Triển khai nghiên cứu phục vụ nhiệm vụ trong Kết luận nêu trên, ngày 14/4/2025 tại TP Hồ Chí Minh, Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật và Trợ giúp pháp lý (Cục PBGDPL&TGPL) Bộ Tư pháp đã tổ chức Hội thảo “Bàn về thuật ngữ, nội hàm, tiêu chí đánh giá, đo lường văn hóa tuân thủ pháp luật”.TS.Lê Vệ Quốc, Cục trưởng Cục PBGDPL&TGPL, TS. Nguyễn Văn Cương, Viện trưởng Viện Chiến lược và khoa học pháp lý đồng chủ trì Hội thảo. Tham dự Hội thảo có PGS.TS Nguyễn Tất Viễn, Viện trưởng Viện Chính sách, Pháp luật và Quản lý (VUSTA), các chuyên gia, nhà khoa học, giảng viên các trường Đại học, các đồng chí lãnh đạo Sở Tư pháp TP Hồ Chí Minh, Đồng Tháp, Tây Ninh và một số cán bộ tư pháp.

Toàn cảnh Hội thảo
Báo cáo đề dẫn của Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật và Trợ giúp pháp lý cho rằng văn hóa tuân thủ pháp luật được hiểu là thói quen, lối sống, giá trị, chuẩn mực, niềm tin và hành vi được hình thành, duy trì và được chấp nhận rộng rãi trong cộng đồng, thể hiện thái độ tích cực và ý thức tự giác, chủ động của cá nhân, tổ chức trong thực hiện đúng, đầy đủ, kịp thời các quy định của pháp luật; đồng thời không thực hiện những điều mà pháp luật cấm.

PGS.TS Nguyễn Tất Viễn, Viện trưởng Viện Chính sách, Pháp luật và Quản lý, LHH Việt Nam tham dự và tham luận tại Hội thảo
Trình bày tham luận “Thử bàn về văn hoá tuân thủ pháp luật và các chỉ số đánh giá văn hoá tuân thủ pháp luật”, PGS.TS Nguyễn Tất Viễn cho rằng văn hoá tuân thủ pháp luật là một bộ phân hợp thành của văn hoá pháp luật, một khái niệm mang tính bao trùm, liên quan đến toàn bộ 04 hình thức thực hiện pháp luật (tuân thủ, chấp hành, thi hành và áp dụng pháp luật) với các biểu hiện như: (i) Đặc điểm tâm lý cá nhân; (ii) Vai trò của cá nhân trong nhóm xã hội và trong cộng đồng; (iii) Văn hóa truyền thống của dân tộc; (iv) Văn hoá tuân thủ pháp luật hình thành theo thói quen pháp luật; đồng thời đề xuất các chỉ số đánh giá văn hoá tuân thủ pháp luật.
Ý kiến tham luận của TS Nguyễn Văn Cương, GS.TS Đỗ Văn Đại và các đại biểu là các nhà hoạt đông thực tiễn đề cập đến các chiều cạnh khác nhau của văn hóa tuân thủ pháp luật, về mối liên hệ giữa ý thức pháp luật, văn hoá pháp luật và văn hóa tuân thủ pháp luật; đề xuất một số giải pháp nâng cao văn hoá tuân thủ pháp luật. Các đại biểu cơ bản nhất trí về việc vấn đề văn hóa tuân thủ pháp luật cần tiếp tục được nghiên cứu, trao đổi sâu hơn trong thời gian tới, góp phần phục vụ hoạch định chính sách và nâng cao hiệu quả thực hiện pháp luật, đáp ứng yêu cầu thượng tôn pháp luật trong Nhà nước pháp quyền XHCN ./.