08/09/2024 lúc 10:42 (GMT+7)
Breaking News

Hồ Chí Minh với sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc

Chủ tịch Hồ Chí Minh - Vị Lãnh tụ thiên tài, Anh hùng giải phóng dân tộc, Người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam, Ngừơi có những đóng góp to lớn cho cách mạng thế giới và sự nghiệp giải phóng của các dân tộc bị áp bức. Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Người luôn kế thừa những giá trị tinh hoa của truyền thống văn hóa dân tộc và thế giới. Tư tưởng của Hồ Chí Minh với sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc.

Người đã để lại là hiện thân của tinh thần, tài năng và tâm hồn nghệ thuật của nhân dân Việt Nam kết tinh những tư tưởng, tình cảm, ước mơ lớn của nhân loại.

Ảnh minh họa - Tư liệu

  1. Tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa và vận dụng tư tưởng của Người vào sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc

Nghiên cứu hệ thống quan điểm, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam cho thấy, những luận điểm, tư tưởng của Người trong sự nghiệp bảo vệ và phát huy những giá trị di sản văn hóa dân tộc; là tinh thần vì nước vì dân, vì sự phát triển của đất nước, con người Việt Nam; kết tinh những giá trị văn hóa Đông - Tây, truyền thống dân tộc và hiện đại của nhân loại. Đó là nhân cách, bản lĩnh văn hóa của một Nhà Văn hóa kiệt xuất có một không hai; là sự vận dụng sáng tạo lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin vào thực tiễn Việt Nam; giữ vai trò định hướng việc xây dựng, phát triển, nâng cao tầm vóc nền văn hóa Việt Nam cho cả hôm nay và mai sau. 

Văn hoá là hệ thống những giá trị chuẩn mực xã hội biểu hiện ra trong mọi lối sống vật chất và tinh thần của một cộng đồng ng­ười hay một quốc gia. Việt Nam là một đất nước có hàng nghìn năm lịch sử, trải qua những biến đổi, thăng trầm, đã tích lũy, tạo ra và phát huy được nhiều giá trị, bản sắc văn hóa dân tộc, làm nên hồn cốt của dân tộc. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy: “Văn hóa phải thấm sâu vào tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Văn hóa phải loại trừ tham nhũng, lười biếng, phù hoa xa xỉ. Văn hóa phải làm cho mọi người dân Việt Nam, từ già đến trẻ, cả đàn ông và đàn bà, ai cũng hiểu nhiệm vụ của mình và biết hưởng hạnh phúc mà mình được hưởng”. Quan điểm nổi bật của Chủ tịch Hồ Chí Minh về văn hóa là: Người đã khẳng định văn hóa là động lực, là mục tiêu của sự nghiệp cách mạng. Người yêu cầu văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi; đem văn hóa lãnh đạo quốc dân để thực hiện độc lập, tự do, tự cường, tự chủ của con người Việt Nam. Văn hóa tạo thành sức mạnh vật chất, tinh thần thắng ngoại xâm theo tinh thần lấy văn minh thắng bạo tàn. Nếu kinh tế nâng cao đời sống vật chất, thì văn hóa có tác dụng nâng cao đời sống tinh thần của Nhân dân. Theo đó, với tư cách là hệ giá trị định hướng điều chỉnh nhận thức tư duy, hành vi của mỗi cá nhân, cả cộng đồng và xã hội, văn hóa có sức mạnh to lớn: nuôi dưỡng tư tưởng đạo đức và nhân cách con người. Vì thế, văn hóacủa dân tộc luôn là động lực, là mục tiêu của sự nghiệp cách mạng và sự phát triển toàn diện của con người.

Trong bài phát biểu tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, ngày 24-11-2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Dù theo nghĩa rộng hay nghĩa hẹp thì khi đã nói đến văn hóa là nói đến những gì tinh hoa, tinh túy nhất, được chưng cất, kết tinh, hun đúc thành những giá trị tốt đẹp, cao thượng, đặc sắc nhất, rất nhân văn, nhân ái, nhân nghĩa, nhân tình, tiến bộ...”. Theo Hồ Chí Minh, văn hóa làm nên nguồn lực xã hội to lớn, thấm sâu vào quá trình phát triển xã hội. Sự phát triển của các lĩnh vực: kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội phải được coi là bốn vấn đề quan trọng như nhau trong xây dựng và phát triển đất nước. Văn hóa không chỉ là kết quả của sự phát triển nhanh, bền vững đối với nền kinh tể mà còn là yếu tố quan trọng thúc đẩy tạo nên sự phát triển nhanh và bền vững của bốn vấn đề đó. Phải đặt yêu cầu phát triển văn hóa ngang tầm với phát triển kinh tế và sự phát triển đó phải hài hoà với nhau và thúc đẩy sự phát triển của đất nước.

Kế thừa, vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh và quan điểm của Đảng qua các kỳ đại hội, Đảng khẳng định: Phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, môi trường văn hóa, đời sống văn hóa phong phú, đa dạng, văn minh, lành mạnh; “vừa phát huy những giá trị di sản văn hóa của dân tộc, vừa tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại để văn hóa thực sự là nền tảng tinh thần, nguồn lực nội sinh và động lực đột phá cho phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế”. Đó chính là niềm tin và khát vọng phát triển văn hóa, con người Việt Nam thời kỳ mới. Phát triển văn hóa hài hòa với phát triển kinh tế -xã hội; cần chú ý đầy đủ đến yếu tố văn hóa và con người trong sự phát triển bền vững. Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam văn minh, hiện đại là sự nghiệp của toàn dân dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành quản lý của Nhà nước, Nhân dân là chủ thể sáng tạo. Đại hội XIII của Đảng, với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, nói đúng sự thật, lần đầu tiên Đảng ta yêu cầu: “Từng bước vươn lên khắc phục các hạn chế của con người Việt Nam”.

  1. Mấy giải pháp cơ bản nâng cao hiệu quả bảo vệ và phát huy những giá trị di sản văn hóa dân tộc

Bảo vệ, giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa của dân tộc trong sự nghiệp xây dựng nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, xây dựng con người văn minh, hiện đại, con người mới xã hội chủ nghĩa, không những phải được bảo vệ mà còn phải được phát huy cao độ giá trị di sản văn hóa dân tộc. Để thực hiện điều đó, cần thực hiện tốt mấy giải pháp cơ bản sau:

Trước hết, cần coi trọng công tác giáo dục truyền thống lịch sử dân tộc cho mọi thế hệ người Việt Nam. Quyết tâm thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh là phải bảo vệ và phát huy những giá trị di sản văn hóa dân tộc, lấy tinh thần dân tộc để cổ vũ toàn dân, giáo dục các thế hệ, từng bước hoàn thiện nhân cách con người mới xã hội chủ nghĩa cho thế hệ tương lai. Đồng thời, phải phê phán mọi biểu hiện tôn sùng văn hóa ngoại lai; giao lưu, tiếp biến chứ không tiếp nhận thụ động nhằm đạt mục tiêu xây dựng con người Việt Nam hiện đại theo đúng tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng: “Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa, con người Việt Nam thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc”. Đây chính là sự vận dụng tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào xây dựng, phát huy những giá trị văn hóa dân tộc; đó cũng là khát vọng và tầm nhìn của Đảng và nhân dân Việt Nam trong thời kỳ mới. Để thực hiện được khát vọng và tầm nhìn ấy, Đảng ta xác định: “Động lực và nguồn lực phát triển quan trọng của đất nước là khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”. Vì vậy, cần khơi dậy động lực tinh thần to lớn, vô song của dân tộc, con người Việt Nam; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc; khơi dậy và phát huy giá trị văn hóa, tài năng, trí tuệ, phẩm chất đạo đức, sức mạnh của con người Việt Nam là trung tâm, là mục tiêu, là nguồn lực nội sinh, là động lực quan trọng nhất để đạt tới các mục tiêu của phát triển đất nước thời kỳ mới.

Phát huy mạnh mẽ chủ nghĩa yêu nước, tinh thần đoàn kết, tính cộng đồng, đồng thuận xã hội, ý chí tự cường, tự hào dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, dân tộc cường thịnh, trường tồn, nhân dân ấm no, hạnh phúc là phương hướng cơ bản, đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta và cả hệ thống chính trị phải quán triệt sâu sắc và ra sức tổ chức thực hiện... Nếu như trong chiến tranh giải phóng dân tộc trước đây, khát vọng độc lập, tự do, tinh thần “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” và quyết tâm “Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ” là động lực tinh thần to lớn đưa nhân dân ta nhất tề đứng lên chống giặc ngoại xâm, thì ngày nay khát vọng phát triển đất nước theo phương châm “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Khát vọng phát triển đất nước cường thịnh, phồn vinh, hạnh phúc ngày nay cũng chính là mong muốn, khát vọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, bởi như Người đã chỉ rõ: “Nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”.

Hai là, phát triển văn hóa gắn với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Bởi văn hóa dân tộc là một bộ phận quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Với tư cách là hệ giá trị định hướng điều chỉnh nhận thức tư duy, hành vi cho mỗi cá nhân và toàn xã hội; văn hóa phải được gắn chặt với quá trình phát triển kinh tế - xã hội và quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, văn hóa không thể đứng ngoài mà phải ở trong kinh tế và chính trị. Một mặt, văn hóa chịu sự chi phối của kinh tế và chính trị nhưng mặt khác, văn hóa có tác động trở lại to lớn đến sự ổn định chính trị-xã hội và phát triển kinh tế-xã hội. Chính vì thế, mỗi bước phát triển kinh tế - xã hội; mỗi bước của quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước là một bước để củng cố, giữ gìn, phát huy và phát triển giá trị văn hóa, con người Việt Nam hiện đại, phù hợp với xu thế chung của thời đại. Trong đó, phải nâng cao nhận thức, làm cho mọi người mà đặc biệt là thế hệ trẻ Việt Nam hiểu đầy đủ nhất, sâu sắc nhất các quan điểm của Đảng, tư tưởng Hồ Chí Minh về giá trị di sản văn hóa dân tộc, từ đó tuyên truyền, phát triển và xây dựng văn hóa, con người Việt Nam trước tình hình mới, trước sự tác động từ mặt trái nền kinh tế thị trường.

Mặt khác, văn hóa là một bộ phận của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, nên cần xác định rõ: Xây dựng văn hóa trong chính trị và kinh tế; phát triển công nghiệp hóa văn hóa đi đôi với xây dựng, hoàn thiện thị trường văn hóa. Đảng ta chỉ rõ: Tăng đầu tư cho phát triển sự nghiệp văn hóa. Xây dựng,phát triển, tạo môi trường và điều kiện xã hội thuận lợi nhất để khơi dậy truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc, niềm tin khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”. Những nhiệm vụ này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với việc phát huy nguồn lực văn hóa trong sự nghiệp xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, phát triển kinh tế - xã hội.

Ba là, làm cho văn hóa thực sự là nền tảng tinh thần của xã hội, xây dựng văn hóa, con người Việt Nam hiện đại vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Ngày nay, trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, có sự giao lưu, tiếp biến văn hóa sâu rộng, việc quan tâm chú trọng phát triển nguồn lực văn hóa, con người, phát huy tối đa tiềm năng “sức mạnh mềm” của đất nước là một trong những động lực quan trọng để thúc đẩy xã hội phát triển bền vững, nâng cao hình ảnh, vị thế của Việt Nam, lan tỏa các giá trị văn hóa, con người Việt Nam trên trường quốc tế. Do đó, cần tiếp tục quán triệt và thực hiện Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh: “Phát huy giá trị văn hóa, con người Việt Nam và sức mạnh toàn dân tộc, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, bảo đảm gắn kết hài hòa giữa phát triển kinh tế với phát triển xã hội”; đồng thời lấy giá trị văn hóa, con người Việt Nam làm nền tảng, sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững. Xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa giá trị truyền thống và giá trị hiện đại là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu nhằm đưa đất nước ta phát triển nhanh và bền vững.

Bốn là, xây dựng môi trường văn hóa trong sạch, lành mạnh. Đảng ta xác định cần có cơ chế, chính sách cụ thể, thiết thực để xây dựng môi trường văn hóa thật sự trong sạch, lành mạnh, cải thiện điều kiện hưởng thụ văn hóa của Nhân dân. Đồng thời, thực hiện tốt phương châm: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”; chú trọng phát huy vai trò của gia đình, cộng đồng, xã hội tạo sức mạnh tổng hợp để xây dựng môi trường văn hóa tốt đẹp, lành mạnh, thực sự là “định hướng giá trị” để: Phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong giai đoạn cách mạng mới. Đảng ta yêu cầu: “Khơi dậy tinh thần yêu nước, tính cộng đồng, ý chí tự cường, tự hào dân tộc và khát vọng vươn lên. Tăng cường công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể các di tích lịch sử văn hóa”. Phát triển đi đôi với giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt; lòng nhân ái, tinh thần đoàn kết, đồng thuận xã hội; xây dựng môi trường và đời sống văn hóa phong phú, đa dạng, văn minh, lành mạnh, hội nhập quốc tế.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần nhắc nhở: “Xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh, tạo điều kiện để xây dựng con người Việt Nam đẹp về nhân cách, đạo đức, tâm hồn; cao về trí tuệ, năng lực, kỹ năng sáng tạo; khoẻ về thể chất; nâng cao trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, ý thức tôn trọng, tuân thủ pháp luật”. Điều này có nghĩa phát triển văn hóa không thể tách rời với phát triển con người. Đảng ta khẳng định: “Từng bước thu hẹp khoảng cách về hưởng thụ văn hóa giữa thành thị và nông thôn, giữa các vùng, miền và các giai tầng xã hội. Hoàn thiện các cơ chế, chính sách phát triển công nghiệp văn hóa, phát triển những sản phẩm, loại hình văn hóa độc đáo có sức lan tỏa để quảng bá, giới thiệu ra thế giới”.

Hiện nay, những biến động của tình hình thế giới, khu vực đang tác động mạnh mẽ đến đời sống văn hóa của dân tộc. Để bảo vệ, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, xây dựng nền văn hóa, con người Việt Nam văn minh, hiện đại, cần tiếp tục vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh trong sự nghiệp bảo vệ phát huy những di sản văn hóa dân tộc vào thực tiễn cách mạng nước ta, đồng thời tiếp thu có chọn lọc những giá trị văn hóa tiên tiến, khoa học, đại chúng, kiên quyết loại bỏ những hủ tục, tàn dư, những sản phẩm phản văn hóa sấu độc từ bên ngoài để xây dựng nền văn hóa Việt Nam trở thành nền tảng tinh thần của xã hội, là sức mạnh góp phần phát triển đất nước ngày càng giàu, đẹp và phát triển bền vững./.

GS.TS TRẦN VĂN NAM

Viện Trưởng Viện Phát triển Văn hoá dân tộc 

...