15/09/2024 lúc 05:31 (GMT+7)
Breaking News

Hoàn thiện chính sách Xây dựng thương hiệu nông sản Việt Nam

Xây dựng và phát triển thương hiệu nông sản của Việt Nam là một giải pháp quan trọng nhằm gia tăng sức cạnh tranh của nông sản Việt Nam ở thị trường trong nước và thế giới. Chủ trương này đã được cụ thể hóa trong các Nghị quyết, Chiến lược, Chương trình ở cấp quốc gia và chính sách, Chương trình, Đề án ở cấp Bộ, ngành. Tuy nhiên, để hoàn thiện Thương hiệu nông sản Việt thì phải hoàn thiện chính sách xây dựng Thương hiệu nông sản.

Thương hiệu nông sản.

Phát triển thương hiệu nông sản là nhằm nâng cao sự nhận biết của các nhà sản xuất, nhập khẩu, và người tiêu dùng trong và ngoài nước đối với các sản phẩm nông sản của Việt Nam, tạo cơ sở để củng cố và phát triển thị trường, nâng cao giá trị gia tăng, thị phần và sức cạnh tranh của nông sản Việt Nam trên thị trường.

Chủ trương và thực trạng Thương hiệu Nông sản Việt

Hiện nay, nhãn hiệu, thương hiệu của các sản phẩm nông sản ở Việt Nam có nhiều cấp độ khác nhau; mỗi vùng, mỗi địa phương, doanh nghiệp lại xây dựng thương hiệu ở góc độ khác nhau. Tuy nhiên, vấn đề quản lý vẫn đang còn những bất cập, chẳng hạn có nhiều nhãn hiệu được cấp sở hữu trí tuệ nhưng vẫn chưa thể định hướng và phát huy giá trị của sản phẩm. Vì vậy, yêu cầu đặt ra là phải làm rõ từng vấn đề để xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu cho nông sản Việt Nam. Cụ thể là 3 vấn đề: Vấn đề kế hoạch tổng thể quốc gia như thế nào; vấn đề để phát triển thương hiệu như thế nào; cơ chế quản lý thương hiệu này ra sao.

Theo Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, phát triển thương hiệu nông sản là xây dựng hình ảnh trong nhận thức của thị trường, thể hiện giá trị cốt lõi và sự khác biệt của sản phẩm nông sản, là định hướng quan trọng trong phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng có trọng tâm, trọng điểm và nâng cao năng lực cạnh tranh của nông sản Việt Nam đảm bảo tính đồng bộ, chuyên nghiệp, dài hạn và bền vững. Đây là công việc cần được triển khai một cách đồng bộ, phù hợp với các định hướng phát triển sản phẩm, phát triển thị trường và quảng bá xúc tiến, hướng đến các thị trường và phân khúc thị trường.

Về Khung chính sách đối với việc quản lý và phát triển thương hiệu nông sản hiện nay: Ở cấp quốc gia, phát triển thương hiệu được quy định tại Khoản 2 Điều 105 về phát triển ngoại thương thông qua hoạt động xúc tiến thương mại của Luật Quản lý ngoại thương; Chính phủ đã quy định chi tiết điều này tại Nghị định số 28/2018/NĐ-CP ngày 1/3/2018 quy định chi tiết luật quản lý ngoại thương về một số biện pháp phát triển ngoại thương (Mục 3 từ Điều 16-19 Chương trình cấp quốc gia về xây dựng và phát triển thương hiệu). Chính phủ cũng đã xây dựng, ban hành một số chiến lược, chương trình liên quan đến xây dựng, phát triển thương hiệu nói chung. Cụ thể, Chiến lược sở hữu trí tuệ đến năm 2030; Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam từ năm 2020 đến năm 2030; Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2030; Đề án nâng cao năng lực cạnh tranh các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; Quy hoạch tổng thể phát triển các ngành công nghiệp Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030…

Bên cạnh chủ trương, chính sách ở cấp quốc gia, xây dựng thương hiệu nông sản cũng đã được đưa vào hoặc lồng ghép trong các chủ trương, chính sách, chương trình, đề án ở cấp bộ, ngành.

Trong đó, Bộ Công thương đã xây dựng “Đề án phát triển thương hiệu ngành thực phẩm Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030” tại Quyết định số 3816/QĐ-BCT ngày 23/12/2019. Mục tiêu của Đề án nhằm nâng cao nhận thức của doanh nghiệp Việt Nam về xây dựng, phát triển và bảo vệ thương hiệu ngành thực phẩm; thúc đẩy xuất khẩu nông sản thực phẩm của Việt Nam; tạo dựng niềm tin cho các khách hàng hiện tại và tiềm năng trong hoạt động hợp tác kinh doanh với các đối tác Việt Nam trong lĩnh vực thực phẩm; cải thiện nhận diện thương hiệu thực phẩm Việt Nam, tăng khả năng cạnh tranh của thực phẩm Việt Nam trên thị trường thế giới. Trong khi việc xây dựng, phát triển thương hiệu nông sản được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chú trọng, quan tâm lồng ghép trong các chính sách về phát triển nông nghiệp nông thôn hiện nay; tuy nhiên nội hàm của vấn đề xây dựng và phát triển thương hiệu nông sản nêu trong các văn bản chính sách hiện vẫn còn hạn chế.

Nhìn chung, công tác xây dựng và phát triển thương hiệu nông sản Việt Nam hiện hiện nay còn gặp một số bất cập và hạn chế, như: Vẫn thiếu định hướng chiến lược tổng thể ở cấp quốc gia trong xây dựng thương hiệu nông sản làm cơ sở để xác định rõ định hướng cho các ngành, địa phương và doanh nghiệp. Quản trị phát triển thương hiệu nông sản còn yếu, thiếu chủ thể có năng lực để quản lý và khai thác thương hiệu hiệu quả. Chiến lược tiếp cận thị trường gắn với xây dựng thương hiệu, chất lượng, quy hoạch vùng sản xuất chưa được quan tâm đúng mức. Quản lý thương hiệu còn bất cập. Các công cụ để xây dựng thương hiệu chưa hiệu quả. Hệ thống thông tin và kết nối thị trường còn hạn chế. Mặt khác, do đặc thù sản xuất nông sản ở quy mô nhỏ lẻ còn chiếm tỷ trọng khá lớn nên việc hỗ trợ xây dựng và phát triển thương hiệu gặp không ít khó khăn; người sản xuất chưa quan tâm đúng mức về việc xây dựng và phát triển thương hiệu nông sản; công tác quản lý và các chính sách hỗ trợ phát triển thương hiệu nông sản vẫn còn nhiều hạn chế. Ngoài ra, các cơ quan liên quan phối hợp chưa chặt chẽ trong hỗ trợ xây dựng các chuỗi giá trị nông sản…

Cũng vì vậy mà nhiều sản phẩm nông sản của Việt Nam có sản lượng xuất khẩu đứng nhóm đầu thế giới, nhưng hầu như chưa có một thương hiệu mạnh, nên chưa được người tiêu dùng biết đến rộng rãi. 80% sản lượng nông sản xuất khẩu chưa xây dựng được thương hiệu, chưa có lô-gô, nhãn mác riêng và chưa tham gia đầy đủ vào chuỗi giá trị toàn cầu. Hiện nông sản Việt Nam có 11 nhóm mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD; 6 nhóm mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 3 tỷ USD; có mặt ở hầu hết các thị trường nhập khẩu lớn của thế giới. Tuy nhiên, 90% nông sản vẫn xuất khẩu dưới dạng thô, giá xuất khẩu thấp hơn các sản phẩm cùng loại của nhiều nước khác; 80% sản lượng nông sản xuất khẩu chưa xây dựng được thương hiệu, chưa có logo, nhãn mác riêng và chưa tham gia đầy đủ vào chuỗi giá trị toàn cầu. Thương hiệu nông sản Việt bị xâm phạm ở nước ngoài (gạo ST25, nước mắm Phú Quốc, cà phê Buôn Ma Thuột…). Những hạn chế, bất cập đó cần sớm được khắc phục nhằm thúc đẩy mạnh mẽ sản xuất nông sản chất lượng cao.

Một số giải pháp cho vấn đề xây dựng chính sách Thương hiệu nông sản

Theo các chuyên gia, muốn phát triển thương hiệu tốt cần có định hướng phát triển đồng thời trên ba trục (Ba phải): Phải có sản phẩm tốt; Phải có doanh nghiệp tốt, tham gia quy mô lớn; Phải có hệ sinh thái tốt để thương hiệu phát triển. Hiện Việt Nam vẫn chưa có chính sách riêng nào để hỗ trợ cho việc phát triển thương hiệu nông sản. Cho nên, việc xây dựng một cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển thương hiệu cho nông sản đảm bảo phù hợp với các chủ trương, chính sách, cơ sở pháp lý liên quan và phù hợp với quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (Luật số 80/2015/QH13 ngày 22/06/2015) là việc làm cần thiết hiện nay. Có như vậy, nông sản Việt Nam mới phát huy được tiềm năng để ghi danh trên bản đồ thế giới.

Khi xây dựng và hoàn thiện Chính sách về phát triển thương hiệu nông sản cần đảm bảo các nội dung: Chính sách hỗ trợ xây dựng thương hiệu thông qua thúc đẩy đăng ký bảo hộ tài sản trí tuệ trong và ngoài nước; Chính sách hỗ trợ xây thực hiện nhiệm vụ nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác và phát triển tài sản trí tuệ; Chính sách thúc đẩy và tăng cường hiệu quả thực thi và chống xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, xâm phạm thương hiệu; Chính sách hỗ trợ hình thành, tạo dựng văn hóa sở hữu trí tuệ và phát triển thương hiệu nông sản.

Đồng thời việc xây dựng thương hiệu nông sản cần bắt đầu từ tất cả các khâu trong chuỗi cung ứng, từ nuôi trồng đến sản xuất, xuất khẩu. Trong đó, khâu kiểm soát chất lượng khi đưa sản phẩm ra nước ngoài là cực kỳ quan trọng, đây là vấn đề sống còn đối với việc xây dựng thương hiệu. Cùng với đó, các doanh nghiệp, ngành hàng cần có một chiến lược truyền thông bài bản và đồng nhất.

Bộ NN&PTNT chủ  trương tiếp tục chỉ đạo xây dựng thương hiệu các mặt hàng nông sản chủ lực khác của ngành nông nghiệp, tích hợp một số chương trình đã triển khai từ trước đó nhằm tạo sự lan tỏa và ảnh hưởng tích cực trên thị trường quốc tế như: Lúa gạo, thịt, thủy sản, rau quả, mía đường, cà phê, chè, hạt điều, hồ tiêu, cao su, dừa, gỗ và các sản phẩm gỗ. Đồng thời, hỗ trợ và tạo điều kiện cho các thương hiệu của đặc sản vùng miền và thương hiệu mỗi xã một sản phẩm (OCOP) phát triển thông qua các hoạt động quảng bá, hội chợ, triển lãm,../.

Ths. Lâm Văn Thắng

...