11/01/2025 lúc 07:48 (GMT+7)
Breaking News

HTX nỗ lực vượt qua thách thức

Dịch Covid-19 đã và đang tác động đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các HTX, nhiều HTX đã phải ngắt quãng và đình trệ sản xuất, trong đó có các HTX trong vùng đồng bào dân tộc. Trong bối cảnh đó, không ít HTX đã chủ động đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động, vượt qua khó khăn.

Qua đó, tăng doanh thu, giải quyết việc làm, tạo thu nhập ổn định cho thành viên và người lao động. Tuy nhiên, để các HTX bứt phá vươn lên, rất cần trợ lực từ chính sách hỗ trợ thiết thực của các cấp chính quyền.

Điểm sáng vượt qua đại dịch Covid-19

HTX Chuối Viba, xã Liên Sơn, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình là đơn vị chuyên trồng chuối và từng bước khẳng định được thương hiệu tại thị trường nội địa, đặc biệt là tại chuỗi siêu thị ở Hà Nội, nhà phân phối hoa quả sạch, bếp ăn công nghiệp…

Để chủ động tạo vùng nguyên liệu đảm bảo và chất lượng, anh Trần Trung Đức, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX Chuối Viba đã liên kết với một số hộ gia đình có đủ điều kiện phát triển mô hình trồng chuối.

Theo đó, anh Đức sẽ hỗ trợ giống, vốn, kỹ thuật và bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Tuy nhiên, các hộ gia đình phải tuân thủ theo quy trình sản xuất để có năng suất cao, chất lượng sản phẩm đảm bảo. Nhờ thế, vùng nguyên liệu đã được mở rộng trên 10 ha tại huyện Lương Sơn và Chương Mỹ, Phú Xuyên (Hà Nội).

Một trong những yếu tố quan trọng góp phần nâng cao năng suất, chất lượng đó là hệ thống cơ sở vật chất đồng bộ, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Hiện nay, toàn bộ sản phẩm của HTX được thu mua về xưởng để chế biến theo quy trình kỹ thuật đạt tiêu chuẩn VietGap.

Hệ thống 3 phòng dấm chuối được mua bản quyền từ Mỹ với công suất tối đa 5 tấn/ngày. Quá trình bốc, xếp hàng hóa anh Đức áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất lao động, giảm chi phí nhân công. Đặc biệt, từ khi sản phẩm chuối Viba được gắn OCOP ba sao của huyện Lương Sơn năm 2019, đã có nhiều khách hàng tìm đến và muốn ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm lâu dài với HTX.

“Hiện, chúng tôi có hơn 1.000 đối tác trên toàn quốc, trong đó có một số siêu thị lớn như Vinmart, BigC… Chuối Viba còn trở thành món ăn trên các chuyến bay của hãng hàng không quốc gia Vietnam Airline. Tổng diện tích trồng chuối của HTX hiện là 25 ha, có 9,5 ha trồng theo tiêu chuẩn VietGAP. Những tháng đầu năm nay, dù tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn ra ra tại một số địa phương, nhưng chúng tôi vẫn tiêu thụ hơn 400 tấn chuối, doanh thu đạt gần 5 tỷ đồng”, anh Đức nói. 

Theo đánh giá của Liên minh HTX tỉnh Hòa Bình, từ khi dịch Covid-19 bùng phát trở lại, các HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Hòa Bình không bị ảnh hưởng lớn như các tỉnh thực hiện phong tỏa.

Đến thời điểm hiện tại, nông sản của địa phương cơ bản tiêu thụ hết. Những HTX nông nghiệp đã ký được hợp đồng cung cấp cho các siêu thị, hệ thống cửa hàng thực phẩm sạch tiêu thụ ổn định như: Sản phẩm rau hữu cơ, chuối Viba, thịt dê của huyện Lương Sơn; nấm, gà của huyện Lạc Thủy…

Cũng để ứng phó với tình hình dịch bệnh, trong năm 2021, Liên minh HTX tỉnh Hòa Bình dự kiến tổ chức 6 hoạt động đưa sản phẩm của những HTX có tiềm năng tiếp cận với một số doanh nghiệp chế biến; mời doanh nghiệp ở Hà Nội và các tỉnh lân cận đến thăm quan HTX để thu hút đầu tư của doanh nghiệp vào HTX; tổ chức 10 hội thảo chuyên đề gắn với sản phẩm chủ lực của tỉnh để thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ sản phẩm...

Ngoài ra, Liên minh HTX tỉnh Hòa Bình cũng dự kiến mở một số điểm bán hàng tại các khu dân cư; đẩy mạnh bán hàng trên các kênh thương mại điện tử, mạng xã hội facebook, zalo... hướng tới giao hàng tận tay cho người tiêu dùng.

Ông Trần An Định, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Hòa Bình cho biết, nhằm khắc phục câu chuyện "được mùa mất giá”, "giải cứu nông sản” cần xây dựng kế hoạch lâu dài, mang tính chiến lược để nâng cao năng lực thích ứng với dịch bệnh và biến đổi khí hậu đối với HTX.

“Liên minh HTX tỉnh tiếp tục rà soát, sắp xếp, tổ chức lại HTX, vận động kết nạp thêm hộ có vốn, đất sản xuất trở thành thành viên của HTX, hướng tới sản xuất có quy mô, sản lượng ổn định, đáp ứng được các hợp đồng, đơn hàng lớn”, ông Định nói.

Cần một giải pháp đồng bộ

Theo ông Lê Mạnh Hùng, Cục trưởng Cục Phát triển Doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hơn một năm qua, các đơn vị sản xuất kinh doanh Việt Nam, bao gồm doanh nghiệp, HTX và các hộ kinh doanh đang phải đối mặt với những thách thức rất lớn bởi đại dịch Covid-19.

“Dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhưng đây cũng là cơ hội để các HTX, doanh nghiệp xây dựng lại chu trình sản xuất mới. Lập chiến lược kinh doanh, phân tích lại thế mạnh và thay đổi phương thức tiếp cận khách hàng nhưng vẫn đảm bảo hàng hóa chất lượng, chi phí thấp, đáp ứng yêu cầu và đảm bảo giá trị đem lại cho thành viên và người dân”.

Để tháo gỡ khó khăn cho các HTX, ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, đơn vị đang tích cực phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các địa phương, các chi cục trực thuộc, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp, Liên minh HTX tổng hợp thông tin để có kiến nghị nhằm tháo gỡ khó khăn.

Một trong những giải pháp đột phá là liên kết thúc đẩy việc tiêu thụ nông sản, tạo sự thuận lợi cho người nông dân, HTX, người tiêu dùng. Đây cũng là những việc làm thiết thực hưởng ứng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong việc đảm bảo mục tiêu kép, vừa tăng trưởng kinh tế, vừa chống dịch Covid và định hướng phát triển của ngành Nông nghiệp gắn với sản xuất sạch, chế biến sâu để nâng cao giá trị.

Cùng với các chính sách hỗ trợ của Nhà nước về kết nối tiêu thụ nông sản, hỗ trợ khoa học kỹ thuật, triển khai cho vay vốn ưu đãi để sản xuất, muốn làm tốt được việc này, các HTX, nhất là khu vực vùng cao, vùng dân tộc thiểu số vốn còn hạn chế về khoa học kỹ thuật, thường sản xuất theo lối truyền thồng phải tích cực, chủ động thay đổi phương thức sản xuất, sản xuất theo nhu cầu thị trường, sản xuất sạch, hạn chế hoặc không nên sử dụng các hóa chất, chất bảo quản.

Ngoài ra, trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, các HTX khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng núi còn hạn chế về điều kiện giao thông cần có sáng kiến trong cung cấp dịch vụ tại nhà, bán hàng trực tuyến qua các trang mạng xã hội, bán hàng online, liên kết với khách hàng mới, kết nối với các doanh nghiệp, đơn vị logistic để vận chuyển hàng hóa một cách an toàn, thuận tiện và giảm chi phí...

“Chỉ có như vậy mới hy vọng sản xuất, kinh doanh của các HTX, nhất là HTX nông nghiệp ở vùng đồng bào dân tộc, vùng núi mới có những biến chuyển tích cực”, ông Toản nói.

Phạm Duy

Thanh Bút