26/11/2024 lúc 09:35 (GMT+7)
Breaking News

Hội thảo về công nhận và thi hành phán quyết trọng tài

VNHN - Ngày 22/6, tại Hà Nội, Bộ Tư pháp, Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc tại Việt Nam (UNDP Việt Nam) và Đại sứ quán Anh tại Hà Nội tổ chức “Hội thảo tham vấn Báo cáo nghiên cứu về các quy định của Luật mẫu UNCITRAL liên quan đến công nhận và cho thi hành phán quyết trọng tài”.

VNHN - Ngày 22/6, tại Hà Nội, Bộ Tư pháp, Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc tại Việt Nam (UNDP Việt Nam) và Đại sứ quán Anh tại Hà Nội tổ chức “Hội thảo tham vấn Báo cáo nghiên cứu về các quy định của Luật mẫu UNCITRAL liên quan đến công nhận và cho thi hành phán quyết trọng tài”.

Hội thảo “Tham vấn Báo cáo nghiên cứu về các quy định của Luật mẫu UNCITRAL liên quan đến công nhận và cho thi hành phán quyết trọng tài” là hoạt động nhằm hỗ trợ Bộ Tư pháp với vai trò là cơ quan đầu mối của Việt Nam trong thực thi Công ước New York 1958 về công nhận và cho thi hành quyết định trọng tài nước ngoài theo phân công của Thủ tướng Chính phủ, thực hiện nghiên cứu quy định về công nhận và cho thi hành phán quyết trọng tài nước ngoài của Luật mẫu và đánh giá khả năng áp dụng các quy định này tại Việt Nam để từ đó có những kiến nghị về hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu quả công tác giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế tại Việt Nam. Ông Bạch Quốc An, Vụ trưởng Vụ Pháp luật quốc tế (Bộ Tư pháp) và bà Sitara Syed, Phó Trưởng Đại diện thường trú của UNDP tham dự, phát biểu khai mạc Hội thảo. Hội thảo thu hút đại diện từ Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các tòa án, cơ quan thi hành án dân sự một số tỉnh, thành phố phía bắc, các trung tâm trọng tài thương mại, công ty luật, các chuyên gia trong nước và quốc tế.

Đây là một trong những hoạt động trọng tâm trong khuôn khổ Dự án vùng “Thúc đẩy Môi trường Kinh doanh Công bằng ở ASEAN”. Dự án này được Quỹ Thịnh vượng Vương quốc Anh tài trợ cho khu vực Đông Nam Á thuộc Chương trình cải cách kinh tế, do UNDP hợp tác với Chính phủ Anh thực hiện từ năm 2018-2021 nhằm hỗ trợ cải thiện cơ chế giải quyết tranh chấp, xây dựng môi trường kinh doanh công bằng tại Việt Nam.

Hoạt động giải quyết tranh chấp thương mại có yếu tố nước ngoài nói chung và việc công nhận và cho thi hành hiệu quả tại Việt Nam phán quyết của trọng tài nước ngoài có một vai trò, tác động quan trọng đối với tiến trình Việt Nam tích cực hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, là yếu tố góp phần xây dựng một môi trường đầu tư, kinh doanh an toàn, minh bạch và quyết tâm cải cách pháp luật, cải cách tư pháp theo tinh thần của Hiến pháp 2013 và Nghị quyết số 48-NQ/TW, Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị. Việt Nam luôn quan tâm và thực hiện chủ trương hoàn thiện pháp luật về giải quyết tranh chấp quốc tế (hoà giải, trọng tài) phù hợp với tập quán thương mại quốc tế, tăng cường ký kết các điều ước quốc tế về công nhận và cho thi hành phán quyết trọng tài. 

Cùng với Công ước New York năm 1958 về công nhận và cho thi hành phán quyết trọng tài nước ngoài, Luật mẫu của Ủy ban Luật Thương mại quốc tế (UNCITRAL) về Trọng tài thương mại quốc tế năm 1985 (được bổ sung năm 2006) là văn bản pháp lý quốc tế quan trọng về trọng tài với mục đích hài hòa hóa pháp luật của các quốc gia về trọng tài thương mại; áp dụng thống nhất thủ tục tố tụng trọng tài để giải quyết hiệu quả các tranh chấp thương mại quốc tế, nhất là việc quy định rõ trách nhiệm của tòa án trong quá trình tố tụng trọng tài. Sự ưu việt của Luật mẫu thể hiện ở thực tế là cho đến thời điểm hiện nay đã có 83 quốc gia và 116 hệ thống pháp luật áp dụng các quy định của Luật này. Vì vậy, việc nghiên cứu quy định của Luật mẫu, so sánh đối chiếu với pháp luật Việt Nam hiện hành và thực tiễn công nhận và thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài tại Việt Nam để từ đó có những đề xuất kiến nghị hoàn thiện pháp luật Việt Nam về trọng tài là rất thiết thực.

Hội thảo tham vấn được tổ chức nhằm thu thập ý kiến bình luận, góp ý của các chuyên gia đối với dự thảo Báo cáo và thảo luận về khả năng áp dụng các quy định này của Luật mẫu UNCITRAL tại Việt Nam dưới góc nhìn đa dạng từ các chuyên gia. Bên cạnh đó, Hội thảo cũng chia sẻ và thảo luận về những kinh nghiệm quốc tế về áp dụng, thực thi các quy định của Luật mẫu UNCITRAL liên quan đến công nhận và cho thi hành phán quyết của trọng tài, qua đó đưa ra những đề xuất đối với Việt Nam.

Ông Bạch Quốc An, Vụ trưởng Vụ Pháp luật quốc tế (Bộ Tư pháp) trong bài phát biểu của mình đã khẳng định: “Chủ trương và mong muốn của Chính phủ Việt Nam là thực hiện nghiêm túc các cam kết quốc tế và nỗ lực tổ chức thi hành đúng pháp luật” nói chung và về công nhận và thi hành quyết định của trọng tài nước ngoài nói riêng.

Bà Sitara Syed, Phó Trưởng Đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam trong bài phát biểu của mình đã nhấn mạnh: Việc giải quyết các tranh chấp thương mại thông qua trọng tài là một thực tiễn quốc tế được nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng. Tuy nhiên, cơ chế này chỉ có thể có hiệu quả nếu các kết quả giải quyết của trọng tài được các tòa án quốc gia công nhận và cho thi hành./.