TS. Jeff Smith thuộc Viện nghiên cứu chính sách Heritage (Mỹ) nhận định, Tổng thống Joe Biden cần nhanh chóng vạch ra kế hoạch mở rộng các hoạt động quân sự, tuần tra hàng hải ở Biển Đông để Trung Quốc hiểu rõ rằng, Washington không chấp nhận nhượng bộ Bắc Kinh các vấn đề liên quan tới vùng biển này.
Binh sĩ Mỹ trên khu trục hạm USS John S. McCain tuần tra quanh quần đảo Trường Sa của Việt Nam tháng 12/2020 (Nguồn: AP)
Ngày 18/2 vừa qua, ngoại trưởng các nước thuộc nhóm Bộ Tứ (Quad) gồm Ấn Độ, Mỹ, Australia và Nhật Bản đã có cuộc điện đàm bày tỏ quan ngại về việc Trung Quốc ban hành luật hải cảnh, cho phép lực lượng cảnh sát biển sử dụng vũ lực trong cái gọi là "vùng biển thuộc quyền tài phán" của nước này.
Bên cạnh hành động lên án Trung Quốc liên tục có các động thái hung hăng, chèn ép nước khác tại Biển Đông, Biển Hoa Đông, ngoại trưởng 4 nước nêu trên cam kết trong thời gian tới sẽ tăng cường nỗ lực chung trong nhóm để giữ vững Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở.
Đáng chú ý, cuộc họp nói trên diễn ra trong bối cảnh 2 nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ là USS Theodore Roosevelt và USS Nimitz đang tiến hành các hoạt động diễn tập quân sự trên Biển Đông.
Trong khi đó, Khu trục hạm USS Russell của Mỹ mới đây đã tổ chức tuần tra hàng hải (FONOP) quanh những thực thể nhân tạo mà Trung Quốc ngang ngược bồi đắp thành căn cứ quân sự ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Tạo áp lực tối đa cho Bắc Kinh
Nhận định về các động thái ở Biển Đông của chính quyền tân Tổng thống Joe Biden, TS. Jeff Smith thuộc Viện nghiên cứu chính sách Heritage (Mỹ) trong bài viết cho tạp chí Foreign Policy cho rằng, việc Washington không ngần ngại cứng rắn với Bắc Kinh ngoài thực địa là một tín hiệu đáng mừng.
Dù vậy, học giả Smith nhận định, quan trọng là ông Biden giữ được sự cứng rắn và chủ động này trong thời gian dài để gây áp lực dồn dập, buộc Bắc Kinh phải điều chỉnh tham vọng của mình.
Liệt kê về hoạt động FONOP, ông Smith đã chỉ ra, suốt 4 năm nhiệm kỳ (2017-2020) của Tổng thống Donald Trump, Mỹ đã thực hiện khoảng 17 đợt. Đây là mức tăng rất đáng kể so với 6 đợt trong suốt 8 năm tại nhiệm (2008-2016) của Tổng thống Barack Obama.
Chưa cần bàn tới hiệu quả của việc tăng cường tuần tra, có thể thấy chính quyền của ông Trump thông qua các đợt FONOP đã gửi tới Bắc Kinh một thông điệp rất cứng rắn rằng, Mỹ sẽ không lùi bước nếu quyền lợi và các giá trị mà nước này theo đuổi, ở đây là tự do di chuyển và trật tự dựa trên luật pháp, bị đụng chạm ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương nói chung và Biển Đông nói riêng.
“Việc phải nhận những thông điệp như vậy trong 4 năm qua và phải tiếp tục nhận thêm trong 4 năm tới quả thật là một viễn cảnh mà giới lãnh đạo Trung Quốc không hề mong muốn, nhất là khi Bắc Kinh kỳ vọng ông Biden sẽ mềm mỏng hơn người tiền nhiệm Donald Trump”, ông Jeff Smith cho hay.
Bài học từ quá khứ
Chuyên gia này chỉ ra rằng, tính đến nay, ông Biden chỉ mới nhậm chức được hơn 30 ngày, nên vẫn còn nhiều thứ chưa rõ ràng trong chương trình nghị sự, đặc biệt là các nội dung liên quan đến chính sách ngoại giao với Trung Quốc.
Trong bối cảnh cả thế giới đang chờ xem ông Biden sẽ xây dựng quan hệ Mỹ-Trung theo chiều hướng nào, việc nhà lãnh đạo 78 tuổi nhiều tuần qua liên tục phát biểu về Trung Quốc và tham gia hội đàm với nguyên thủ các đồng minh được cho là minh chứng phản ánh rõ điều này.
Do vậy, việc lập tức tăng cường, hoặc ít nhất là chính thức tuyên bố hiện diện quân sự và các đợt FONOP ở Biển Đông, sẽ giúp xóa tan mọi sự mơ hồ.
Mặt khác, hành động này cũng đảm bảo rằng, Bắc Kinh không lợi dụng được thời gian chuyển giao hiện tại để giành thế chủ động trong nỗ lực củng cố các yêu sách chủ quyền phi pháp.
Đây là vấn đề từng xảy ra dưới thời ông Obama khi Trung Quốc bắt đầu tăng tốc xây dựng, bồi lấp các thực thể nhân tạo trái phép ở Biển Đông giai đoạn 2013-2015.
Điểm lại câu chuyện trong quá khứ, chuyên gia Smith chia sẻ, nhiều chuyên gia Mỹ thời điểm đó khuyến nghị chính quyền ông Obama lập tức cho tàu đi tuần tra để thể hiện rõ lập trường phản đối các hoạt động của Trung Quốc.
Tuy nhiên, Washington lại tỏ ra lưỡng lự và từ chối điều tàu, vì lo ngại sẽ leo thang xung đột với Bắc Kinh. Lãnh đạo Trung Quốc lúc đó cũng liên tục cảnh báo sẽ đáp trả bất kỳ động thái quân sự khiêu khích nào trên cái gọi là "sân nhà" của nước này.
Căng thẳng lên đến đỉnh điểm vào tháng 9/2015 khi một tàu chiến Trung Quốc đi vào lãnh hải của Mỹ gần bang Alaska, và một tướng lĩnh Trung Quốc trả lời phỏng vấn báo giới ngang nhiên tuyên bố sẵn sàng đánh chiếm toàn bộ các thực thể nổi ở Biển Đông.
Lúc này, chính quyền Tổng thống Barack Obama mới gửi khu trục hạm USS Lassen đến tuần tra ở khu vực 12 hải lý xung quanh đá Subi thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam vào tháng 10/2015, tức gần 1 tháng sau các động thái và phát ngôn nói trên của Trung Quốc.
Việc trì hoãn này bị giới chuyên gia chỉ trích là bộc lộ một nước Mỹ lúng túng và chậm chạp trong việc bảo vệ lợi ích, không chỉ của bản thân nước này, mà còn của các đồng minh, đối tác trong khu vực.
Trong khi đó, các hành động của Trung Quốc cũng cho thấy, nước này nếu không bị một cường quốc khác trực tiếp đối trọng sẽ sẵn sàng làm mọi thứ để hiện thực hóa tham vọng lãnh thổ của mình.
“Tóm lại, tuần tra thường xuyên, rõ ràng và dứt khoát ở Biển Đông là cách tốt nhất để kìm hãm ảnh hưởng của Trung Quốc ở khu vực này. Bắc Kinh chắc chắn sẽ tìm lý do để đẩy ông Biden đi theo con đường tránh xung đột như đã làm với ông Obama. Tuy nhiên, cần phải nhớ rằng, nước này không có bất kỳ cơ sở pháp lý cho tuyên bố chủ quyền trong khi Mỹ đang tuần tra nhân danh bảo vệ trật tự khu vực và luật pháp quốc tế”, ông Smith kết luận./.
(theo Foreign Policy)