1.Những điều khác biệt làm nên một Hồ Xuân Hương đặc biệt
Hồ Xuân Hương là một hiện tượng văn học đặc biệt và độc đáo trong nền văn học nước nhà. Bởi cuộc đời và thi ca của bà vẫn luôn là những “ẩn số”, “ẩn ngữ” vẫy gọi các nhà nghiên cứu, phê bình văn học trong hành trình tìm kiếm và phác họa “chân dung” Hồ Xuân Hương.
Thứ nhất, câu hỏi “Hồ Xuân Hương là ai”, có lẽ là một câu hỏi gây ra nhiều bàn luận, tranh luận nhất với giới nghiên cứu văn học nước ta.
Khảo qua nhiều bài nghiên cứu về tiểu sử của Hồ Xuân Hương dù có những khác biệt đôi chút về tiểu tiết trong các kết luận nhưng đều có chung một nhận định: Hồ Xuân Hương sống trọn đời mình trong khoảng nửa cuối thế kỷ XVIII đến nửa đầu thế kỷ XIX và đó là quãng trầm trong lịch sử phong kiến Việt Nam, là sự sụp đổ và ra đời của các vương triều. Nó là tiền đề cho những sáng tác của bà bám sâu vào đời sống của nhân dân, đấu tranh không ngừng cho tiếng nói của nữ giới.
Thứ hai, Hồ Xuân Hương là một nữ sỹ tài hoa nhưng đời tư lại phải nếm trải nhiều sự bất hạnh. Cả hai lần lấy chồng đều là phận vợ lẽ và cả hai lần chồng đều mất sớm, không có con.
Thứ ba, Hồ Xuân Hương viết thi ca bằng cả chữ Hán lẫn chữ Nôm, giỏi thơ chữ Hán nhưng bà đã chọn chữ Nôm- một hệ thống chữ viết đại diện cho tiếng Việt hơn là tiếng Hán- ngôn ngữ của giới tinh hoa quan lại. Chữ Nôm, còn được gọi là “Quốc âm”, là bộ chữ được người Việt tạo ra trên cơ sở chữ Hán. Chữ Nôm ra đời vì chữ Hán không đủ từ để biểu đạt những gì người Việt gặp trong cuộc sống
Vì vậy, Nhà thơ Xuân Diệu đã gọi bà là “Bà chúa thơ Nôm”. Điều đặc biệt gây nên sự kinh ngạc nhất trong thơ của bà là mỗi bài là một kiệt tác, viết theo thể Đường luật.
Điều gì đã làm Hồ Xuân Hương trở thành đặc biệt như vậy ? Có lẽ hầu hết chúng ta đều có thống nhất một căn nguyên: chính thiên tài của bà là nhân tố phá vỡ mọi khuôn phép. Công bằng và khách quan mà đánh giá, Hồ Xuân Hương là một hiện tượng thơ độc đáo nhất, hiện đại nhất, mới mẻ nhất, vĩnh viễn sống và vĩnh viễn mới. Bởi thơ của bà là sự trải nghiệm từ cuộc đời bà và nhiều thân phận người phụ nữ thời phong kiến Việt Nam, là sự kết tinh cao nhất của bản sắc Việt, tâm hồn và tính cách của người Việt. Bà là nhà thơ khiến chúng ta tự hào và yêu mến nhất để giới thiệu với bạn bè quốc tế và được đông đảo bạn đọc, học giả quốc tế đánh giá và tôn vinh.
Những khát vọng có sức truyền cảm hứng từ một thi sỹ
Khát vọng được thấu cảm cho thân phận và nỗi lòng người phụ nữ
Là một người phụ nữ sinh ra và lớn lên trong bối cảnh xã hội cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX, Hồ Xuân Hương hiểu hơn ai hết cái “Đau đớn” của phận đàn bà mà Nguyễn Du đã nói tới. Đó là cái phận trong cái xã hội phong kiến luôn bị trói chặt trong quan điểm Nho giáo khắt khe luôn chịu nhiều thiệt thòi hơn nam giới, thậm chỉ dù người phụ nữ đó có lúc là công chúa, hoàng hậu cũng không tự mình cuộc đời của và chọn hạnh phúc cho riêng mình. Lịch sử đã từng xảy ra nhiều bi kịch của những người phụ nữ chốn cấm cung phải chịu nhiều thiệt thòi, hy sinh vì những mưu chước của vương quyền như Lý Chiêu Hoàng, Thuận Thiên công chúa, Huyền Trân Công chúa, An Tư Công chúa, Ngọc Bình Công chúa...
Có lẽ, những người phụ nữ thường dân là những người khổ hơn hết khi họ là thân phận đàn bà. Bao nhiêu thân phận nổi chìm, bao hiêu nỗi lòng ấm ức thông qua ngòi bút của Hồ Xuân Hương được khắc họa thật đa dạng, Với trái tim biết yêu thương, sẻ chia từ chính thân phận vợ lẽ của mẹ mình và mình, Hồ Xuân Hương đã nói hộ, khóc hộ, ấm ức hộ, giày vò hộ, thậm chí là chửi hộ cho họ những bất công trong xã hội trọng nam khinh nữ thời phong kiến mà họ phải gánh chịu.
Từ hiện thực thời đại cùng những buồn đau, trải nghiệm của mình, Hồ Xuân Hương đã sớm nhận ra nỗi khổ của người phụ nữ và dũng cảm, can trường đứng về phía họ để đồng cảm, sẻ chia và bênh vực. Bà đã thể hiện một bản lĩnh sống mạnh mẽ, khác thường, đã nói lên nỗi lòng và thấu cảm sâu sắc hững éo le, bất hạnh mà người phụ nữ nhỏ bé trong xã hội phong kiến phải gánh chịu.
Khát vọng yêu và được yêu
Yêu và được yêu là nhu cầu tình cảm tất yếu của con người bất kể giới tính nào. So với nam giới, phụ nữ thường mềm yếu và nhạy cảm, luôn khát yêu và được yêu. Có khi chỉ là một mơ ước giản dị được tôn trọng, được xây dựng mối quan hệ nghiêm túc và dài lâu với người mình yêu thương thật lòng.
Khát khao yêu và được yêu của Hồ Xuân Hương nói riêng và của những người phụ nữ nói chung còn được thể hiện ở những hình tượng mang đầy tính dục ẩn chứa trong những sự vật, hiện tượng rất bình thường trong cuộc sống như : cái quạt, bánh trôi nước, quả mít, giếng nước...đến hành động đánh đu, dệt vải, đánh trống, chơi cờ người đều gợi đến hình ảnh tính giao sinh động và hiện thực.
Phụ nữ là để yêu thương và sự khao khát tình yêu đối với phụ nữ như một lẽ tất yếu trong cuộc sống. Tình yêu làm cho phụ nữ đẹp hơn và giúp họ cảm thấy cuộc sống có ý nghĩa hơn. Hồ Xuân Hương đã khát vọng về những người phụ nữ chủ động trong tình yêu, khát khao trong tình yêu và sống đúng với cảm xúc của mình, không dấu diếm, không che đậy, mạnh dạn thể hiện khao khát tình yêu của mình.
Cuộc đời của Hồ Xuân Hương vốn đã chịu nhiều điều tiếng và thiệt thòi bởi bà đã dám đi ngược lại quy chuẩn chung được coi là “khuôn vàng thước ngọc” của xã hội phong kiến. Bà đã dám nói, dám gào thét, dám chửi thẳng vào những thứ gông xiềng vô hình cầm tù người phụ nữ, dám công khai nói lên những khát vọng nhục cảm bản năng mà ai cũng có và cũng khao khát.
Một trái tim nhân hậu, nhân văn, một tư tưởng và hành động vượt thời đại mà bà đang sống.
Khát vọng bình đẳng giới
Cuộc đời của Hồ Xuân Hương là một thân phận người vợ lẽ bé nhỏ, chịu nhiều thiệt thòi với những nỗi niềm, khao khát, ẩn uất đa dạng mà nguyên nhân sâu xa là sự bất bình đẳng giới gây ra. Cảnh chồng chung, năm thê bảy thiếp đã đẩy bà đến tận cùng của khổ đau cả về thể chất lẫn tinh thần. Cái gọi là những quy chuẩn “Tam tòng, tứ đức”, “Nam tôn nữ ti”, “Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô” đã ràng buộc người phụ nữ chỉ biết vì người khác, hy sinh cho người khác mà quên đi giá trị đích thực của mình.
Bằng những bài thơ, vần thơ, câu thơ chữ Nôm sâu cay, thâm thúy, tài tình và đa nghĩa, Hồ Xuân Hương đã nói lên quyền được yêu, được thấu cảm, được sẻ chia, được tôn trọng, được ghi nhận của người phụ nữ và đồng thời nói lên tiếng nói thẳng thắn, đanh thép chống lại địa vị độc tôn của nam giới với những đặc quyền được xã hội nghiễm nhiên thừa nhận.
Đỉnh điểm cho khát vọng đòi bình đẳng nam nữ là ước muốn đổi số phận của bà trong bài thơ “Đề đền Sầm Nghi Đống”. Nếu bà được đổi phận thành nam nhi như Sầm Nghi Đống thì bà cũng có thể làm nên sự nghiệp lớn lao hơn chứ không phải như sự nghiệp của thảm bại của 1 tên tướng giặc bại trận.
Dù không nói ra nhưng chúng ta thấy được một khát vọng được bình đẳng, khát vọng được thực hiện hoài bão, được lập nên một sự nghiệp vẻ vang như những đấng mày râu của một nữ thân phận nhỏ bé là Hồ Xuân Hương. Nhưng “ví đây đổi phận” vẫn chỉ là một niềm khao khát vì đơn giản, thực tế bà vẫn là một phụ nữ, nhưng hững gì mà bà đã làm thì Hồ Xuân Hương đã làm nên sự nghiệp to lớn của một anh hùng trong cuộc đấu tranh đòi bình quyền, nữ quyền cho người phụ nữ trong xã hội phong kiến đương thời.
Đến sự lan tỏa những giá trị đã vượt ra khỏi phạm vi một quốc gia
Hồ Xuân Hương là một hiện tượng văn hóa đặc biệt, vừa mang những nét riêng biệt “có một không hai”, vừa mang tính loại hình sâu sắc của những hiện tượng văn hóa ở tầm nhân loại. Giá trị văn hóa của di sản Hồ Xuân Hương vừa bao quát, vừa vượt lên giá trị văn học, thi ca thực sự đã vươn tới tầm phổ quát, không chỉ mang ý nghĩa một thời kỳ, thời đại mà còn có sức sống trường tồn.
Hồ Xuân Hương là một hiện tượng văn hóa đặc biệt. Với tư cách là một hiện tượng độc đáo của thơ ca Việt Nam thời trung đại, ảnh hưởng văn hóa của Hồ Xuân Hương đã vươn ra thế giới và được đông đảo bạn đọc và học giả nước ngoài chú ý.
Người ta đã nhận ra Hồ Xuân Hương là “người phụ nữ gây kinh ngạc với tính cách tự do và vượt ra ngoài chính thống” ( Từ điển các tác phẩm mọi thời đại và mọi quốc gia); “Trong cuộc đấu tranh của phụ nữ suốt nhiều thế kỷ, sự nghiệp của Hồ Xuân Hương là ngọn hải đăng”, “thiên tài của bà còn là ở chỗ, dám đấu tranh công khai chống lại sự chính thống của đạo Khổng, bọn quan lại, tệ tham nhũng, những ông đồ gàn, thói giả nhân giả nghĩa trong xã hội”, “Bà hết sức hiện đại và cuộc đấu tranh của bà là cuộc đấu tranh của chúng ta” (Jean Ristat – Nhà thơ Pháp); “Tên tuổi của Hồ Xuân Hương bùng lên như pháo sáng trong văn học cổ điển Việt Nam”, bà là “hiện tượng quái kiệt”, dám “phá bỏ những quy tắc và thói quen vẫn trói buộc văn học Việt Nam vào những quan niệm của người Trung Quốc”, “tố cáo, nhạo báng một cách không thương tiếc những kẻ giả dối, ngu dốt , bọn quan lại bỉ ổi, hủ bại, bảo thủ gắn liền với những nguyên tắc của Nho giáo” ( Hữu Ngọc & Francoise Corereze); “Thơ Hồ Xuân Hương trở thành một hiện tượng trong đời sống văn học Mỹ”, “là một sự kiện văn hóa lịch sử lớn” có thể làm thay đổi nhận thức về văn hóa Việt Nam” ( John Balaba và Nhà xuất bản Publisher Copper Canyon Press, Hoa Kỳ).
Khoảng 2 thập kỷ trở lại đây, ảnh hưởng của xu thế toàn cầu hóa đã mở ra những cánh cửa rộng cho việc giới thiệu và lan tỏa văn học Việt Nam ra bạn bè quốc tế. Thơ Hồ Xuân Hương nhờ đó có cơ hội đến được với đông đảo độc giả nước ngoài qua nhiều kênh khác nhau.
Tiêu biểu trên trang website “The Poetry Foundation” ( Hiệp hội thơ Hoa Kỳ) đã chọn dịch và giới thiệu một cách trang trọng 5 bài thơ của Hồ Xuân Hương : “Bánh trôi nước” (Floating Sweet Dumpling), “Quả mít” (Jackfruit), “Ốc nhồi” (Snail), “Ong tò vẽ” (Wasps), “Dỗ người đàn bà khóc chồng” ( Lamenting Widow) kèm theo lời bình của dịch giả, nhà thơ Marilyn Chin :“ Khi tiếp xúc với thơ Hồ Xuân Hương, ngay lập tức tôi nhận ra cấu trúc của bài thơ niêm luật Trung Hoa – tứ tuyệt, bát cú, thất ngôn, các hình thức đối và điệp...Tôi nhận ra những biểu tượng cổ sơ –“trái cây chín”, “chiếc bánh trôi” tượng trưng cho thân phận người phụ nữ”. Đánh giá về tư tưởng và giá trị nghệ thuật của thơ Hồ Xuân Hương, Marilyn Chin nhận định rằng : “Cha của Hồ Xuân Hương vốn là một nhà nho và mẹ bà là một người là một người vợ lẽ. Bản thân nàng cũng trở thành thê thiếp của 2 vị quan nhỏ. Tất cả phụ nữ trong cấu trúc gia đình Nho giáo bị áp bức đều có vị trí bê lề, nhưng có lẽ chính sự áp bức này đã khiến Hồ Xuân Hương đã dùng trí thông minh và tài thơ thiên bẩm đưa ra những bài thơ mang tính khêu gợi lên một tầm cao tuyệt vời. Người ta có thể đọc bà như một nhà thơ nữ quyền hiện đại bằng cách giải thích các bài thơ thông qua các biểu tượng phân tâm học, trong đó thiên tính nữ như một vũ khí chống lại chế độ phụ quyền”.
Rõ ràng, trong con mắt của các bạn đọc và học giả nước ngoài, Hồ Xuân Hương và di sản thơ ca của bà là một hiện tượng độc đáo của văn học Việt Nam nói riêng, văn hóa phương Đông nói chung. Tiếp cận Hồ Xuân Hương một cách đầy đủ nhất là cách tiếp cận song song và nhất quán giữa văn học và văn hóa. Bởi, với cách tiếp cận vấn đề như vậy, chúng ta mới có thể tìm thấy dấu vết của thơ dân gian- sức mạnh tinh thần của văn hóa làng xã.Và điều quan trọng và hơn hết chính là ý thức khát vọng tự chủ từ việc hình thành và phát triển văn học chữ Nôm, vượt qua sự ảnh hưởng và cưỡng bức từ văn hóa của Trung Hoa.
Hồ Xuân Hương là một hiện tượng độc đáo của Văn học Việt Nam. Hồ Xuân Hương, tên bà có nghĩa là “hương vị mùa xuân”. Bà đã viết cả những điều mà các nhà thơ khác cùng thời không dám viết. Thơ Hồ Xuân Hương độc đáo, hiếm có và mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam, có sức lan truyền, lan tỏa rộng rãi trên thế giới. Thơ của bà có thể làm lay động chúng ta ngày hôm nay cũng như đã từng làm chấn động người Việt Nam hơn 2 thế kỷ trước.
Hồ Xuân Hương là nữ sỹ Việt Nam đầu tiên được UNESCO vinh danh.
Hy vọng, việc tổ chức UNESCO vinh danh và tham gia kỷ niệm 250 năm năm sinh, 200 năm năm mất của nữ sỹ Hồ Xuân Hương tại Nghệ An ngày 3 tháng 12 năm 2022 sẽ là dịp để chúng ta tiếp tục tôn vinh và lan tỏa những giá trị cao đẹp và nhân văn mà Hồ Xuân Hương đã khẳng định và nêu khát vọng trong các tác phẩm thi ca của bà.
Trần Trung Hiếu