình thức sinh hoạt văn hóa truyền thống và đào tạo, bồi dưỡng những người kế cận. Xây dựng câu lạc bộ sinh hoạt văn hóa dân gian tại các thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng di dân tái định cư. Hỗ trợ đầu tư bảo tồn làng văn hóa truyền thống tiêu biểu của các dân tộc thiểu số (T’rin)…
Tuấn Khôi - Võ Hà