VNHN - Từ một địa phương nằm trong nhóm 3 tỉnh có thu thấp nhất cả nước, đến nay Hưng Yên đã nằm trong số 16 tỉnh, thành phố tự cân đối thu chi và có điều tiết về Trung ương. Đến năm 2020, thu ngân sách của tỉnh đã tăng gấp gần 200 lần kể từ khi tái lập.
Mảnh đất Hưng Yên với diện tích không lớn, nhưng có thời là một trong Tứ trấn bảo vệ kinh thành Thăng Long. Hưng Yên, nơi bồi lắng, hội tụ và lan tỏa sự phong phú, độc đáo của vùng văn hoá châu thổ sông Hồng, là vùng đất có bề dày lịch sử hàng ngàn năm.
Hưng Yên từng nổi tiếng với địa danh Phố Hiến - chốn phồn hoa đô hội, nơi hội tụ bốn phương - một tiểu Tràng An, thương cảng hàng đầu của đất nước như từng được truyền tụng qua câu ca “thứ nhất Kinh Kỳ, thứ nhì Phố Hiến”.
Năm Minh Mệnh thứ 12 (năm 1831), danh xưng Hưng Yên chính thức được khai sinh với hàm ý gửi gắm ước vọng về vùng đất mãi hưng thịnh, yên bình. Đây là bước ngoặt quan trọng trong tiến trình lịch sử của tỉnh và khẳng định vị thế với những thành tựu rực rỡ mà cư dân nơi đây đã tạo dựng.
Sau 25 năm tái lập (kể từ ngày 1/1/1997), tỉnh Hưng Yên phát triển nhanh và khá toàn diện trên các lĩnh vực, tạo nhiều dấu ấn nổi bật. Từ một địa phương nằm trong nhóm 3 tỉnh có thu thấp nhất cả nước, đến nay Hưng Yên đã nằm trong số 16 tỉnh, thành phố tự cân đối thu chi và có điều tiết về Trung ương. Năm 2020, thu ngân sách của tỉnh đã tăng gấp gần 200 lần.
Kinh tế Hưng Yên liên tục tăng trưởng cao (bình quân 10,21%/năm). Quy mô GRDP tăng 43,5 lần và đứng thứ 16/63 tỉnh, thành phố; thu ngân sách nhà nước tăng nhanh, gấp hơn 210 lần và trở thành 1/16 tỉnh, thành phố tự cân đối được ngân sách nhà nước, có điều tiết về ngân sách trung ương từ năm 2017.
Hạ tầng kinh tế xã hội, nhất hạ tầng giao thông, hạ tầng nông thôn, đô thị phát triển tương đối đồng bộ làm thay đổi căn bản diện mạo của tỉnh với các tuyến đường bộ được kết nối thuận lợi, hình thành các khu đô thị mới sinh thái, hiện đại (tỷ lệ đô thị hóa đạt 41,5%); hạ tầng công nghiệp phát triển nhanh với 7 khu công nghiệp đang hoạt động thu hút nhiều dự án đầu tư lớn, sử dụng công nghệ hiện đại.
100% số xã, huyện đạt chuẩn nông thôn mới và được Thủ tướng Chính phủ công nhận tỉnh đạt nông thôn mới năm 2020, đứng thứ 3 cả nước và hiện đang hướng tới thực hiện các tiêu chí nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.
Nông nghiệp phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, năng suất, hiệu quả, chất lượng và an toàn.
An sinh xã hội, mức độ hưởng thụ, chất lượng cuộc sống của nhân dân được cải thiện rõ rệt (GRDP bình quân đạt 87,7 triệu đồng/người, gấp 35 lần). Tỷ lệ hộ nghèo giảm và ở mức thấp (hiện chỉ còn 1,32%).
Các lĩnh vực giáo dục - đào tạo, y tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh đều đạt được những thành tựu quan trọng. Toàn tỉnh hiện có 423 trường đạt chuẩn quốc gia, chiếm 79% tổng số trường. Nhiều học sinh đạt giải quốc gia, khu vực và quốc tế. Các giá trị văn hóa truyền thống được kế thừa, bảo tồn và phát huy.
Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh được quan tâm và thực hiện có hiệu quả. Hiệu quả hoạt động của chính quyền các cấp có sự chuyển biến tích cực; chú trọng xây dựng chính quyền liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ.
Khối đại đoàn kết toàn dân tiếp tục được củng cố, tăng cường; niềm tin của Nhân dân đối với Đảng được nâng lên. Quốc phòng, an ninh được giữ vững; trật tự, kỷ cương xã hội được tăng cường; quan hệ đối ngoại không ngừng được mở rộng./.