11/01/2025 lúc 10:02 (GMT+7)
Breaking News

HTX ứng dụng khoa học công nghệ cao vào sản xuất (Bài 1) Tiên phong làm nông nghiệp công nghệ cao

HTX Trường Anh, xã Hưng Đạo (thành phố Cao Bằng) là một trong những đơn vị đi đầu trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao ở tỉnh miền núi Cao Bằng.

LTS: Những năm qua, nhiều HTX trong vùng đồng bào dân tộc các tỉnh miền núi phía Bắc đã mạnh dạn ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN) vào sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản. Việc ứng dụng khoa học công nghệ vừa giúp các HTX giảm chi phí nhân công, nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm, gia tăng thu nhập cho thành viên, người lao động. Điều quan trọng hơn, việc làm này còn hạn chế được tình trạng “được mùa mất giá, được giá mất mùa”…

Nghỉ việc nhà nước trồng dâu tây

Với quyết tâm vượt qua khó khăn từ những ngày đầu lập nghiệp, chị Đoàn Thu Trà, dân tộc Tày, Giám đốc HTX Trường Anh cho biết, năm 2013, chị tốt nghiệp Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội (nay là Học viện Nông nghiệp Việt Nam) với tấm bằng loại khá. Trở về quê hương, chị Trà dự thi công chức và được tuyển dụng vào làm việc tại UBND xã Hưng Đạo, thành phố Cao Bằng với công việc chuyên môn là địa chính - nông nghiệp - xây dựng - môi trường. Cùng thời gian đó, chị Trà tiếp tục thi và học lên thạc sỹ ngành Khoa học cây trồng.

Sinh ra và lớn lên ở vùng quê gắn bó với nghề nông, đất đai phì nhiêu nhưng người dân bao năm qua vẫn chưa tìm ra cách làm giàu từ nông nghiệp. Chính điều đó đã thôi thúc chị cần phải bứt phá vươn lên. Vậy là chị đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng mới và áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình.

Qua nghiên cứu thực nghiệm ở Trung tâm Giống cây trồng Trâu Quỳ (Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Gia Lâm, Hà Nội), chị mạnh dạn tìm các loại giống cây ăn quả chất lượng cao như bưởi, cam, chanh, xoài, lê... về cho bà con ở quê trồng thử nghiệm. Chị còn hướng dẫn người mua cách trồng, chăm sóc, bón phân nào để cây cho ra nhiều hoa, kết nhiều quả và khi quả chín không những to, mọng mà còn cho vị ngon hấp dẫn.

Hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất

Với niềm đam mê với cây dâu tây, chị Trà nhờ bạn ở Hà Giang gửi cho 100 cây dâu tây giống về trồng thử nghiệm. Vụ đầu dâu tây cho quả bé, nhưng có vị ngọt hấp dẫn. Dù chưa đem lại hiệu quả như mong muốn, nhưng đã cho thấy khí hậu ở Cao Bằng cũng phù hợp, thích nghi với sự phát triển của dâu tây như Đà Lạt, Sa Pa, Mộc Châu…

Lần thử nghiệm tiếp theo, chị Trà nhờ người bạn ở Sơn La gửi cho 65 cây dâu tây giống lấy ở Mộc Châu. Lần này đem về trồng trong chậu nhựa, áp dụng chế độ chăm sóc tốt nên đã cho thu hoạch với năng suất, chất lượng cao hơn hẳn. Từ đó, Trà đã ấp ủ thành lập trang trại trồng dâu tây trong nhà kính tại địa phương. Để có thời gian, Trà đã quyết định xin thôi việc nhà nước để dồn toàn bộ thời gian nghiên cứu thành lập dự án của mình.

Tiên phong làm nông nghiệp công nghệ cao

Năm 2017, với số tiền tích góp trong quá trình đi làm, cùng với việc bán các loại cây giống, chị Trà có được một số vốn, đồng thời mạnh dạn vay thêm 50 triệu đồng để thực hiện ước mơ của mình.

Vậy là chị đầu tư xây dựng hệ thống nhà màng diện tích 500 m2 với tổng chi phí trên 100 triệu đồng để trồng dâu tây và trồng thêm hơn 1.000 m2 ngoài trời. Việc trồng dâu tây được tuân thủ nghiêm ngặt theo quy trình sản xuất sạch, công nghệ cao, sử dụng phân hữu cơ tạo môi trường cho trái dâu phát triển thuận lợi, đem lại năng suất vượt trội… Các giống dâu tây đem về trồng chủ yếu là giống New Zealand, Hàn Quốc, Nhật Bản…

Do áp dụng đúng quy trình kỹ thuật công nghệ cao, cây dâu tây sinh trưởng, phát triển tốt, giá bán tại vườn bình quân từ 250 - 300 nghìn đồng/kg, nếu chọn lọc quả to, đẹp và đóng hộp giá 350 - 400 nghìn đồng/kg. Với diện tích 1.500 m2, bước đầu cho thu nhập trên 300 triệu đồng.

Từ hiệu quả ban đầu, năm 2018, chị Trà tiếp tục đầu tư hơn 250 triệu đồng xây dựng thêm hơn 1.000 m2 nhà lưới, nâng diện tích nhà lưới lên hơn 1.500 m2 để trồng dâu tây và trồng 3.000 m2 dâu tây ngoài trời.

Cùng với dâu tây, chị Trà triển khai trồng 7.000 gốc hoa hồng các loại với diện tích 1 ha. Sau 2 năm chăm sóc đúng kỹ thuật, vườn hoa hồng phát triển tốt, hoa đẹp, nhân được nhiều cây con, giá bán từ vài trăm nghìn đồng đến vài triệu đồng/gốc. Chị còn đầu tư cả máy chế biến các loại sản phẩm từ hoa hồng, đó là nước hoa hồng, trà hoa hồng và chế biến luôn các loại hoa quả sấy khô.

Để hoạt động sản xuất, kinh doanh đi vào quy củ, có quy mô lớn, tháng 8/2019, chị Trà cùng 8 hộ gia đình khác đứng ra thành lập HTX nông nghiệp Trường Anh chuyên về trồng rau, đậu các loại, trồng hoa, cây ăn quả, chăn nuôi trâu, bò, lợn, gia cầm...

Cuối năm 2020, HTX đã đầu tư thêm hơn 1 tỷ đồng để làm 6.000 m2 nhà màng. Tận dụng thời gian chưa vào vụ dâu tây, chị Trà trồng các loại dưa như: dưa lê Kim Hân, dưa lưới, dưa lê siêu ngọt, dưa lê Hàn Quốc… Dưa được trồng áp dụng theo quy trình VietGAP, đảm bảo an toàn, chất lượng tốt. Dưa được trồng gối vụ liên tục, cứ khoảng 70 ngày cho thu hoạch một lứa.

Chị Trà chia sẻ: Thời gian đầu, do chưa có kinh nghiệm, kiến thức về trồng dâu tây nên gặp khá nhiều khó khăn. Ở đâu có mô hình trồng dâu tây hiệu quả là HTX cử cán bộ, người lao động đến học hỏi, chụp ảnh chi tiết để về học tập và làm theo, giúp giảm bớt chi phí. Ngoài ra, chị Trà còn thường xuyên tìm đọc sách nông nghiệp, tài liệu trên Internet để có thêm kinh nghiệm về trồng dâu tây, hoa hồng.

Khó khăn lớn nhất để triển khai dự án vẫn là nguồn vốn. Thấy mình có ý tưởng thay đổi cơ cấu cây trồng ở địa phương nên các cấp chính quyền sẵn sàng giúp đỡ như hỗ trợ kinh phí làm nhà kính từ Quỹ Phát triển kinh tế, xã hội của thành phố Cao Bằng.

Bên cạnh đó là nguồn vốn vay của Liên minh HTX, Hội Nông dân tỉnh, vay ngân hàng để mua sắm trang thiết bị như hệ thống nhà kính làm mát hiện đại, nhập và lắp đặt hệ thống tưới tiêu thông minh, mua máy chế biến sản phẩm từ hoa hồng và chế biến hoa quả, mua máy cày và ô tô chở hàng. Tổng chi phi đầu tư cho dự án mấy năm qua cũng lên đến vài tỷ đồng.

Hiện nay, quy mô sản xuất của HTX Trường Anh khoảng 4 ha, trong đó có 7.500 m2 hệ thống nhà màng chuyên trồng dâu tây, các loại dưa. Sản phẩm dâu tây của HTX đã được chứng nhận theo tiêu chuẩn VietGAP, được chứng nhận sản phẩm đạt OCOP 3 sao.

HTX còn tạo việc làm thường xuyên cho 4 lao động địa phương và khoảng 20 lao động thời vụ. Vườn dâu tây, dưa các loại, hoa hồng thời của HTX còn là điểm đến để du khách chụp ảnh, trải nghiệm hái quả tại vườn. Mỗi năm, trừ chi phí, HTX thu lãi gần 1 tỷ đồng.

Từ thành công bước đầu của HTX Trường Anh, nhiều cá nhân, doanh nghiệp cũng bắt đầu mạnh dạn đầu tư vào phát triển nông nghiệp hữu cơ tại nhiều địa phương, góp phần phát triển du lịch kết hợp nông nghiệp hữu cơ tại tỉnh Cao Bằng.

Thanh Bút