13/01/2025 lúc 06:35 (GMT+7)
Breaking News

Huyện Châu Thành, Long An: Sự khởi sắc kỳ diệu của một vùng quê

Không còn đường đất sình lầy, không còn nhà tạm, dột nát; nhắc đến Châu Thành hôm nay ai cũng biết đó là vùng quê trù phú với những mái nhà khang trang xen lẫn vườn thanh long xanh mướt. Để hình dung rõ sự khởi sắc kỳ diệu của huyện Châu Thành hôm nay, hãy lắng nghe cuộc trò chuyện của PV báo cùng Ông Nguyễn Văn Khải – Chủ tịch UBND huyện Châu Thành.

VNHN - Không còn đường đất sình lầy, không còn nhà tạm, dột nát; nhắc đến Châu Thành hôm nay ai cũng biết đó là vùng quê trù phú với những mái nhà khang trang xen lẫn vườn thanh long xanh mướt. Để hình dung rõ sự khởi sắc kỳ diệu của huyện Châu Thành hôm nay, hãy lắng nghe cuộc trò chuyện của PV VNHN cùng Ông Nguyễn Văn Khải – Chủ tịch UBND huyện Châu Thành.

Ông Nguyễn Văn Khải - Chủ tịch Huyện trao bằng khen cho lực lượng tuyến đầu chống dịch covid - 19

PV: Là huyện thuần nông, có xuất phát điểm thấp, nhưng Châu Thành hôm nay đã trở thành một huyện năng động và giàu tiềm năng phát triển?

Ông Nguyễn Văn Khải: Huyện Châu Thành hiện là thủ phủ thanh long của tỉnh. Đây cũng là địa phương đầu tiên xây dựng thành công huyện nông thôn mới. Ngày nay, khi đến Châu Thành, mọi người sẽ không khỏi ngạc nhiên, ngỡ ngàng, xen lẫn tự hào về vùng đất trù phú, thuận lợi. Có được thành công này cũng nhờ sự quan tâm, giúp đỡ, hỗ trợ của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các sở, ngành tỉnh đồng thuận với huyện trong thực hiện các nhiệm vụ, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội qua từng thời kỳ.

Qua mỗi giai đoạn, Châu Thành luôn nêu cao tinh thần tập trung của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở và có được sự đồng thuận của nhân dân cùng quyết tâm chung vì mục tiêu xây dựng hệ thống tổ chức chính trị ngày càng vững mạnh, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Không chỉ vậy, căn cứ vào tình hình thực tế tại địa phương, địa phương đã luôn có những quyết định đúng hướng trong việc thực hiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, chuyển từ cây lúa sang trồng cây thanh long gắn với áp dụng nông nghiệp công nghệ cao vào trong sản xuất sản phẩm nông nghiệp và nuôi tôm ở các địa phương vùng hạ của huyện.

PV: Riêng công tác phòng, chống dịch Covid-19 được Châu Thành chú trọng ra sao?

Ông Nguyễn Văn Khải: Có thể nói, thành công trong công tác phòng, chống dịch bệnh được kết tinh từ nhiều yếu tố. Đó chính là nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh, Ban Chỉ đạo huyện cùng các cấp ủy, chính quyền, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các ban, ngành huyện và nỗ lực không mệt mỏi của đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế, các lực lượng thực hiện nhiệm vụ nơi tuyến đầu chống dịch. Việc triển khai các văn bản cấp trên được mọi tầng lớp nhân dân thống nhất đồng tình thực hiện và chấp hành nghiêm trong công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19.

Đặc biệt, tất cả cán bộ, công chức, viên chức cơ quan, đơn vị từ huyện đến xã đều tham gia vào các nhiệm vụ chống dịch; đồng thời thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch. Đáng quý nhất là có sự tham gia quyên góp, ủng hộ phòng, chống Covid-19 của nhân dân, quý doanh nghiệp, quý mạnh thường quân trong và ngoài huyện. Điều này đã phần nào thể hiện sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, khẳng định vai trò, trách nhiệm của từng cá nhân, tập thể trong việc chung tay bảo vệ sức khỏe cộng đồng, góp phần sớm ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh gắn với phòng, chống dịch bệnh trong trạng thái bình thường mới.

Tặng hỗ trợ công tác phòng chống dịch tại xã Long Trì, Huyện Châu Thành

PV: Công tác giảm nghèo có vai trò quan trọng trong việc đạt mục tiêu xây dựng nông thôn mới, huyện Châu Thành đã quan tâm chỉ đạo vấn đề trên ra sao?

Ông Nguyễn Văn Khải: Công tác giảm nghèo thời gian qua luôn được sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của Huyện ủy, giám sát chặt chẽ của Hội đồng nhân dân, sự điều hành quyết liệt của UBND huyện và vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Các chính sách huyện đã thực hiện nhằm hỗ trợ người nghèo, người cận nghèo trên địa bàn thời gian qua thông qua các chính sách: tín dụng ưu đãi; hỗ trợ tín dụng cho học sinh - sinh viên; hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, cận nghèo và hộ có khó khăn về nhà ở; điện sinh hoạt; hỗ trợ y tế cho người nghèo, người cận nghèo; chính sách hỗ trợ về giáo dục… Không chỉ vậy, việc tiếp thu và ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào trong sản xuất của người dân ngày càng được nâng lên; chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi phù hợp với điều kiện tự nhiên. Kết quả, tỷ lệ giảm nghèo bình quân giai đoạn 2016-2020 đã đạt và vượt chỉ tiêu Nghị quyết đề ra, cụ thể: số hộ nghèo từ 680 hộ, chiếm 3,33% năm 2016 xuống còn 306 hộ, chiếm 1,02% vào cuối năm 2020 (giảm 806/415 hộ nghèo, đạt tỷ lệ 194%).

Ông Nguyễn Văn Khải - Chủ tịch UBND Huyện Châu Thành trao quà cho bà con

PV: Định hướng phát triển KT-XH của huyện trong thời gian tới là gì, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Khải: Mặc dù có nhiều lợi thế để phát triển, song, đánh giá khách quan rằng hiện nay Châu Thành vẫn cần được “đánh thức” các tiềm năng. Đặc biệt, để đáp ứng yêu cầu phát triển, đạt mục tiêu phát triển công nghiệp xanh, nông nghiệp sạch, công nghệ hiện đại; huyện Châu Thành cần ưu tiên đầu tư ứng dụng công nghệ cao, đạt chuẩn GAP cho sản phẩm nông nghiệp; đầu tư hạ tầng về thiết kế vườn thanh long theo hướng hữu cơ, chú trọng sản phẩm phụ từ vườn thanh long; đầu tư công nghệ cao trong quy trình nuôi tôm thẻ. Từng bước tạo sự kết nối của 172 doanh nghiệp, 19 hợp tác xã trên địa bàn, thúc đẩy cải tiến nâng cao trình độ công nghệ, đổi mới công nghệ, chuyển đổi số, áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng, công cụ cải tiến năng suất chất lượng nâng cao năng suất lao động, hiệu quả sản xuất. Hiện, huyện đã đề nghị bổ sung quy hoạch phát triển và tổ chức không gian phát triển kinh tế - xã hội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 tích hợp vào quy hoạch tỉnh trước mắt 04 khu công nghiệp với tổng diện tích 2.867 ha.

Thanh Long ruột đỏ - đặc sản ở huyện Châu Thành

Châu Thành đang từng bước xây dựng nền “nông nghiệp tuần hoàn” với các sản phẩm nông nghiệp chính (thanh long, tôm, thủy sản bản địa, gia cầm vật nuôi,...) đảm bảo theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, thực hiện chuyển đổi số nông nghiệp, tự động hóa… ứng dụng công nghệ sinh học, tiết kiệm năng lượng, công nghệ mới. Trên cơ sở xúc tiến đầu tư các dự án về du lịch và dịch vụ du lịch, phát huy lợi thế của địa phương dọc theo Sông Vàm Cỏ Tây 37,5km, Sông Tra 10km với các cồn nhỏ và lợi thế vùng đặc thù vườn thanh long… Qua đó, phát triển du lịch sông nước, sinh thái, phong phú kết hợp du lịch nông nghiệp truyền thống, góp phần nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân. Đến hôm nay, người dân Châu Thành hoàn toàn có quyền tự hào về vùng đất quê hương mình, và tự tin về tương lai sáng ngời cho cuộc sống tươi đẹp hơn ở tương lai!

Xin cảm ơn ông!