22/01/2025 lúc 16:53 (GMT+7)
Breaking News

Huyện Đông Sơn (Thanh Hoá): Đẩy mạnh chuyển đổi số để phát triển toàn diện

Thời gian qua, công tác chuyển đổi số trên địa bàn huyện Đông Sơn đã được các cấp ủy, chính quyền quan tâm sâu sắc, chỉ đạo triển khai, thực hiện. Nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức và người dân về số hóa, ứng dụng số hóa và chuyển đổi số được nâng lên, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh trên địa bàn huyện.
Đoàn viên thanh niên huyện Đông Sơn hướng dẫn người dân cài đặt định danh điện tử.

Xác định Chuyển đổi số bắt đầu từ người dân, lấy người dân làm trung tâm, làm cho người dân nhận thấy công nghệ là hữu ích, thiết thực. Trên cơ sở bám sát các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của UBND tỉnh Thanh Hoá, Sở Thông tin và Truyền thông, UBND huyện Đông Sơn đã kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo về xây dựng, phát triển Chính quyền số và Chuyển đổi số đảm bảo tính khả thi, sát với đặc điểm, tình hình và nhu cầu phát triển của huyện. Đồng thời, thành lập Ban chỉ đạo về chuyển đổi số huyện, tổ giúp việc cho Ban chỉ đạo chuyển đổi số của huyện, ban hành quy chế hoạt động và chỉ đạo UBND các xã, thị trấn thành lập các Tổ công nghệ số cộng đồng. Đưa nền tảng số, công nghệ số, kỹ năng số đến người dân thông qua Tổ công nghệ số cộng đồng để thúc đẩy chuyển đổi số, đưa người dân lên môi trường số để người dân tiên phong sử dụng nền tảng số, công nghệ số, qua đó trở thành tác nhân thúc đẩy chính quyền chuyển đổi số mạnh mẽ hơn. Hiện nay, toàn huyện đã thành lập được 194 tổ công nghệ số cộng đồng với 355 thành viên, 14 ban chỉ đạo chuyển đổi số cấp xã với 271 thành viên. Lực lượng chủ yếu là đoàn viên, thanh niên, hội viên các tổ chức chính trị, xã hội và cán bộ thôn, xã; được đào tạo, tập huấn kiến thức, kỹ năng số, bảo đảm là những người ứng dụng thành thạo công nghệ trước khi trở thành tuyên truyền viên đưa công nghệ số đến với người dân. Có thể khẳng định hoạt động của Tổ công nghệ số cộng đồng thật sự là cánh tay nối dài của Ban Chỉ đạo chuyển đổi số cơ sở, luôn phát huy tốt thế mạnh gần dân, sát dân, nhiệt tình, trách nhiệm của các thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng từ đó tập hợp sức mạnh của toàn dân tham gia vào quá trình chuyển đổi số. Đây cũng là một trong những giải pháp mang tính đột phá mà các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Đông Sơn đã và đang triển khai.

Huyện Đông Sơn xác định chuyển đổi số là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, khâu đột phá trong giai đoạn hiện nay, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển toàn diện.

Theo đó, trong 9 tháng năm 2023 công tác chuyển đổi số trên địa bàn huyện Đông Sơn, bước đầu đã đạt được một số kết quả cụ thể, như: Về hạ tầng số, luôn duy trì mạng nội bộ kết nối internet băng thông rộng, đảm bảo an toàn, an ninh thông tin cấp độ 2 đối với cấp huyện, cấp độ 1 đối với cấp xã, đảm bảo quy định tại Nghị định 85/2016/NĐ-CP. Hệ thống camera an ninh tiếp tục được duy trì và tăng cường số mắt camera tại các vị trí quan trọng, cần thiết trên địa bàn huyện và tại địa bàn các xã, thị trấn phục vụ công tác đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn giao thông. Tổng số mắt camera toàn huyện là 421 mắt (Công an huyện quản lý 55 mắt; Công an cấp xã quản lý 366 mắt), tăng 109 mắt so với năm 2022 (cấp huyện tăng 9 mắt, cấp xã tăng 76 mắt). Hạ tầng viễn thông với tổng số trạm ăng ten viễn thông trên địa bàn toàn huyện duy trì 69 trạm (Vietel 30 trạm; Mobifone 15 trạm; VNPT 24 trạm, tăng 11 trạm so với năm 2022); hệ thống mạng cáp quang, mạng 3G/4G phủ sóng đến 100% các thôn, khu phố. Có 18 cơ quan, đơn vị trên địa bàn huyện, 14/14 UBND cấp xã và 35 trường học lắp đặt wifi miễn phí phục vụ người dân truy cập internet và 07 di tích cấp quốc gia trên địa bàn huyện đã tạo lập mã QR đường link đăng tải video di tích phục vụ du khách truy cập tìm hiểu thông tin, lịch sử di tích. Đồng thời, duy trì tỷ lệ 100% cán bộ, công chức được trang bị máy tính (01 máy tính/01 cán bộ công chức), đảm bảo cho công tác chuyên môn, tham mưu văn bản điện tử và tiếp nhận, giải quyết dịch vụ công trực tuyến trên môi trường mạng. Hệ thống phòng họp trực tuyến, phòng họp không giấy tiếp tục phát huy hiệu quả trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ chỉ đạo điều hành các cấp, trong 9 tháng, đã thực hiện 21 phiên họp trực tuyến và 33 phiên họp không giấy.

Về chính quyền số: Đã sử dụng ổn định, hiệu quả hệ thống quản lý văn bản và hồ sơ công việc (TD-office), cung cấp 100% tài khoản cho cán bộ, công chức, viên chức từ huyện đến xã thực hiện trao đổi văn bản trên hệ thống; tỷ lệ văn bản ký số của lãnh đạo và cơ quan duy trì ở mức cao. Tổng số văn bản được gửi đi trên phần mềm TDoffice tính đến ngày 20/9/2023, trong đó cấp huyện là 6.508/6.509 văn bản ký số của lãnh đạo, cơ quan đạt tỷ lệ 99,98%; cấp xã có 10.934/10.947 văn bản ký số của lãnh đạo, cơ quan đạt tỷ lệ 99,9%. Đồng thời, thực hiện đăng ký và cấp mới 138 chữ ký số cá nhân chuyên dùng chính phủ cho công chức các xã, thị trấn và 100% cán bộ, công chức chuyên môn, đơn vị sự nghiệp cấp huyện, cấp xã sử dụng thư điện tử công vụ đồng bộ với hệ thống đăng nhập tập trung của tỉnh. Ngoài ra, đã hoàn thành nâng cấp cổng thông tin điện tử của huyện và 14 trang thông tin điện tử các xã, thị trấn là thành phần của Trang thông tin điện tử của tỉnh với tên miền .thanhhoa.gov.vn; bổ sung liên kết các sàn thương mại điện tử trên trang thông tin điện tử, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư nghiên cứu, tìm hiểu cơ hội và thực hiện đầu tư trên địa bàn huyện; tiếp tục đăng tải, cập nhật thông tin, tuyên truyền các hoạt động chỉ đạo, điều hành, công khai thủ tục hành chính, minh bạch thông tin, phục vụ cho việc thực hiện nhiệm vụ chính trị và phát triển kinh tế - xã hội của huyện, của các xã, thị trấn.

Lực lượng Công an xã Đông Khê kiểm tra hoạt động của Hệ thống camera tại trụ sở làm việc Công an xã.

Về kinh tế số: Huyện đã phối hợp với các đơn vị viễn thông, Bưu điện huyện Đông Sơn, hướng dẫn các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể tham gia sàn giao dịch điện tử voso, posmart, nông sản thanh hóa (VNPT); cung cấp tem truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm OCOP của huyện. Điển hình như, có 14 sản phẩm OCOP trên địa bàn huyện đã được đưa lên sàn Postmart và sàn nông sản an toàn Thanh Hoá như bí xanh sơ chế, măng tây của DN Hiền Nhuần, dưa vàng, dưa chuột baby của DN Thiên Trường 36, xã Đông Tiến; gạo Ngọc Trai, Hương Thanh 2 của DN Sao Khuê, xã Đông Hoàng; giò Dũng Hiền, xã Đông Ninh, bánh đa nem mềm An Chi, xã Đông Văn; chả quế Tám Thu, xã Đông Quang; hương truyền thống Đức Minh, xã Đông Khê); Giò lụa Đức Thảo xã Đông Phú; Nước uống đóng chai Nam Anh xã Đông Nam; Dưa vàng Tfarm xã Đông Thịnh, tăng 03 sản phẩm so với năm 2022.

Về xã hội số: Hoạt động của các Tổ Công nghệ số cộng đồng đã phát huy hiệu quả lan tỏa phổ cập kiến thức về chuyển đổi số tới đông đảo người dân trên địa bàn huyện. Người dân đã cài đặt ứng dụng VNeID trên thiết bị di động để thực hiện các giao dịch cơ bản trên môi trường số. Hình thức thanh toán không dùng tiền mặt ngày càng phổ biến và trở thành xu hướng thanh toán chủ yếu trong cộng đồng. Các giao dịch thanh toán với cơ quan chính quyền trong việc trả phí, lệ phí thực hiện thủ tục hành chính; thanh toán viện phí, học phí; thanh toán dịch vụ điện, nước… đã trở thành phương thức thanh toán chủ đạo của người dân trên địa bàn huyện. Đồng thời, huyện tiếp tục chỉ đạo ngành giáo dục duy trì hiệu quả các phần mềm kiểm định chất lượng giáo dục, cài đặt các ứng dụng vnEdu Teacher, vnEdu Connect, phần mềm tuyển sinh đầu cấp, phần mềm quản lý học tập (LMS) và thi trực tuyến.

Đại diện chủ một cửa hàng kinh doanh dịch vụ và thương mại trên địa bàn xã Đông Văn, huyện Đông Sơn chia sẻ: “Qua tuyên truyền, vận động của chính quyền địa phương, sự hướng dẫn tận tình của nhân viên ngân hàng, hiện nay tôi đã thành thạo việc thực hiện các giao dịch thanh toán và hướng dẫn cho các khách hàng cùng sử dụng để thuận tiện hơn trong thanh toán tiền hàng an toàn, nhanh chóng. Việc kinh doanh nhận được rất nhiều thuận lợi; không mất thời gian tính toán, thanh toán; chủ động kiểm soát hàng hóa; Khách hàng không bị quên ví, thiếu tiền. Sắp tới tôi sẽ áp dụng chính sách Vn pay để tạo mã giảm giá cho khách hàng, ví dụ như đơn hàng 300 nghìn thì có thể tạo mã giảm giá cho khách hàng từ 15 đến 30 nghìn.”

Để thực hiện tốt chương trình chuyển đổi số trên địa bàn huyện, trong thời gian tới, UBND huyện chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương quan tâm chỉ đạo đối với nhiệm vụ ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số một cách tích cực, hiệu quả; đưa yêu cầu, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số vào kế hoạch phát triển kinh tế xã hội hàng năm. Các ngành triệt để sử dụng các sản phẩm phần mềm do bộ, ngành Trung ương đầu tư triển khai theo ngành dọc, bảo đảm đồng bộ, tích hợp. Bên cạnh đó, các ngành, đoàn thể, địa phương tiếp tục tập huấn, hướng dẫn cho các thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng về các nền tảng số; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhằm nâng nhận thức cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động và Nhân dân về tầm quan trọng, tính cấp thiết của việc chuyển đổi số, cũng như lộ trình xây dựng chính quyền số, phát triển nền kinh tế số, xã hội số của huyện trong những năm tới./.     

Hải Nam