VNHN -Ngày 31/5, UBND tỉnh An Giang đã phối hợp với Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam tổ chức Hội nghị công bố "Khung đề án An Giang điện tử" và Sơ kết thỏa thuận hợp tác chiến lược viễn thông – CNTT giai đoạn 2016-2020. Đồng chí Nguyễn Thanh Bình - Q.Chủ tịch UBND tỉnh An Giang đến dự và chủ trì Hội nghị.
Tiếc mục văn nghệ chào mừng.
Sau khi ký kết thỏa thuận hợp tác, Tập đoàn VNPT đã bắt tay ngay phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông và các sở, ngành xây dựng và triển khai hạ tầng mạng; ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ cho phát triển chính quyền điện tử. Theo đó, Hệ thống dịch vụ hành chính công trực tuyến tích hợp Một Cửa điện tử liên thông (VNPT iGate) đã được triển khai cho toàn tỉnh An Giang với 16 sở, ngành; 11/11 UBND huyện, thị xã, thành phố; 156 xã phường. Ngoài ra, VNPT còn triển khai hệ thống phần mềm “Quản lý khám chữa bệnh và thanh toán bảo hiểm y tế - VNPT-HIS”. Cung cấp sản phẩm vnEdu cho 72 trường học trên địa bàn, với tổng số trên 31 ngàn học sinh có sổ liên lạc điện tử. Phát triển được 2.155 đơn vị tham gia đăng ký kê khai thuế, kê khai BHXH (I-VAN) và Chữ ký số. 32 đơn vị, khách hàng sử dụng hóa đơn điện tử…Tại Hội nghị, các đại biểu đã nghe báo cáo sơ kết Hợp tác chiến lược về VT-CNTT giai đoạn 2016 – 2020 giữa UBND tỉnh An Giang và Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam thuộc 4 lĩnh vực gồm: Xây dựng hạ tầng viễn thông và công nghệ thông tin đáp ứng nhu cầu triển khai chính quyền điện tử của tỉnh; Hợp tác trong lĩnh vực ứng dụng công nghệ thông tin; Hợp tác xây dựng giải pháp tổng thể an toàn thông tin; Hợp tác đào tạo nguồn nhân lực Viễn thông - Công nghệ thông tin phục vụ địa phương.
Ông Trương Minh Thuần - Giám đốc Sở thông tin & Truyền thông An Giang thông tin tại Hội nghị.
Về Đề án “An Giang Điện Tử” gồm 9 lĩnh vực; Chính quyền điện tử, Nông nghiệp: An Giang, Du lịch, An ninh an toàn, các lĩnh vực phục vụ nhu cầu hằng ngày của người dân và các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội cho tỉnh bao gồm: Quy hoạch đô thị, Giáo dục, Y tế, Giao thông,Tài nguyên môi trường,…
Ông Nguyễn Thanh Bình - Q.Chủ tịch UBND tỉnh An Giang phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.
Việc triển khai xây dựng chính quyền điện tử và các Trung tâm hành chính công từ cấp tỉnh đến cấp huyện với mục tiêu thực hiện cải cách hành chính là khâu then chốt để phát huy dân chủ, thực hiện pháp quyền, phát triển kinh tế xã hội nhanh và bền vững. Kết quả chỉ số cải cách hành chính năm 2017, An Giang bứt phá ngoạn mục đạt 83,54 điểm (tăng 10,65 điểm so với năm 2016), xếp hạng 8/63 tỉnh, thành phố cả nước (tăng 28 bậc so với năm 2016: từ hạng 36 lên hạng 8). Kết quả này, đã đưa An Giang thuộc nhóm A và đứng đầu 13 tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL và năm 2018, An Giang tiếp tục đứng hạng thứ 8 trong cả nước.
Tại Hội nghị, đại biểu đã nghe các tham luận về chuyển đổi số trong chính quyền; triển khai ứng dụng CNTT đáp ứng yêu cầu xây dựng chính quyền “An Giang điện tử” trên địa bàn huyện Châu Phú.