VNHN - Lãnh đạo Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển nhất thế giới (G7) họp tại thành phố duyên hải Biarritz, Tây Nam nước Pháp, ngoài các vấn đề nóng như Iran, Triều Tiên thì cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc... thì các cuộc gặp song phương bên lề giữa lãnh đạo các nước G7 và các tổ chức quốc tế luôn mang lại nhiều thông tin quan trọng hơn.
Tại cuộc họp G7 năm nay điều này càng chính xác hơn vì thực tế khách quan là các phiên thảo luận chính của Thượng đỉnh G7 năm nay đều là các chủ đề không thực sự thu hút, như bình đẳng giới, chống biến đổi khí hậu, hợp tác với châu Phi, an ninh ở khu vực Sahel, hay chuyển đổi số… trong khi các chủ đề nóng của thế giới hiện nay là chiến tranh thương mại, khủng hoảng Iran, Brexit hay thậm chí là nguy cơ Mỹ gây chiến thương mại với châu Âu.
Các nhà lãnh đạo tại hội nghị G7 ở Biarritz. Ảnh: Reuters
Dư luận, vì thế, để ý nhiều hơn đến các cuộc gặp song phương, như giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump với Thủ tướng Anh Boris Johnson, với Thủ tướng Nhật, Shinzo Abe hay cuộc gặp giữa ông Boris Johnson với các nguyên thủ Pháp, Đức, Italia và Chủ tịch Hội đồng châu Âu, Donald Tusk.
Trong các cuộc gặp song phương này, nhiều thông tin rất đáng chú ý đã được đưa ra, như việc Mỹ - Anh hứa hẹn tiến nhanh đến một Hiệp định thương mại lớn chưa từng có. Liên quan đến Brexit, tại Biarritz, Thủ tướng Anh Boris Johnson được cho là có trao đổi với Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk rằng nếu nước Anh rời EU vào ngày 31/10/2019 tới mà không có thoả thuận Brexit, sẽ không có chuyện Anh chi trả khoảng 40 tỷ euro nghĩa vụ tài chính cho EU, mà con số này sẽ ít hơn 10 tỷ euro.
Đặc biệt, một cuộc diễn biến bên lề khác, dù không phải ở cấp cao nhất, nhưng thu hút sự chú ý lớn là việc trong chiều ngày 25/8, Ngoại trưởng Iran, Zavad Zarif bất ngờ có mặt tại Biarritz và hội đàm với Ngoại trưởng Pháp, Jean-Yves Le Drian và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron.
Đây được xem là nước cờ bất ngờ của nước chủ nhà Pháp bởi Ngoại trưởng Iran xuất hiện đúng lúc những thảo luận của G7 về Iran nóng bỏng nhất. Mặc dù ông Zarif đã nhanh chóng rời khỏi Biarritz trong tối 25/8 và không có tiếp xúc nào với phía Mỹ, nhưng việc ông Zarif có mặt ở Biarritz đã nói lên khá nhiều điều.
Giới ngoại giao Pháp phát đi thông tin cho biết, phía Pháp đã báo cho Mỹ biết đầy đủ về sự kiện bất ngờ này ngay từ đầu và Mỹ chấp nhận để các quan chức Pháp hội đàm với Ngoại trưởng Iran ngay tại G7, coi như là cách để truyền thông điệp từ G7 đến Iran. Đây có thể coi là một thắng lợi về ngoại giao và truyền thông của cá nhân Tổng thống Pháp, Emmanuel Macron dù rõ ràng nó đặt Tổng thống Mỹ Donald Trump vào thế tương đối miễn cưỡng.
Cuối cùng, một cuộc gặp bên lề khác cũng có thể mang đến quyết định quan trọng: cuộc gặp giữa Bộ trưởng Kinh tế Pháp, Bruno Le Maire với hai quan chức Mỹ là Bộ trưởng Tài chính Steve Mnuchin và Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer trong tối 25/8 để bàn về việc đánh thuế các tập đoàn công nghệ lớn vốn đang gây mâu thuẫn giữa Mỹ và Pháp. Hai bên sẽ phải tìm ra giải pháp để đề xuất với các nguyên thủ G7 nếu không muốn đẩy Mỹ và Pháp cũng như EU vào một cuộc chiến thuế quan mới.
Quan điểm về cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung
Thượng đỉnh G7 năm nay chỉ là nơi các nước phát triển thể hiện quan điểm, đối thoại và tìm kiếm sự đồng thuận trong các đường hướng phát triển lớn. Do đó, trong khi các nước châu Âu cùng Canada và Nhật thể hiện sự lo ngại về cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, Tổng thống Mỹ Donald Trump lại dùng G7 làm diễn đàn để tìm kiếm đồng minh.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Anh Boris Johnson tại bữa sáng làm việc. Ảnh: Reuters
Theo như những gì ông Donald Trump thể hiện trên mạng xã hội thì ông đã có những bàn thảo rất hiệu quả với Thủ tướng Anh Boris Johnson về một Hiệp định thương mại “lớn chưa từng có” giữa Mỹ và Anh thời hậu Brexit, và rằng ông Johnson ủng hộ Mỹ cứng rắn với Trung Quốc.
Trong cuộc gặp ông Johnson, ông Trump thậm chí nói rằng “tiếc là đã không sớm đánh thuế cao hơn với Trung Quốc”. Ngoài ra, ông Donald Trump cũng đã có các cuộc gặp bên lề với Thủ tướng Canada, Justin Trudeau hay Thủ tướng Nhật, Shinzo Abe và trong cả hai cuộc gặp này, ông Trump đều hứa hẹn thúc đẩy thương mại mạnh hơn giữa Mỹ với Canada và Nhật Bản.
Cho đến thời điểm này G7 không có sự đồng thuận trong việc nhìn nhận cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung ra sao, vì một bên là đa số các nước, nhất là các nước châu Âu, lo ngại về tác động tiêu cực của cuộc chiến này, và bên kia là Tổng thống Mỹ Donald Trump muốn chứng minh quyết định leo thang thương mại của mình với Trung Quốc là đúng đắn. Hai bên đều dùng G7 để truyền thông cho quan điểm của mình./.