24/11/2024 lúc 00:45 (GMT+7)
Breaking News

Hội Hữu nghị Việt Nam - Campuchia: Học tập và làm theo di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh

VNHN - Năm mươi năm đã qua kể từ ngày Bác lập di chúc . Có thể nói rằng đây là bản di chúc lay động lòng người, từ người lớn đến những người trẻ, từ những người Việt Nam đến bạn bè, nhân dân tiến bộ trên toàn thế giới ...

VNHN -Năm mươi năm đã qua kể từ ngày Bác lập di chúc . Có thể nói rằng đây là bản di chúc lay động lòng người, từ người lớn đến những người trẻ, từ những người Việt Nam đến bạn bè, nhân dân tiến bộ trên toàn thế giới ...

Trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, sự chỉ đạo quản lý của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam: Kể từ ngày thành lập 22/01/1975 đến nay, Hội hữu nghị Việt Nam – Campuchia đã nổ lực bằng mọi nguồn lực, phương pháp, đã góp phần tăng cường sự hiểu biết giữa nhân dân hai nước Việt Nam và Campuchia , củng cố và phát triển quan hệ hữu nghị láng giềng thân thiết. Đối tác chính của Hội là Hội hữu nghị Campuchia – Việt Nam, đồng thời Hội phát triển và ngoại giao rộng rãi với các tổ chức chính trị xã hội, các doanh nghiệp vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình hợp tác và phát triển ở Đông Nam Á và trên thế giới.

Trong di chúc Bác dành phần trang trọng nhắc nhở : “Mong rằng Đảng ta sẽ ra sức hoạt động, góp phần đắc lực vào việc khôi phục lại khối đoàn kết giữa các Đảng anh em trên nền tảng chủ nghĩa Mác – Lênin và chủ nghĩa quốc tế vô sản, có lý, có tình, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết quốc tế trong sáng trên được Đảng, Nhà nước, nhân dân ta kế thừa, phát triển trong suốt 50 năm qua, ý nghĩa của việc thực hiện di chúc của Bác trong công tác đối ngoại nhân dân.  Khi mà Nước ta đang hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và trở thành đối tác tin cậy, thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế càng có ý nghĩa quan hệ to lớn.

Đoàn công tác Hội hữu nghị Việt Nam - Campuchia và các văn nghệ sĩ đến thăm Đền Angkor Wat (Campuchia) và có những tác phẩm thơ ca về tình hữu nghị giữa 2 nước.

Sau năm 1979, Hội đã từng bước được củng cố xây dựng lại đến năm 2012, Hội hữu nghị Campuchia – Việt Nam được tái lập quan hệ  hợp tác hữu nghị truyền thống giữa hai Hội được duy trì đều đặn và đã có nhiều hoạt động phong phú đa dạng và ngày một thực chất, thiết thực và hiệu quả, khắc phục tính hình thức, hành chính hóa. Tổ chức Hội đã có ở 38 tỉnh thành và 12 đơn vị trực thuộc TW Hội, hoạt động theo phương thức xã hội hóa và sát cơ sở hội viên . Được sự quan tâm của lãnh đạo hai nước, từ năm 2012  đến nay hai hội đã tiến hành tổ chức thành công 4 cuộc gặp gỡ hữu nghị nhân dân hai nước, góp phần tăng cường tình đoàn kết hợp tác hữu nghị truyền thống giữa nhân dân hai nước, và nhiều hành động giao lưu hợp tác giữa hội các địa phương.

“Bác cũng căn dặn xây dựng đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”. Trong thời gian qua với công việc hết sức  là khiêm tốn của  mình , hội cũng  đã làm hết sức của mình để xây dựng câu lạc bộ doanh nghiệp Việt nam – Campuchia với trên 200 doanh nghiệp thành viên ở nhiều ngành nghề, lĩnh vực  với quy mô  từ nhỏ, vừa và lớn, đã có đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế đất nước , cũng như hợp tác đầu tư với các doanh nghiệp Campuchia , góp phần thúc đẩy hợp tác phát triển kinh tế hai nước, đồng thời huy động được nguồn lực xã hội hóa, đóng góp vào hoạt động chung của Hội hữu nghị Việt Nam –Campuchia, vào các họat động xã hội từ thiện giúp bà con nghèo Việt Nam và Campuchia.

Các em lưu học sinh và sinh viên Campuchia đang theo học tại Việt Nam được "cha mẹ đỡ đầu" tặng quà và động viên tinh thần học tập (theo Phong trào "Ươm mầm hữu nghị" do Hội hữu nghị Việt Nam -Campuchia phát động).

Thực hiện lời dặn dò của Bác trong di chúc : “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau” . Không chỉ chăm lo hỗ trợ các học sinh nghèo hiếu học trong nước, nhất là các cháu con em đồng bào Khmer trong nước. Từ năm 2012, trung ương hội đã phát động phong trào ươm mầm hữu nghị, vận động các cựu quân tình nguyện, cựu chuyên gia giúp bạn, doanh nhân thuộc Câu lạc bộ doanh nghiệp Việt Nam – Campuchia và các ủy viên TW Hội, hội viên hội hữu nghị  Việt Nam –Campuchia , nhận đỡ đầu giúp đỡ các cháu lưu học sinh Campuchia đang theo học tại các trường Cao Đẳng, Đại học ở Thủ đô Hà Nội, tỉnh Thái Bình, TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai… đến nay đã hơn 400 em. Được Ban Bí Thư Trung ương Đảng hoan nghênh, đánh giá cao  và có công văn số 4102/CV/VPTW-  Hà Nội ngày 09 tháng 06 năm 2017 chỉ đạo mở rộng ra Hội Lào và đẩy mạnh phong trào theo hướng xã hội hóa rộng rãi.

Bác là tấm gương vĩ đại của một con người cách mạng, yêu nước, thương dân, một ý chí kiên định, một nhà hoạt động xuất sắc trong rất nhiều lĩnh vực. Đặc biệt trong lĩnh vực đối ngoại, có thể nói Bác Hồ đã có những đóng góp quyết định vào những thời điểm quan trọng nhất của đất nước và tấm gương của Bác, nghị lực của Bác , hoạt động đối ngoại của Bác luôn là tấm gương sáng cho tất cả cán bộ, Hội viên Hội hữu nghị  Việt Nam – Campuchia  và anh em làm công tác đối ngoại nhân dân cả nước noi theo.

Đoàn công tác Hội hữu nghị Việt Nam -Campuchia đến thăm và thắp hương tại Đài tưởng niệm Việt Nam-Campuchia tại Thủ đô Phnôm Pênh, Campuchia.

Thực tế đã chỉ ra rằng tình đoàn kết hữu nghị giữa nhân dân hai nước Việt Nam và Campuchia đã trải qua nhiều thăng trầm thử thách lịch sử và không có gì lay chuyển được, là di sản vô giá của mỗi dân tộc, là động lực phát triển của mỗi nước. Song, có thể nói những gì đã làm được là chưa ngang tầm , ngay trong lĩnh vực công tác đối ngoại nhân dân, chỉ  nói riêng về tổ chức và hoạt động của Hội hữu nghị  Việt Nam – Campuchia từ Trung ương đến các địa phương cũng cho thấy rõ nét, đó là : nhận thức về vị trí, vai trò của Hội và công tác Hội nhiều nơi còn xem nhẹ, còn xem như là một tổ chức xã hội nghề nghiệp, có địa phương, có biên giới nhưng chưa có tổ chức Hội, việc quan tâm hình thành trung tâm ngoại ngữ tiếng khmer trực thuộc trung ương hội hữu nghị Việt nam- Campuchia  để bồi dưỡng và giảng dạy và học tiếng Khmer, nghiên cứu về  văn nghệ, văn hóa , tập quán của Campuchia cho Hội viên, cán bộ chiến sĩ, doanh nhân thường xuyên có quan hệ công tác, làm việc, hợp tác với bạn những năm gần đây có được quan tâm hơn ở một số đơn vị quân đội, biên phòng, thành phố HCM, Đồng Tháp, Kiên Giang… song nhìn chung chưa nhiều. Việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức về đường lối đối ngoại, về quan hệ hữu nghị truyền thống Việt Nam – Campuchia, nghiên cứu phổ biến văn hóa văn nghệ, phong tục tập quán dân tộc Campuchia chưa được quan tâm đúng mực, nhất là tuyên truyền phản bác những luận điệu xuyên tạc, bóp méo lịch sử về quan hệ Việt Nam – Campuchia, về lịch sử đồng bằng sông Cửu Long trên lĩnh vực kinh tế, xã hội, một số công trình tiêu biểu như bệnh viện Chợ Rẫy Phnômpênh, các công ty cao su và doanh nghiệp thành đạt ở Campuchia chưa nhiều, chưa đáp ứng  yêu cầu của bạn hay nhận thức về tư tưởng “giúp bạn là tự giúp mình” chưa sâu sắc, có công trình làm kém chất lượng, tính cạnh tranh không cao. Thực tế Campuchia có nhiều mô hình phát triển kinh tế xã hội rất năng động, và sáng tạo, đạt thương hiệu uy tín, cũng cần trao đổi học tập qua lại.

Đó là những việc cần quan tâm trong thời gian tới  để thiết thực học tập và thực hiện tốt Di chúc Bác Hồ, góp phần tăng cường quan hệ hữu nghị hợp tác truyền thống giữa hai đất nước và nhân dân hai nước Việt Nam và Campuchia ngày một bền chặt và phát triển, mở ra thời cơ mới cho sự hợp tác và phát triển ở tầm cao mới theo phương châm “Láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện , bền vững lâu dài”./.

TS. Lê Hồng Liêm - Phó Chủ tịch Trung ương Hội hữu nghị Việt Nam -Campuchia