26/12/2024 lúc 21:01 (GMT+7)
Breaking News

Hội thảo góp ý báo cáo cuối kỳ quy hoạch Đắk Lắk thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn 2050

Ngày 23/11, UBND tỉnh tổ chức Hội thảo góp ý Báo cáo cuối kỳ quy hoạch tỉnh Đắk Lắk thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tham dự hội thảo có đại diện các bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo các tỉnh lân cận và các chuyên gia, nhà khoa học.

Đại diện lãnh đạo tỉnh có đồng chí: Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Hà, Trưởng Ban chỉ đạo lập quy hoạch tỉnh chủ trì hội thảo. Cùng tham dự về phía Đắk Lắk có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Cảnh và lãnh đạo các sở, ngành, địa phương.

Đắk Lắk quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và phương án phân bổ khoanh vùng đất đai - ảnh: VNHN

Theo đánh giá của các chuyên gia, nhà khoa học: Đắk Lắk có vị trí địa lý chiến lược trong phát triển kinh tế – xã hội của vùng Tây Nguyên và đối với quốc phòng, an ninh quốc gia. Tỉnh cũng có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng; môi trường sinh thái, danh lam thắng cảnh và bản sắc văn hóa nhiều truyền thống phong phú và đa dạng. Ngoài ra, Đắk Lắk còn có nhiều tiềm năng mới được phát hiện. Nổi bật như, tiềm năng phát triển các nguồn năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời...Tuy nhiên, Đắk Lắk vẫn là tỉnh thuộc vùng chậm phát triển với nhiều điểm hạn chế ảnh hưởng đến quá trình phát triển như: hệ thống kết cấu hạ tầng chưa đồng bộ; cơ cấu nền kinh tế, mô hình tăng trưởng của tỉnh chưa cao; chất lượng nguồn nhân lực thấp, chưa đáp ứng nhu cầu phát triển trong giai đoạn mới …

Quy hoạch này đưa ra mục tiêu thời kỳ 2021 - 2030 là nâng cao đời sống của người dân đạt mức trung bình khá của cả nước, trên cơ sở phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững; xây dựng Đắk Lắk trở thành trung tâm, một cực phát triển của vùng Tây Nguyên, hội nhập và liên kết theo hướng mở với khu vực và quốc tế. Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân hàng năm thời kỳ này đạt 11%, trong đó, giai đoạn 2021 - 2025 là 10%/năm, GRDP bình quân đầu người năm 2025 đạt 81,2 triệu đồng, năm 2030 đạt 131 triệu đồng; giảm tỷ lệ hộ nghèo cả tỉnh 1,5 - 2%/năm, riêng hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm hàng năm 3 - 4%.

Đ/c Nguyễn Tuấn Hà, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo lập quy hoạch tỉnh chủ trì Hội thảo.

Với tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh Đắk Lắk trở thành địa phương có "Không gian sinh thái - Bản sắc - Kết nối sáng tạo", là điểm đến yêu thích, đáng sống; có nền kinh tế điển hình theo mô hình tăng trưởng xanh - tuần hoàn, quy mô kinh tế vươn lên đứng trong nhóm 25 tỉnh đứng đầu cả nước.

Dự thảo quy hoạch đã đưa ra những quan điểm, mục tiêu đột phá ưu tiên phát triển; phương hướng phát triển các ngành, lĩnh vực; tổ chức không gian phát triển; phương án quy hoạch đô thị và các khu chức năng; phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và phương án phân bổ khoanh vùng đất đai. Trên cơ sở phân tích những điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội, thách thức của địa phương để đưa ra những mục tiêu và giải pháp toàn diện phát triển kinh tế - xã hội.

Với tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh Đắk Lắk trở thành địa phương có "Không gian sinh thái - Bản sắc - Kết nối sáng tạo"- ảnh: VNHN

Tại hội thảo các nhà quản lý, chuyên gia, nhà khoa học đã đưa ra những phản biện, đóng góp ý kiến làm rõ một số nội dung liên quan đến cơ sở pháp lý, khoa học và tính khả thi của một số chỉ tiêu trong báo cáo thuyết minh về quy hoạch, đặc biệt quan trọng là nhận diện thực trạng phát triển của tỉnh Đắk Lắk từ trước đến nay; những nguyên nhân gây cản trở sự phát triển; định hướng phát triển tỉnh Đắk Lắk thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Hà ghi nhận những ý kiến đóng góp chất lượng, trách nhiệm của đại biểu trên cơ sở vì lợi ích của tỉnh. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đề nghị đơn vị tư vấn lập Quy hoạch Đắk Lắk thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 tiếp thu những ý kiến tại hội thảo để bổ sung, sớm hoàn thiện nội dung, bảo đảm chất lượng, thuyết phục. Đối với các sở, ngành, địa phương, cần phối hợp với đơn vị tư vấn rà soát những nội dung liên quan để hoàn chỉnh, cập nhật nội dung, nhằm tạo thuận lợi trong quá trình thực hiện khi quy hoạch được Chính phủ phê duyệt./.

Nguyễn Hương