13/01/2025 lúc 02:18 (GMT+7)
Breaking News

Huyện Bá Thước: Chú trọng xây dựng sản phẩm OCOP gắn với phát triển du lịch

Là địa phương hội tụ tiềm năng phát triển đa dạng các sản phẩm với đặc trưng và sắc thái riêng, huyện Bá Thước đang trong quá trình đầu tư, định hướng các làng nghề, các sản phẩm phù hợp với lợi thế, khả năng của địa phương để xây dựng thành sản phẩm OCOP tiêu biểu.

VNHN - Là địa phương hội tụ tiềm năng phát triển đa dạng các sản phẩm với đặc trưng và sắc thái riêng, huyện Bá Thước đang trong quá trình đầu tư, định hướng các làng nghề, các sản phẩm phù hợp với lợi thế, khả năng của địa phương để xây dựng thành sản phẩm OCOP tiêu biểu.

Huyện Bá Thước đang là điểm du lịch hấp dẫn của miền Tây xứ Thanh cũng như cả nước, thu hút nhiều du khách trong nước và quốc tế đến thăm quan, nghỉ dưỡng mà điểm nhấn là khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông. Chính sách hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh sẽ là điều kiện thuận lợi để địa phương tạo điều kiện hơn nữa cho các sản phẩm OCOP Bá Thước được trở thành sản phẩm hàng hóa nông thôn tiêu biểu có giá trị. Trong đó, phát triển các sản phẩm OCOP gắn với du lịch đang là hướng đi mới được huyện tập trung nguồn lực thực hiện.

 Lạp sườn họ Hoàng là sản phẩm đạt chất lượng 3 sao

Ngay sau khi tỉnh Thanh Hoá bắt đầu triển khai thực hiện “Đề án Chương trình mỗi xã một sản phẩm” của Thủ tướng Chính phủ, huyện Bá Thước đã tổ chức thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Chương trình đến các xã, thị trấn. Thành lập Ban điều hành Chương trình và Hội đồng đánh giá sản phẩm OCOP huyện Bá Thước để tổ chức triển khai thực hiện. Xác định đây là nhiệm vụ và giải pháp quan trọng trong triển khai thực hiện Chương trình OCOP, huyện Bá Thước đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền cơ sở quán triệt sâu sắc về tầm quan trọng và ý nghĩa của Chương trình, thể hiện bằng ý chí và hành động thông qua việc đưa Chương trình OCOP vào Nghị quyết hành động của cấp ủy; kế hoạch, chương trình công tác chỉ đạo trọng tâm của chính quyền địa phương để triển khai thực hiện lâu dài và thường xuyên. Tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức về Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” thông qua các cuộc họp, hội nghị và tuyên truyền qua các đài truyền thanh của huyện và cơ sở. Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ, kiến thức về Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” cho cán bộ và các chủ thể sản xuất

Sau khi được vận động, tuyên truyền, tập huấn, chủ nhân các ý tưởng sản phẩm và các sản phẩm theo hướng dẫn của cán bộ OCOP đã xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh của đơn vị mình và nộp cho cán bộ OCOP. Ban điều hành OCOP huyện kiểm tra, xem xét, phân tích sự phù hợp của phương án sản xuất, kinh doanh của các chủ thể đối với Chương trình OCOP từ đó hỗ trợ, định hướng các chủ thể có ý tưởng sản phẩm và sản phẩm tham gia chương trình hoàn thiện phương án sản xuất, kinh doanh cho phù hợp với yêu cầu của Chương trình OCOP đề ra.

 Mật ong rừng Pù Luông được đánh giá là sản phẩm mang đặc sắc của huyện

Căn cứ vào kế hoạch đánh giá, chấm điểm, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh, huyện tổ chức đánh giá, chấm điểm phân hạng các sản phẩm cấp huyện trên cơ sở phiếu đánh giá của các thành viên hội đồng ban thư ký tổng hợp trình UBND huyện phê duyệt kết quả và trình Hội đồng đánh giá, chấm điểm, xếp hạng OCOP cấp tỉnh theo quy định. Sau khi sản phẩm được đánh giá phân hạng và xếp sao OCOP theo quy định, Ban điều hành OCOP huyện sẽ hỗ trợ xây dựng tinbài quảng bá sản phẩm trên hệ thống OCOP Quốc gia; phát sóng trên truyền hình hoặc đăng trên các trang báo, tạp chí của tỉnh, trung ương. Giới thiệu tham gia các Hội chợ do tỉnh, trung ương tổ chức. Hỗ trợ giới thiệu sản phẩm tại các điểm trưng bày và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa và tại các trung tâm OCOP Quốc gia, đồng thời huyện đã trưng bày gian hàng tại thị trấn Cành Nàng các sản phẩm OCOP và sản phẩm đặc trưng của địa phương. Sau hơn 2 năm triển khai thực hiện Chương trình, trên địa bàn huyện có 03 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao vào năm 2021 gồm: Mật ong rừng Pù Luông Bá Thước; lạp sườn họ Hoàng; Khâu nhục họ Hoàng, và sản phẩm Trà quýt hoi được đánh giá là sản phẩm tiềm năng của huyện. Về cơ bản thì các sản phẩm vẫn đáp ứng được chất  lượng, mẫu mã và các tiêu chuẩn OCOP.

 Khu vườn Quýt hoi của bà con dưới chân núi Pù Luông đại ngàn, đây là vùng nguyên liệu để sản xuất ra sản phẩm Trà quýt “Hoi”

Với mục tiêu phát huy lợi thế cây trồng đặc sản phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu, năng lực sản xuất của đồng bào DTTS, huyện Bá Thước đã tập trung phát triển các sản phẩm nông nghiệp có lợi thế. Từ chủ trương này đã tạo ra sản phẩm nông nghiệp gắn với phát triển du lịch sinh thái, góp phần giảm nghèo bền vững cho người dân trên địa bàn, trong đó có sản phẩm Trà Quýt hoi gắn liền với cuộc sống của dân tộc Thái, Mường bao đời nay “Hoi” trong tiếng Thái có nghĩa là con ốc nhỏ. Diện tích cây quýt hoi là khoảng 50 ha, được huyện Bá Thước xây dựng thành sản phẩm OCOP, trồng tại các xã Thành Sơn, Thành Lâm, Ban Công, Cổ Lũng, Lũng Niêm.  Hiện nay, cây quýt hoi Bá Thước đã được cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý.

Đưa chúng tôi đi thăm vườn quýt của hộ gia đình nằm xen trong những tán rừng đặc dụng trong khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, Anh Ngân Văn Hiên, bản kho Mường, xã Thành Sơn cho biết “Quýt hoi là giống cây bản địa phù hợp với khí hậu và thổ nhưỡng ở đây. Sau nhiều năm thoái hóa vì không được chăm sóc, nay giống quýt đã được phục tráng trở thành giống cây đem lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình…”.

 Sản phẩm Trà Quýt “Hoi” và Siro Quýt hoi được đánh giá là sản phẩm tiềm năng của huyện

Theo ông Nguyễn Văn Tâm, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Bá Thước, Chương trình sản phẩm OCOP là rất thiết thực cho người dân và đặc biệt là huyện Bá Thước rất phù hợp, phát huy được vai trò thế mạnh của địa phương vừa phát triển du lịch cộng đồng, phục vụ được lượng khách đến tham quan có quà tặng lưu niệm. Trong thời gian tới huyện Bá Thước sẽ tập trung phát triển thêm một số sản phẩm OCOP gắn liền với du lịch cộng đồng, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con vùng dân tộc thiểu số ngoài trồng cây ăn quả và nuôi vịt Cổ Lũng, huyện đang phát triển diện tích trồng rau, củ quả an toàn thực phẩm với diện tích trên 100 ha tại các xã Cổ Lũng, Điền Lư, Điền Trung, Thành Lâm, Thành Sơn và thị trấn Cành Nàng được chứng nhận an toàn thực phẩm…Ngoài ra huyện Bá Thước còn có giống lúa nếp hạt cau, nếp cái hoa vàng, mía tím cũng được địa phương xác định là sản phẩm đặc sản có lợi thế. Theo đó, đối với lúa gạo đặc sản tập trung tại các ruộng bậc thang ở các xã: Ban Công, Thành Sơn, Thành Lâm, Lũng Niêm, Cổ lũng và Lũng Cao, được trồng với diện tích khoảng 100 ha đã tạo cảnh quan du lịch, vừa là đặc sản phục vụ khách tham quan, du lịch tại địa phương.

Để thực hiện hiệu quả chương trình OCOP trong những năm tới, huyện sẽ tập trung tuyên truyền và truyền thông về Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) đến tất cả các cấp và các tầng lớp Nhân dân hiểu rõ về Chương trình để tích cực tham gia thực hiện, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp nhằm phát triển kinh tế khu vực nông thôn. Phát triển các sản phẩm OCOP trên cơ sở phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh để tạo ra các sản phẩm truyền thống, sản phẩm dịch vụ có lợi thế, có khả năng cạnh tranh trên thị trường, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Lựa chọn được sản phẩm tiêu biểu, có tiềm năng phát triển thành sản phẩm OCOP của huyện. Kiện toàn, xây dựng được bộ máy quản lý điều hành Đề án “Mỗi xã một sản phẩm” OCOP từ huyện đến xã. Phát huy vai trò quản lý nhà nước của chính quyền địa phương, đồng thời tạo mọi điều kiện thuận lợi thu hút khuyến khích hỗ trợ các chủ thể, người dân nhất là các doanh nghiệp tích cực tham gia chương trình OCOP của huyện. Tổ chức sản xuất, xây dựng thương hiệu gắn với phát triển thị trường tạo nên các chuỗi liên kết cho từng sản phẩm; có phương án hỗ trợ chủ thể của sản phẩm để quảng bá, giới thiệu, nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm. Đưa được các sản phẩm OCOP vào hệ thống chợ, Siêu thị, trung tâm thương mại, các điểm đến du lịch; có phương án hỗ trợ xây dựng các cửa hàng giới thiệu sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP của huyện và của cả tỉnh.

 Với lợi thế được thiên nhiên ưu ái, nên việc phát triển sản phẩm OCOP gắn liền với du lịch đang được huyện đầu tư và tận dụng tối đa nguồn lực

Việc lồng ghép xây dựng sản phẩm OCOP gắn với du lịch trên địa bàn huyện Bá Thước được đánh giá sẽ tận dụng được tối đa nguồn lực đầu tư. Sản phẩm OCOP sẽ góp phần làm phong phú cho chương trình du lịch, thu hút du khách, đồng thời hoạt động du lịch góp phần tiêu thụ và nâng cao giá trị cho sản phẩm OCOP. Từ đó, việc quan tâm đầu tư, tạo dựng sản phẩm OCOP sẽ thuận lợi hơn, giúp nâng tầm sản phẩm, quảng bá hình ảnh du lịch tại địa phương, nâng cao thu nhập cho người dân, hướng tới phát triển du lịch và phát triển nông thôn bền vững./.