29/03/2024 lúc 06:28 (GMT+7)
Breaking News

Hoãn xuất cảnh với lao động Việt Nam sang làm việc tại các nước có ca nhiễm nCoV

VNHN - Cục Quản lý lao động ngoài nước cần nắm rõ số lượng lao động Việt Nam làm việc tại các nước đã có các trường hợp nhiễm dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (nCoV). Khuyến cáo các doanh nghiệp tạm thời lùi thời gian xuất cảnh đối với lao động nước ta sang làm việc tại những quốc gia có các trường hợp nhiễm bệnh nCoV.

VNHN - Cục Quản lý lao động ngoài nước cần nắm rõ số lượng lao động Việt Nam làm việc tại các nước đã có các trường hợp nhiễm dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (nCoV). Khuyến cáo các doanh nghiệp tạm thời lùi thời gian xuất cảnh đối với lao động nước ta sang làm việc tại những quốc gia có các trường hợp nhiễm bệnh nCoV.

Đây là một trong những nội dung trong công điện của Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội vừa ban hành ngày 2-2 về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (nCoV) gây ra. Công điện nêu rõ, Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Thủ tướng Chính phủ và của Bộ để ngăn chặn dịch bệnh nCoV. Tiếp đó, trong thời gian Việt Nam công bố dịch bệnh nCoV, dừng tổ chức các hoạt động, sự kiện tập trung đông người liên quan tới lĩnh vực quản lý nhà nước của ngành; không tổ chức các hội nghị, hội thảo, phiên giao dịch việc làm,... trường hợp cần thiết báo cáo Bộ trưởng xem xét, quyết định.

Yêu cầu các đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức sử dụng lao động là người nước ngoài tại các địa phương tạm dừng tiếp nhận lao động từ Trung Quốc về quê ăn Tết quay trở lại Việt Nam làm việc và lao động là người nước ngoài di chuyển qua các vùng dịch trong thời gian công bố dịch bệnh nCoV. Trong trường hợp đã tiếp nhận trở lại, doanh nghiệp phải báo cáo danh sách những lao động của doanh nghiệp vừa trở về Việt Nam từ Trung Quốc cùng với những thông tin cần thiết theo yêu cầu, thực hiện các biện pháp cách ly tại nơi ở và nơi làm việc theo hướng dẫn của cơ quan y tế, đồng thời theo dõi, kiểm tra sức khỏe trong vòng 14 ngày kể từ ngày nhập cảnh Việt Nam.

Cục Việc làm và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Ban quản lý các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế các địa phương tạm dừng cấp giấy phép lao động mới cho lao động nước ngoài đến từ các vùng có dịch trong thời gian Việt Nam công bố dịch bệnh nCoV. Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ theo chức năng quản lý nhà nước, thông báo triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh nCoV tới các đơn vị, cơ sở, doanh nghiệp có liên quan. Chỉ đạo các cơ sở trợ giúp xã hội, cơ sở cai nghiện ma túy, trung tâm điều dưỡng người có công với cách mạng, các cơ sở y tế,… thuộc Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tuyên truyền, phổ biến và nghiêm túc thực hiện các biện pháp phòng tránh lây lan dịch bệnh theo hướng dẫn của cơ quan y tế, tăng cường thực hiện kiểm tra, chăm sóc y tế, tiến hành khử trùng, chủ động phòng, chống dịch bệnh nCoV tại cơ sở.

Cục Việc làm chủ trì, phối hợp với các địa phương rà soát, thống kê, cập nhật hàng ngày các số liệu, thông tin y tế liên quan tới lao động nước ngoài đến từ các vùng có dịch, nhất là lao động Trung Quốc (tổng số lao động nước ngoài, số về quê ăn Tết, số đi qua vùng có dịch, số đã quay trở lại Việt Nam,...) để kịp thời báo cáo Bộ các giải pháp xử lý khi có dấu hiệu bất thường liên quan đến dịch bệnh nCoV. Cục Quản lý lao động ngoài nước rà soát, nắm rõ số lượng người lao động Việt Nam làm việc tại các nước đã có các trường hợp nhiễm dịch bệnh nCoV. Khuyến cáo các doanh nghiệp tạm thời lùi thời gian xuất cảnh đối với lao động Việt Nam sang làm việc tại các nước có các trường hợp nhiễm dịch bệnh nCoV.

Khuyến cáo tạm thời lùi thời gian xuất cảnh với lao động Việt Nam sang làm việc tại các nước có dịch bệnh nCoV.

Trong trường hợp cần thiết xuất cảnh, người lao động cần phải được quán triệt để chủ động các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh nCoV, tuân thủ nghiêm ngặt các yêu cầu về y tế của cơ quan chức năng Việt Nam và nước tiếp nhận lao động. Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp chỉ đạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phối hợp với cơ quan y tế địa phương thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; tập trung đẩy mạnh các hoạt động vệ sinh khử trùng phòng học, nơi học để phòng, chống dịch bệnh nCoV. Trong trường hợp cần thiết, lãnh đạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp xem xét, quyết định cho học sinh, sinh viên nghỉ học để tập trung phòng, chống dịch bệnh nCoV. Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phân công bộ phận thường trực để theo dõi, nắm bắt những vấn đề liên quan tới việc phòng, chống dịch bệnh nCoV.

Kịp thời đề xuất cơ quan có thẩm quyền ở địa phương và với Bộ các biện pháp xử lý phù hợp nhằm phòng, chống dịch bệnh nCoV. Văn phòng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội làm đầu mối, phối hợp với Cục Việc làm và các đơn vị thuộc Bộ, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thường xuyên liên lạc, nắm bắt tình hình tại các địa phương để tổng hợp báo cáo, kịp thời đề xuất với Bộ biện pháp xử lý. Được biết, theo thông tin từ Cục Việc làm, hiện lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam khoảng 90 nghìn người. Trong đó, số lao động Trung Quốc làm việc ở Việt Nam hơn 29 nghìn người, chiếm gần 32% tổng số lao động nước ngoài ở Việt Nam.

Dịp Tết Nguyên đán vừa qua, phần lớn số lao động Trung Quốc ở lại Việt Nam. Chỉ một số địa phương có người Trung Quốc về nước ăn Tết rồi quay trở lại Việt Nam như Quảng Ninh có 750 người, các huyện biên giới có khoảng 1.700 lao động qua lại biên giới trong dịp Tết. Với lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, tại các quốc gia và vùng lãnh thổ có tiếp nhận lao động Việt Nam đều đã xác nhận có các ca nhiễm nCoV như Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Thái Lan, Đài Loan (Trung Quốc).