VNHN - Sáng nay 11/10, tại Hà Nội, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Hà Nội phối hợp với Mạng lưới không khí sạch Việt Nam (VCAP) và Trung tâm Sống và Học tập vì Môi trường và Cộng đồng (Live&Learm) đã tổ chức Hội thảo “Hiểu đúng về ô nhiễm không khí tại Hà Nội - Hành động của chính quyền và người dân”.
Hội thảo "Hiểu đúng về ô nhiễm không khí tại Hà Nội - Hành động của chính quyền người dân".
Hội thảo nhằm thông tin đầy đủ cho các cơ quan báo chí và người dân để hiểu đúng về diễn biến ô nhiễm không khí (ONKK) trong thời gian qua, đồng thời phản ánh nỗ lực của Thành phố trong công tác cải thiện chất lượng không khí, và sự tham gia của cộng đồng, các bên liên quan (NGOs) trong việc cải thiện chất lượng không khí.
Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà nghiên cứu đã thảo luận trao đổi và chỉ rõ nguyên nhân gây ô nhiễm không khí trên địa bàn thành phố Hà Nội, phụ thuộc nhiều vào yếu tố khí tượng và nguồn phát thải của thành phố, khu vực lân cận. Các đại biểu cho rằng, Hà Nội cần kiểm soát các nguồn thải gây ô nhiễm, đặc biệt là nguồn gốc gây bụi PM2.5 để có giải pháp tháo gỡ.
Về tình trạng chất lượng không khí tại Hà Nội trong thời gian gần đây, GS.TS Hoàng Xuân Cơ - Giảng viên cao cấp Khoa Khoa học môi trường và bảo vệ môi trường (Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội) nhận định: Đây là thực trạng chung của các nước trong quá trình phát triển "nóng".
"Về nguyên lý, có mối quan hệ tương quan giữa các các điều kiện bất lợi gây ra bởi quá trình tăng trưởng GDP ở các quốc gia, nhất là những quốc gia đang phát triển như Việt Nam. Chúng ta phát triển, bắt buộc phải đánh đổi, nhưng đánh đổi ở mức độ chấp nhận được". - GS.TS Hoàng Xuân Cơ chia sẻ.
GS.TS Hoàng Xuân Cơ - Giảng viên cao cấp khoa Khoa học môi trường và bảo vệ môi trường (Đại học KHTN Hà Nội).
Về nguồn phát thải gây ô nhiễm không khí, GS.TS Xuân Cơ cho rằng: Mỗi kW/h điện người dân sử dụng mỗi ngày, km chạy xe, hay mỗi ngôi nhà công trình xây dựng cũng đều góp phần gây ô nhiễm không khí. "Chúng ta đang trong giai đoạn phát triển thì nguồn thải không ổn định, các nguồn vẫn tăng. Theo tôi, sắp tới các nhà máy nhiệt điện than sẽ không giảm đi do đòi hỏi nhu cầu tăng trưởng, lượng xe cộ gia tăng...", ông Cơ nói.
Chỉ khi nào Việt Nam đạt đến mức độ GDP nhất định, thì các chỉ số ô nhiễm mới có thể giảm, chất lượng môi trường có điều kiện cải thiện do kinh tế được nâng cao.
Theo TS Hà Đăng Sơn - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Năng lượng và tăng trưởng xanh (CEGR) cho biết, ông đã dành nhiều thời gian nghiên cứu các trang quan trắc như AirVisual, Pam Air và cả các cổng thông tin chính thống như Chi cục Bảo vệ Môi trường Hà Nội, Đại sứ quán Mỹ... So với 3 năm trước, hiện chúng ta có quá nhiều nguồn để tham khảo thông tin chất lượng không khí. Tuy nhiên, chính vì số liệu các nguồn thông tin có sự chênh lệch nhau nên người dân đang bị ngợp thông tin.
“Giữa các đơn vị đo đạc, các ứng dụng khác nhau nhiều khi cho những kết quả khác nhau. Ngay như trong sáng nay (11/10), chỉ tiêu ô nhiễm không khí theo ứng dụng PamAir là màu vàng, thấp hơn so với ứng dụng AirVisua, còn theo nguồn của Đại sứ quán Hoa Kỳ thì không khí Hà Nội sáng nay lên mức màu đỏ, còn các kênh khác có màu vàng... Do có quá nhiều thông tin nên chúng ta bị “ngợp”, bên này đỏ, chỗ này vàng, chỗ kia da cam. Người dân không biết đâu thực sự là thông tin tin tưởng được”, TS Hà Đăng Sơn chia sẻ.
TS Hà Đăng Sơn - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Năng lượng và tăng trưởng xanh (CEGR) trình bày.
Phát biểu tại hội thảo, Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam Kidong Park cho biết, trung bình mỗi năm có 7 triệu người chết vì các bệnh liên quan đến ô nhiễm không khí. Trong đó, người dân sinh sống tại các thành phố thu nhập thấp, đặc biệt là trẻ em, phụ nữ, và công nhân là đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi ONKK. Theo WHO, mỗi quốc gia cần tăng cường mở rộng nền tảng kiến thức, hiểu biết về ảnh hưởng sức khỏe của ô nhiễm không khí; theo dõi và báo cáo xu hướng sức khỏe; thúc đẩy ngành y tế nâng cao nhận thức về lợi ích sức khỏe từ các biện pháp giảm thiểu ONKK.
“Bây giờ chính là lúc cần phải tiến hành hành động quyết liệt để làm sạch không khí vì sức khỏe con người. Là một trong những thành phố đang chịu ảnh hưởng của ONKK, Hà Nội cần tăng cường hệ thống theo dõi và giám sát chất lượng không khí, rà soát cẩn thận nhằm phát hiện các nguồn phát thải khí ô nhiễm, đồng thời áp dụng các biện pháp nhằm giảm các chất ô nhiễm tại nguồn”, ông Kidong Park chia sẻ.
Tham dự Hội thảo có nhiều chuyên gia về lĩnh vực môi trường và đông đảo các cơ quan thông tấn báo chí.