30/11/2024 lúc 09:38 (GMT+7)
Breaking News

Hoàn thiện thể chế kinh tế trong bối cảnh hội nhập quốc tế

VNHN - Phát triển nền kinh tế thị trường ở Việt Nam phải đảm bảo tôn trọng các nguyên tắc của kinh tế thị trường, phát triển bền vững trên cơ sở chú trọng kết hợp giữa tăng trưởng kinh tế, giải quyết các vấn đề xã hội và gìn giữ, bảo vệ môi trường. Đồng thời giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng, tăng cường hiệu lực quản lý của Nhà nước và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, đảo bảo định hướng xã hội chủ nghĩa trong phát triển kinh tế thị trường

VNHN - Phát triển nền kinh tế thị trường ở Việt Nam phải đảm bảo tôn trọng các nguyên tắc của kinh tế thị trường, phát triển bền vững trên cơ sở chú trọng kết hợp giữa tăng trưởng kinh tế, giải quyết các vấn đề xã hội và gìn giữ, bảo vệ môi trường. Đồng thời giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng, tăng cường hiệu lực quản lý của Nhà nước và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, đảo bảo định hướng xã hội chủ nghĩa trong phát triển kinh tế thị trường.

 

Cảng Đình Vũ

Có thể khẳng định, chỉ phát triển có hiệu quả nền kinh tế thị trường định hướng XHCN thì mới có khả năng thực hiện thành công công nghiệp hoá rút ngắn ở Việt Nam, theo mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Kinh tế thị trường phải là một yếu tố nội tại bền vững trong mô hình kinh tế tổng quát định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta.

Chỉ có phát triển có hiệu quả và bền vững nền kinh tế thị trường trong quá trình thực thi các chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước mới tạo được cơ sở kinh tế bảo đảm cho phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Chỉ có sức mạnh của nền kinh tế thị trường hỗn hợp nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần mới là cơ sở kinh tế của sự phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Xây dựng và nâng cao vai trò Nhà nước liêm chính, kiến tạo phát triển và hành động quyết liệt. Cần thay đổi tư duy và cách tiếp cận khi xác định vai trò của Nhà nước và mối quan hệ giữa Nhà nước và thị trường theo hướng chuyển mạnh từ Nhà nước quản lý, điều hành nền kinh tế sang nhà nước kiến tạo phát triển; chức năng chính của Nhà nước là xây dựng chiến lược, kế hoạch, quy hoạch phát triển khoa học hợp lý, phù hợp với yêu cầu của kinh tế thị trường và quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, đảm bảo ổn định chính trị, kinh tế vĩ mô và an toàn của hệ thống an sinh xã hội; đổi mới chính trị đồng bộ với đổi mới kinh tế.

Chính phủ Việt Nam đã xác định nhiệm vụ trọng yếu là xây dựng chính phủ liêm chính, kiến tạo, phát triển và hành động phục vụ người dân, doanh nghiệp, phấn đấu năm 2017 sẽ đạt các chỉ tiêu chủ yếu về môi trường kinh doanh thuận lợi bằng mức trung bình của một số nước hàng đầu ASEAN (ASEAN-4). Theo hướng này, Chính phủ tập trung mọi nguồn lực, khả năng để xử lý vấn đề thể chế theo thông lệ quốc tế và theo phát triển kinh tế thị trường trong tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là về tài chính ngân hàng, sở hữu trí tuệ, bảo vệ môi trường, xử lý tranh chấp... “Nền tảng thể chế đó phải đảm bảo tính toàn diện, bao trùm, trao cho mọi người dân cơ hội đóng góp vào thành công tăng trưởng kinh tế và hưởng lợi xứng đáng vào thành quả đó” (Nguyễn Xuân Phúc - 1/2017). Theo hướng đó, Nhà nước cần tập trung vào các nội dung chủ yếu sau:

+ Định hướng sự phát triển bằng các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và cơ chế, chính sách trên cơ sở tôn trọng các nguyên tắc của thị trường.

+ Tạo môi trường pháp lý và cơ chế, chính sách thuận lợi để phát huy các nguồn lực xã hội cho phát triển.

+ Hỗ trợ phát triển, chăm lo xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội quan trọng, hệ thống an sinh xã hội.

+ Bảo đảm tính bền vững và tích cực của các cân đối kinh tế vĩ mô, hạn chế các rủi ro và tác động tiêu cực của cơ chế thị trường.

 Tăng cường vai trò của Nhà nước về kinh tế trên cơ sở đổi mới phương thức quản lý từ chỗ can thiệp trực tiếp vào thị trường sang quản lý vĩ mô. Nhà nước có vai trò quyết định trong việc tạo các điều kiện, môi trường để thúc đẩy nhanh hơn sự hình thành và phát triển các loại thị trường, cũng như các yếu tố trong từng loại thị trường theo mục tiêu đã được đề ra, đặc biệt khi nước ta đã gia nhập WTO. Nhà nước cần dự báo những gì xảy ra sau khi Việt Nam vào WTO, ký các FTA (Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới) để thông tin kịp thời cho các doanh nghiệp và có giải pháp vĩ mô để nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, của các sản phẩm và của cả nền kinh tế.  

 Việc chuyển nền kinh tế nước ta sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, yêu cầu đổi mới vai trò của Nhà nước càng trở nên cấp thiết hơn. Điều này thể hiện sự can thiệp của Nhà nước phải phù hợp với nguyên tắc thị trường, phải tôn trọng tính tất yếu của các quy luật kinh tế khách quan (nghĩa là phát huy các mặt mạnh của kinh tế thị trường để sử dụng hiệu quả các nguồn lực, thúc đẩy phát triển kinh tế, giải quyết các vấn đề xã hội nảy sinh). Thực hiện quản lý nhà nước bằng hệ thống pháp luật, giảm hẳn sự can thiệp hành chính vào hoạt động của thị trường và doanh nghiệp. Để thực hiện nhiệm vụ này, cần xác định các định hướng:

+ Tách chức năng quản lý hành chính của Nhà nước khỏi chức năng quản lý kinh doanh của doanh nghiệp.

+ Xoá bỏ “chế độ chủ quản”; tách hệ thống cơ quan hành chính công khỏi kinh tế cơ quan sự nghiệp; phát triển mạnh các dịch vụ công cộng (giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, y tế, văn hoá, thể dục thể thao).

+Thực hiện việc phân công, phối hợp giữa các chức năng hành pháp, tư pháp và lập pháp trong hoạt động của bộ máy Nhà nước, khắc phục sự chồng chéo, bỏ sót và giảm hiệu lực quản lý của bộ máy Nhà nước đối với sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Đổi mới quy trình làm luật, khắc phục tình trạng làm quy hoạch tràn lan, hình thức để được phân bổ ngân sách gây lãng phí, mặt khác không nên giao cho các bộ chuyên ngành làm quy hoạch ngành, dễ dẫn đến tình trạng “vừa đá bóng vừa thổi còi” lợi ích nhóm, nên theo hướng giao cho các ủy ban độc lập, tập hợp các chuyên gia giỏi, có kinh nghiêm soạn thảo đảm bảo tính khách quan và tính khả thi, đồng thời có cơ chế thẩm định chặt chẽ. Nhà nước cần quy định, kiểm soát, hướng dẫn cạnh tranh, tạo cơ hội bình đẳng trong cạnh tranh cho các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế.

Gần đây, trong nền kinh tế nước ta diễn ra một hoạt động là sáp nhập các doanh nghiệp nhà nước thành tổng công ty, công ty mẹ - con, tập đoàn... Việc thành lập này trong nhiều trường hợp được lý giải bởi sự cần thiết của việc tăng cường hợp tác sản xuất, nâng cao khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp, đặc biệt trong điều kiện mở cửa, hội nhập và tăng cường vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước. Song, một khía cạnh khác của vấn đề là ở chỗ phải dựa trên nguyên tắc thị trường, đó là tính hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh. Vì vậy, cần khắc phục ngay tình trạng sáp nhập hoặc hình thành mới các doanh nghiệp nhà nước bằng mệnh lệnh hành chính chủ quan không xuất phát từ những tất yếu về mặt kinh tế, kỹ thuật.

Tiếp tục phát triển đồng bộ và quản lý có hiệu quả sự vận hành các loại thị trường cơ bản theo cơ chế cạnh tranh lành mạnh.

Một là, tiếp tục đẩy mạnh quá trình đa dạng hóa sở hữu, phát triển nền kinh tế với nhiều loại hình sản xuất, kinh doanh, vừa tạo ra sức cung, vừa tạo ra sức cầu cho các loại thị trường. Về mặt lý thuyết, một trong những cơ sở phát triển kinh tế thị trường là có sự tồn tại các hình thức sở hữu khác nhau về tư liệu sản xuất. Do đó, để phát triển thể chế kinh tế thị trường nói chung, các loại thị trường nói riêng, cần đa dạng hóa các hình thức sở hữu, phát triển nền kinh tế thị trường đa sở hữu, nhiều thành phần, đặc biệt là khu vực kinh tế tư nhân. Đẩy mạnh việc cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước một cách vững chắc, phát triển các hình thức kinh tế tư bản nhà nước, kinh tế tư bản tư nhân và các hình thức kinh tế tập thể, hợp tác xã kiểu mới...

Hai là, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phải có một chiến lược công nghiệp hóa, hiện đại hóa phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước và xu thế phát triển chung của thế giới, chú trọng phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân, phát triển khoa học và công nghệ, áp dụng các tiến bộ khoa học và đổi mới công nghệ trong sản xuất. Đẩy mạnh sự phân công, hợp tác giữa các ngành, các vùng, các thành phần kinh tế, cũng như mối quan hệ hợp tác trên phạm vi quốc tế ngày càng tăng. Một số giải pháp chủ yếu cho vấn đề này là:

- Đẩy mạnh quá trình phân công lại lao động xã hội, cần chú trọng phát triển kinh tế hàng hóa ở các vùng nông thôn, miền núi.

- Điều chỉnh cơ cấu đào tạo nguồn nhân lực, ngành nghề theo yêu cầu phát triển cơ cấu sản xuất, cơ cấu lao động, thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế trong các thời kỳ kế hoạch để đến năm 2020 nước ta có một cơ cấu lao động của một nước công nghiệp mới.

 - Đẩy mạnh quá trình chuyển giao công nghệ nhằm tạo ra những công nghệ sản xuất phù hợp, tiên tiến, tăng khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam trên thị trường quốc tế.

- Ba là, hoàn thiện môi trường thể chế, tôn trọng tự do cạnh tranh và kiểm soát độc quyền.

Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam là nền kinh tế hỗn hợp được cấu thành từ nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế cùng tồn tại trong một thể thống nhất. Trong đó, công hữu phải ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân và kinh tế cổ phần ngày càng phát triển, trở thành hình thức tổ chức kinh tế phổ biến, thúc đẩy xã hội hoá sản xuất và sở hữu. Hoàn thiện môi trường thể chế, trước hết là môi trường pháp lý, để thị trường hoạt động trong một hành lang pháp lý thông thoáng và minh bạch là nhiệm vụ cấp bách để thúc đẩy sự phát triển các loại thị trường ở Việt Nam trong điều kiện hội nhập và toàn cầu hóa kinh tế. Hiện nay, môi trường pháp lý và năng lực quản lý nhà nước của các cơ quan công quyền chưa thực sự đáp ứng được với yêu cầu phát triển của thị trường. Để tạo môi trường thể chế phát triển các loại thị trường, trước hết cần rà soát lại hệ thống văn bản pháp luật nhằm khắc phục những quy định không thống nhất giữa các văn bản, xóa bỏ những bất cập trong hệ thống chính sách và pháp luật hiện hành làm ảnh hưởng đến việc hình thành môi trường kinh doanh chung của nền kinh tế và hội nhập kinh tế quốc tế. Các văn bản pháp luật phải có tính thực thi cao, phù hợp với thực tiễn và có tính ổn định tương đối. Phải tiếp tục nâng cao năng lực của các cơ quan soạn thảo và ban hành các văn bản pháp luật, đồng thời nâng cao dân trí và trình độ nhận thức và chấp hành pháp luật. Tiếp tục hoàn thiện các bộ luật liên quan đến kinh tế thị trường.

Bốn là, tăng cường đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật cho các loại hình thị trư­ờng theo hướng hội nhập, trong đó cần phải chú ý đúng mức đến việc: tăng cường xây dựng và phát triển hệ thống thông tin thị trư­ờng; xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật tạo điều kiện thuận lợi cho việc hình thành và phát triển các loại thị trường; hình thành và phát triển các dịch vụ hỗ trợ thị trường; sớm xây dựng thể chế cho việc chính thức ra đời và phát triển các loại giao dịch điện tử, thương mại điện tử. Cần tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng xã hội, hiện đại hóa các cơ sở vật chất cho giáo dục, y tế, thể thao, tạo môi trường lành mạnh cho sự phát triển một nền văn hóa tiên tiến, hiện đại mang đậm bản sắc dân tộc trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Phát triển mạnh các thành phần kinh tế, các loại hình tổ chức trong kinh doanh

- Cần quán triệt và cụ thể hoá quan điểm của Đảng xác định các thành phần kinh tế hoạt động theo pháp luật đều là bộ phận hợp thành quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, bình đẳng trước pháp luật, cùng phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh.

Kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, là lực lượng vật chất quan trọng để Nhà nước định hướng và điều tiết nền kinh tế, tạo môi trường và điều kiện thúc đẩy các thành phần kinh tế cùng phát triển. Không nên quan niệm đồng nghĩa vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước với tỷ trọng của nó trong nền kinh tế quốc dân, mà phải xem xét trong sự chi phối tác động chung đối với sự phát triển kinh tế, xã hội đất nước. Doanh nghiệp nhà nước cần tiếp tục được đổi mới cơ cấu lại nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, đi đầu và là lực lượng chủ lực trong hội nhập kinh tế quốc tế, muốn vậy phải nhanh chóng xoá bỏ xu hướng bao cấp trở lại, không kéo dài thời gian bảo hộ cho doanh nghiệp nhà nước, cần kiên quyết chống độc quyền doanh nghiệp, thực thi hiệu quả  luật Cạnh tranh. Tiếp tục đổi mơí và phát triển các loại hình kinh tế tập thể. Doanh nghiệp cổ phần ngày càng phát triển, trở thành hình thức tổ chức kinh tế phổ biến, thúc đẩy xã hội hoá sản xuất kinh doanh và chế độ sở hữu.

- Cần sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống chính sách và pháp luật theo hướng minh bạch, công khai, tạo ra môi trường kinh doanh, cạnh tranh bình đẳng cho mọi thành viên tham gia thị trường, chú ý tạo môi trường tâm lý xã hội thuận lợi cho việc khuyến khích, tạo điều kiện cho phát triển khu vực kinh tế tư nhân, khắc phục tư tưởng kỳ thị, phải coi sự phát triển kinh tế tư nhân như một động lực phát triển của kinh tế dân tộc trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế. Thực sự coi kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là một bộ phận cấu thành của kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, được khuyến khích phát triển lâu dài, bình đẳng với các thành phần kinh tế khác.

- Xóa bỏ mọi sự phân biệt đối xử theo hình thức sở hữu. Nhà nước chỉ thực hiện sự ưu đãi hoặc hỗ trợ phát triển đối với một số ngành, lĩnh vực sản phẩm; một số mục tiêu như xuất khẩu, tạo việc làm, xoá đói, giảm nghèo, khắc phục rủi ro; một số địa bàn, các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Thực hiện sự bình đẳng thực sự giữa các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế (không phân biệt doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài).

PGS.TSKH.TRẦN NGUYỄN TUYÊN

Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, Nguyên Đại sứ Việt Nam tại A rập Xê út