Nhà phân tích chính trị cấp cao Marwan Bishara* của tờ Al Jazeera đã có bài phân tích về Hội nghị thượng đỉnh giữa Thủ tướng Israel Naftali Bennett và Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Nhà Trắng ngày 26/8.
Thủ tướng Israel Naftali Bennett dự kiến có cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Nhà Trắng vào ngày 26/8. (Nguồn: AP)
Thủ tướng Israel Naftali Bennett có cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Nhà Trắng ngày 26/8 trong bối cảnh căng thẳng với "kẻ thù truyền kiếp" Iran vẫn tiếp tục gia tăng cũng như nguy cơ bùng nổ xung đột mới giữa Israel và Palestine.
Trọng trách của tân Thủ tướng Israel trong chuyến công du Mỹ lần này hết sức to lớn khi phải xử lý mối quan hệ sóng gió giữa hai nước do người tiền nhiệm Donald Trump và Benjamin Netanyahu để lại.
Lần chạm trán này giữa hai nhà lãnh đạo có giúp "cài đặt lại" quan hệ song phương hay không vẫn là câu hỏi chưa được sáng tỏ, bởi cuộc gặp này đang bị "phủ bóng" bởi những vấn đề gây tranh cãi giữa hai nước.
Nhiều bất đồng hơn đồng thuận
Trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên kể từ khi lên nắm quyền, ông Bennett có cuộc hội đàm với Tổng thống Biden với trọng tâm là hàng loạt vấn đề gây bất đồng quan điểm giữa hai bên, gồm vấn đề Iran, Palestine và Trung Quốc.
Tiếp nối quan điểm của người tiền nhiệm, Thủ tướng Bennett vẫn phản đối khả năng Iran và các cường quốc phương Tây đạt được một thỏa thuận hạt nhân mới, nhấn mạnh rằng bất kỳ thỏa thuận nào cũng cần phải buộc Tehran chấm dứt các hành động khiêu khích trong khu vực.
Trong khi đó, các cuộc đàm phán gián tiếp giữa Israel và phong trào Hồi giáo Hamas kiểm soát Dải Gaza nhằm đạt được một thỏa thuận về công cuộc tái thiết vùng đất này đã bị "phá sản" hồi tuần trước.
Hamas đã thả những quả bóng bay gây cháy sang lãnh thổ Israel và tiến hành các cuộc biểu tình ở khu vực biên giới, những động thái mà giới phân tích cho rằng có thể là "mồi lửa" làm bùng cháy một cuộc giao tranh mới.
Liên quan đến Trung Quốc, Mỹ lâu nay không hài lòng trước mối quan hệ hợp tác giữa Israel và quốc gia châu Á này, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ cao.
Ngoài hàng loạt vấn đề khu vực và quốc tế, bản thân hai nhà lãnh đạo Naftali Bennett và Joe Biden đang vướng phải những vấn đề gây đau đầu ở chính trường trong nước.
Tổng thống Biden đang hứng chịu "bão chính trị" ở trong nước về vấn đề Afghanistan, còn Thủ tướng Bennett đang thiếu hụt uy tín và tầm ảnh hưởng chính trị trong chính trường nội bộ.
Vì vậy, trang Al Jazeera nhận định rằng, mặc dù chính phủ hai nước từng nhất trí không để những "bất ngờ chính trị" và "chỉ trích công khai" làm hủy hoại "mối quan hệ đặc biệt", song cuộc gặp này sẽ tiềm ẩn nhiều bất đồng, hơn là đồng thuận.
Khác biệt trong vấn đề Trung Quốc và Iran
Theo Al Jazeera, Tổng thống Biden sẽ thúc đẩy Thủ tướng Bennett từ bỏ mối quan hệ hợp tác giữa Israel và Trung Quốc. Ngược lại, ông Bennett sẽ gây sức ép để ông Biden từ bỏ các cuộc đàm phán hạt nhân với Iran.
Hiện nay, chính quyền của Tổng thống Biden đang hết sức chú trọng các biện pháp ứng phó với Trung Quốc, nước mà Mỹ nhận định là một thách thức chiến lược to lớn nhất mà Washington đang phải đối mặt.
Bắc Kinh lâu nay vẫn được cho là tận dụng thời cơ và khoảng trống mà Washington bỏ lại ở những nước như Afghanistan và Iraq để mở rộng tầm ảnh hưởng với tốc độ thần tốc ở khu vực Đại Trung Đông, châu Á và các khu vực khác.
Mỹ hiện quan ngại trước khoản đầu tư của Trung Quốc ở Israel trong vòng 18 năm qua đã vượt quá 19 tỷ USD, trong đó, riêng lĩnh vực công nghệ cao chiếm 9 tỷ USD. Thương mại song phương Israel-Trung Quốc trong năm 2020 đạt 17,5 tỷ USD.
Giới quan sát dự đoán, bất đồng hai bên về vấn đề Trung Quốc sẽ vẫn tồn tại, vì nhiều khả năng ông Biden sẽ yêu cầu Israel "chấm dứt và từ bỏ" việc làm ăn với Trung Quốc, trong khi Israel đều phớt lờ lời cảnh báo này.
Về vấn đề Iran, nhà lãnh đạo mới của Israel có thể gây áp lực buộc ông Biden cứng rắn hơn nữa với nước này.
Một vấn đề mà truyền thông chính thống thường bỏ qua là việc Tehran đã ký tham gia Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) và chương trình hạt nhân của Iran phần lớn có mục đích hòa bình.
Trong khi đó, Israel từ chối tham gia NPT và là cường quốc quân sự hạt nhân duy nhất ở Trung Đông.
Tuy nhiên, Israel sẽ không để sự thật này "chen chân" vào nỗi bất bình đối với chính sách của Mỹ về Iran.
Việc Mỹ rút binh sĩ ra khỏi khu vực Đại Trung Đông được cho là lý do khiến Israel lo lắng, do đó nhiều khả năng ông Bennett sẽ thúc đẩy ông Biden từ bỏ thỏa thuận hạt nhân với Iran để chuẩn bị cho những tình huống thay thế, bao gồm ủng hộ những hành động đơn phương của Israel chống lại Iran.
Ít nhất, ông Bennett có thể sẽ muốn Washington áp đặt những biện pháp khắc nghiệt mới đối với Tehran và cung cấp một "gói bồi thường" cho Israel nếu Mỹ quay trở lại thỏa thuận hạt nhân với Iran.
Câu chuyện Palestine vẫn là "hòn đá tảng"
Israel lâu nay vẫn thuyết phục Mỹ rút lại những cam kết tối thiểu đối với chính quyền Palestine, bao gồm việc mở cửa trở lại tòa lãnh sự của Mỹ ở Đông Jerusalem và văn phòng của Tổ chức Tự do Palestine ở Washington.
Mặc dù tự coi mình là người theo chủ nghĩa Do Thái song ông Biden lại từ chối đảo ngược chính sách của người tiền nhiệm Donald Trump đối với các hoạt động mở rộng khu định cư và sáp nhập bất hợp pháp mà Israel tiến hành đối với người dân Palestine.
Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas tuyên bố, Israel cần đúc rút bài học từ những gì xảy ra ở Afghanistan.
Tuy nhiên, ông Bennett sẽ làm điều ngược lại khi nỗ lực thuyết phục ông Biden rằng, chính quyền Palestine không đáng tin cậy để có thể ngăn chặn phong trào Hamas hoặc duy trì an ninh ở khu vực biên giới, theo đó, quân đội Israel sẽ cần phải duy trì ở Palestine về lâu dài.
Trong chuyến thăm Mỹ lần này, trọng trách đặt nặng trên vai của Thủ tướng Bennett khi vừa cùng với Tổng thống Biden tìm được "tiếng nói chung" về những vấn đề gây bất đồng nói trên, vừa phải đưa mối quan hệ Mỹ-Israel sang một trang mới.
Nhìn chung, cuộc gặp thượng đỉnh này dự kiến diễn ra trong bầu không khí ít tranh cãi hơn và tiếp theo là một cuộc họp báo với tinh thần thân mật hơn và ít phô trương hơn.
Từ đó, công chúng sẽ đánh giá đây là cuộc gặp nhằm "cài đặt lại" quan hệ Mỹ-Israel.
*Marwan Bishara là cây bút chuyên viết về chính trị toàn cầu, chính sách đối ngoại Mỹ, Trung Đông và các vấn đề chiến lược quốc tế. Trước đây, ông là Giáo sư về Quan hệ Quốc tế tại Đại học Paris của Mỹ.