22/01/2025 lúc 20:56 (GMT+7)
Breaking News

Hội nghị quốc tế về hang động núi lửa lần thứ 20 diễn ra thành công tốt đẹp

Hội nghị quốc tế về hang động núi lửa lần thứ 20, năm 2022 (ISV20) và Hội thảo khoa học “15 năm phát triển Công viên địa chất ở Việt Nam”. Cơ bản đã hoàn thành các nội dung mà Hội nghị đề ra, đồng thời, đạt được những kết quả góp phần làm nên thành công cho sự kiện quan trọng của Ủy ban Hang động núi lửa quốc tế.

Tham dự buổi lễ bế mạc ngày 24/11, có các ông, bà: bà Tôn Thị Ngọc Hạnh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Tổ chức hội nghị; ông Christian Manhart - Trưởng Văn phòng UNESCO tại Việt Nam; John Brush - Chủ tịch Ủy ban Hang động núi lửa quốc tế; Guy Martini - Chủ tịch Hội đồng CVĐCTC UNESCO, Tổng thư ký Mạng lưới CVĐCTC.

Đại biểu tham dự lễ bế mạc.

Trong 3 ngày làm việc, Hội nghị ISV20 đã ghi nhận 28 bài báo cáo khoa học với nhiều thông tin, tư liệu quý giá về núi lửa và hang động núi lửa của nhiều khu vực trên thế giới. Các bài tham luận, các ý kiến đề xuất của các nhà khoa học và các chuyên gia tại các hội thảo có ý nghĩa quan trọng, giới thiệu những giá trị khoa học mới về núi lửa và hệ thống hang động núi lửa ở Đắk Nông nói riêng và các hang động núi lửa trên thế giới nói chung.

Bà Tôn Thị Ngọc Hạnh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông, Trưởng Ban Tổ chức hội nghị tặng tranh lưu niệm cho ông Guy Martini, Chủ tịch Hội đồng CVĐC toàn cầu UNESCO.

Bên cạnh đó, Hội thảo khoa học “15 năm phát triển Công viên địa chất ở Việt Nam” đã nhận được 15 bài tham luận đến từ các đại diện Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu, Mạng lưới Công viên địa chất Châu Á - Thái Bình Dương và các quốc gia thành viên như Nhật Bản, Hàn Quốc… Đặc biệt hơn nữa là sự chia sẻ về những kết quả, những bài học kinh nghiệm đến từ các Công viên địa chất tại Việt Nam như: Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, tỉnh Hà Giang; Công viên địa chất toàn cầu Non nước Cao Bằng; Công viên địa chất Lạng Sơn.

Bà Tôn Thị Ngọc Hạnh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông, Trưởng Ban Tổ chức hội nghị phát biểu

Phát biểu tại buổi lễ, bà Tôn Thị Ngọc Hạnh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông, Trưởng Ban Tổ chức hội nghị nhấn mạnh; Đắk Nông rất vinh dự đón tiếp các vị lãnh đạo từ Trung ương, các bộ ngành, địa phương, các Công viên địa chất, Khu dự trữ sinh quyển, các ban quản lý di sản thế giới ở trong nước và các nhà khoa học trong và ngoài nước đến tham dự hội nghị lần này. Đặc biệt là sự tham gia điều hành Hội nghị của các nhà khoa học uy tín và hàng đầu trên thế giới về lĩnh vực hang động núi lửa; sự hỗ trợ, đồng hành của Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu, Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam và Tiểu ban chuyên môn về Công viên địa chất toàn cầu Việt Nam, cùng sự tham gia nhiệt tình của đông đảo các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu, các nhà quản lý trong và ngoài nước.

Ông John Brush - Chủ tịch Ủy ban Hang động núi lửa quốc tế phát biểu.

Phát biểu tại buổi lễ, ông John Brush - Chủ tịch Ủy ban Hang động núi lửa quốc tế cho biết, Ông đánh giá cao sự nỗ lực của tỉnh Đắk Nông và Công viên Địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông trong quá trình tổ chức. Tham dự Hội nghị Hội nghị ISV20 và Hội thảo khoa học “15 năm phát triển Công viên địa chất ở Việt Nam”, các đại biểu và đoàn chuyên gia, nhà khoa học đã được trải nghiệm nhiều điều thú vị cũng như được tìm hiểu và khám phá đầy thú vị, mới mẻ về ẩm thực, đặc sản, các mặt hàng thủ công mỹ nghệ và truyền thống văn hoá của tỉnh Đắk Nông nói riêng và Việt Nam nói chung. Sự thành công của Hội nghị quốc tế về Hang động núi lửa lần thứ 20 lần này là cả một sự nỗ lực chuẩn bị và làm việc không mệt mỏi của Ban Tổ chức chương trình.

Sau 3 ngày làm việc trách nhiệm và hiệu quả, Hội nghị ISV20 và Hội thảo Khoa học “15 năm phát triển CVĐC ở Việt Nam” đã hoàn thành nội dung, chương trình mà ban tổ chức mong muốn thực hiện.

Trong khuôn khổ Hội nghị, đã tổ chức thành công Lễ ký kết Biên bản hợp tác giữa các CVĐCTC thành viên trong Mạng lưới Việt Nam với CVĐCTC UNESCO Mudeungsan.

Đoàn chuyên gia, nhà khoa học cùng lãnh đạo tỉnh Đắk Nông chụp hình lưu niệm.

Chương trình Hội nghị quốc tế về Hang động núi lửa lần thứ 20 và Hội thảo khoa học “15 năm phát triển Công viên địa chất ở Việt Nam” thành công đánh dấu một cột mốc của đại phương cũng như giúp lan toả, quảng bá hình ảnh và những giá trị của Công viên Địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông, góp phần thu hút đầu tư phát triển hạ tầng du lịch, hạ tầng kết nối các điểm đến trong Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông để thực hiện quan điểm “Phát triển du lịch trên nền tảng phát huy các lợi thế tự nhiên, các giá trị văn hóa - đặc trưng sinh thái bản địa, Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông”, qua đó định hướng du lịch sẽ trở thành một trong 3 trụ cột phát triển kinh tế của Đắk Nông, theo định hướng của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Đắk Nông lần thứ XII.

Kết thúc buổi lễ bế mạc, theo lịch của chương trình vào ngày 25 và 26/11 các đại biểu, chuyên gia, nhà khoa học sẽ đi khảo sát thực địa tại một số Hang: C9, C8, C7, C6.1, C4,C3, C2, C1, P8 Nâm B’lang thuộc hệ thống núi lửa và hang động núi lửa của Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông.

Mội vài hình ảnh của đại biểu, chuyên gia, nhà khoa học đi khảo sát thực địa hệ thống núi lửa và hang động núi lửa của công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông:

Đoàn đại biểu, chuyên gia, nhà khoa học đi thăm miệng núi lửa Băng Mo và chụp hình lưu niệm tại huyện Cư Jút.
Đại diện lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo huyện Krông Nô và đại diện đoàn chuyên gia cùng uống rượu cần tại đêm Gala chào mừng đoàn tới huyện nghiên cứu khảo sát thực địa.
Nghệ nhân tại địa phương biểu diễn Đàn Tính và hát Then chào mừng đoàn làm việc.
Đoàn chuyên gia, khoa học di chuyển đường rừng để tiếp cận khảo sát thực địa hang động.
Hướng dẫn viên hỗ trợ đoàn chuyên gia, nhà khoa học đeo đồ bảo hộ trước khi xuống hang C7.
Đoàn di chuyển trong hang và nghiên cứu.
Cửa hang C6
Các chuyên gia, nhà khoa học kiểm tra những dấu vết trong hang.

Đình Tiến