VNHN - Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia: Bão số 9 sau khi đổ bộ vào đất liền nhanh chóng suy yếu thành áp thấp nhiệt đới (ATNĐ). Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 9, ngày hôm nay (26-11), TP Hồ Chí Minh có mưa to (70-150mm) và khả năng xảy ra lốc xoáy. Nguy cơ rất cao mưa lớn kết hợp triều cường gây ngập lụt.
Từ đêm 25 đến đêm 27-11, các tỉnh từ Quảng Trị đến Khánh Hòa có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến từ 50-180mm/ngày. Từ ngày 25 đến 28-11, trên các sông từ Quảng Trị đến Bình Thuận, các tỉnh miền Đông Nam Bộ và khu vực Tây Nguyên xuất hiện một đợt lũ.
Đỉnh lũ trên các sông từ Quảng Trị đến Bình Thuận phổ biến ở mức báo động (BĐ) BĐ2-BĐ3, các sông nhỏ lên trên BĐ3; các sông ở khu vực Tây Nguyên ở mức BĐ1-BĐ2. Nguy cơ cao xảy ra lũ lớn cục bộ, lũ quét, sạt lở đất vùng núi, ngập lụt vùng trũng thấp, đô thị tại các tỉnh trên.
Ứng phó với nguy cơ ngập úng, sạt lở đất: Sáng 25-11, Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống Thiên tai (PCTT) tổ chức cuộc họp giao ban kiểm điểm, đánh giá công tác ứng phó với bão số 9.
Phát biểu tại cuộc họp, Thượng tá Nguyễn Đình Hưng, Phó trưởng Phòng Cứu hộ-Cứu nạn, Bộ đội Biên phòng cho biết: Mặc dù đến sáng 25-11, bão chưa đổ bộ vào đất liền nhưng một số địa phương đã có thiệt hại: Cụ thể, tại tỉnh Bình Thuận: Xã Liên Hương, huyện Tuy Phong lồng bè bị phao neo trôi ra biển, thiệt hại khoảng 6 tỷ đồng; phường Thanh Hải, TP Phan Thiết (Bình Thuận) triều cường gây nguy cơ sạt lở nhà của 8 hộ dân; tại địa bàn Đồn Biên phòng Mũi Né (TP Phan Thiết) gió lớn kết hợp triều cường làm sạt lở 3km bờ biển (sạt lở sâu vào bên trong khoảng 5-7m), thuộc khu phố 2 phường Hàm Tiến khiến 7 tàu cá (công suất dưới 30CV) đã được kéo lên bờ nhưng bị sóng đánh cuốn trôi, bị hư hỏng, 2 nhà dân nguy cơ đổ sập. Đồn Biên phòng Mũi Né đã cử 25 cán bộ, chiến sĩ phối hợp di dời người dân tới nơi an toàn.
7.086 cán bộ, chiến sĩ tham gia giúp dân ứng phó bão số 9: Theo thống kê sơ bộ của Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT, tính đến 15 giờ ngày 25-11, thiệt hại ban đầu do bão số 9 khiến 36 tàu thuyền bị chìm và hư hỏng (Bình Thuận: 35 thuyền; Bình Định: 1 thuyền); 18 ngôi nhà bị sập đổ hư hỏng; 463ha lúa tại tỉnh Ninh Thuận bị ngập; 2.580m kè bị sạt lở, hư hỏng.
Ngoài ra, mưa lũ còn khiến 2 vị trí đường sắt qua huyện Thuận Bắc, Ninh Thuận bị sạt lở; 2 lồng bè nuôi trồng thủy sản tại Bình Thuận bị chìm...
Theo Văn phòng Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, ngày 25-11, Bộ tư lệnh Quân khu 5, 7, 9 và Bộ tư lệnh Hải quân, Bộ đội Biên phòng đã điều động 7.086 người (bộ đội: 2.035, dân quân: 5.027, lực lượng khác: 24), 60 phương tiện (ô tô: 51, xuồng: 9) tới giúp các địa phương. Quân khu 5 đã di dời 277 hộ với 696 người đến nơi an toàn.
Quân khu 7 di dời 4.421 hộ với 15.453 người, chằng chống 413 ngôi nhà. Quân khu 9 di dời giúp 13.827 người (Bến Tre: 5.931, Tiền Giang: 7.896); chằng chống nhà giúp 1.953 nhà dân.
Tại đảo Song Tử Tây, quần đảo Trường Sa, Quân chủng Hải quân đã huy động 200 lượt cán bộ, chiến sĩ và 2 xuồng tham gia giúp đỡ các tàu cá vào phòng chống bão số 9; giúp đỡ 12 tàu cá với 94 ngư dân vào âu tàu tránh trú an toàn và giúp dân phường Cam Nghĩa, TP Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa ứng phó thiên tai.
Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng đã điều 347 lượt cán bộ, chiến sĩ và 4 phương tiện phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động các chủ lồng bè nuôi trồng thủy sản di dời vào bờ; giúp dân chằng chống 52 nhà, đưa 70 thúng máy lên bờ tránh bão; di dời 894 hộ với 2.470 đến nơi an toàn.../.