VNHN - Hiện nay, các doanh nghiệp khởi nghiệp (startup) tại địa phương thường chọn xu hướng khởi nghiệp trong lĩnh vực như nông nghiệp, đồ thủ công mỹ nghệ, sản phẩm văn hóa truyền thống, tận dụng nguồn sản phẩm sẵn có của địa phương.
Tuy nhiên, hơn 90% trong số này vận hành theo mô hình kinh doanh truyền thống, phát triển tuần tự, chưa có yếu tố đổi mới sáng tạo trong sản phẩm và ứng dụng kỹ thuật công nghệ trong khâu sản xuất. Thông tin trên được đưa ra tại Hội thảo “Hội tụ nguồn lực hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạọ địa phương”, do Văn phòng Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” (Đề án 844) - Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức mới đây.
Nguyên nhân của thực trạng trên được nhận định là do thiếu sự tham gia và hỗ trợ tư vấn từ các chuyên gia trong ngành cũng như các chương trình hỗ trợ, định hướng ngay từ giai đoạn đầu, dẫn đến startup không đủ năng lực để duy trì mô hình kinh doanh theo hướng đổi mới sáng tạo, có khả năng tăng trưởng nhanh và nhân rộng, đóng góp cho sự phát triển kinh tế xã hội của khu vực.
Ông Trần Trí Dũng - đại diện Chương trình hỗ trợ khởi nghiệp Thụy Sĩ SwissEP tại Việt Nam cho biết, việc chú trọng xây dựng hệ sinh thái cho khởi nghiệp tại Việt Nam trong các năm qua giúp nhiều vườn ươm và quỹ đầu tư hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp phát triển, tuy vậy vẫn chỉ tập trung ở các thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng và TP.Hồ Chí Minh, trong khi các startup địa phương vẫn đang loay hoay tìm kiếm và tiếp cận mentor (cố vấn), chuyên gia từ các để tìm ra giải pháp đổi mới sáng tạo.
Hội thảo “Hội tụ nguồn lực hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạọ địa phương”.
Đồng quan điểm, ông Phạm Ngọc Huy - Giám đốc Chương trình thúc đẩy kinh doanh của Vietnam Silicon Valley (VSV) gợi ý, startup địa phương cần tìm đến những chuyên gia cố vấn phù hợp với lĩnh vực mà doanh nghiệp khởi nghiệp của mình đang hoạt động, tức là những người này phải hiểu rõ sản phẩm địa phương, sẵn sàng lắng nghe, chia sẻ và giải quyết những khó khăn từ ý tưởng đến mô hình kinh doanh.
Theo ông Phạm Ngọc Huy, hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam hiện nay chỉ có 2% số lượng startup là startup thật sự, còn lại là vẫn là các mô hình kinh doanh truyền thống và có vận dụng một chút yếu tố đổi mới sáng tạo. Do đó, việc VSV hay những tổ chức như Trung tâm ươm tạo khởi nghiệp Sông Hàn (Songhan Incubator), Vườn ươm doanh nghiệp Đà Nẵng (DNES) đang nỗ lực thực hiện đều hướng đến mục tiêu có thể ươm tạo đội ngũ các “founder” (nhà sáng lập) với tư duy khởi nghiệp sáng tạo và tiến tới chuyển đổi mô hình kinh doanh theo hướng phát triển đột phá hơn.
Để góp phần giải quyết bài toán này, ông Phạm Ngọc Huy cho hay, từ khi ra đời từ năm 2013 dưới sự bảo trợ của Bộ Khoa học và Công nghệ, VSV đã giúp kết nối mentor và startup, cung cấp những kiến thức cơ bản và nâng cao về khởi nghiệp gắn liền đổi mới sáng tạo, sau đó kết nối startup với quỹ đầu tư và doanh nghiệp lớn.
Đến nay, chương trình đã ươm tạo hơn 80 dự án, trong đó 30% tỷ lệ dự án khởi nghiệp gọi vốn thành công vòng kế tiếp. "Từ những sự thành công này, VSV đang xúc tiến nhân rộng mô hình VSV tại các địa phương, trong đó có thể kế đến là VSV Nghệ An và đặc biệt là phát triển mô hình Art Cozy Accelerator với mục tiêu chuyển đổi các mô hình doanh nghiệp vừa và nhỏ truyền thống (mà thường thấy ở các địa phương) sang mô hình startup về phong cách sống" - ông Phạm Ngọc Huy nói. Ông Phạm Dũng Nam - Giám đốc Văn phòng Đề án 844 nhấn mạnh, việc xây dựng một cơ sở dữ liệu thông tin về chuyên gia và cố vấn chung về khởi nghiệp sáng tạo để các cơ quan, đơn vị có thể kết nối từ một nguồn uy tín là một trong các hoạt động trọng tâm Đề án 844 thời gian tới.
Bên cạnh đó, Đề án 844 cũng đã, đang và sẽ tiếp tục duy trì việc đào tạo đội ngũ mentor chuyên nghiệp làm “hạt giống” để hỗ trợ tại nhiều tỉnh thành và lĩnh vực trên cả nước, nâng cao tỷ lệ các cá nhân thực sự trở thành mentor trong hệ sinh thái và đóng góp ngược lại cho sự phát triển chung. Về việc hỗ trợ các địa phương xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp, ông Lý Đình Quân - Giám đốc Songhan Incubator cho rằng, từ kinh nghiệm tư vấn cho hầu hết các tỉnh thành trên 3 miền đất nước, tôi nhìn nhận mỗi địa phương có những đặc thù và lợi thế riêng, do đó con đường để phát triển khởi nghiệp sáng tạo cũng cần được nghiên cứu và điều chỉnh phù hợp chứ không thể sao chép lẫn nhau.
Chia sẻ thêm vấn đề này, ông Phạm Đức Nam Trung - Giám đốc Vườn ươm Doanh nghiệp Đà Nẵng (DNES) cũng khẳng định, các tổ chức hỗ trợ từ trung ương tới địa phương nếu đi một mình thì sẽ không thể thực hiện hiệu quả, mà cần thiết phải có sự liên kết và tận dụng nguồn lực của nhau. Dù là tận dụng nguồn nội lực hay ngoại lực thì yếu tố “kết nối” cần được đặt lên hàng đầu.