24/11/2024 lúc 21:36 (GMT+7)
Breaking News

Hoàn thiện thể chế về kinh tế số ở Việt Nam: Thực trạng và giải pháp

Kinh tế số (KTS) là một nền kinh tế vận hành chủ yếu dựa trên công nghệ số, đặc biệt là các giao dịch điện tử tiến hành thông qua Internet. Hoàn thiện thể chế về kinh tế số là một nội dung rất cấp thiết nhằm thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia và phát triển kinh tế số ở Việt Nam. Bởi KTS được xác định là một trong những trụ cột quan trọng và đóng vai trò thiết yếu đối với tăng trưởng kinh tế, tạo bước đột phá cho quốc gia.

Ở Việt Nam, KTS chỉ phát triển từ cuối thập kỷ 90 của thế kỷ XX, khi Internet bắt đầu có mặt tại Việt Nam và phổ biến vào cuối những năm 2000, khi mật độ sử dụng điện thoại thông minh đạt mức 50%; đồng thời được thúc đẩy mạnh mẽ hơn cùng với sự xuất hiện của CMCN 4.0 vào nửa cuối những năm 2010… Nhưng KTS đã nhanh chóng trở thành đặc trưng và xu hướng phát triển kinh tế, công nghệ quan trọng nhất hiện nay.

Sự quan tâm của nhà nước tới phát triển KTS

Nhà nước, Chính phủ Việt Nam rất quan tâm tới việc phát triển KTS gắn với xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số.

Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã đề ra chủ trương: “Hoàn thiện thể chế tạo thuận lợi cho chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và quá trình chuyển đổi số quốc gia”. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng (năm 2021) khẳng định: “Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy, xây dựng và hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển bền vững đất nước; hoàn thiện toàn diện, đồng bộ thể chế phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, chú trọng đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, phát triển nền kinh tế số, xã hội số”.  Mới đây, trong Quyết định số 411/QĐ-TTg ngày 31/3/2022 phê duyệt “Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” cũng đã nêu rõ quan điểm: “Thể chế kiến tạo phát triển kinh tế số và xã hội số, đóng vai trò quyết định trong việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo và bảo đảm trách nhiệm tuân thủ pháp luật như nhau giữa doanh nghiệp trong nước và nước ngoài”

Chương trình chuyển đổi số quốc gia đã xác định tầm nhìn đến năm 2030, Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới; đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ, hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp. 

Một trong những điều kiện để phát triển KTS hiện nay là phải tập trung hoàn thiện thể chế về KTS. Đó là hoàn thiện những quy tắc, luật pháp, bộ máy quản lý và cơ chế vận hành nhằm điều chỉnh các hoạt động của con người trong lĩnh vực KTS. Như vậy, về khái niệm, Thể chế về kinh tế số là những quy tắc, luật pháp, bộ máy quản lý và cơ chế vận hành nhằm điều chỉnh hành vi của các chủ thể tham gia vào nền kinh tế số. Nội dung hoàn thiện thể chế về kinh tế số bao gồm: Hoàn thiện những quy tắc, luật pháp điều chỉnh hành vi của các chủ thể tham gia nền kinh tế số; Hoàn thiện bộ máy quản lý và cơ chế vận hành nền kinh tế số.

Về kết quả đạt được trong xây dựng thể chế về kinh tế số ở Việt Nam 

Trong những năm gần đây nhà nước ta đã thường xuyên ban hành các chiến lược, chương trình và kế hoạch tổng thể liên quan đến phát triển KTS, như: Quy hoạch phát triển an ninh Công nghệ thông tin ban hành năm 2020; Chương trình mục tiêu phát triển Công nghệ thông tin giai đoạn 2020 - 2025; Chương trình hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đến năm 2025; Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025; Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Chương trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026 thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025… Chính phủ cũng đã ban hành các văn bản hướng dẫn để tạo khung pháp lý cho kinh tế số được vận hành thông thoáng. Nhờ vậy, vai trò của các cơ quan trong bộ máy quản lý và phát triển nền KTS ở Việt Nam đã khá rõ ràng, cụ thể. Chẳng hạn: Bộ Khoa học và Công nghệ điều tiết các hoạt động về Nghiên cứu & Phát triển, đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh việc ứng dụng, nghiên cứu, phát triển và chuyển giao các công nghệ chủ chốt của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; Ngân hàng Nhà nước có chức năng điều tiết các hoạt động về ngân hàng điện tử, công nghệ tài chính, thanh toán điện tử và phi tiền mặt; Bộ Thông tin và Truyền thông điều tiết và lập kế hoạch phát triển trong lĩnh vực xuất bản, truyền thông, thông tin, bưu chính, công nghệ thông tin và truyền thông (CNTT&TT), phát thanh và hệ thống thông tin quốc gia; Các bộ ngành khác và ủy ban nhân dân các tỉnh lập kế hoạch hành động và đẩy mạnh ứng dụng CNTT&TT tại các khu vực và tỉnh thành…

Mặc dù vậy, phát triển KTS ở nước ta hiện nay cũng đang đặt ra một số vấn đề cần khắc phục để theo kịp yêu cầu mới. Cụ thể như:

- Khung pháp lý vẫn chưa đồng bộ về xây dựng Chính phủ điện tử và cơ chế bảo đảm thực thi nhiệm vụ xây dựng Chính phủ điện tử chưa đủ mạnh nên kết quả triển khai nhiều nhiệm vụ về Chính phủ điện tử cũng còn chậm và nhiều nơi thực hiện còn mang tính hình thức.

- Việt Nam nằm trong những quốc gia có tốc độc tăng trưởng kinh tế nhanh nhất khu vực và thế giới, mức độ hội nhập quốc tế ngày một sâu rộng hơn.  Nhưng mức độ số hóa của Việt Nam còn thấp so với các nước trong khu vực ASEAN và châu Á. Đây là một bất cập.

-  Tuy Việt Nam có lực lượng lao động trẻ, năng động, dễ dàng tiếp thu những kiến thức và kỹ năng mới, trong đó có kiến thức và kỹ năng số, giáo dục Việt Nam chưa theo kịp xu thế phát triển của KTS, nên chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam còn nhiều hạn chế cả về chuyên ngành đào tạo, kỹ năng làm việc...

- Việt Nam thực sự coi kinh tế số là cơ hội để thúc đẩy phát triển kinh tế, thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình. Tuy nhiên, Việt Nam có xuất phát điểm cho phát triển kinh tế số chậm hơn so với các nước trong khu vực, nên nhận thức, kiến thức của nhiều cán bộ, doanh nghiệp và người dân về kinh tế số còn chưa đồng đều và chưa theo kịp yêu cầu phát triển.

- Mặt khác, năng lực nội tại của nền kinh tế Việt Nam vẫn còn một khoảng cách lớn với khu vực về đổi mới sáng tạo; kết cấu hạ tầng chưa theo kịp với tốc độ đổi mới công nghệ.

Giải pháp cải cách thể chế thúc đẩy phát triển kinh tế số

1. Cần tiếp tục hoàn thiện các chế độ chính sách, chương trình hành động nhằm  tạo động lực mới cho sự phát triển của KTS. Coi trọng việc tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện để kịp thời điều chỉnh, bổ sung các quy định cần thiết. Thực hiện tốt việc hướng dẫn, bổ sung, sửa đổi để Luật ngày một phù hợp hơn với điều kiện thực tế của nền kinh tế số nước ta cũng như hội nhập kinh tế quốc tế.

2. Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện môi trường pháp lý về một số mặt chủ yếu: hoàn thiện chiến lược quốc gia về chuyển đổi số, kinh tế số; có quy hoạch ngành về phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin; chuẩn hóa việc kết nối thông tin; có các văn bản ở cấp Nghị định của Chính phủ về chia sẻ dữ liệu, bảo vệ dữ liệu cá nhân, xác thực điện tử, xử lý, giải quyết tranh chấp, xung đột...; thúc đẩy khởi nghiệp và tạo điều kiện phát triển công nghệ.

3. Tiến hành xây dựng, ban hành và tổ chức triển khai khung pháp lý thử nghiệm có kiểm soát đối với các dịch vụ số mới, mô hình kinh doanh KTS mới chưa được pháp luật quy định rõ ràng. Đặc biệt cần quy định rõ phạm vi không gian và thời gian thử nghiệm.

4. Thực hiện rà soát, sửa đổi, ban hành mới quy định, chính sách về tài sản dữ liệu, mua bán dữ liệu, dịch vụ dữ liệu để tạo thị trường dữ liệu phát triển lành mạnh, an toàn, tuân thủ pháp luật…

5. Đặc biệt, đẩy nhanh việc xây dựng, hoàn thiện thể chế tạo cơ sở pháp lý cơ bản, toàn diện cho việc triển khai, xây dựng phát triển Chính phủ điện tử. Hoàn thiện cơ chế giải quyết các tranh chấp trong các hoạt động KTS giữa các doanh nghiệp số với nhau, với người tiêu dùng, với người lao động…

6.  Kiện toàn bộ máy quản lý Nhà nước nền KTS và phát triển năng lực quản lý các nền tảng số, xây dựng môi trường số an toàn, lành mạnh.

7. Cùng với phát triển công nghệ thông tin, KTS cần chú trọng công tác bảo vệ an ninh kinh tế, an ninh thông tin, cùng với các mặt an ninh chính trị, văn hóa, quốc gia, an ninh mạng, không gian mạng; giám sát, phòng chống tội phạm công nghệ cao ở tất cả các ngành, các cấp, nhất là tài chính, tiền tệ, các cơ quan chính phủ được số hóa.

8. Tăng cường đầu tư cho công nghệ thông tin, kinh tế số, nhất là hạ tầng kỹ thuật số, chuyển đổi số, kết nối thông minh, xây dựng cổng thông tin; đào tạo, đãi ngộ cán bộ công nghệ thông tin...

Ths. Phạm Xuân Kiệt

...