29/03/2024 lúc 09:36 (GMT+7)
Breaking News

Hợp tác giữa các quốc gia trong ứng phó với những vấn đề toàn cầu: Thực trạng và triển vọng

Những vấn đề toàn cầu ngày càng nổi lên gay gắt, đã và đang tác động mạnh mẽ đến sự phát triển của các nước trên thế giới. Quản trị những vấn đề toàn cầu đòi hỏi trách nhiệm của cả cộng đồng quốc tế thông qua các cơ chế hợp tác đa dạng, hiệu quả.

Một số vấn đề toàn cầu nổi lên gay gắt trong những năm gần đây 

Các vấn đề toàn cầu là khái niệm chỉ những vấn đề xảy ra ở phạm vi toàn cầu, có tác động, ảnh hưởng lớn, liên quan đến vận mệnh của hầu hết các dân tộc, không phân biệt chế độ chính trị - xã hội, biên giới quốc gia.

Vấn đề toàn cầu nổi bật đầu tiên phát sinh trong những năm gần đây chính là sự lan tràn của dịch bệnh, điển hình là đại dịch COVID-19. Trong suốt ba năm qua, đại dịch COVID-19 đã gây ra những tác động tiêu cực đến mọi mặt đời sống xã hội của hầu hết các quốc gia trên thế giới, làm đảo lộn cuộc sống của người dân, gây ngưng trệ các hoạt động kinh tế và đứt gãy các chuỗi cung ứng, sản xuất. Có thời điểm, đại dịch COVID-19 đã gây ra cuộc khủng hoảng y tế lớn chưa từng có, làm gián đoạn nghiêm trọng các dịch vụ y tế thiết yếu phục vụ người dân. Tính đến ngày 23-2-2023, thế giới có hơn 679 triệu ca nhiễm, gần 6,8 triệu người tử vong vì dịch bệnh COVID-19(1). Không chỉ có dịch bệnh COVID-19, các dịch bệnh khác cũng đe dọa nghiêm trọng đến cuộc sống của con người. Đơn cử như, gần đây thế giới ghi nhận hàng chục nghìn ca mắc bệnh đậu mùa khỉ ở hơn 100 quốc gia, trong đó có hơn 20 nghìn trường hợp được báo cáo từ các quốc gia châu Âu. Điều đó cho thấy, ngay cả ở những nước phát triển - nơi có nền y học tiên tiến - cũng khó tránh khỏi sự lây lan của các loại dịch bệnh.

Bên cạnh dịch bệnh, vấn đề được cộng đồng quốc tế quan tâm và dành nhiều nguồn lực để ứng phó là biến đổi khí hậu với tốc độ nhanh hơn, tính cực đoan lớn hơn. Các thảm họa gần đây nhất, như lũ lụt xảy ra trên phần lớn lãnh thổ của Pa-ki-xtan, mất điện trên diện rộng ở Cu-ba, mùa hè nóng nhất từng được ghi nhận ở châu Âu trong hàng trăm năm qua, bão lớn gây nhiều thiệt hại ở Mỹ, thảm họa động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ, Xy-ri vừa qua... chính là hệ quả và cũng là lời cảnh báo rằng không có quốc gia nào có thể miễn nhiễm với cuộc khủng hoảng khí hậu. Biến đổi khí hậu cùng những hệ lụy mà nó gây ra đã trở thành một trong những mối lo ngại lớn nhất và thường xuyên đối với tất cả quốc gia trên Trái đất.

Biến đổi khí hậu là nguyên nhân dẫn tới tình trạng thiếu hoặc suy giảm diện tích đất canh tác, các hiện tượng thời tiết cực đoan gây ra thiên tai, hạn hán, lũ lụt, mất mùa, khủng hoảng lương thực, nạn đói trên thế giới... An ninh lương thực trở thành một trong những vấn đề toàn cầu được cộng đồng quốc tế hết sức quan tâm. Theo Chương trình Lương thực thế giới (WFP), cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu gây ra bởi các cú sốc, như biến đổi khí hậu, xung đột, chiến tranh,... đã đẩy số lượng người nghèo đói ở 82 quốc gia trên thế giới từ 282 triệu người vào đầu năm 2022 lên 345 triệu người vào tháng 10-2022(2). Trong khi đó, Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo mục tiêu chấm dứt tình trạng nghèo cùng cực vào năm 2030 khó có thể đạt được, khi có đến 574 triệu người, tương đương khoảng 7% dân số thế giới, vẫn sống trong cảnh nghèo đói(3). Liên quan đến các vấn đề môi trường và khí hậu, việc bảo tồn biển và đại dương cũng là một trong những thách thức toàn cầu nổi lên trong những năm gần đây. Biển và đại dương bao phủ hơn 70% bề mặt Trái đất, là cái nôi của sự sống, có vai trò quan trọng trong việc duy trì các hoạt động kinh tế, các giá trị văn hóa, tinh thần của con người. Hơn nửa số lượng ô-xy của hành tinh được tạo ra từ các đại dương. Tuy nhiên, biển và đại dương hiện đang đối mặt với những nguy cơ chưa từng có do tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, các hoạt động khai thác tài nguyên thiếu bền vững, ô nhiễm môi trường, suy giảm hệ sinh thái biển...

Những thách thức của các vấn đề toàn cầu không chỉ do biến đổi của tự nhiên, mà chủ yếu do con người gây ra. Một trong những vấn đề được quan tâm lâu nay là việc chống phổ biến vũ khí hạt nhân. Theo những tài liệu chính thức thì sở hữu vũ khí hạt nhân hiện nay gồm có các nước như Nga, Mỹ, Anh, Pháp, Trung Quốc, Ấn Độ, Pa-ki-xtan. Riêng Nga và Mỹ có kho vũ khí hạt nhân lớn nhất thế giới, trong đó mỗi nước nắm giữ khoảng 6.000 đầu đạn hạt nhân. Với sức công phá ghê gớm của vũ khí hạt nhân, chỉ cần một tính toán sai lầm, cả nhân loại sẽ phải đối mặt với nguy cơ hủy diệt khủng khiếp.

Các cuộc xung đột vũ trang, chiến tranh, khủng bố, các công trình dân sinh thiết yếu bị phá hủy, cuộc sống nghèo đói,... khiến tình trạng di cư bất hợp pháp trên toàn cầu ngày một gia tăng. Những dòng người đổ từ các nước châu Phi, Cận Đông, Nam Á,... vào châu Âu qua biển Địa Trung Hải, hay dòng người từ các nước khu vực Mỹ La-tinh vào các nước Bắc Mỹ qua biên giới Mỹ - Mê-hi-cô, đã gây ra những nguy cơ thảm họa nhân đạo. Đến nay, nhiều biện pháp được thực thi nhằm ngăn chặn làn sóng người di cư, song tình trạng di cư bất hợp pháp vẫn chưa có dấu hiệu cải thiện.

Trên thực tế, bất chấp các nỗ lực của cộng đồng quốc tế trong việc đạt được những tiến bộ nhất định, một số vấn đề toàn cầu trong những năm qua có xu hướng trầm trọng thêm(4). Đặc điểm chung của những vấn đề toàn cầu là tính chất nghiêm trọng, đe dọa đến sự tồn vong về trước mắt và lâu dài của nhân loại, đồng thời các vấn đề này thường có sự tác động qua lại, thúc đẩy lẫn nhau, làm cho vấn đề càng diễn biến nghiêm trọng hơn.

Nỗ lực ứng phó của cộng đồng quốc tế

Trong những thập niên qua, cộng đồng quốc tế ngày càng có sự nhận thức rõ hơn về mối đe dọa, tính chất nguy hiểm của các vấn đề toàn cầu, đồng thời đã có nhiều nỗ lực hợp tác để ứng phó với các vấn đề đó.

Trong lĩnh vực phòng, chống dịch bệnh, cộng đồng quốc tế nỗ lực hợp tác mạnh mẽ trong ứng phó với đại dịch COVID-19. Cơ chế COVAX(5) - một cơ chế nhân đạo nhằm bảo đảm khả năng tiếp cận vắc-xin nhanh chóng và bình đẳng giữa các quốc gia trên thế giới, đã giúp nhiều nước ứng phó hiệu quả với đại dịch COVID-19. Cơ chế này được đồng sáng lập bởi Liên minh Đổi mới sáng tạo sẵn sàng cho dịch bệnh (CEPI), Liên minh Toàn cầu về vắc-xin và tiêm chủng (GAVI) và Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Với quan điểm, trong một thế giới phụ thuộc lẫn nhau, không ai an toàn cho tới khi tất cả đều an toàn, các tổ chức trên đã quyết định thiết lập cơ chế COVAX nhằm bảo đảm sự tiếp cận công bằng vắc-xin giữa các quốc gia trên toàn cầu, từ đó sớm kiểm soát được dịch bệnh. Bên cạnh đó, một số nước lớn có ưu thế về khoa học - công nghệ, như Mỹ, Đức, Pháp, Trung Quốc, Ô-xtrây-li-a,... đã thể hiện sự đóng góp lớn trong lĩnh vực này thông qua tăng cường hợp tác, đẩy mạnh chiến dịch ngoại giao cung cấp vắc-xin phòng, chống dịch bệnh COVID-19 cho các nước trên thế giới, nhất là các nước đang phát triển.

Trong lĩnh vực biến đổi khí hậu, cộng đồng quốc tế tăng cường triển khai các hoạt động hợp tác. Trước nguy cơ thảm họa khí hậu và các hiện tượng thời tiết diễn biến ngày càng bất thường, phức tạp, Hội nghị thượng đỉnh Trái đất năm 1992 được tổ chức tại thành phố Ri-ô đơ Gia-nê-rô (Bra-xin), đã thông qua Công ước khung về biến đổi khí hậu với sự tham gia ký kết của 154 quốc gia, cam kết ngăn ngừa sự nóng lên toàn cầu do hiệu ứng nhà kính và đặt ra mục tiêu đến trước năm 2000 phải giảm khí thải của các nước công nghiệp phát triển trở về mức năm 1990. Tiếp đó, kể từ năm 1995, Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc (COP) đã lần lượt được tổ chức, đến nay là 27 kỳ họp, trong đó có những dấu mốc quan trọng, như COP-3 diễn ra ở thành phố Ky-ô-tô (Nhật Bản, năm 1997) đã thông qua Nghị định thư Ky-ô-tô đề xuất các cam kết cao hơn về giảm khí thải nhà kính; COP-21 diễn ra ở Thủ đô Pa-ri (Pháp, năm 2015) đã thông qua Thỏa thuận Pa-ri thay thế Nghị định thư Ky-ô-tô, với các cam kết và hành động cao hơn; COP-26 diễn ra ở thành phố Glát-xgâu (Anh, năm 2021) thông qua Hiệp ước Khí hậu Glasgow, khẳng định quyết tâm theo đuổi các nỗ lực để đạt mục tiêu kiềm chế nhiệt độ toàn cầu tăng ở mức 1,50C, kêu gọi thế giới giảm dần sử dụng điện than...

Trong một số vấn đề toàn cầu khác, cộng đồng quốc tế cũng thể hiện những nỗ lực đáng ghi nhận. Hướng tới một thế giới không vũ khí hạt nhân là một trong những mục tiêu quan trọng của Liên hợp quốc. Năm 1968, Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) được ký kết và có hiệu lực từ năm 1970, dựa trên ba trụ cột là giải trừ quân bị, không phổ biến vũ khí hạt nhân và sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình. Đến nay, hầu hết các quốc gia trên thế giới đã tham gia NPT. Tại Hội nghị kiểm điểm NPT lần thứ 10 được tổ chức từ ngày 1-8 đến 26-8-2022, Tổng Thư ký Liên hợp quốc An-tô-ni-ô Gu-tơ-rết kêu gọi tất cả các quốc gia sử dụng mọi con đường đối thoại, ngoại giao và đàm phán để làm giảm căng thẳng, loại bỏ mối đe dọa hạt nhân đối với nhân loại.

Nhận thức rõ tầm quan trọng của phát triển bền vững, hợp tác quốc tế trong giải quyết các vấn đề khác, như bảo đảm an ninh lương thực, xóa đói, giảm nghèo, bảo vệ tài nguyên, môi trường biển và đại dương,... ngày càng được thúc đẩy. Năm 2000, Liên hợp quốc đã đề ra Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ (MDGs)(6). Năm 2015, Liên hợp quốc thông qua các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs), thay thế các MDG và toàn diện hơn so với các MDG, bao gồm 17 mục tiêu nhằm chấm dứt đói nghèo, bảo vệ hành tinh và bảo đảm rằng tất cả mọi người được hưởng hòa bình và thịnh vượng vào năm 2030 ở mỗi quốc gia thành viên Liên hợp quốc. Các mục tiêu này được các quốc gia hưởng ứng và cụ thể hóa thành các mục tiêu phát triển của mỗi nước. Bên cạnh các mục tiêu tổng quát, dài hạn, trong ứng phó với các vấn đề cụ thể, cấp bách, Liên hợp quốc cũng thể hiện vai trò quan trọng. Gần đây nhất, với vai trò trung gian và nỗ lực của Liên hợp quốc cũng như các quốc gia liên quan, Sáng kiến “Ngũ cốc Biển Đen” - thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc và phân bón của U-crai-na qua Biển Đen, đã được Nga và U-crai-na ký kết vào ngày 22-7-2022, tại thành phố I-xtan-bun (Thổ Nhĩ Kỳ)  - tiếp tục được gia hạn vào tháng 11-2022. Thỏa thuận có ý nghĩa quan trọng, giúp thế giới tránh được một cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu. 

Trong ứng phó với các vấn đề toàn cầu, bên cạnh cấp độ đa phương, ở cấp độ khu vực, song phương, hợp tác quốc tế cũng đạt được những thành quả quan trọng. Ở cấp độ khu vực, các tổ chức khu vực, bao gồm Liên minh châu Âu (EU), Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN),... đã tăng cường hợp tác, có những nỗ lực trong giải quyết các vấn đề, như ứng phó với biến đổi khí hậu, ngăn chặn dòng người di cư bất hợp pháp, bảo vệ môi trường biển và đại dương... Ở cấp độ song phương, đáng chú ý là các khuôn khổ hợp tác giữa các nước lớn, cũng như những hỗ trợ đáng kể của các nước lớn dành cho các nước đối tác đang phát triển. Chẳng hạn, trong khi cạnh tranh chiến lược gia tăng và còn tồn tại nhiều mâu thuẫn trong các vấn đề quốc phòng - an ninh, kinh tế - thương mại, hợp tác trong vấn đề chống biến đổi khí hậu được xem là điểm sáng trong quan hệ giữa hai cường quốc Mỹ và Trung Quốc. Mỹ và một số nước phát triển khác còn thúc đẩy hợp tác với các nước đối tác trong vấn đề ứng phó với biến đổi khí hậu. Tại Hội nghị Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G-20) diễn ra tại thành phố Ba-li (In-đô-nê-xi-a, tháng 11-2022), Mỹ đã cùng các đối tác cam kết sẽ gây quỹ ít nhất 20 tỷ USD để hỗ trợ In-đô-nê-xi-a dần từ bỏ than đá và đạt mục tiêu trung hòa khí các-bon vào năm 2050, sớm hơn 10 năm so với dự kiến.

Triển vọng hợp tác của cộng đồng quốc tế và một số hàm ý đối với Việt Nam

Mặc dù đạt được những thành tựu đáng ghi nhận trong hợp tác ứng phó với các vấn đề toàn cầu, song cộng đồng quốc tế cần nỗ lực nhiều hơn nữa để vượt qua các thách thức đặt ra. Thách thức đầu tiên là khó khăn trong việc đạt được sự đồng thuận ở cấp độ toàn cầu cũng như song phương. Do những khác biệt, mâu thuẫn trong lợi ích quốc gia, các nước theo đuổi những mục tiêu riêng, vì vậy việc đạt được đồng thuận trong ứng phó với các vấn đề toàn cầu gặp không ít thách thức. Chẳng hạn, trong vấn đề ứng phó với biến đổi khí hậu, một số quốc gia vẫn chưa có những cam kết mạnh mẽ, tương xứng, thể hiện trách nhiệm trước cộng đồng quốc tế, hoặc đã đưa ra cam kết nhưng tiến độ triển khai còn chậm, chưa đúng với lộ trình đặt ra nên hợp tác giữa các nhóm nước trong mục tiêu cắt giảm lượng khí thải còn gặp nhiều trở ngại. Có những trường hợp, hợp tác ứng phó với biến đổi khí hậu có thể bị chính trị hóa, bị ngưng trệ do các khác biệt về lập trường, quan điểm chính trị, đối ngoại.

Thách thức thứ hai là nguồn lực tài chính dành cho ứng phó với các vấn đề toàn cầu còn hạn chế. Vấn đề tài chính cũng là khó khăn chung của rất nhiều quốc gia, nhất là các nước nghèo, các nước đang phát triển. Khó khăn về tài chính bộc lộ sự bất hợp lý trong việc chia sẻ trách nhiệm, đền bù tổn thất khi nhiều quốc gia phải gánh chịu hệ quả của biến đổi khí hậu nặng nề, trong khi các quốc gia này không phải là tác nhân chính tạo ra lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Tại một hội nghị quốc tế gần đây, Thủ tướng Pa-ki-xtan Xê-bát Xa-ríp (Shehbaz Sharif) đã phải nhấn mạnh, Pa-ki-xtan cần hàng tỷ đô-la cứu trợ lũ lụt, mặc dù quốc gia này không phải là nơi phát thải các-bon chủ yếu trên thế giới. Tương tự, vấn đề giải quyết tình trạng di cư bất hợp pháp cũng là nguyên nhân gây chia rẽ trong nội bộ các nước EU, khi một số nước ở tuyến đầu tiếp nhận dòng người di cư phải gánh chịu trách nhiệm nhiều hơn, buộc các nước này phải kêu gọi chia sẻ trách nhiệm tài chính từ các nước khác trong EU.

Thách thức thứ ba là tăng cường hiệu quả thực chất của các tuyên bố, biện pháp, cam kết đưa ra, tránh các cam kết mang tính hình thức. Thực tế, trong khi các nước cam kết tập trung các nguồn lực thực hiện các mục tiêu phát triển, Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc S. Cô-rô-xi (Csaba Körösi) tại phiên họp kỷ niệm Ngày Quốc tế thúc đẩy xóa bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân (ngày 26-9 hằng năm) đã phải nhấn mạnh tình trạng gia tăng đầu tư vào vũ khí hạt nhân, một kho vũ khí toàn cầu gồm 13.000 đầu đạn, trong bối cảnh rất nhiều người dân trên thế giới phải vật lộn để mưu sinh,...

Để giải quyết các khó khăn, thúc đẩy hợp tác, ứng phó hiệu quả với các vấn đề toàn cầu, cộng đồng quốc tế cần ưu tiên tập trung một số giải pháp:

Một là, thúc đẩy hơn nữa các cấp độ hợp tác nhằm ứng phó với các vấn đề toàn cầu nổi cộm hiện nay. Ở cấp độ đa phương, trong khuôn khổ Liên hợp quốc, các tổ chức, diễn đàn quốc tế ở các khu vực, châu lục, như ASEAN, EU, Liên minh châu Phi (AU), G-20, Nhóm các nền kinh tế lớn mới nổi (BRICS), Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G-7),... bên cạnh các vấn đề an ninh, phát triển kinh tế, các tổ chức này cần chú trọng dành nhiều thời gian thảo luận, đề ra các giải pháp thúc đẩy hợp tác ứng phó với các vấn đề toàn cầu. Ở cấp độ song phương, hợp tác giữa các nước phát triển và đang phát triển cần được đẩy mạnh hơn nữa; các nước phát triển cần chú trọng dành các nguồn lực hỗ trợ cho các nước đang phát triển để xây dựng chương trình, chiến lược, kế hoạch phù hợp, ứng phó với các vấn đề toàn cầu, tập trung vào các lĩnh vực, như biến đổi khí hậu, xóa đói, giảm nghèo...

Hai là, thế giới cần ưu tiêu dành các nguồn lực tài chính cho việc thực hiện SDGs. Để giải quyết các vấn đề toàn cầu, không chỉ có nỗ lực hợp tác, mà còn cần các nguồn lực tài chính lớn. Ngày 9-12-2022, tại lễ kêu gọi ủng hộ Quỹ ứng phó khẩn cấp của Liên hợp quốc (CERF) năm 2023, Tổng Thư ký Liên hợp quốc An-tô-ni-ô Gu-tơ-rết đã kêu gọi cộng đồng quốc tế đóng góp khoảng 1 tỷ USD cho quỹ. Ông A. Gu-tơ-rết cho biết, hiện nay ngân sách cho năm 2023 của CERF chưa đủ so với con số 1 tỷ USD cần có. Theo ông A. Gu-tơ-rết, cả thế giới đang đối mặt với nhiều khó khăn về kinh tế, nhưng nhóm người yếu thế, kém may mắn là những người vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn nhất. Các vấn đề khác, như ứng phó với biến đổi khí hậu, giải quyết tình trạng người di cư bất hợp pháp,... đều cần nguồn lực tài chính rất lớn, do đó cộng đồng thế giới, nhất là các nước phát triển, các định chế tài chính lớn, có nguồn lực tài chính mạnh, cần bố trí nguồn lực tài chính thích đáng để đóng góp vào việc ứng phó với các vấn đề toàn cầu.

Ba là, các nước, nhất là các nước lớn, các nước phát triển cần nêu cao trách nhiệm, thực hiện đúng các cam kết đã đưa ra. Các quốc gia, nhất là các cường quốc, các nước giàu cần đề cao hơn nghĩa vụ, trách nhiệm đối với cộng đồng quốc tế và tương lai của nhân loại, gạt bỏ những khác biệt, mâu thuẫn, thúc đẩy hợp tác, đạt được nhận thức chung, cùng chung tay đối phó với các vấn đề toàn cầu. Việc thực hiện các cam kết giảm phát khí thải có thể khiến tăng trưởng kinh tế của một số quốc gia chậm lại, song sẽ mang lại lòng tin và đóng góp thiết thực vào mục tiêu chung của cộng đồng quốc tế trong ứng phó với biến đổi khí hậu.

Là một quốc gia đang phát triển, Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức to lớn từ các vấn đề toàn cầu. Những năm qua, Việt Nam đã nỗ lực trong thực hiện SDGs và MDGs của Liên hợp quốc, đạt được nhiều thành tựu đáng kể, góp phần cùng cộng đồng quốc tế ứng phó với các vấn đề toàn cầu. Năm 2015, trong Báo cáo quốc gia về kết quả 15 năm thực hiện MDGs, Việt Nam đã cơ bản hoàn thành 8 mục tiêu đề ra, trong đó có những thành tựu ấn tượng về xóa đói, giảm nghèo, phổ cập giáo dục, bảo đảm chăm sóc y tế... Hiện nay, căn cứ vào SDGs của Liên hợp quốc đưa ra năm 2015 và tình hình thực tế của đất nước, Việt Nam đang tiếp tục thực thi, cập nhật lộ trình thực hiện SDGs Việt Nam đến năm 2030.

Trong những năm tới, để góp phần cùng cộng đồng quốc tế ứng phó hiệu quả với các vấn đề toàn cầu, Việt Nam cần thực hiện một số công tác trọng tâm:

Thứ nhất, nghiên cứu, xem xét việc ứng phó với các vấn đề toàn cầu là một trong những nội dung quan trọng trong triển khai công tác đối ngoại của nước ta, qua đó nâng cao vị thế, hình ảnh của đất nước, cũng như đóng góp chung vào các mục tiêu của cộng đồng quốc tế. Các vấn đề toàn cầu là mối quan tâm chung của cộng đồng quốc tế; những nỗ lực đóng góp chung cho các mục tiêu toàn cầu là những đóng góp thiết thực, luôn được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao, góp phần nâng cao vị thế, hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế.

Thứ hai, tiếp tục tăng cường công tác nghiên cứu, đề xuất những sáng kiến đóng góp thiết thực cho việc thực hiện các mục tiêu toàn cầu, nhất là ở các tổ chức, diễn đàn đa phương quan trọng, chủ chốt như Liên hợp quốc. Qua hai lần đảm nhiệm cương vị Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (nhiệm kỳ 2008 - 2009, 2020  - 2021), cũng như ủy viên của một số cơ quan tư vấn thuộc Liên hợp quốc, Việt Nam đã tham gia bàn thảo, tìm giải pháp cho các vấn đề trong chương trình nghị sự của Liên hợp quốc ở tất cả các khu vực, vấn đề, trong đó có các cuộc xung đột ở châu Phi, khủng hoảng nhân đạo ở Trung Đông, cũng như các chủ đề quan trọng, bao gồm chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, bảo vệ thường dân trong xung đột vũ trang, an ninh biển, biến đổi khí hậu, ứng phó với đại dịch COVID-19...; từ đó, thúc đẩy đồng thuận chung, hợp tác, đối thoại, giảm căng thẳng, đối đầu, tìm giải pháp công bằng, hợp lý cho các vấn đề đe dọa đến hòa bình, an ninh khu vực và quốc tế, thực thi các mục tiêu phát triển toàn cầu. Việt Nam cũng đã có một số đề xuất cụ thể, như thành lập “Ngày Quốc tế sẵn sàng chống dịch bệnh” vào ngày 27-12 hằng năm; Nghị quyết năm 2022 về biến đổi khí hậu và quyền con người, tập trung vào quyền lương thực và biến đổi khí hậu, được Đại hội đồng Liên hợp quốc ban hành Nghị quyết thông qua, qua đó đã nâng cao vị thế, hình ảnh của Việt Nam, đóng góp vào các mục tiêu chung của cộng đồng quốc tế.

Thứ ba, tiếp tục phối hợp cùng các nước thúc đẩy sự quan tâm của cộng đồng quốc tế đối với những tác động của các vấn đề toàn cầu đối với thế giới nói chung, với các nước đang phát triển nói riêng, trong đó có Việt Nam, qua đó tích cực vận động các nguồn lực từ các tổ chức quốc tế, các quốc gia phát triển, các nước đối tác, các tổ chức phi chính phủ,... để giúp Việt Nam ứng phó hiệu quả với các vấn đề toàn cầu, nhất là những vấn đề mà Việt Nam cần tập trung ứng phó, như biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, phòng, chống dịch bệnh, xóa đói, giảm nghèo... /.

Nguyễn Ngọc Hùng 

Học viện Ngoại giao

-----------------------

(1) Số liệu thống kê về tình hình đại dịch COVID-19 trên toàn cầu, tính đến ngày 23-2-2023, https://www.worldometers.info/coronavirus/
(2) Xem: David Beasley: “World Food Day: Soaring prices, soaring hunger” (Tạm dịch: Ngày Lương thực thế giới: Giá cả tăng vọt, nạn đói tăng vọt), World Food Progamme, ngày 14-10-2022, https://www.wfp.org/stories/world-food-day-soaring-prices-soaring-hunger
(3) Xem: Andrea Shalal: “World Bank says goal of ending extreme poverty by 2030 unlikely to be met” (Tạm dịch: Ngân hàng Thế giới cho biết mục tiêu chấm dứt tình trạng nghèo cùng cực vào năm 2030 khó có thể đạt được), Reuters, ngày 5-10-2022, https://www.reuters.com/world/africa/world-bank-says-goal-ending-extreme-poverty-by-2030-wont-be-met-2022-10-05/ zarsrc=30&utm_source=zalo&utm_medium=zalo&utm_campaign=zalo
(4) Theo một báo cáo của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) công bố vào ngày 24-8-2022, đại dịch COVID-19 đã kéo lùi thành tựu của cuộc chiến chống đói nghèo ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương ít nhất khoảng 2 năm và nhiều người dân trong khu vực có thể nhận thấy việc thoát nghèo khó khăn hơn
(5) Viết tắt của COVID-19 Vaccines Global Access
(6) Bao gồm 8 mục tiêu cụ thể là: 1- Giảm tình trạng nghèo cùng cực và thiếu đói; 2- Bảo đảm phổ cập giáo dục tiểu học; 3- Tăng cường bình đẳng giới và nâng cao vị thế, năng lực cho phụ nữ; 4- Giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ em; 5- Nâng cao sức khỏe bà mẹ; 6- Phòng, chống HIV/AIDS, sốt rét và các bệnh khác; 7- Bảo đảm bền vững về môi trường; 8- Thiết lập quan hệ đối tác toàn cầu vì phát triển