29/11/2024 lúc 05:11 (GMT+7)
Breaking News

Học thuyết “quả trên cây độc” trong tư pháp hình sự Hoa Kỳ và khuyến nghị cho Việt Nam

Học thuyết “quả trên cây độc” là một trong các học thuyết nền tảng định hướng hoạt động thu thập chứng cứ trong việc điều tra vụ án hình sự, cũng như hoạt động đánh giá chứng cứ tại phiên tòa xét xử vụ án hình sự tại Hoa Kỳ. Giá trị lớn nhất của học thuyết này là bảo đảm sự thượng tôn pháp luật của lực lượng cảnh sát khi điều tra vụ án, đồng thời, bảo vệ các quyền cơ bản của người bị buộc tội.
Trong bài viết này, các tác giả trình bày, phân tích học thuyết “quả trên cây độc” trong tố tụng hình sự Hoa Kỳ, chỉ ra sự thiếu hụt quy định tương tự trong pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam và khuyến nghị cho Việt Nam.
Ảnh minh họa - Internet
Trong tố tụng hình sự (TTHS), chứng cứ là một trong những chế định quan trọng nhất. Mọi vận động của con người trong thế giới khách quan đều để lại dấu vết, và chứng cứ trong vụ án hình sự là những dấu vết mà các hành vi phạm tội (hoặc chuẩn bị phạm tội) để lại trong thế giới khách quan sau khi sự việc đã xảy ra, được các bên trong vụ án hình sự dùng để tái hiện lại nội dung vụ việc. Vì lẽ đó, chứng cứ, và các quy định xoay quanh như thu thập, bảo quản, đánh giá chứng cứ có giá trị quan trọng bậc nhất trong việc chứng minh tội phạm.
Một trong các thuộc tính của chứng cứ được thừa nhận ở hầu hết các nền tư pháp trên thế giới là tính hợp pháp của chứng cứ (legality), hay nói cách khác, việc thu thập chứng cứ có bảo đảm tuân thủ quy định của pháp luật hay không. Việc thừa nhận hay loại trừ đối với chứng cứ có giá trị chứng minh cao, nhưng lại được thu thập theo cách trái luật đặt ra nhiều ý kiến khác nhau trên thế giới. Nếu thừa nhận chứng cứ bị thu thập trái phép, sẽ có thêm căn cứ chứng minh sự thật của vụ án, nhưng đồng thời cũng khuyến khích hành vi trái luật của lực lượng điều tra. Ngược lại, nếu từ bỏ chứng cứ đó, sự thật của vụ án có thể sẽ không bao giờ được khám phá đầy đủ, nhưng lại tránh rủi ro lạm quyền từ cơ quan tố tụng.
Tòa án Tối cao Hoa Kỳ đã lựa chọn phương án thứ hai, và học thuyết “quả trên cây độc” (nguyên văn “Fruit of the Poisonous Tree”) được lựa chọn vận dụng để điều chỉnh vấn đề trên. Theo đó, nếu trình tự thu thập chứng cứ không tuân thủ quy định pháp luật (cây đã bị nhiễm độc), thì các chứng cứ được thu thập cũng được xem là không hợp pháp (quả cũng bị nhiễm độc theo) và phải bị loại bỏ, không được sử dụng trước Tòa án. Điều này nhằm bảo đảm sự thượng tôn pháp luật của lực lượng cảnh sát khi điều tra vụ án, đồng thời, bảo vệ các quyền cơ bản của người bị buộc tội.
1. Học thuyết “quả trên cây độc” trong tư pháp hình sự Hoa Kỳ: nguyên tắc loại trừ chứng cứ
Học thuyết “quả trên cây độc” có thể hiểu đơn giản là nếu trình tự thu thập chứng cứ (được xem là thân cây) không tuân thủ quy định pháp luật (nghĩa là cây đã bị nhiễm độc), thì các chứng cứ được thu thập (quả của cây) cũng được xem là không hợp pháp (quả cũng bị nhiễm độc theo). Có nghĩa là, nếu trình tự thu thập chứng cứ không hợp pháp, chứng cứ được thu thập cũng được xác định là không hợp pháp theo và bị loại trừ không được sử dụng. Sự loại trừ này diễn ra ở hai cấp độ.
Ở cấp độ thứ nhất, học thuyết này loại trừ các chứng cứ được tìm thấy, được thu thập được trực tiếp từ hành vi thu thập bất hợp pháp (tạm gọi là chứng cứ sơ phát)[1]. Ví dụ, khi cơ quan điều tra khám xét nhà và tìm thấy bằng chứng phạm tội ở đó, nếu việc khám xét được xác định là trái luật, thì bằng chứng phạm tội tìm được cũng bị loại trừ theo. Hoặc nếu cơ quan tố tụng tiến hành lén lút thu âm tại nhà của đối tượng tình nghi phạm tội mà không có lệnh cho phép từ Tòa án thì nội dung ghi âm được sẽ không được sử dụng làm chứng cứ tại tòa.
Án lệ đặt nền móng cho mức độ thứ nhất của học thuyết này là Án lệ Weeks v. United States năm 1914. Trong vụ án này, Tòa án Tối cao Hoa Kỳ đã có những nỗ lực bảo vệ các quyền được bảo đảm bởi tu chính án thứ tư, từ đó thông qua quy tắc loại trừ. Tại vụ kiện này, bị cáo đã bị một cảnh sát bắt giữ tại ga Union ở thành phố Kansas, Missouri, nơi bị cáo đang làm việc. Điều đáng nói, cảnh sát thực hiện việc bắt giữ lại không có trát của tòa án. Không chỉ bắt giữ bị cáo, các cảnh sát khác đã đến nhà của bị cáo và vào nhà bị cáo để tìm kiếm chứng cứ nhưng lại không thông qua thủ tục hợp pháp. Các cảnh sát này đã vào nhà bị cáo thông qua việc hỏi chỗ cất chìa khóa từ người hàng xóm của bị cáo. Từ đó, họ khám xét phòng của bị cáo, chiếm giữ các giấy tờ và vật phẩm khác nhau và chuyển giao các tài liệu đó cho cơ quan khác. Điều đáng nói trong vụ án này là cả cảnh sát trưởng và các cảnh sát khác đều không có lệnh khám xét. Sau đó, Tòa án Tối cáo đã kết luận việc thu thập chứng cứ tại nhà bị cáo đã vi phạm trực tiếp các quyền hiến định của bị cáo, các chứng cứ được thu thập phải bị loại trừ, do đó không đủ chứng cứ buộc tội bị cáo và hủy bỏ kết quả phán quyết trước đó của tòa án[2]. Sau phán quyết này, học thuyết “quả trên cây độc” đã được hình thành ở phạm vi cơ bản.
Ở cấp độ thứ hai, học thuyết này được mở rộng hơn. Theo đó, học thuyết này không chỉ cấm việc sử dụng các chứng cứ được thu thập bất hợp pháp để làm chứng cứ tại phiên tòa, mà còn cấm việc sử dụng thông tin từ các chứng cứ đó để tiếp tục tìm kiếm các chứng cứ khác. Nếu các chứng cứ được thu thập trực tiếp (chứng cứ sơ phát) từ quá trình thu thập trái phép tiết lộ các thông tin, tài liệu, chứng cứ khác thì các thông tin, tài liệu, chứng cứ này cũng sẽ bị loại trừ (chứng cứ thứ phát). Ví dụ, nếu Điều tra viên thực hiện hành vi bức cung hoặc dùng nhục hình để lấy lời khai của người bị tình nghi. Khi đó, hiển nhiên, lời khai sẽ bị loại trừ bởi vì việc dùng nhục hình là bất hợp pháp. Đồng thời, nếu lời khai đó tiết lộ các thông tin dẫn dắt Điều tra viên tới các chứng cứ, tài liệu, đồ vật khác thì các chứng cứ, tài liệu, đồ vật đó cũng sẽ bị loại trừ.
Tại vụ kiện Silverthorne Lumber Co. v. United States năm 1920[3], hai quan chức chính phủ đã thu giữ bất hợp pháp sổ sách và tài liệu công ty của bị cáo vì tình nghi về tội trốn thuế. Việc thu giữ này được thực hiện nhưng không có lệnh của Tòa án. Theo Án lệ tại vụ kiện Weeks v. United States, Tòa án nhận thấy rằng, nếu các nhà điều tra tìm thấy chứng cứ quan trọng để chứng minh hành vi phạm tội của bị cáo được thu thập bằng cách khám xét bất hợp pháp thì tòa án sẽ không chấp nhận chứng cứ này làm bằng chứng trong quá trình tố tụng. Sau đó, bị cáo đã xin được lệnh của tòa án và bảo đảm trả lại các tài liệu đã bị thu giữ. Tuy nhiên, trong khi thu giữ các tài liệu, cơ quan chức năng đã chụp ảnh chúng và sử dụng các bức ảnh đó để lấy trát đòi hầu tòa yêu cầu bị đơn xuất trình bản gốc tại phiên tòa. Không đồng ý giao ra bản gốc, bị cáo từ chối tuân thủ trát đòi hầu tòa và khởi kiện trên cơ sở rằng, nếu không có lần thu giữ trái phép đầu tiên, cơ quan chức năng sẽ không có cơ sở để xin trát mới từ Tòa án. Tuy nhiên, vì không tuân thủ trát đòi hầu tòa, bị cáo đã bị cáo buộc thêm tội danh khinh thường phiên tòa. Khi kháng cáo, Tòa án Tối cao cho rằng, Chính phủ không thể sử dụng các bức ảnh đã được thu thập để đòi hỏi trát đòi hầu tòa và lật ngược việc kết tội của bị cáo. Theo Tòa án, quyền của một công ty chống lại việc khám xét và thu giữ bất hợp pháp phải được bảo vệ ngay cả khi kết quả tương tự có thể đạt được một cách hợp pháp.
Từ nguyên tắc đã được thiết lập trong Án lệ Silverthorne Lumber Co. v. United States, đến năm 1939 Thẩm phán Tòa án tối cao Justice Frankfurter lần đầu tiên sử dụng cụm từ “fruit of poisonous tree” trong vụ Nardone v. United States[4] vào năm 1939[5]. Trong vụ việc này, Tòa án cho rằng, lời khai được thu thập thông qua việc nghe lén bất hợp pháp của cơ quan tố tụng đã vi phạm Đạo luật Truyền thông năm 1934, và do đó, việc kết tội đã không được công nhận[6]. Tuy nhiên, vào giai đoạn này, học thuyết “quả trên cây độc” chỉ được áp dụng trong phạm vi tòa án liên bang, không áp dụng trong phạm vi tòa án các tiểu bang.
Đến vụ Mapp v. Ohio (1961), Tòa án tối cao đã đảo ngược quyết định của Tòa án bang Ohio. Vụ án nảy sinh vào năm 1957 khi cảnh sát ở Cleveland (thuộc bang Ohio) đã thực hiện việc khám xét nhà của Dollree Mapp và tiến hành một cuộc khám xét như đối với một nghi phạm đánh bom. Tuy nhiên, việc khám xét của cảnh sát dường như không hề được bảo đảm. Mặc dù không có nghi phạm nào được tìm thấy nhưng các cảnh sát đã phát hiện ra một số sách và tranh bị cáo buộc là “dâm dục và khiêu dâm”. Theo quy định của pháp luật bang Ohio, việc sở hữu sách và tranh dâm dục và khiêu dâm là hành vi bị cấm. Mapp bị kết tội vi phạm pháp luật dựa trên bằng chứng này. Xét xử vụ việc, Tòa án bang Ohio đã công nhận tính bất hợp pháp của cuộc khám xét nhưng vẫn giữ nguyên kết tội với lý do vụ kiện Wolf v. Colorado (1949)[7] đã thiết lập rằng, các bang không bắt buộc phải tuân theo quy tắc loại trừ. Tuy nhiên, Tòa án Tối cao Hoa Kỳ vào ngày 19/6/1961 đã ra phán quyết (6–3) đảo ngược quyết định của Tòa án bang Ohio, trong đó quy định việc bằng chứng thu được nếu vi phạm Tu chính án thứ tư của Hiến pháp Hoa Kỳ là không thể chấp nhận được tại các tòa án tiểu bang và nghiêm cấm việc “khám xét và tịch thu không hợp lý[8]. Tại vụ kiện này, Tòa án đã kết hợp quy tắc loại trừ vào các yêu cầu về thủ tục tố tụng công bằng (due process) của tu chính án thứ mười bốn, có giá trị bắt buộc đối với các tiểu bang[9]. Từ đó, học thuyết “quả trên cây độc” được áp dụng thống nhất trong toàn bộ hệ thống tư pháp hình sự Hoa Kỳ, ở cả cấp độ tiểu bang và liên bang.
Nguồn gốc của học thuyết bắt nguồn từ Tu chính án thứ tư của Hiến pháp Hoa Kỳ. Theo đó, quyền của người dân được bảo đảm về con người, nhà cửa, giấy tờ và các tác dụng của họ, chống lại việc khám xét và thu giữ bất hợp lý, sẽ không bị vi phạm và không có trát nào được ban hành, nhưng có thể có nguyên nhân, được hỗ trợ bởi Lời thề hoặc sự khẳng định, và đặc biệt mô tả nơi được khám xét và những người hoặc vật sẽ bị thu giữ[10]. Và sau này tiếp tục mở rộng để bảo vệ quyền im lặng của Tu chính án thứ năm. Nguyên tắc hoạt động của học thuyết là mối quan hệ nhân quả (causation) giữa việc tìm kiếm bằng chứng và tính khả năng chứng minh của chứng cứ. Điều này có nghĩa là, nếu cơ quan TTHS không vi phạm luật thì sẽ không tìm thấy bằng chứng, và như vậy, cơ quan tiến hành tố tụng phải tìm kiếm bằng chứng bằng bất cứ giá nào, bao gồm cả việc thu thập chứng cứ một cách bất hợp pháp. Chính việc thu thập chứng cứ một cách bất hợp pháp đấy đã làm chứng cứ mất đi tính chất chứng minh, và không còn giá trị chứng minh. Điều này giống với việc “quả bị nhiễm độc” (nguyên văn tiếng Anh là tainted fruit) bởi “chất độc” của cuộc tìm kiếm bất hợp pháp[11]. Có thể hình dung, nếu hành vi thu thập chứng cứ là trái pháp luật (thân cây đã nhiễm độc), thì các chứng cứ được tìm thấy là hệ quả của hành vi thu thập chứng cứ trái pháp luật trên cũng đương nhiên không có giá trị pháp lý (quả của cây cũng bị nhiễm độc) và cũng phải bị loại trừ.
Mặc dù vậy, không phải mọi vụ án đều bị áp dụng quy tắc loại trừ. Tòa án chỉ xem xét áp dụng quy tắc này với tư cách là một biện pháp để kiểm soát hoạt động của phía cảnh sát chỉ khi có bằng chứng rõ ràng về hành vi trái pháp luật của cảnh sát. Do đó, khi tòa án áp dụng quy tắc loại trừ trong bất kỳ trường hợp cụ thể nào thường có nghĩa là trả tự do cho một cá nhân đã bị tuyên là có tội trước đó[12].
Học thuyết quả trên cây độc và nguyên tắc loại trừ tồn tại một số trường hợp ngoại lệ sau. Cụ thể, bằng chứng sẽ không bị loại trừ, cho dù việc thu thập bằng chứng đó là bất hợp pháp nếu rơi vào một trong các trường hợp sau đây. Thứ nhất, nếu bằng chứng được phát hiện từ một nguồn độc lập với hoạt động thu thập chứng cứ bất hợp pháp. Thứ hai, việc khám phá ra bằng chứng là sự kiện tất yếu, không thể tránh khỏi dù có hay không sự việc thu thập chứng cứ bất hợp pháp. Trường hợp thứ ba là nếu mối quan hệ nhân quả giữa hoạt động bất hợp pháp và việc phát hiện ra bằng chứng là không rõ ràng. Ví dụ rõ nhất cho trường hợp này là nếu việc khám xét bất hợp pháp, thu thập các tài liệu dẫn đến tiết lộ tên của một nhân chứng, thì lời khai của nhân chứng này vẫn được xem là hợp pháp bởi “tên của một người làm chứng tiềm năng tự bản thân nó không có giá trị chứng cứ đáng kể, và bởi lẽ người làm chứng là một cá nhân độc lập với ý chí, trí nhớ, nhận thức, lý trí của riêng anh ta sẽ tự định đoạt việc cho lời khai”[13] nên lời khai của người làm chứng này với việc khám xét bất hợp pháp nêu trên không có mối quan hệ nhân quả rõ rệt.
Một ngoại lệ khác cũng được sử dụng là sự thiện chí (good faith) của cơ quan có thẩm quyền. Điều này tức là, trong trường hợp tòa án tin tưởng một cách hợp lý và thiện chí rằng cơ quan tố tụng đang hành động theo thẩm quyền pháp lý, chẳng hạn như dựa vào lệnh khám xét, tuy nhiên sau đó lệnh khám xét lại được phát hiện có khiếm khuyết về mặt pháp lý, thì bằng chứng bị thu giữ bất hợp pháp có thể được chấp nhận theo quy tắc này. Một số án lệ điển hình của việc áp dụng nguyên tắc thiện chí này có thể kể tới như vụ Arizona v. Evans, Davis v. U.S, và Illinois v. Krull[14]. Nói cách khác, khi cảnh sát hành động có thiện chí và chỉ vi phạm các quy định về mặt kỹ thuật mặc dù cảnh sát đã có hành vi xâm hại một số quyền của bị cáo, dù là cố ý hay cẩu thả[15].
Học thuyết “quả trên cây độc” được cho là hướng tới các mục đích cụ thể sau. Một là, ngăn chặn việc tòa án sẽ trở thành đồng phạm với lực lượng hành pháp trong việc bất tuân theo Hiến pháp, vi phạm quyền con người. Hai là, học thuyết là sự bảo đảm của Chính phủ với người dân rằng cơ quan công quyền sẽ không thu lợi từ hành vi trái pháp luật của mình. Mục đích thứ ba, cũng chính là mục đích quan trọng nhất của quy tắc loại trừ, đó là ngăn chặn các hành vi bất hợp pháp có thể xảy ra trong tương lai của của lực lượng cảnh sát[16]. Với việc loại bỏ bất kỳ lợi ích nào có được của các cơ quan thực thi pháp luật, quy tắc loại trừ hướng tới việc ngăn chặn các hành vi trái pháp luật của họ. Các nhà làm luật không hy vọng có thể ngăn chặn được tất cả các cuộc khám xét và bắt giữ bất hợp pháp, nhưng việc áp dụng quy tắc loại trừ sẽ buộc các sĩ quan cảnh sát và các quan chức truy tố tuân thủ luật để bảo đảm các chứng cứ buộc tội không bị hủy hoại[17]. Học thuyết này được áp dụng nhằm ngăn chặn việc cơ quan có thẩm quyền sử dụng các phương pháp, cách thức trái pháp luật, cho dù mục đích của các hành vi trái pháp luật này là chứng minh tội phạm. Nhằm ngăn chặn các hành vi trái pháp luật này, luật TTHS Hoa Kỳ quy định quy tắc loại trừ phải được áp dụng không chỉ cho bằng chứng bị thu giữ do kết quả trực tiếp của một hành vi bất hợp pháp, mà còn cho bất kỳ bằng chứng nào khác được phát hiện cuối cùng do hành vi đó[18].
Một nền tư pháp hình sự tốt luôn cố gắng tránh việc bỏ lọt tội phạm, và kết án oan người vô tội. Tuy nhiên, đây lại là hai giá trị đối nghịch với nhau. Không có cách nào làm giảm tỷ lệ bỏ lọt tội phạm mà lại không làm gia tăng khả năng kết án oan người vô tội, và ngược lại. Mỗi khi chúng ta khiến việc kết án một tội phạm trở nên dễ dàng hơn, thì cũng đồng nghĩa với việc chúng ta gia tăng khả năng kết án oan một người vô tội[19].
Nếu chúng ta cho phép cơ quan tố tụng sử dụng các biện pháp trái luật để thu thập chứng cứ có giá trị chứng minh, không có gì bảo đảm rằng các cơ quan tố tụng sẽ không lạm dụng quyền lực đó để ngụy tạo chứng cứ làm sai bản chất vụ án, làm oan người vô tội hoặc bỏ lọt tội phạm. Mặt khác, nếu chúng ta cho phép các cơ quan tố tụng vi phạm pháp luật trong hoạt động của mình, thì cũng không có gì bảo đảm rằng sự vi phạm đó chỉ giới hạn trong hoạt động thu thập chứng cứ mà không tiến đến các hoạt động khác và xâm phạm nghiêm trọng đến các quyền con người. Cần phải nhớ rằng, lực lượng cảnh sát điều tra là một lực lượng chính quy, đào tạo bài bản, nếu chấp thuận hành vi trái luật của lực lượng này trong một vài trường hợp đơn lẻ, cũng dễ dẫn đến sự học hỏi, áp dụng của toàn bộ lực lượng trong mọi trường hợp khác bởi tính đồng bộ của toàn hệ thống.
Có thể thấy, học thuyết “quả trên cây độc” được sinh ra để triệt tiêu động lực của các hành vi vi phạm pháp luật của cơ quan tiến hành tố tụng trong quá trình thu thập bằng chứng. Học thuyết bảo đảm sự tuân thủ pháp luật, tính liêm chính của cơ quan buộc tội và bảo vệ quyền con người của người bị tình nghi, người bị buộc tội.
2. Quy định về đánh giá chứng cứ trong tố tụng hình sự Việt Nam: sự thiếu hụt quy định trong việc loại trừ chứng cứ thứ phát
Hiến pháp năm 2013 lần đầu tiên quy định về nguyên tắc giới hạn quyền con người nhằm ngăn ngừa sự tùy tiện của Nhà nước, thể hiện bước tiến lớn trong tư duy lập hiến,[20] theo đó “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”[21].
Trong TTHS, các cơ quan tiến hành tố tụng được trao rất nhiều quyền năng để tiến hành các hoạt động thu thập chứng cứ trong các giai đoạn khởi tố, điều tra, truy tố, và xét xử nhằm làm sáng tỏ sự thật của vụ án. Các hoạt động này đa phần đều ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến các quyền tự do cá nhân. Do đó, dưới tinh thần của Hiến pháp năm 2013, Bộ luật TTHS năm 2015 đã có những quy định cơ bản về chứng cứ và việc loại trừ chứng cứ được thu thập bất hợp pháp nhằm bảo đảm quyền con người, ngăn chặn sự xâm phạm từ cơ quan tố tụng.
Điều 86 Bộ luật TTHS năm 2015 quy định khái niệm về chứng cứ. Quy định này về cơ bản đã kế thừa tinh thần của khoản 1 Điều 64 Bộ luật TTHS 2003 để định nghĩa về chứng cứ và các thuộc tính của chứng cứ gồm ba thuộc tính cơ bản, bao gồm: tính khách quan, tính hợp pháp, và tính liên quan. Trong đó, tính hợp pháp có nghĩa là “được thu thập theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định”.
Quan trọng hơn, so với Bộ luật TTHS năm 2003 thì Bộ luật TTHS năm 2015 đã nhấn mạnh đến tính hợp pháp khi quy định rõ việc loại trừ chứng cứ nếu thiếu thuộc tính này bằng quy định “Những gì có thật nhưng không được thu thập theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định thì không có giá trị pháp lý và không được dùng làm căn cứ để giải quyết vụ án hình sự”[22]. Quy định này là một bước tiến mới trong nhận thức của cơ quan lập pháp Việt Nam trong việc bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong TTHS. Bởi lẽ, quy định này đã thúc đẩy động lực tuân thủ theo trình tự, thủ tục do luật định trong hoạt động thu thập chứng cứ của cơ quan tiến hành tố tụng để có thể sử dụng các chứng cứ đó nhằm giải quyết vụ án. Nếu mọi hoạt động thu thập chứng cứ đều được thu thập tuân theo trình tự, thủ tục luật định, thì các hoạt động này đều được thực hiện đúng theo nguyên tắc giới hạn quyền trong Hiến pháp năm 2013, phòng ngừa sự tùy tiện xâm phạm của cơ quan tố tụng đến quyền cơ bản của các cá nhân. Đồng thời, quy định này còn tăng cường và bảo đảm cho nguyên tắc pháp chế xã hội chủ nghĩa, theo đó “mọi hoạt động TTHS của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng phải được tiến hành theo quy định của Bộ luật này”[23]. Tăng cường tính liêm chính, tính chính đáng trong hoạt động của các tư quan tư pháp, tạo nên niềm tin của cộng đồng đến hệ thống tư pháp.
Khi phân tích quy định tại Điều 87 Bộ luật TTHS năm 2015, có thể thấy quy định hiện tại đã loại trừ tính pháp lý của các chứng cứ được thu thập không tuân theo trình tự, thủ tục do luật định, từ đó loại trừ việc sử dụng các chứng cứ này. Ví dụ, khi tiến hành khám xét nơi ở, nếu Điều tra viên khám xét mà chưa có sự phê chuẩn lệnh khám xét của Viện kiểm sát thì cuộc khám xét đó đã vi phạm trình tự, thủ tục được quy định tại Điều 193 Bộ luật TTHS năm 2015 nên các vật chứng thu được từ cuộc khám xét sẽ không có giá trị pháp lý và không được sử dụng làm chứng cứ để giải quyết vụ án. Có nghĩa là, Việt Nam đã áp dụng một phần của học thuyết “quả trên cây độc” khi đã loại trừ các chứng cứ sơ phát, là hệ quả trực tiếp của các vi phạm trình tự, thủ tục do luật định.
Tuy nhiên, đối với các chứng cứ thứ phát, bắt nguồn từ thông tin của các chứng cứ sơ phát đã bị loại trừ thì hiện Bộ luật TTHS năm 2015 vẫn chưa có quy định về việc loại trừ các chứng cứ thứ phát này dựa trên sự vi phạm thủ tục tố tụng ban đầu. Nếu áp dụng các quy định hiện hành về thu thập chứng cứ, nếu trình tự thu thập các chứng cứ thứ phát tuân thủ đúng quy định thì các chứng cứ này vẫn được thừa nhận tính hợp pháp và được sử dụng làm chứng cứ. Cùng ví dụ trên, trong một cuộc khám xét nơi ở, nếu việc khám xét mà chưa có sự phê chuẩn của Viện kiểm sát thì cuộc khám xét đó đã vi phạm trình tự, thủ tục được quy định tại Điều 193 Bộ luật TTHS năm 2015 nên các vật chứng thu được (như máy tính, điện thoại,…) từ cuộc khám xét sẽ không có giá trị pháp lý. Tuy nhiên, nếu máy tính, điện thoại bị thu giữ này lại chứa các thông tin dẫn dắt Điều tra viên đến các các chứng cứ khác như địa điểm cất giấu hung khí gây thương tích, hoặc địa điểm cất giấu ma túy; chỉ cần thực hiện việc thu giữ hung khí hoặc chất ma túy đúng theo quy định của Bộ luật TTHS thì hung khí hoặc chất ma túy bị thu giữ vẫn được xem là chứng cứ bởi bảo đảm các thuộc tính khách quan, hợp pháp và liên quan.
Trên thực tế, đây chính là xu hướng áp dụng pháp luật tại các Tòa án. Ví dụ, tại Bản án số 35/2017/HSPT ngày 14/09/2017 về tội cưỡng đoạt tài sản của Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Ninh đã thừa nhận tính hợp pháp của chứng cứ thứ phát, khi trình tự thủ tục thu giữ chứng cứ sơ phát không được bảo đảm. Theo đó, Tòa án nhận định việc thu thập chiếc điện thoại di động hiệu LG.G4 (chứng cứ sơ phát) của Lê Thái H. không niêm phong là thiếu sót về thủ tục tố tụng. Tuy nhiên, biên bản về việc in dữ liệu nội dung tin nhắn zalo vào hồi 9h30’ ngày 29/7/2016 từ máy điện thoại nhãn hiệu LG.G4 của Lê Thái H. và được in thành văn bản đánh số trang từ 01 đến 250 (chứng cứ thứ phát). Biên bản này có đầy đủ chữ ký của Điều tra viên, Kiểm sát viên, cán bộ điều tra, cán bộ VKS và bị cáo H. Tuy nhiên, các bản in tin nhắn từ 01 đến 250 chỉ có chữ ký Kiểm sát viên và bị cáo H., đây chỉ là thiếu sót của Cơ quan điều tra. Quan trọng là bị cáo H. đã ký xác nhận vào tất cả các trang trên, không có bất kỳ khiếu nại gì, tại phiên tòa hôm nay, bị cáo cũng công nhận điều đó. Do vậy, việc thiếu chữ ký của một số thành phần ở các bản in tin nhắn là có thiếu sót về thủ tục nhưng không làm thay đổi bản chất vụ án nên không phải là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng[24]. Như vậy, Tòa án tỉnh Bắc Ninh vẫn thừa nhận các bản in tin nhắn trên là chứng cứ của vụ án để buộc tội bị cáo dù các tin nhắn trên được in ra từ chứng cứ là điện thoại hiệu LG.G4 đã bị thu thập không đúng trình tự, thủ tục.
Một vấn đề khác đáng lo ngại hơn, đó là khi hỏi cung, nếu có sự cưỡng ép về thể chất hoặc tinh thần để buộc bị can cho lời khai, và lời khai đó dẫn dắt Cơ quan điều tra đến các chứng cứ vật lý khác (vật chứng, tài liệu, đồ vật,…). Hoặc trong lần hỏi cung đầu tiên, nếu Điều tra viên sử dụng một số hành vi bất hợp pháp, không tuân theo quy định của Bộ luật TTHS để cưỡng ép bị can cho lời khai nhận tội. Sau đó, trong những lần hỏi cung sau, Điều tra viên thực hiện việc hỏi cung đúng theo trình tự, thủ tục do BLTTHS quy định, nhưng lại dựa trên nội dung nhận tội của bản cung đầu tiên để đấu tranh với người bị buộc tội, khiến người bị buộc tội phải lặp lại nội dung nhận tội trong bản cung đầu tiên bị cưỡng ép. Như vậy, về nguyên tắc, lời khai trong bản cung đầu tiên sẽ bị loại trừ do vi phạm về trình tự, thủ tục; tuy nhiên, các chứng cứ vật lý có được từ lời khai bị ép buộc hoặc lời khai tương tự trong các lần hỏi cung tiếp theo nếu được thu thập đúng trình tự, thủ tục thì vẫn được xem là chứng cứ của vụ án.
Việc không loại trừ chứng cứ thứ phát sau khi đã loại trừ chứng cứ sơ phát không thực sự làm giảm đi động lực vi phạm thủ tục tố tụng của Cơ quan tiến hành tố tụng trong việc thu thập chứng cứ điều tra vụ án. Thực tế, trong một số vụ án oan sai điển hình như các vụ của Hàn Đức Long, Nguyễn Thanh Chấn, Huỳnh Văn Nén đều có nguyên nhân cơ bản là những người này đều nhận tội trong giai đoạn điều tra ban đầu, khi xét xử tại phiên tòa cho đến sau khi được minh oan thì tất cả đều tố cáo họ đã bị ép buộc phải nhận tội trong giai đoạn điều tra bởi các Điều tra viên[25]. Lời nhận tội của họ là chứng cứ chủ yếu để Cơ quan điều tra định hướng việc thu thập chứng cứ củng cố cho lời nhận tội đó, để từ đó các cấp tòa sơ thẩm, phúc thẩm tuyên án họ có tội.
Sự thiếu vắng quy định về việc loại trừ chứng cứ thứ phát có thể dẫn đến tình trạng chấp nhận vi phạm thủ tục để thu thập các chứng cứ sơ phát để lấy thông tin, từ các thông tin đó mà Cơ quan tố tụng sẽ thu thập chứng cứ thứ phát một cách chỉn chu, đúng quy định; từ đó xâm phạm đến các quyền cơ bản của công dân nói chung, của người bị buộc tội nói riêng, không bảo đảm nguyên tắc pháp chế xã hội chủ nghĩa, nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
3. Khuyến nghị cho Việt Nam
Từ những phân tích nêu trên, việc áp dụng học thuyết “quả trên cây độc” vào TTHS Việt Nam là hoàn toàn có thể và cần thiết. Bởi lẽ, hiện khoản 2 Điều 87 Bộ luật TTHS năm 2015 đã áp dụng một phần học thuyết này khi đã loại trừ các chứng cứ sơ phát là hệ quả trực tiếp của việc vi phạm trình tự, thủ tục khi thu thập, việc mở rộng phạm vi áp dụng học thuyết loại trừ chứng cứ này là hoàn toàn có thể. Mặt khác, việc mở rộng phạm vi loại trừ chứng cứ bất hợp pháp là cần thiết để triệt tiêu hoàn toàn động lực vi phạm tố tụng trong hoạt động thu thập chứng cứ, bảo đảm hoạt động điều tra hình sự tuân thủ đúng quy định của pháp luật, hạn chế sự xâm phạm đến quyền con người, bảo đảm pháp chế xã hội chủ nghĩa và gia tăng lòng tin của cộng đồng vào hệ thống tư pháp. Do đó, các tác giả kiến nghị áp dụng học thuyết “quả trên cây độc” vào TTHS Việt Nam cùng với các ngoại lệ như sau:
Thứ nhất, bổ sung khoản 3 Điều 87 Bộ luật TTHS năm 2015 quy định về việc loại trừ chứng cứ thứ phát, cụ thể: “3. Những gì được thu thập dựa trên thông tin của chứng cứ đã bị loại trừ theo quy định tại khoản 2 của Điều này cũng không có giá trị pháp lý và không được dùng làm căn cứ để giải quyết vụ án hình sự”.
Thứ hai, bổ sung khoản 4 Điều 87 Bộ luật TTHS năm 2015 để quy định về những trường hợp ngoại lệ của nguyên tắc trên, cụ thể: “4. Những chứng cứ được quy định tại khoản 3 của Điều này vẫn có thể có giá trị pháp lý và được sử dụng là chứng cứ nếu thuộc vào một trong các trường hợp sau đây:
a) Chứng cứ đó được khám phá từ một nguồn thông tin độc lập với chứng cứ bị loại trừ quy định tại khoản 2 Điều này;
b) Việc khám phá ra chứng cứ đó là không thể tránh khỏi, bất kể chứng cứ bị loại trừ theo quy định tại khoản 2 Điều này có được thu thập hay không;
c) Không có mối quan hệ nhân quả trực tiếp giữa việc thu thập chứng cứ đó với chứng cứ bị loại trừ theo quy định tại khoản 2 Điều này;
d) Khi người thực hiện hoạt động thu thập chứng cứ bị loại trừ theo quy định tại khoản 2 Điều này không biết và không thể biết được việc thu thập chứng cứ trên là chưa tuân thủ trình tự, thủ tục do luật định vào thời điểm thực hiện hoạt động thu thập chứng cứ”.
Nguyên tắc tranh tụng trong xét xử là bảo đảm sự công bằng giữa hai bên, bên buộc tội và bên bị buộc tội. Nếu lực lượng điều tra có thể vi phạm pháp luật mà thu thập chứng cứ, hiển nhiên sẽ rất bất lợi cho bên bị buộc tội. Không chỉ vậy, việc vi phạm pháp luật còn dẫn đến sự bất lợi cho chính bên buộc tội; bởi lẽ, chứng cứ thu thập được sẽ không bảo đảm được tính chất chứng minh tội phạm. Như vậy, mọi nỗ lực điều tra, truy tố sau này đều sẽ là sản phẩm của hành vi vi phạm pháp luật. Và do đó, việc tuân thủ các nguyên tắc, quy định của pháp luật cần được tuân thủ triệt để. Điều này không chỉ bảo vệ quyền con người của bên bị buộc tội, bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa, mà còn là sự tôn trọng sự thật khách quan của vụ án và nỗ lực của các cơ quan tiến hành tố tụng trong suốt quá trình điều tra, truy tố, xét xử./.

THS. VÕ MINH KỲ

Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ,

THS. NGUYỄN PHƯƠNG ANH

Vụ pháp luật hình sự _ hành chính, Bộ Tư pháp.


[1] Hiện nay, trong các thuật ngữ pháp lý được sử dụng tại Việt Nam, chưa có thuật ngữ nào để mô tả sự khác biệt giữa chứng cứ ban đầu được thu thập trực tiếp từ các biện pháp thu thập chứng cứ, và chứng cứ sau này được thu thập dựa trên thông tin từ chứng cứ ban đầu đó. Trong bài viết, người viết dùng thuật ngữ “chứng cứ sơ phát” để chỉ nhóm chứng cứ ban đầu, và thuật ngữ “chứng cứ thứ phát” để chỉ nhóm chứng cứ phát sinh dựa trên thông tin của nhóm chứng cứ ban đầu. Thuật ngữ tương tự cũng đã từng được sử dụng trong bài nghiên cứu khác của người viết.
Xem thêm Võ Minh Kỳ, “Một số nguyên tắc đánh giá chứng cứ trong tố tụng tranh tụng và kiến nghị cho Việt Nam”, Tạp chí Nhà nước và Pháp luật, số 3 (359), 2018: tr.22-29.
[2] [3] [4] [5] [6] [7] [8] [9] Editors, "Fruit of the Poisonous Tree-A Plea for Relevant Criteria," 115 University of Pennsylvania Law Review 1136 (1967), p.1136, accessed November 11, 2022, https://scholarship.law.upenn.edu/penn_law_review/vol115/iss7/6.
[10] [11] [12] Anthony G. Amsterdam, Search Seizure and Section 2255, 112 University of Pennsylvania Law Review 378 (1964), p. 389, accessed November 11, 2022, https://scholarship.law.upenn.edu/penn_law_review/vol112/iss3/2.
[13] Smith v . United States , 324 F. 2d 879 ( D.C. Cir . 1963 ), cert . denied, 377 U.S. 954 (1964 ), p. 881.
[14] [15] Brown v. Illinois, 422 U.S. 590 (1975), p. 611-12.
[16] David K. Gruver, “Criminal Procedure, Constitutional Law - Applying the Fruit of the Poisonous Tree Doctrine to Evidence Obtained through Statements Made without Proper Miranda Warnings - Stamper v. State,” Land & Water Law Review: Vol. 19 : Iss. 1 , 1984, p. 273, accessed November 11, 2022, https://scholarship.law.uwyo.edu/land_water/vol19/iss1/15.
[17] Xem tại People v. Cahan (1955) 44 Cal.2d 434, 282 P.2d 905, đoạn 448, accessed November 11, 2022, https://casetext.com/case/people-v-cahan.
[18] Melanie J. Strigel, Criminal Procedure—Scope of the Exclusionary Rule—Inevitable Discovery Exception Adopted, 4 UALR Law Review 551 (1981), p.551-552, accessed November 11, 2022, https://lawrepository.ualr.edu/lawreview/vol4/iss3/9.
[19] Alan M. Dershowitz, Reasonable Doubts: The Criminal Justice System and the O.J. Simpson Case, Reprint edition, New York: Simon and Schuster, 1997, p. 199.
[20] Bùi Tiến Đạt, "Hiến pháp hóa nguyên tắc giới hạn quyền con người: Cần nhưng chưa đủ", Tạp chí Nghiên cứu lậppháp, số 6(286), tháng 3/2015, truy cập ngày 10/11/2022.
[21] Khoản 2 Điều 14 Hiến pháp năm 2013.
[22] Khoản 2 Điều 87 BLTTHS năm 2015.
[23] Điều 3 BLTTHS năm 2015.
[24] Tham khảo [25] Xem thêm Nguyễn Trường, “Kỳ án tử tù Hàn Đức Long- Bài 2: Một mực kêu oan, không thoát án tử”, Báo điện tử Tiền Phong, ngày 06/01/2025, https://tienphong.vn/ky-an-tu-tu-han-duc-long-bai-2-mot-muc-keu-oan-khong-thoat-an-tu-post749450.tpo, truy cập ngày 11/11/2022. Hoàng Điệp và Nguyễn Nam, “Huỳnh Văn Nén - vụ oan sai chưa từng có trong tố tụng”, https://tuoitre.vn/huynh-van-nen-vu-oan-sai-chua-tung-co-trong-to-tung-1013980.html, truy cập ngày 11/11/2022. “Ông Nguyễn Thanh Chấn mô tả việc bị ép cung”, Báo điện tử Vnexpress, ngày 06/11/2013, https://vnexpress.net/ong-nguyen-thanh-chan-mo-ta-viec-bi-ep-cung-2906391.html, truy cập ngày 11/11/2022.
... Theo lapphap.vn