Thực trạng của hoạt động xuất bản hiện nay
Hoạt động xuất bản, phát hành thuộc lĩnh vực văn hóa, tư tưởng, chịu sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước. Trong quá trình đó, Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 25/8/2004 của Ban Bí thư về Nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Cùng với đó, Điều 5 Luật Xuất bản số 19/2012/QH13 quy định rõ: “Nhà nước bảo đảm quyền phổ biến tác phẩm dưới hình thức xuất bản phẩm thông qua nhà xuất bản và bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan. Không một cơ quan, tổ chức, cá nhân nào được lợi dụng quyền phổ biến tác phẩm làm thiệt hại lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân”.
Trong thời gian qua, ngành Xuất bản phải vượt qua nhiều khó khăn, thách thức để duy trì và giữ vững vai trò, vị thế của mình, với những kết quả đáng khích lệ. Chỉ tính riêng năm 2023, đã có gần 37.000 đầu xuất bản phẩm, trên 530 triệu bản sách in và sách điện tử, bình quân đầu sách xuất bản trên cả nước đạt khoảng 5,3 bản/người/năm. Con số tăng trưởng về số đầu sách, bản sách trong bối cảnh khó khăn chung của thị trường thế giới cũng như trong nước cho thấy hoạt động của ngành xuất bản về cơ bản vẫn duy trì nhịp độ tăng ổn định, đáp ứng nhu cầu bạn đọc.
Tuy nhiên, khó khăn, bất cập trong hoạt động xuất bản vẫn còn nhiều. Trong lĩnh vực này, doanh thu vượt 100 tỉ đồng/năm còn ít. Nhiều vấn đề bất cập mới đã nảy sinh đòi hỏi phải sớm có biện pháp khắc phục, như: Quy định về chính sách; quy định về mô hình; việc thực hiện các thủ tục hành chính; các quy định về xuất bản điện tử... Trong đó, có những nguyên nhân chủ quan dẫn đến các hạn chế, như: Việc thể chế hóa các nội dung, định hướng, chỉ đạo theo Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 25/8/2004 của Ban Bí thư về Nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản còn chậm được chỉ đạo thực hiện, thiếu quan tâm bố trí nguồn lực; nhận thức trách nhiệm của các cơ quan chưa đầy đủ; hạn chế, yếu kém của một bộ phận lãnh đạo…
Một trong những yêu cầu của hoạt động xuất bản trong giai đoạn hiện nay là nâng cao hiệu quả thực hiện chuyển đổi số. Đó là quá trình áp dụng những thành tựu mới nhất của công nghệ thông tin và truyền thông nhằm thay đổi mô hình và quy trình hoạt động xuất bản, đa dạng hóa hình thức truyền tải nội dung và kênh phân phối, rút ngắn thời gian đưa sản phẩm đến độc giả, từ đó nâng cao hiệu quả kinh tế, xã hội của hoạt động xuất bản. Chuyển đổi số được tiến hành trong tất cả các khâu, từ việc sáng tạo nội dung đến lựa chọn công nghệ sản xuất, phương thức truyền thông - marketing cho sản phẩm và cách quản trị chuỗi cung ứng sản phẩm trên thị trường xuất bản phẩm… Hiện nay ngành Xuất bản đang hướng tới thực hiện phát triển theo hướng tinh gọn, chất lượng, hiện đại dựa trên công nghệ số.
Tuy nhiên, vẫn còn những hạn chế không nhỏ về mặt này: Công tác chuyển đổi số ở các đơn vị xuất bản vẫn chưa thật sự được quan tâm đẩy mạnh. Năng lực của các đơn vị xuất bản chưa đáp ứng được yêu cầu chuyển đổi số. Thiếu sự đồng bộ và liên kết giữa các đơn vị trong ngành, các doanh nghiệp ngoài ngành để phát triển phần mềm hỗ trợ công tác vận hành quy trình chuyển đổi số. Hiện vẫn chưa có nhà xuất bản nào xây dựng được kho dữ liệu số thực sự đủ lớn; chỉ mới số hóa được một phần nhỏ nguồn tài nguyên nội dung, còn rất nhiều cuốn sách chưa được số hóa, chưa được sắp xếp vào các kho dữ liệu. Chưa có nhà xuất bản nào thí điểm xây dựng mô hình nhà xuất bản số theo chuẩn quốc tế.
Một số bất cập, hạn chế cụ thể:
- Mô hình hoạt động, tổ chức của các nhà xuất bản hiện nay chưa thống nhất để có thể đưa ra cơ chế chính sách chung, sao cho các nhà xuất bản đều được hưởng những cơ chế, chính sách một cách hợp lý; chưa tạo điều kiện thuận lợi để một số nhà xuất bản phát huy hết nội lực của mình để phát triển.
- Chưa có những cơ chế, chính sách đặc thù đối với loại hình doanh nghiệp các NXB với tư cách là những đơn vị hoạt động trên lĩnh vực chính trị, văn hóa, tư tưởng; bao gồm: cơ chế, chính sách về giá thuê nhà đất, trụ sở, về miễn, giảm các loại thuế, về đầu tư cơ sở hạ tầng, chi phí xuất bản, đào tạo nguồn nhân lực, hỗ trợ, ưu đãi lãi suất vay vốn ngân hàng, các dự án đặt hàng lâu dài, có chiều sâu…
- Việc thể chế hóa các nội dung, định hướng, chỉ đạo của Chỉ thị số 42-CT/TW của Ban Bí thư về “Nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản” còn chậm, thiếu quan tâm bố trí nguồn lực; nhận thức trách nhiệm của các cơ quan chưa đầy đủ; hạn chế, yếu kém của một bộ phận lãnh đạo…
Giải pháp hoàn thiện chính sách xuất bản hiện nay
1. Điều chỉnh, bổ sung về mục tiêu chính sách xuất bản. Cần thiết phải có những điều chỉnh trong xác định mục tiêu chính sách xuất bản, cần phải nhấn mạnh hơn nữa đến vấn đề nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh của hoạt động xuất bản; đặt rõ mục tiêu hiện đại hóa, chuyên nghiệp hóa và xã hội hóa hoạt động xuất bản. Trong đó: Mục tiêu hiện đại hóa hoạt động xuất bản là nhằm bắt kịp xu thế thời đại cả về cơ sở vật chất và cả về mô hình, cơ chế quản lý. Mục tiêu chuyên nghiệp hóa cần được thực hiện đồng bộ từ xây dựng mục tiêu phát triển đến quy trình làm việc của các khâu, các bước. Không thể cứ xuất bản theo kiểu “ăn xổi” hay cho xuất bản đủ các loại, sách nào cũng được. Phải hướng đến xây dựng tên tuổi có uy tín của từng đơn vị xuất bản gắn với một hay một vài mảng xuất bản phẩm nhất định nào đó. Mục tiêu xã hội hóa hoạt động xuất bản chính là giải quyết quan hệ giữa nhiệm vụ chính trị và nhiệm vụ kinh tế trong quá trình thực hiện vai trò đã được xác định.
2. Điều chỉnh, sửa đổi những nội dung giải pháp chính sách chưa phù hợp, hiệu quả. Cần thực hiện ngay việc chuyển đổi loại hình hoạt động nhà xuất bản đúng theo tinh thần trong thông báo kết luận số 19-TB/TW của Ban Bí thư, Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành TW khóa XII và Nghị quyết số 08/NQ-CP về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập. Cần bổ sung quy định về việc chuyển đổi mô hình nhà xuất bản (trong Luật Xuất bản), nhằm mở đường cho việc hình thành các tập đoàn xuất bản ở Việt Nam.
3. Cần nghiên cứu, ứng dụng nền tảng số để góp phần ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng vi phạm bản quyền, sách lậu, sách giả; nâng cao vai trò lãnh đạo, quản lý của Cục Xuất bản, In và Phát hành trong công tác cải cách thủ tục hành chính.
Về nâng cao hiệu quả chuyển đổi số trong lĩnh vực xuất bản, cần thực hiện một số giải pháp:
1. Xây dựng nguồn nhân lực ngành Xuất bản đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số. Đây là giải pháp quan trọng hàng đầu, quyết định thành công của hoạt động chuyển đổi số trong lĩnh vực xuất bản. Theo đó, cần thay đổi nội dung, phương thức đào tạo nhân sự, tập trung vào việc trang bị kiến thức, kỹ năng đáp ứng yêu cầu hoạt động chuyển đổi số.
2. Hoàn thiện thể chế, chính sách thúc đẩy quá trình chuyển đổi số ngành Xuất bản. Cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cần sớm nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống thể chế, chính sách nhằm tạo hành lang pháp lý, tập trung mọi nguồn lực để thực hiện chuyển đổi số trong lĩnh vực xuất bản. Trước hết, cần có thể chế, chính sách hoàn thiện thị trường xuất bản số; ban hành chế tài ngăn chặn tình trạng vi phạm bản quyền và buôn lậu trong lĩnh vực xuất bản và kinh doanh sách điện tử.
3. Tăng cường đầu tư nguồn lực cho chuyển đổi số trong lĩnh vực xuất bản. Việc thiếu sự đầu tư về tài chính và cơ sở hạ tầng là một nguyên nhân dẫn tới quá trình chuyển đổi số của các đơn vị, doanh nghiệp xuất bản gặp nhiều khó khăn, hiệu quả không cao. Do đó, cần tập trung đầu tư, hỗ trợ các nhà xuất bản về vốn, công nghệ, đào tạo nhân lực, thông tin thị trường./.
Ths. Đỗ Quang Thái