20/11/2024 lúc 20:26 (GMT+7)
Breaking News

Học viện Hành chính Quốc gia kỷ niệm 65 năm Ngày truyền thống

Sáng ngày 27/5, tại Hà Nội, Học viện Hành chính Quốc gia long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 65 năm Ngày thành lập Học viện (29/5/1959 – 29/5/2024). Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà dự và chúc mừng.
Đồng chí Phạm Thị Thanh Trà, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương, Bí thư Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cùng các Thứ trưởng Bộ Nội vụ chúc mừng Học viện nhân kỷ niệm 65 năm thành lập.

Đồng chí Phạm Thị Thanh Trà, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương, Bí thư Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cùng các Thứ trưởng Bộ Nội vụ chúc mừng Học viện nhân kỷ niệm 65 năm thành lập.

Trong diễn văn kỷ niệm 65 năm Ngày thành lập Học viện, PGS. TS Nguyễn Bá Chiến, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia đã ôn lại quá trình phát triển và trưởng thành của Nhà trường trong 65 năm qua, trải qua nhiều giai đoạn lịch sử cùng với sự phát triển của ngành Nội vụ và trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Gắn với yêu cầu cụ thể của từng giai đoạn, Học viện có nhiều tên gọi, thuộc nhiều cơ quan quản lý, trong đó có hơn 25 năm trực thuộc Chính phủ. Tuy tên gọi và cơ quan trực thuộc từng giai đoạn khác nhau, nhưng từ nội dung hoạt động cho đến những thành tựu đạt được đã thể hiện vị trí xuyên suốt và nhất quán: Học viện Hành chính Quốc gia là trung tâm quốc gia về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức; là đơn vị sự nghiệp công lập hạng đặc biệt hướng tới ngang tầm khu vực và thế giới. Năm 1996, Học viện bắt đầu đào tạo Đại học Hành chính văn bằng 2; đến năm 2000, Học viện đào tạo đại học hành chính hệ chính quy. Đồng thời với đó là triển khai  đào tạo đại học hành chính hình thức vừa làm, vừa học và hệ cử tuyển nhằm nâng cao năng lực công tác cho cán bộ, công chức, viên chức đương chức và tạo nguồn cán bộ từ con em các dân tộc thiểu số.

Từ năm 1995 đến nay, Học viện đã đào tạo được 28 khóa đào tạo thạc sỹ với hàng nghìn học viên cao học tốt nghiệp và từ năm 2003 là 18 khóa đào tạo tiến sĩ với hàng trăm nghiên cứu sinh tốt nghiệp. Học viện đã cung cấp một số lượng lớn nhân lực có trình độ học vấn cao về Quản lý công và một số chuyên ngành khác, như: Luật Hiến pháp và Luật Hành chính; Chính sách công; Tài chính - Ngân hàng… Chỉ tính trong 5 năm trở lại đây, Học viện đã triển khai nghiên cứu 292 đề tài khoa học các cấp, trong đó có 2 đề tài cấp nhà nước, 40 đề tài cấp Bộ và cấp tỉnh, 250 đề tài khoa học cấp cơ sở và  tổ chức nhiều hội thảo, hội nghị khoa học, tọa đàm trong nước và quốc tế có quy mô lớn.

Trong quá trình 65 năm xây dựng và phát triển, Học viện đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý như Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huân chương Độc lập hạng Nhì, Huân chương Độc lập hạng Ba… cùng nhiều huân, huy chương và phần thưởng cao quý khác.

Đồng chí Phạm Thị Thanh Trà, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương, Bí thư Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ phát biểu tại buổi lễ.
Đồng chí Phạm Thị Thanh Trà, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương, Bí thư Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ phát biểu tại buổi lễ.

Phát biểu tại buổi lễ kỷ niệm, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà chúc mừng, biểu dương và cảm ơn sâu sắc tới các thế hệ cán bộ quản lý, giảng viên, viên chức, người lao động, sinh viên, học viên đã đóng góp sức lực, trí tuệ, tâm huyết cho sự phát triển của Học viện Hành chính Quốc gia như ngày hôm nay.

Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà chỉ rõ, Học viện có nhiều động lực và xung lực mới để thực hiện những bước phát triển đột phá, gặt hái được những thành tựu xuất sắc hơn nữa trong tương lai; văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng xác định nhiệm vụ:Xây dựng đội ngũ cán bộ, trước hết là người đứng đầu có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức trong sáng, năng lực nổi bật, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới, sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách”.

Cùng với đó, đồng chí Phạm Thị Thanh Trà đề nghị Học viện cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ:

Một là, Học viện xác định rõ tầm nhìn chiến lược, phát triển có trọng tâm, trọng điểm với nguyên tắc lấy chất lượng, hiệu quả hoạt động làm nền tảng, lấy người học làm trung tâm, lấy tự chủ Học viện làm động lực, phát huy vai trò tiên phong, đổi mới, sáng tạo; và có khát vọng lớn, niềm tin lớn khơi dậy mạnh mẽ khát vọng phát triển trong mỗi cán bộ, viên chức, giảng viên và người lao động của Học viện để thực sự trở thành trung tâm bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý có uy tín ở khu vực và thế giới với các chương trình bồi dưỡng chuyên sâu, bồi dưỡng chuyển giao tri thức. Cần đổi mới tư duy về đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng hệ giá trị văn hóa, tri thức và khoa học công nghệ của Học viện để tạo nên một thương hiệu nổi trội, có uy tín ở trong nước và quốc tế; là nơi thu hút công chức, viên chức, học viên, sinh viên trong nước, khu vực, quốc tế tới Học viện đào tạo, bồi dưỡng, trao đổi học thuật và luôn tìm thấy ở đây những tri thức đầy giá trị trong tương lai không xa.

Hai là, cần tiếp tục quán triệt sâu sắc tinh thần các Nghị quyết của Trung ương và Bộ Chính trị, các văn bản của Nhà nước về đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo để đổi mới căn bản, toàn diện công tác đào tạo, bồi dưỡng tại Học viện, hiện đại hóa và thay đổi phương thức, công nghệ đào tạo, bồi dưỡng tại Học viện. Trước hết, cần phải có bước chuyển trong triết lý bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức, đó là: chuyển từ trang bị kiến thức sang phát triển năng lực, bồi dưỡng theo vị trí việc làm, bồi dưỡng tinh hoa, bồi dưỡng nhân tài. Tiếp đó là đổi mới phương thức, cách thức, công nghệ, nội dung, chương trình, giáo trình, tài liệu đào tạo, bồi dưỡng. Chương trình bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức chuyên sâu gắn với đời sống công vụ, phải thực sự là cẩm nang tri thức quản trị quốc gia đối với cán bộ, công chức, viên chức. Nền công vụ trong giai đoạn hiện nay yêu cầu ngày càng cao về năng lực, phẩm chất, trách nhiệm, bởi vậy Học viện phải là cầu nối để khắc phục, thu hẹp khoảng cách về năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức với yêu cầu thực tiễn hoạt động nền công vụ trong giai đoạn hiện nay.

Ba là, trong tương lai gần, cần nỗ lực phát triển Học viện thành một cơ sở giáo dục đại học trọng điểm về quản lý công, chính sách công theo mô hình đại học đổi mới sáng tạo với phương châm khoa học chuyên sâu và đổi mới sáng tạo là giá trị cốt lõi trong đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng. Muốn đạt được mục tiêu này, Học viện phải có lộ trình chi tiết, cụ thể cho sự phát triển của từng thành tố tạo dựng nên giá trị của mình, tạo nên thương hiệu, bản sắc riêng có của Học viện thực sự nổi bật giữa hàng trăm cơ sở giáo dục đại học hiện nay.

Bốn là, cần quan tâm đầu tư xứng đáng cho nhiệm vụ nghiên cứu khoa học. Quá trình toàn cầu hóa, phát triển đất nước, quá trình cải cách hành chính đang đặt ra những câu hỏi lớn cần có lời giải đáp. Học viện cần tập trung làm sáng tỏ những vấn đề thực tiễn đặt ra, kịp thời kiến giải các vấn đề phát triển, các điểm nghẽn của phát triển, cung cấp những luận cứ khoa học đáng tin cậy và thuyết phục cho quá trình hoạch định chính sách, pháp luật của Nhà nước mà trước hết và trực tiếp là các vấn đề của nền hành chính nhà nước và phục vụ quản lý nhà nước của ngành Nội vụ. Tôi chờ mong và đặt nhiều kỳ vọng vào các nhà khoa học của Học viện sẽ có nhiều sản phẩm khoa học với góc nhìn mới mẻ, có giá trị tư vấn chính sách, có tính dự báo cao, thực sự khẳng định được tầm vóc, sức sáng tạo của Học viện.

Năm là, cần đẩy mạnh các hoạt động hợp tác quốc tế không chỉ thu hút nguồn lực cho sự phát triển, bồi dưỡng giảng viên mà còn mở ra cơ hội để khẳng định năng lực của Học viện, trao đổi tri thức và làm giàu thêm tri thức quản lý của nhân loại.

Sáu là, tiếp tục nâng cao chất lượng đội ngũ thầy giáo, cô giáo của Học viện. Các thầy giáo, cô giáo Học viện cần thấm nhuần tư tưởng và lời dạy của Bác Hồ đối với người làm công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ “phải làm kiểu mẫu về mọi mặt: tư tưởng, đạo đức, lối làm việc”“phải học thêm mãi mới làm được công việc huấn luyện của mình” để các thầy giáo, cô giáo của Học viện phải thực sự là những người trí tuệ, mẫu mực nhất khi đứng trên bục giảng. Cùng với việc chăm lo, phát triển giảng viên, Học viện cần quan tâm thu hút nhiều hơn chuyên gia, các nhà quản lý có uy tín về chính sách công, quản trị công, hành chính công và các ngành lĩnh vực liên quan có thể tham gia vào quá trình đào tạo, bồi dưỡng để Học viện thực sự mẫu mực về thu hút nhân tài, bồi dưỡng nhân tâm, hoàn thiện nhân cách và phát triển nhân lực. 

Bảy là, Học viện cần có lộ trình cụ thể phát triển Học viện số để hiện đại hóa quá trình đào tạo, bồi dưỡng góp phần xóa nhòa những giới hạn về không gian, thời gian trong đào tạo, bồi dưỡng, tạo điều kiện thuận lợi để cán bộ, công chức, viên chức, học viên, sinh viên có cơ hội tiếp cận tri thức, được đào tạo, bồi dưỡng kiến thức vào bất cứ khi nào, ở bất cứ nơi đâu. 

PGS.TS. Nguyễn Bá Chiến, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia phát biểu tại buổi lễ.
PGS.TS. Nguyễn Bá Chiến, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia phát biểu tại buổi lễ.

Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà tin tưởng với truyền thống vẻ vang đã được dựng xây và vun đắp trong suốt 65 năm qua, với quyết tâm chính trị được hình thành và thúc đẩy bởi sự quan tâm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nội vụ; với một đội ngũ các nhà khoa học, giảng viên đông đảo có trình độ chuyên môn, bản lĩnh vững vàng, tâm huyết, tôi tin tưởng rằng, Học viện Hành chính Quốc gia tiếp tục hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, đóng góp to lớn hơn nữa vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xứng đáng với sự tin cậy của Đảng, Nhà nước và Nhân dân.

NGƯT.GS.TS. Nguyễn Hữu Khiển, Chủ tịch Hội Cựu giáo chức Học viện Hành chính Quốc gia phát biểu chúc mừng tại buổi lễ.
NGƯT.GS.TS. Nguyễn Hữu Khiển, Chủ tịch Hội Cựu giáo chức Học viện Hành chính Quốc gia phát biểu chúc mừng tại buổi lễ.

"Hội Cựu giáo chức đều luôn quan tâm sự phát triển hàng ngày của Học viện, chúng tôi thấy đội ngũ tri thức ngày càng được nâng cao cả về số lượng và chất lượng cùng với đó là sự nhiệt huyết với nghề. Đây chắc chắn sẽ là cơ sở làm việc tốt nhất để Học viện Hành chính quốc gia có những đội ngũ tri thức làm việc tốt nhất cho Chính phủ và đáp ứng nhiệm vụ của Bộ Nội vụ giao..." Chủ tịch Hội Cựu giáo chức Nguyễn Hữu Khiển vui mừng.

Đại diện học viên các khóa bồi dưỡng của Học viện chúc mừng Học viện.
Đại diện học viên các khóa bồi dưỡng của Học viện chúc mừng Học viện.

Chia sẻ tại buổi lễ, học viên Phạm Văn Bình, Phó Cục trưởng, Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính (Lớp trưởng lớp CVCC khóa 1B/2024 tại Học viện) đại diện các cán bộ, công chức, viên chức là học viên của Học viện hứa sẽ phát huy trách nhiệm, không ngừng cố gắng học tập, nghiên cứu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong học tập và công tác, đóng góp cho sự phát triển của Học viện, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm học, luôn hướng về để chung tay xây dựng và phát triển Học viện.

Đại diện các em sinh viên gửi lời tri ân đến Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà và Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia Nguyễn Bá Chiến
Đại diện các em sinh viên gửi lời tri ân đến Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà và Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia Nguyễn Bá Chiến

 

“Cuộc Cách mạng 4.0 mở ra rất nhiều cơ hội nhưng cũng không ít những thách thức, khó khăn, chúng em xin hứa sẽ cố gắng hết khả năng của mình trong học tập và rèn luyện, phát huy nhiệt huyết của tuổi trẻ: trung thực, đổi mới, sáng tạo, hội nhập; tích cực, chủ động trau dồi kiến thức, kỹ năng để lập thân, lập nghiệp; phấn đấu tiếp nối các thế hệ anh chị đi trước, viết tiếp trang truyền thống vẻ vang của Học viện, trở thành những công dân có ích cho cộng đồng, quê hương, đất nước, xứng đáng với sự tin tưởng, kỳ vọng của nhà trường, gia đình, xã hội...” Sinh viên Lê Thanh Loan chia sẻ.

Nhân dịp Kỷ niệm 65 năm Ngày thành lập (29/5/1959 29/5/2024), Học viện Hành chính Quốc gia đã đón nhận nhiều lời chúc và lãng hoa tươi thắm đến từ các tổ chức, cơ quan, đơn vị, đối tác, học viên, cựu sinh viên... trên toàn quốc./.

Chụp hình lưu niệm:

Doãn Phương Nam