Ở một vài quốc gia trên thế giới, những liều vắc-xin ngừa COVID-19 đầu tiên đã được tiêm cho các nhân viên y tế, người già và các đối tượng dễ bị tổn thương trong xã hội. Ngành y các nước đang chạy đua với thời gian để thử nghiệm và sản xuất vắc-xin với số lượng lớn để phục vụ tiêm chủng trên diện rộng.
Người dân trên thế giới hoàn toàn có quyền kỳ vọng rằng sau khi có vắc-xin, cuộc sống của họ sẽ dần trở lại trạng thái trước khi chưa có dịch. Họ ao ước sẽ được lên máy bay đi du lịch - điều họ đã không thể làm kể từ khi đại dịch bắt đầu. Chính từ ước mơ đó, sáng kiến về “hộ chiếu vắc-xin” đã ra đời.
“Hộ chiếu vắc-xin” có thể hiểu đơn giản là giấy chứng nhận điện tử nhằm xác nhận chủ sở hữu của nó đã tiêm chủng vắc-xin ngừa COVID-19. Trong thời điểm dịch COVID-19 còn có nhiều diễn biến phức tạp, tấm hộ chiếu đặc biệt này được cho là cần thiết để tránh sự lây lan dịch bệnh giữa các quốc gia.
“Hộ chiếu vắc-xin” – một giải pháp được kì vọng sẽ cứu vãn tình hình du lịch quốc tế ảm đạm do COVID-19 (ảnh: Finnair)
Khởi nguồn của sáng kiến “hộ chiếu vắc xin”
Ủy ban Khủng hoảng Du lịch Toàn cầu đã họp tại Madrid vào trung tuần tháng 1 vừa qua để thảo luận về các biện pháp nối lại các chuyến du lịch quốc tế. Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh số ca nhiễm COVID-19 tại các quốc gia không ngừng đạt kỷ lục mới, đồng thời các nhà khoa học cũng đã phát hiện thêm những biến chủng virus mới tại Anh và Nam Phi.
Trong cuộc họp, Ủy ban Khủng hoảng Du lịch Toàn cầu đã đưa ra khuyến nghị: “Hộ chiếu vắc-xin phải trở thành một tấm giấy thông hành thiết yếu để có thể khởi động lại hoạt động du lịch quốc tế”. Đồng thời, Ủy ban cũng kêu gọi sự kết hợp giữa các cơ quan y tế và du lịch quốc tế nhằm thống nhất quy trình kiểm tra sức khỏe, và phát triển một loại hộ chiếu vắc-xin chung giữa các quốc gia.
Ngày 18/1/2021, Ủy ban Khủng hoảng Du lịch toàn cầu đã họp phiên đầu tiên của năm để thảo luận vấn đề mở cửa lại du lịch quốc tế (ảnh: UNTWO)
Tổng thư ký Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO), Zurab Pololikashvili, khẳng định: “Triển khai vắc-xin đã là một bước đi đúng hướng, nhưng khởi động lại du lịch quốc tế cũng là một việc phải làm ngay. Vì vậy, vắc-xin nên được phối hợp với giấy chứng nhận sức khỏe và thẻ thông hành để hỗ trợ người dân đi qua biên giới an toàn và thuận lợi.”
Một số công ty du lịch và hãng hàng không đã bắt buộc hành khách phải tiêm vắc-xin trước khi lên các chuyến bay quốc tế. Vào tháng 11 năm ngoái, Alan Joyce, giám đốc điều hành của hãng hàng không Qantas (Úc) khẳng định rằng hành khách sẽ phải chứng minh rằng họ đã được tiêm ngừa COVID-19 trước khi lên chuyến bay.
Qantas – hãng hàng không nổi tiếng nhất nước Úc đã đi tiên phong trong việc biến hộ chiếu vắc-xin thành một tấm “giấy thông hành bắt buộc” (ảnh: Financial Times)
Những bước đi đầu tiên của công nghệ
Bản chất của một tấm hộ chiếu vắc-xin là một tấm giấy chứng nhận điện tử, vậy nên cần có các công ty cung cấp giải pháp công nghệ. Một số công ty và tập đoàn công nghệ lớn đã bắt đầu phát triển các ứng dụng trên điện thoại thông minh để các người dùng tự tải lên thông tin chi tiết về kết quả xét nghiệm COVID-19 và chứng nhận tiêm chủng (nếu có). Những ứng dụng này cho phép người sử dụng được đến những nơi đông người như sân vận động, rạp chiếu phim, văn phòng hoặc thậm chí là nhập cảnh vào một quốc gia khác.
Một trong những ứng dụng đầu tiên là CommonPass, được phát triển bởi Common Trust Network và một số hãng hàng không. Ứng dụng cho phép người dùng tải lên dữ liệu y tế như kết quả xét nghiệm COVID-19 hoặc chứng nhận tiêm phòng. Sau đó, các giấy tờ này sẽ được mã hóa thành mã QR để các cơ quan chức năng kiểm tra khi cần, nhằm tránh để lộ các thông tin nhạy cảm khác của người dùng.
Chân dung ứng dụng CommonPass – giúp người dùng mã hóa thông tin sức khỏe để trình báo với cơ quan chức năng khi cần thiết (ảnh: Euronews)
Những thách thức dành cho các nhà phát triển ứng dụng “hộ chiếu vắc-xin” đến từ nhiều phía: từ vấn đề về quyền riêng tư của người dùng đến sự khác biệt về hiệu quả giữa các loại vắc-xin khác nhau. Người dùng cũng mong muốn ứng dụng này có thể khắc phục triệt để những hạn chế của các ứng dụng truy vết COVID-19 trước đây.
Châu Âu chia rẽ vì hộ chiếu vắc xin
Thay vì trở thành một phương án thống nhất về mặt di chuyển cho cả 27 quốc gia EU, hộ chiếu vắc-xin lại tạo ra những bất đồng mới trong nội bộ khối.
Một số quốc gia đã tự phát triển hộ chiếu vắc-xin cho người dân, trong đó có Đan Mạch - một quốc gia đi đầu trong việc tiêm vắc-xin ở châu Âu. Đan Mạch bắt đầu tiêm vắc xin cho người già và nhân viên y tế vào cuối tháng 12 năm ngoái, và cho đến nay đã tiêm vắc xin cho khoảng 1% dân số. Đó chính là nền tảng để quốc gia này phát triển "hộ chiếu vắc-xin" điện tử, một phát kiến cho phép người dân đi đến một quốc gia trong thời gian xảy ra đại dịch. Dự kiến, hộ chiếu này sẽ được triển khai trong vài tháng đầu năm 2021.
Một cụ bà 83 tuổi người Đan Mạch được tiêm vắc-xin COVID-19 của Pfizer-BioNTech vào cuối tháng 12 vừa qua (ảnh: Reuters)
Trong một bức thư gửi tới Ủy ban Châu Âu vào giữa tháng 1 vừa qua, Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis cũng đã ủng hộ một loại hộ chiếu vắc-xin thống nhất trong toàn EU. Trong nỗ lực cứu vãn mùa du lịch sắp tới tại Hy Lạp, ông đề nghị cấp phép di chuyển miễn phí cho những người đã được tiêm phòng.
Tuy vậy, EU nhìn chung lại không có thái độ mặn mà cho lắm với sáng kiến này. Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel cho biết việc áp dụng rộng rãi hộ chiếu vắc-xin COVID-19 quá sớm sẽ “gây ra sự thất vọng lớn ở châu Âu”. Theo ông, hộ chiếu vắc-xin chỉ nên được thông qua khi phần lớn người dân EU được tiêm vắc-xin. Ông cũng lưu ý rằng việc phát hành hộ chiếu vắc-xin là “nhạy cảm” ở nhiều nước châu Âu vì người dân nghĩ rằng chính phủ bắt buộc họ phải tiêm phòng.
Châu Âu vẫn chưa thể có tiếng nói thống nhất về sáng kiến hộ chiếu vắc-xin (ảnh: Daniel Schludi)
Mặt trái của tấm hộ chiếu đặc biệt này
Không phải tất cả các tổ chức du lịch đều ủng hộ ý tưởng về hộ chiếu vắc-xin. Hội đồng Du lịch và Lữ hành Thế giới (WTTC) coi tấm hộ chiếu này là một hành vi phân biệt đối xử. “Chúng ta mới chỉ đang ở giai đoạn đầu của quá trình tiêm vắc-xin trên diện rộng” - người phát ngôn của WTTC cho biết - “Nếu loại hộ chiếu này trở thành yêu cầu bắt buộc thì rất nhiều người sẽ bị tước quyền đi lại tự do, ngay cả khi họ không bị nhiễm COVID-19.
Những sáng kiến mới luôn đem lại hoài nghi về tính hiệu quả của nó, và hộ chiếu vắc-xin cũng không phải ngoại lệ (ảnh: Deutsche Welle)
Ngay cả các quốc gia đã tiến hành phát triển “hộ chiếu vắc-xin” cũng phải thừa nhận những mối nguy tiềm ẩn. Bộ Y tế Đan Mạch khẳng định cần phải điều tra thêm về hai việc: (1) liệu những người đã được tiêm vắc-xin có lây nhiễm cho người khác được hay không và (2) vắc-xin có tác dụng trong bao lâu.
Có 3 luận điểm chính để phản đối áp dụng hộ chiếu tiêm chủng:
Thứ nhất, nó có thể tạo ra sự chia rẽ giữa công dân các nước khác nhau. Điều này có nghĩa là, công dân ở các quốc gia chậm triển khai tiêm vắc-xin cho toàn dân sẽ bị hạn chế về mặt di chuyển hơn so với các quốc gia khác.
Thứ hai, hộ chiếu vắc-xin cũng có thể gây phản tác dụng. Đến thời điểm này, các nhà khoa học vẫn chưa thể khẳng định rõ ràng rằng các chiến dịch tiêm chủng có thể ngăn chặn hoàn toàn sự lây truyền của virus COVID-19 hay không. Ngoài ra, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng cảnh báo rằng: cảm giác “an toàn giả” khi được đi lại tự do ở thời điểm này sẽ làm giảm ý thức phòng dịch của người dân.
Thứ ba, vẫn còn nhiều hoài nghi về quyền riêng tư về dữ liệu sức khỏe của người dùng. Các chính phủ sẽ phải “đau đầu” thêm khi phải đảm bảo rằng dữ liệu cá nhân của người dân sẽ được an toàn và không được sử dụng vào bất kì mục đích nào khác.
Có lẽ sẽ còn khá lâu nữa trước khi du lịch quốc tế quay trở lại hoạt động bình thường
(ảnh: RMC Educational Travel Asia)
“Hộ chiếu vắc-xin” là một sáng kiến giúp người dân có thể đi lại tự do giữa các quốc gia và góp phần vực dậy du lịch quốc tế, đồng thời mang tới hi vọng về trạng thái “bình thường mới” trong tương lai gần. Tuy nhiên, vẫn cần nhiều thời gian và thử nghiệm để các quốc gia có thể đánh giá đầy đủ lợi - hại của tấm hộ chiếu đặc biệt này. Và trước mắt, đối với người dân trên toàn thế giới, tự do du lịch giữa mùa đại dịch vẫn đang là một giấc mơ.
Thanh Ngân