19/01/2025 lúc 22:24 (GMT+7)
Breaking News

Hưng Yên với mục tiêu thành tỉnh công nghiệp hiện đại vào năm 2025

Với những kết quả đạt được trong nhiệm kỳ nhiệm kỳ 2015 - 2020, Hưng Yên hướng mục tiêu tổng quát đến năm 2025 là: “Xây dựng Hưng Yên thành tỉnh công nghiệp hiện đại, nông nghiệp hiệu quả cao, phát triển nhanh và bền vững”.

Với những kết quả đạt được trong nhiệm kỳ nhiệm kỳ 2015 - 2020, Hưng Yên hướng mục tiêu tổng quát đến năm 2025 là: “Xây dựng Hưng Yên thành tỉnh công nghiệp hiện đại, nông nghiệp hiệu quả cao, phát triển nhanh và bền vững”.

Diện mạo mới trên mảnh đất Hưng Yên

Điểm tựa vững chắc

Nhờ sự chung sức, đồng lòng, tích cực đổi mới sáng tạo, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Hưng Yên đã nỗ lực thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015 - 2020 trên tất cả các lĩnh vực.

Năm 2019, quy mô GRDP của Hưng Yên đạt 92.854 tỷ đồng (đứng thứ 20/63 tỉnh, thành phố trong cả nước). Cơ cấu kinh tế: Công nghiệp, xây dựng chiếm 62,15%; nông nghiệp, thủy sản (8,44%); thương mại, dịch vụ (29,41%). Thu ngân sách đạt hơn 16 nghìn tỷ đồng. Giá trị thu nhập bình quân/héc-ta đất canh tác đạt 202,5 triệu đồng. Tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2016 - 2020 đạt 8,81%/năm. GRDP bình quân đầu người đạt 80,62 triệu đồng, gấp 1,64 lần so với năm 2015.

Hưng Yên đã triệt để khai thác lợi thế vốn có (Nằm ở trung tâm đồng bằng sông Hồng, sát Thủ đô Hà Nội, có nguồn lực dồi dào, giao thông thuận lợi), đặc biệt chú trọng thu hút đầu tư trong và ngoài nước vào phát triển công nghiệp và dịch vụ. Giai đoạn 2016 - 2020, Hưng Yên thu hút 816 dự án đầu tư, tăng 34,4%, so với giai đoạn 2011 - 2015, nâng tổng số dự án đăng ký đầu tư trên địa bàn tỉnh Hưng Yên lên 1.985 dự án, tổng số vốn đăng ký tương đương trên 11 tỷ USD (mục tiêu đạt 10 tỷ USD); 1.034 dự án đi vào hoạt động; giải quyết việc làm thường xuyên cho trên 17,8 vạn lao động.

Quy mô vốn đầu tư phát triển tăng nhanh. Tổng vốn huy động toàn xã hội giai đoạn 2016 - 2020 đạt trên 157 nghìn tỷ đồng, gấp gần 2 lần giai đoạn 2011 - 2015, trong đó, nguồn vốn nhà nước chiếm trên 15%, vốn đầu tư ngoài nhà nước chiếm 52%, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài chiếm 33%.

Cơ cấu sản xuất nông nghiệp chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng năng suất, chất lượng. Giá trị sản xuất nông nghiệp năm 2020 tăng 1,14 lần so với năm 2015. Giá trị bình quân trên 1ha canh tác đạt 210 triệu đồng, tăng 60 triệu đồng/ha so năm 2015.

Hoàn thành sớm Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và Đề án xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020 của tỉnh. Đến hết năm 2019, toàn tỉnh có 145/145 xã (đạt 100%) đạt chuẩn nông thôn mới, 5/10 huyện, thị xã, thành phố đạt và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, 28 xã hoàn thành tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao.

Thương mại, dịch vụ được quan tâm phát triển, giá trị sản xuất năm 2020 ước đạt 24.835 tỷ đồng, gấp 1,43 lần so với năm 2015. Công tác tài chính, ngân sách đạt kết quả tích cực. Các thành phần kinh tế được quan tâm và tạo điều kiện phát triển. Chất lượng giáo dục toàn diện được nâng lên, hệ thống trường, lớp phát triển cân đối về quy mô, loại hình theo hướng chuẩn hóa. Văn hóa, thể dục - thể thao và thông tin, truyền thông có nhiều tiến bộ. Khoa học và công nghệ được ứng dụng mạnh mẽ. Các biện pháp phòng, chống dịch bệnh hiệu quả. Công tác xã hội và an sinh xã hội được triển khai thực hiện tốt. Quốc phòng, an ninh bảo đảm vững chắc.

Phấn đấu đạt mục tiêu

Trên cơ sở những kết quả đạt được, đồng thời, căn cứ vào điều kiện và nguồn lực thực tế của địa phương, Hưng Yên hướng mục tiêu tổng quát đến năm 2025 là: “Xây dựng Hưng Yên thành tỉnh công nghiệp hiện đại, nông nghiệp hiệu quả cao, phát triển nhanh và bền vững”.

Tỉnh đề ra nhóm chỉ tiêu về kinh tế với 3 trụ cột là “kinh tế, xã hội và môi trường”, chú trọng thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để Hưng Yên không chỉ là tỉnh phát triển về kinh tế, mà còn là tỉnh vững mạnh về văn hóa của vùng Bắc Bộ.

Trong những năm tới, tỉnh đẩy mạnh phát triển các ngành: Giao thông - vận tải, công nghiệp mới, công nghiệp phụ trợ, doanh nghiệp dịch vụ...; đa dạng hóa đầu tư, thu hút các nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước, doanh nghiệp công nghiệp lớn trong khu vực và thế giới; hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật đồng bộ ở các khu, cụm công nghiệp, tạo liên kết chuỗi sản xuất, trở thành động lực cho phát triển công nghiệp. Huy động nguồn lực, lựa chọn hình thức đầu tư phù hợp, tập trung đầu tư các công trình có vai trò động lực, thúc đẩy phát triển... Triển khai đầu tư xây dựng các khu đô thị lớn. Xây dựng cơ chế đặc thù để thành phố Hưng Yên đạt đô thị loại II, thị xã Mỹ Hào cơ bản đạt tiêu chí thành phố và một số khu vực đạt tiêu chí đô thị loại IV.

Đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp, chuyển đổi nhanh cơ cấu cây trồng, vật nuôi và chú trọng cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao; phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chế biến sâu, xây dựng thương hiệu, phát triển hệ thống cung ứng kết nối hiệu quả với thị trường, gắn với xây dựng nông thôn mới, đưa tỉnh Hưng Yên trở thành trung tâm cung cấp các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao cho vùng, cả nước và vươn ra xuất khẩu.

Đổi mới thu hút đầu tư phát triển du lịch, đề ra chiến lược, kế hoạch, giải pháp cụ thể để từng bước đưa du lịch của tỉnh trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, nổi bật bản sắc văn hóa, lịch sử Phố Hiến cổ.

Tổ chức triển khai xây dựng chính quyền điện tử hiệu quả, bền vững; chuyển đổi số, phát triển kinh tế số. Phát triển hạ tầng băng thông rộng phủ 100% số xã, phường, thị trấn và trên 95% số hộ gia đình; sớm triển khai phát sóng 5G và phổ cập điện thoại thông minh.

Đổi mới mạnh mẽ phong cách làm việc, tinh thần phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa - xã hội, thực hiện tốt an sinh xã hội. Phát triển đô thị, nâng cao đời sống của nhân dân, xây dựng Hưng Yên trở thành đô thị hiện đại, thông minh, xanh, sạch, đẹp, hấp dẫn./.