21/12/2024 lúc 17:21 (GMT+7)
Breaking News

Tìm giải pháp để ứng phó và khắc phục tổn thất do thiên tai

Việt Nam nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa, bờ biển kéo dài, nên phải chịu nhiều rủi ro và thảm họa do thiên tai như: hạn hán, động đất, lũ lụt, cháy rừng, sụt lở đất, xâm thực nước biển, bão. Phạm vi ảnh hưởng diễn ra trên cả nước, nhiều sự kiện thiên tai xảy ra tác động tới nhiều vùng. Trước thực trạng đó cần có các giải pháp, huy động nguồn lực để ứng phó và khắc phục tổn thất do biến đổi khí hậu, thảm họa thiên tai gây ra.

Ảnh minh họa - TL

Thiên tai gây thiệt hại lớn về người và tài sản

Việt Nam nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa, 3/4 là đồi, núi, cao nguyên; bờ biển kéo dài, nhiều hòn đảo. Địa hình Việt Nam có đặc điểm 3.500 con sông dài trên 3.000 km. Khu vực duyên hải miền Trung hẹp, có dãy Trường Sơn chặn gió từ biển vào tạo nên gió Lào nóng dễ gây hỏa hoạn, địa hình dốc dễ gây ra lụt nhanh sạt lở.

Bình quân 20 năm trở lại đây thảm họa thiên tai đã làm khoảng 300 người chết và mất tích/năm; thiệt hại kinh tế từ 1,0% đến 1,5% GDP.

Với vị trí địa lý, địa hình như trên, tài nguyên nói chung quy mô không lớn nhưng phong phú (đất, nước, rừng, khoáng sản, biển ...). Việt Nam có nhiều thuận lợi phát triển kinh tế, giao lưu hội nhập thu hút đầu tư phát triển kinh tế với khu vực và thế giới, song cũng gặp nhiều khó khăn, tổn thất về người và của do biến đổi khí hậu, thiên tai gây ra.

Thực tế cho thấy, trong những năm gần đây Việt Nam gặp nhiều khó khăn, tổn thất về người và của do biến đổi khí hậu, thiên tai gây ra, ảnh hưởng đến nền kinh tế cả nước và các địa phương, điển hình như: Bão Xangsane năm 2006, đã làm 57 người thiệt mạng, thiệt hại 10.000 tỷ đồng. Bão Molave năm 2020 đã làm 33 người thiệt mạng, thiệt hại ước tính lên tới 10.000 tỷ đồng. Lũ năm 2020 ở khu vực miền Trung và Tây Nguyên, 154 người chết và mất tích, thiệt hại 15.658 tỷ đồng. Bình quân 20 năm trở lại đây thảm họa thiên tai đã làm khoảng 300 người chết và mất tích/năm; thiệt hại kinh tế từ 1,0% đến 1,5% GDP.

Xây dựng nguồn lực để ứng phó với thiên tai

Trước tình hình đó, cần có giải pháp hữu hiệu khắc phục và xây dựng nguồn lực tài chính để ứng phó và khắc phục hậu quả tổn thất do thảm họa thiên nhiên gây ra ở nước ta.

Theo đó, các cơ quan chức năng tiếp tục tuyên truyền, vận động, hướng dẫn cộng đồng nâng cao nhận thức phòng tránh thiên tai; đào tạo đội ngũ cán bộ tuyên truyền cho các tỉnh, huyện nhất là những địa phương chịu nhiều ảnh hưởng của thiên tai như: miền núi, duyên hải miền Trung, đồng bằng sông Hồng, đồng bằng sông Cửu Long ... để cộng đồng chủ động phòng chống thảm họa thiên nhiên gây ra.

Chúng ta cần coi trọng công tác bồi dưỡng, nâng cao trình độ khoa học, kỹ thuật, công nghệ cho cán bộ, công nhân viên các cấp từ trung ương đến địa phương để có kiến thức, chủ động trước mọi tình huống biến đổi khí hậu, thảm họa thiên tai gây ra. Các ngành, các địa phương cần xây dựng nguồn lực tài chính để ngăn ngừa phòng chống thảm họa do thiên tai gây ra.

Khi sự cố do thảm họa thiên tai xảy ra cần có nguồn lực vật chất để ứng phó, khắc phục kịp thời hậu quả, đảm bảo an toàn, ổn định đời sống cho cộng đồng dân cư vùng có thảm họa gây thất thoát, hư hại, phá hủy các tài sản, công trình của dân cư và của nhà nước; cần có chế tài để các tổ chức kinh tế, các doanh nghiệp xây dựng quỹ dự phòng rủi ro thiên tai của từng đơn vị.

Để dự phòng rủi ro thiệt hại do thiên tai, hỏa hoạn, hoặc các sự cố kỹ thuật tác động làm hư hại, làm giảm chất lượng công trình, các dự án đầu tư nên mua bảo hiểm công trình theo chế độ hiện hành, khi có tổn thất cơ quan bảo hiểm sẽ đền bù theo quy định.

PGS.TS Thái Bá Cẩn

...