Sáng ngày 27/5/2021, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức hội nghị trực tuyến phòng, chống dịch bệnh Viêm da nổi cục trên trâu, bò. Đồng chí Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn dự và chủ trì hội nghị. Tại điểm cầu Thanh Hóa có đồng chí Lê Đức Giang - Phó Chủ tịch UBND tỉnh dự và chủ trì.
Toàn cảnh hội nghị tại điểm cầu Thanh Hóa
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, bệnh Viêm da nổi cục trên trâu, bò lần đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam vào tháng 10/2020. Đến ngày 25/5/2021, dịch bệnh đã xảy ra tại hơn 2.300 xã của 32 tỉnh, thành phố với tổng số hơn 60 nghìn con gia súc mắc bệnh và gần 10 nghìn con gia súc chết, tiêu hủy. Hiện nay, cả nước có hơn 1400 ổ dịch chưa qua 21 ngày tại hơn 200 huyện của 27 tỉnh, thành phố.
Tại Hội nghị, đại diện các địa phương và Cục Thú ý đều đánh giá và nhận định đây là dịch bệnh nguy hiểm. Nguy cơ dịch bệnh lây lan diện rộng, làm ảnh hưởng lớn đến phát triển chăn nuôi trong thời gian tới là rất cao nếu không dập được dịch nhanh. Bên cạnh đó, công tác ngăn chặn, kiểm soát dịch bệnh còn gặp nhiều khó khăn do hiện nay thời tiết thay đổi, tạo điều kiện thuận lợi cho các vật chủ trung gian truyền bệnh phát triển; một số địa phương chưa triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; chưa thực hiện nghiêm việc công bố dịch và triển khai các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định; chưa có kế hoạch, chưa bố trí kinh phí phòng chống dịch, đặc biệt là kinh phí mua vắc xin Viêm da nổi cục thấp, trong khi cần tối thiểu 21 ngày sau tiêm phòng vắc xin mới có đáp ứng miễn dịch phòng bệnh hiệu quả…
Đồng chí Lê Đức Giang - Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại điểm cầu Thanh Hóa
Phát biểu tại điểm cầu Thanh Hóa, đồng chí Lê Đức Giang - Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Thanh Hóa là địa phương đứng đầu cả nước về số lượng đàn trâu, bò, gia súc và các vật nuôi khác. Vì vậy, ngay từ khi chưa có dịch tràn về; địa phương đã xác định đây là loại dịch bệnh nguy hiểm và lên phương án xây dựng kịch bản ứng phó, phòng chống dịch. Cụ thể, Thanh Hóa đã chủ động mua vắc xin, triển khai tiêm phòng được hơn 97% con trâu, bò thuộc diện tiêm; phân công nhiệm vụ giám sát tình hình dịch bệnh đến cấp cơ sở thôn, bản… Trong thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp ngăn chặn dịch bệnh Viêm da nổi cục một cách có hiệu quả và bám sát vào các chỉ đạo của Trung ương cũng như của ngành Nông nghiệp.
Đồng chí Lê Đức Giang kiến nghị, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sớm kiện toàn hệ thống thú y cơ sở; nghiên cứu, xem xét, hướng dẫn tiêm phòng Viêm da trâu, bò cho bê, nghé dưới 1 tháng tuổi trở lên để bao vây dịch.
Đồng chí Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn kết luận hội nghị
Kết luận hội nghị, đồng chí Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đề nghị: Các địa phương cần tập trung nguồn lực để triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch theo quy định; có kế hoạch và bố trí kinh phí để tổ chức phòng, chống dịch bệnh Viêm da nổi cục bao gồm kinh phí mua vắc xin để tiêm phòng, đảm bảo tỷ lệ tiêm phòng đạt tối thiểu 80% số gia súc thuộc diện tiêm; chi trả công tiêm vắc xin, kinh phí mua thuốc diệt côn trùng.
Ngoài ra, các địa phương cần tổ chức giám sát, phát hiện sớm, kịp thời cảnh báo và xử lý triệt để các ổ dịch mới phát sinh, không để lây lan ra diện rộng; hướng dẫn chủ chăn nuôi trâu, bò tăng cường áp dụng các biện pháp chủ động phòng dịch; tổ chức tổng vệ sinh, sát trùng, tiêu độc môi trường. Bên cạnh đó cần tổ chức giám sát chặt chẽ việc tập kết, buôn bán trâu bò và các sản phẩm từ trâu bò; xử lý nghiêm đối với các trường hợp vận chuyển, buôn bán trâu, bò qua biên giới không rõ nguồn gốc.
Chỉ đạo sau hội nghị, đồng chí Lê Đức Giang - Phó Chủ tịch UBND tỉnh lưu ý các sở, ban, ngành liên quan, các địa phương trên địa bàn tỉnh cần tiếp tục thực hiện nghiêm túc giải pháp phòng, chống dịch, bệnh trên đàn gia súc, gia cầm nói chung và dịch bệnh Viêm da nổi cục nói riêng. Trong đó, chú trọng công tác phun tiêu độc khử trùng, thuốc diệt côn trùng, vật chủ trung gian truyền bệnh; tiêm phòng vắc xin Viêm da nổi cục cho trâu, bò, nhất là bê, nghé đến tuổi để hạn chế lây lan dịch bệnh.Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền bằng nhiều hình thức về nguy cơ, dấu hiệu nhận biết, tác hại và các biện pháp phòng, chống dịch, bệnh Viêm da nổi cục để người dân, hộ chăn nuôi biết, có sự ứng phó kịp thời. Các lực lượng chức năng cần kiểm soát chặt chẽ hoạt động giết mổ tại các lò mổ thủ công và lò mổ tập trung. Các chốt kiểm soát cần vận hành có hiệu quả, tránh hoạt động hình thức, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong vận chuyển gia súc, gia cầm./.