Tỉnh Sơn La hiện có 640 HTX, với trên 29.700 thành viên, trong đó có 532 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông lâm, ngư nghiệp. Giai đoạn 2016-2020, tỉnh đã bố trí trên 9,4 tỷ đồng từ các chương trình khuyến công, khuyến nông, từ quỹ KHCN cho nghiên cứu, triển khai các đề tài, dự án hỗ trợ các HTX đưa giống mới, công nghệ sinh học, bảo quản và chế biến nông sản vào sản xuất; xây dựng mô hình trình diễn tại HTX; hỗ trợ HTX ứng dụng sản xuất rau an toàn, hoa, cây cảnh xuất khẩu, các hoạt động xúc tiến thương mại. Sự hỗ trợ của các cấp chính quyền và Liên minh HTX hai cấp đã tác động tích cực đến việc đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, mở rộng cơ sở vật chất và nâng cao năng lực của HTX.
Có thể kể đến như Dự án “Xây dựng mô hình chế biến nước mắm từ cá nước ngọt lòng hồ tại huyện Quỳnh Nhai” do HTX cơ khí Xuân Hải, xã Chiềng Bằng triển khai.
Nâng cao hiệu quả từ khoa học công nghệ
Trên lòng hồ thủy điện ở Quỳnh Nhai có rất nhiều cá mương, cá tép dầu với sản lượng trên 400 tấn/năm, giá bán từ 3.000 - 6.000 đồng/kg. Giá rẻ như vậy nhưng chưa có doanh nghiệp nào đứng ra thu mua cho người dân. Cá đánh bắt được chủ yếu phơi khô hoặc làm thức ăn phục vụ cho nuôi trồng thủy sản và chăn nuôi gia cầm. Trước thực tế đó, HTX cơ khí Xuân Hải đã có ý tưởng thử nghiệm làm nước mắm từ cá nước ngọt này.
Năm 2013, Anh Tòng Văn Hải, dân tộc Thái, Giám đốc HTX đã đi các tỉnh Thái Bình, Quảng Bình để học hỏi công thức làm nước mắm. Tuy nhiên, ở những vùng này người dân chỉ làm mắm từ cá biển chứ chưa có ai làm bằng cá nước ngọt nên HTX vẫn áp dụng cách làm của người dân vùng biển.
Đến năm 2014, HTX quyết định bắt tay vào sản xuất nước mắm từ cá nước ngọt. Mẻ đầu tiên sản xuất 4 chum, với khoảng 400 lít, trong đó có 2 chum mắm cốt đầu và 2 chum cốt hai. Theo tỷ lệ, cứ 120 kg cá thì cho ra 60 lít mắm cốt đầu và 60 lít mắm cốt hai. Nước mắm làm từ cá nước ngọt của HTX có mùi thơm, ngọt, đậm đà riêng so với các loại nước mắm khác trên thị trường. Mẻ nước mắm đầu tiên tuy không có lãi, nhưng phản hồi của người dân sử dụng nước mắm, đánh giá chất lượng theo hướng tích cực đã giúp HTX rút kinh nghiệm trong quy trình sản xuất.
Qua nghiên cứu thị hiếu, với mục tiêu góp phần giải quyết đầu ra cho nghề khai thác đánh bắt cá và tăng thêm thu nhập cho người dân, HTX đã xây dựng dự án chế biến nước mắm từ cá nước ngọt lòng hồ. Sau hơn 2 năm triển khai thực hiện, dự án đã hoàn thiện dây truyền sản xuất nước mắm từ cá mương theo phương pháp Enzyme do Trung tâm Công nghệ sinh học và Công nghệ thực Phẩm (Hà Nội) chuyển giao; sản xuất thử nghiệm được 5.000 lít nước mắm thượng hạng và 7.000 lít nước mắm loại 1.
Anh Tòng Văn Hải chia sẻ: Với sự giúp đỡ của Sở Khoa học và Công nghệ, Trung tâm Công nghệ Sinh học và Công nghệ thực phẩm Hà Nội, HTX đã xây dựng dây chuyền sản xuất nước mắm với quy mô 1 tấn nguyên liệu/mẻ, sản phẩm nước mắm của HTX đã được Sở Y tế cấp chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, được bày bán tại Trung tâm giới thiệu sản phẩm OCOP huyện và các điểm chợ, trung tâm mua sắm trong và ngoài tỉnh. Từ năm 2020 đến nay, HTX cho ra thành phẩm nước mắm với số lượng 4.000 chai, mang lại hiệu quả kinh tế và mở ra hướng đi mới, đem lại thu nhập ổn định cho người dân nơi đây.
Anh Ma Văn Tính, bản Pá Uôn, xã Mường Giàng cho biết, trước đây gia đình anh cũng như mọi người dân trong bản đi bắt cá được nhiều nhưng bán rất khó. Từ khi HTX Xuân Hải mở thương hiệu nước mắm thì bán cá dễ hơn và cuộc sống của người dân không còn khó khăn như trước nữa.
Hỗ trợ để HTX vươn lên
Còn Dự án “Xây dựng mô hình nhân nuôi ong mật nhằm phát triển kinh tế hộ gia đình gắn với vườn rừng và bảo tồn đa dạng sinh học ở huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La” do HTX Nam Phượng, huyện Sốp Cộp thực hiện. Dưới sự hướng dẫn, hỗ trợ của Sở Khoa học và Công nghệ, triển khai trên địa bàn hai xã Dồm Cang, Mường Và đã mở ra hướng mới cho nghề nuôi ong, đồng thời nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân trong công tác bảo vệ rừng và bảo tồn đa dạng sinh học. Dự án cũng góp phần xóa bỏ tập quán nuôi ong tự phát, từng bước nâng cao chất lượng mật ong và hiệu quả sản xuất nông nghiệp, góp phần tăng thu nhập cho các hộ dân.
Bên cạnh đó, tỉnh Sơn La còn hỗ trợ 10 HTX áp dụng và đánh giá chứng nhận hệ thống sản xuất nông nghiệp an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP; hỗ trợ phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ cho HTX Nông nghiệp xanh 26-3 về quy trình kỹ thuật “Ứng dụng tiến bộ khoa kỹ thuật xây dựng mô hình sản xuất cà chua và dưa lê vàng chất lượng cao theo hướng VietGAP tại tỉnh Sơn La”.
Ông Nguyễn Duy Hoàng, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Sơn La cho biết, thời gian tới, Sở Khoa học và Công nghệ tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, HTX triển khai các dự án sản xuất thử nghiệm và các mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ. Hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp, HTX tham gia thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu ứng dụng, đặc biệt là các nhiệm vụ khoa học và công nghệ phục vụ các sản phẩm chủ lực theo chuỗi giá trị có tiềm năng xuất khẩu.
“Tỉnh cũng đẩy mạnh nghiên cứu công nghệ bảo quản chế biến sau thu hoạch phù hợp với điều kiện của địa phương. Đặc biệt, khuyến khích phát triển các doanh nghiệp, HTX sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch”, ông Hoàng cho biết.
Có thể thấy, hiệu quả từ các mô hình ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp tại các HTX đã làm chuyển biến mạnh mẽ nhận thức của người dân về sản xuất nông nghiệp hàng hóa, gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, góp phần thúc đẩy nông nghiệp phát triển, xây dựng và khẳng định thương hiệu nông sản Sơn La.