23/01/2025 lúc 06:01 (GMT+7)
Breaking News

Hội thảo khoa học “Dân giám sát, dân thụ hưởng – những vấn đề lý luận và thực tiễn”

Ngày 12/6, tại trụ sở chính, Học viện Hành chính Quốc gia đã tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: “Dân giám sát, dân thụ hưởng – những vấn đề lý luận và thực tiễn”. PGS.TS. Nguyễn Thị Thu Hà, Trưởng khoa Khoa Khoa học liên ngành chủ trì Hội thảo.
Toàn cảnh Hội thảo.
Toàn cảnh Hội thảo.

Tham dự Hội thảo có: PGS.TS. Nguyễn Bá Chiến, Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia; TS. Nguyễn Tiến Dĩnh, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ; đại diện lãnh đạo các khoa, ban, đơn vị thuộc và trực thuộc Học viện; chuyên gia, nhà quản lý, nhà khoa học trong và ngoài Học viện; lãnh đạo, giảng viên, học viên, sinh viên khoa Khoa học liên ngành.

Hội thảo được tổ chức trực tiếp và trực tuyến đến các Phân hiệu Học viện tại TP. Hồ Chí Minh, tỉnh Đắk Lắk và tỉnh Quảng Nam.

PGS.TS. Nguyễn Bá Chiến, Giám đốc Học viện phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo.
PGS.TS. Nguyễn Bá Chiến, Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo.

Phát biểu chỉ đạo Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Bá Chiến, Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia cảm ơn sự có mặt của các đại biểu, chuyên gia, nhà khoa học đã quan tâm viết bài và tham gia Hội thảo. Với 40 bài tham luận đăng kỷ yếu Hội thảo, cùng đông đảo các nhà khoa học tham dự, khẳng định sự quan tâm về chủ đề của Hội thảo. Giám đốc Học viện ghi nhận sự chuẩn bị kỹ lưỡng, công phu của Khoa Khoa học ngành, qua đây cũng rất mong các nhà khoa học trao đổi, thảo luận, nghiên cứu sâu hơn về những khía cạnh, những vấn đề đặt ra trên bình diện lý luận và thực tiễn về Dân giám sát, dân thụ hưởng ở Việt Nam hiện nay.

PGS.TS. Nguyễn Thị Thu Hà – Trưởng khoa, Khoa Khoa học liên ngành phát biểu đề dẫn Hội thảo.
PGS.TS. Nguyễn Thị Thu Hà – Trưởng khoa, Khoa Khoa học liên ngành phát biểu đề dẫn Hội thảo.

Phát biểu đề dẫn Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Thị Thu Hà khẳng định, Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ tổ quốc; mọi chủ trương, chính sách phải thật sự xuất phát từ cuộc sống, nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu. Đây là một điểm mới, là thông điệp ngắn gọn của Đảng ta về “dân” tại Đại hội XIII của Đảng. Cùng với các giá trị cốt lõi là “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” được Nghị quyết Đại hội XIII tiếp tục khẳng định thì chủ trương thực hiện dân chủ cơ sở lần này được bổ sung những giá trị mới, hết sức quan trọng đó là “Dân giám sát” và “Dân thụ hưởng”.

PGS. TS. Nguyễn Thị Thu Hà đề nghị các nhà khoa học tập trung trao đổi vào các vấn đề chính:

Một là, Làm rõ các vấn đề lý luận về “Dân giám sát, dân thụ hưởng”.

Hai là, Làm rõ những vấn đề thực tiễn về “Dân giám sát, dân thụ hưởng”.

Ba là, Nghiên cứu kinh nghiệm trong nước và thế giới về bảo đảm quyền lợi và nghĩa vụ, trách nhiệm trong việc thực hiện “Dân giám sát, dân thụ hưởng” ở Việt Nam hiện nay.

Bốn là, Đưa ra các giải pháp góp phần đảm bảo và nâng cao hiệu quả hoạt động “Dân giám sát, dân thụ hưởng” ở Việt Nam hiện nay.

Năm là. các nội dung khác có liên quan đến chủ đề Hội thảo.

PGS.TS. Ngô Đình Xây, nguyên Vụ trưởng, Vụ Lý luận chính trị, Ban Tuyên giáo Trung ương tham luận tại Hội thảo.
PGS.TS. Ngô Đình Xây, nguyên Vụ trưởng, Vụ Lý luận chính trị, Ban Tuyên giáo Trung ương tham luận tại Hội thảo.

PGS.TS. Ngô Đình Xây, nguyên Vụ trưởng, Vụ Lý luận chính trị, Ban Tuyên giáo Trung ương với tham luận “Dân giám sát, dân thụ hưởng” – nhận thức và một số vấn đề đặt ra, nhấn mạnh Định hướng phát triển đất nước những năm tiếp theo về nền dân chủ nhân dân, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng chỉ rõ: Thực hành và phát huy rộng rãi quyền làm chủ của nhân dân và vai trò chủ thể của nhân dân, thực hiện tốt, có hiệu quả phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Phương châm thực thi dân chủ: dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng là quan điểm nhất quán, xuyên suốt của Đảng ta và đây cũng là xác định trách nhiệm chính trị của cả hệ thống chính trị và của toàn dân. “Dân giám sát, Dân thụ hưởng” là điểm mới trong văn kiện của Đảng, là giá trị đích thực, mục tiêu xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta đang hướng tới.

PGS.TS. Trần Nam Chuân – nguyên cán bộ Viện Chiến lược, Bộ Quốc phòng tham luận tại Hội thảo.
PGS.TS. Trần Nam Chuân – nguyên cán bộ Viện Chiến lược, Bộ Quốc phòng tham luận tại Hội thảo.

Tại Hội thảo, Đại tá, PGS.TS. Trần Nam Chuân – nguyên cán bộ Viện Chiến lược, Bộ Quốc phòng đưa ra vấn đề lí luận và thực tiễn về “Dân biết, Dân bàn, Dân làm, Dân kiểm tra, Dân giám sát, Dân thụ hưởng” và khẳng định: “Trong mọi công việc của Đảng và Nhà nước, phảiluôn quán triệt sâu sắc quan điểm “dân là gốc”; thật sự tin tưởng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, kiên trì thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ cuộc sống, nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu” chính là thông điệp ngắn gọn nhưng sâu sắc tại Đại hội XIII về vị thế của nhân dân và vai trò của việc thực hiện phương châm của Đảng trong quá trình xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam là hoàn toàn đúng đắn.

GS.TS. Nguyễn Trọng Chuẩn – Phó Chủ tịch Hội Triết học Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí Nghiên cứu Triết học tham luận tại Hội thảo.
GS.TS. Nguyễn Trọng Chuẩn – Phó Chủ tịch Hội Triết học Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí Nghiên cứu Triết học tham luận tại Hội thảo.

Tại Hội thảo, GS.TS. Nguyễn Trọng Chuẩn – Phó Chủ tịch Hội Triết học Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí Nghiên cứu Triết học đã làm rõ những vấn đề cơ bản đặt ra trong giai đoạn hiện nay của chủ đề “Dân giám sát, Dân thụ hưởng”…

Hội thảo đã nhận được sự quan tâm của các nhà khoa học, các nhà quản lý, các giảng viên, nghiên cứu viên các trường đại học, học viện, viện nghiên cứu; đã có 40 bài viết được gửi đến Ban Tổ chức Hội thảo và được Ban Biên tập lựa chọn để in trong Kỷ yếu Hội thảo.

TS. Nguyễn Tiến Dĩnh – nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ tham luận tại Hội thảo.

TS. Nguyễn Tiến Dĩnh – nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ tham luận tại Hội thảo.

TS. Nguyễn Ngọc Vân – nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Tổ chức nhà nước, Bộ Nội vụ tham luận tại Hội thảo.
TS. Nguyễn Ngọc Vân – nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Tổ chức nhà nước, Bộ Nội vụ tham luận tại Hội thảo.
TS. Hoàng Quang Đạt – Học viện Hành chính Quốc gia tham luận tại Hội thảo.
TS. Hoàng Quang Đạt – Học viện Hành chính Quốc gia tham luận tại Hội thảo.
TS. Lê Đình Thảo phát biểu tại Hội thảo.
TS. Lê Đình Thảo phát biểu tại Hội thảo.

Với tham luận “Phát huy vai trò giám sát của Nhân dân đối với các công việc quản lý nhà nước”, TS. Lê Đình Thảo, giảng viên Khoa Khoa học liên ngành khẳng định: phát huy vai trò giám sát của nhân dân đối với các công việc quản lý nhà nước là một trong nội dung thực thi dân chủ trong xã hội. Đây là việc làm cần thiết, không thể không thực hiện nhằm ngăn ngừa tình trạng lạm quyền và những việc làm sai trái có thể nảy sinh trong đội ngũ cán bộ, công chức. Đây cũng là cơ sở giúp các cơ quan nhà nước, các cấp, các ngành có thể ban hành và tổ chức thực thi các chính sách một cách đúng đắn và có hiệu hiệu quả. Hiện nay, ở nhiều nơi, vai trò giám sát của nhân dân chưa thực sự được phát huy và do đó, những hạn chế yếu kém trong quản lý và những sai lầm khuyết điểm ở một số cán bộ, công chức chậm được phát hiện và xử lý, tình trạng quan liêu, tham nhũng, lãng phí chưa được đẩy lùi, khắc phục…

Kết luận Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Thị Thu Hà trân trọng cảm ơn sự tham gia đóng góp ý kiến, thảo luận tích cực được các nhà khoa học trình bày trực tiếp tại Hội thảo. Những tham luận đầy tâm huyết, có giá trị cao tại Hội thảo sẽ được tiếp thu, phát triển đầy đủ, hiệu quả, góp phần làm đầy đủ, sâu sắc và thấu đáo hơn nữa nhận thức của chúng ta về những vấn đề đặt ra trên bình diện lý luận và thực tiễn liên quan đến chủ đề Hội thảo, đồng thời, giúp nâng cao chất lượng giảng dạy và nghiên cứu khoa học của đội ngũ giảng viên Khoa Khoa học liên ngành nói riêng và Học viện Hành chính Quốc gia nói chung.

Đại biểu, khách mời dự Hội thảo chụp ảnh lưu niệm.
Đại biểu, khách mời dự Hội thảo chụp ảnh lưu niệm.

PV