13/01/2025 lúc 14:58 (GMT+7)
Breaking News

Hòa Bình: Thực hiện các giải pháp hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi tiêu thụ nông sản

Dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp gây ảnh hưởng lớn tới hoạt động của các doanh nghiệp, hợp tác xã, cũng như thị trường trong nước và xuất khẩu. Trước tình hình đó, tỉnh Hoà Bình thực hiện các giải pháp hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, thương nhân tham gia liên kết tiêu thụ nông sản.

Dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp gây ảnh hưởng lớn tới hoạt động của các doanh nghiệp, hợp tác xã, cũng như thị trường trong nước và xuất khẩu. Trước tình hình đó, tỉnh Hoà Bình thực hiện các giải pháp hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, thương nhân tham gia liên kết tiêu thụ nông sản.

Mía được sản xuất bởi Hợp tác xã Dịch vụ nông, lâm nghiệp Tùng Dương (Tân Lạc).

Thời điểm này là thời điểm bước vào vụ thu hoạch nông sản chủ lực. Tuy nhiên, dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến hết sức phức tạp trên phạm vi cả nước gây ảnh hưởng lớn tới hoạt động của các doanh nghiệp, hợp tác xã cũng như thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. 

Nhìn rõ được vấn đề cấp thiết hiện nay, UBND tỉnh Hoà Bình đã chỉ đạo các sở, ngành chức năng, các huyện, thành phố chủ động xây dựng kế hoạch hỗ trợ người dân tiêu thụ nông sản, tránh để dư thừa, dồn ứ không thể tiêu thụ. UBND tỉnh đã ban hành những phương án, kế hoạch tiêu thụ nông sản chủ lực trong tình hình dịch bệnh Covid-19; Kế hoạch hỗ trợ đưa hộ sản xuất lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh; Tổ chức Hội nghị trực tuyến về tình hình sản xuất, cung ứng và kết nối tiêu thụ nông sản trong điều kiện dịch Covid-19.

Bên cạnh đó, tỉnh có văn bản chỉ đạo việc đẩy mạnh các giải pháp hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cây ăn quả có múi niên vụ 2021 - 2022. Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thành phố hướng dẫn người dân thu hoạch nhanh gọn khi đủ độ chín, thị trường tiêu thụ thuận lợi, giá bán cao; cung cấp quy mô, sản lượng, địa chỉ liên hệ của từng loại sản phẩm cho các đơn vị, đầu mối thu mua; tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu sản phẩm và xúc tiến thu mua sản phẩm nông sản; chủ động nắm bắt thông tin dư luận, xã hội, thị trường, kịp thời xử lý hiệu quả các thông tin sai lệch gây ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu và hoạt động tiêu thụ nông sản. 

Đồng thời giao nhiệm vụ cụ thể cho từng sở, ngành theo chức năng, nhiệm vụ thực hiện tốt các giải pháp hỗ trợ tiêu thụ nông sản; hướng dẫn thực hiện giải pháp đảm bảo an toàn thực phẩm tại các vùng sản xuất tập trung; tổ chức quảng bá, xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu tại các tỉnh, thành phố, chợ đầu mối, trung tâm thương mại, siêu thị; hỗ trợ đưa sản phẩm vào các hệ thống sàn thương mại điện tử, thiết lập các kênh phân phối và mở rộng thị trường tiêu thụ; chủ động kết nối giữa các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm.

Điểm nhấn trong xuất khẩu nông sản của tỉnh phải kể đến đó là chuyến mía đầu tiên (10 tấn) xuất sang thị trường Đức, được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Công ty Cổ phần phân bón FUSA và Công ty TNHH Tiến Ngân phối hợp thực hiện. Mía được sản xuất bởi Hợp tác xã Dịch vụ nông, lâm nghiệp Tùng Dương (Tân Lạc), sau đó được Công ty TNHH Tiến Ngân (TP Hòa Bình) thu mua, sơ chế đóng gói và xuất qua Công ty Cổ phần phân bón FUSA. Đối tác bên Đức là Tập đoàn Vĩnh Lợi (công ty do người Việt Nam làm chủ) ở thành phố Hamburg (Đức). Sản phẩm mía đã vượt qua yêu cầu kiểm dịch vô cùng khắt khe, đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng xuất khẩu; sản phẩm được đóng gói theo đúng quy cách yêu cầu, chủng loại hàng hóa, đảm bảo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm của EU: mía được chọn lọc và thực hiện 02 công đoạn sơ chế, bỏ 100% đầu mấu, cạo vỏ, cắt khúc 35cm, đóng gói vào túi PE (hút chân không) trọng lượng 2,5kg/túi và cấp đông, đóng 10kg/thùng carton. Sau 40 ngày, chuyến mía đầu tiên từ Hoà Bình sẽ có mặt tại thị trường Đức. Dự kiến, từ nay đến cuối năm 2021 sẽ xuất thêm 44 tấn mía sang thị trường Anh và Đức./.