25/04/2024 lúc 08:03 (GMT+7)
Breaking News

Hồ Chí Minh - Biểu tượng của hòa bình, điều không thể phủ nhận!

Bài viết làm rõ âm mưu, phương thức, thủ đoạn của các thế lực thù địch trong việc phủ nhận, xuyên tạc những cống hiến to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho nền hòa bình của dân tộc Việt Nam cũng như thế giới, đồng thời phân tích các căn cứ lý luận và thực tiễn để phản bác các luận điệu sai trái nêu trên.
Chủ tịch Hồ Chí Minh với các đại biểu Liên Xô và quốc tế tham dự Đại hội lần thứ 22 Đảng Cộng sản Liên Xô, diễn ra tại Mátxcơva, tháng 10-1961 - Ảnh tư liệu TTXVN

Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hóa kiệt xuất, Người không chỉ dâng hiến cả cuộc đời cho sự nghiệp giải phóng dân tộc Việt Nam mà còn đóng góp to lớn vào cuộc đấu tranh giải phóng các dân tộc, xây dựng nền hòa bình, hữu nghị giữa các dân tộc trên thế giới. Tuy nhiên, các thế lực thù địch đã cố tình xuyên tạc, phủ nhận những đóng góp to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với nền hòa bình của Việt Nam và thế giới.

Nguyễn Thị Cỏ May và Lâm Văn Bé viết bài “Sự thật về Hồ Chí Minh ở Paris và Wien. Còn ở Ottawa?” đưa ra câu hỏi rất ấu trĩ: “Tại sao phải làm cách mạng cướp chánh quyền để máu của người dân Việt Nam vô tội bắt đầu đổ từ đây, đất nước tang thương cho tới ngày nay cũng từ đây?”.

Một số đối tượng vu khống Hồ Chí Minh là “hiếu chiến”, đã xây dựng và duy trì chế độ cộng sản độc tài và tham nhũng (trang Chân trời mới Media). Các đối tượng còn cắt ghép các hình ảnh và sự kiện để “minh chứng” Hồ Chí Minh là “khát máu” (facebook Đỗ Ngà) hoặc ngang nhiên “tố cáo” sự “tàn bạo” của Chủ tịch Hồ Chí Minh (trang Dân làm báo, facebook Vũ Đông Hà...).

Chúng còn trắng trợn cho rằng, việc Hồ Chí Minh lựa chọn con đường cách mạng bạo lực đã đẩy nhân dân Việt Nam vào một cuộc chiến tranh đổ máu vô ích; xuyên tạc Lời kêu gọi Không có gì quý hơn độc lập tự do của Hồ Chí Minh là biểu hiện của sự “phi nhân tính”, “đổ thêm dầu vào lửa” nhằm kích động tính hiếu chiến của nhân dân Việt Nam.

Thậm chí, một trong những cống hiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh được UNESCO tôn vinh, đó là “góp phần vào cuộc đấu tranh chung của các dân tộc vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội” cũng bị các thế lực phủ định một cách hết sức phi lý khi cho rằng “không có Nghị quyết tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh” (Sự thật về Hồ Chí Minh ở Paris và Wien. Còn ở Ottawa?).

 Phụ họa cho những lời tư biện đầy ác ý đó, các đối tượng đưa ra những thông tin về đời tư của Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng những hình ảnh không có thực hoặc bị chỉnh sửa, cắt xén nhằm tập trung khoét sâu vào các vấn đề thân thế, sự nghiệp và những cống hiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho hòa bình.

Âm mưu của các đối tượng khi tung ra những luận điệu này trước hết là cố tình “hạ bệ thần tượng” Hồ Chí Minh, rằng Hồ Chí Minh không phải là người vĩ đại, đã hy sinh cuộc đời riêng để tận hiến cho cuộc đấu tranh vì những giá trị phổ quát mà nhân loại hiện nay vẫn đang hướng tới như công lý và hòa bình mà là một người hiếu chiến và ưa bạo lực. Tiến xa hơn nữa, các đối tượng đi đến xuyên tạc, con đường cách mạng mà Hồ Chí Minh lựa chọn là con đường đổ máu đã đẩy nhân dân Việt Nam vào cảnh tang thương, do đó, “độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội” cần phải từ bỏ.

Thâm độc hơn, các đối tượng hướng đến việc làm thay đổi tình cảm dân tộc Việt Nam với lãnh tụ Hồ Chí Minh, gây hoang mang, dao động, giảm sút niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào mục tiêu, con đường cách mạng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lựa chọn; tạo sự hoài nghi, thiếu tin tưởng vào chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.

Xét trên phương diện lý luận cũng như hoạt động thực tiễn, chúng ta đều thấy những cống hiến vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho sự nghiệp hòa bình của dân tộc Việt Nam và các dân tộc khác trên thế giới là điều không thể phủ nhận.

Trên hành trình hoạt động cách mạng, Hồ Chí Minh đã đi gần khắp các châu lục, đến các nước tư bản phát triển, đã trực tiếp chứng kiến những hành động dã man của các nước tư bản, đế quốc ở khắp nơi. Mặc dù nhận thức rất rõ bản chất tàn bạo của thực dân, đế quốc nhưng cả cuộc đời hoạt động cách mạng, Người bao giờ cũng ưu tiên lựa chọn con đường đấu tranh bằng hòa bình, khơi dậy và phát huy những giá trị tốt đẹp nhất ẩn sâu trong mỗi con người, nỗ lực để các dân tộc xích lại gần nhau, tăng cường trao đổi để hiểu biết, tin cậy nhau trong giải quyết các vấn đề chung, đặc biệt là việc giải quyết các mâu thuẫn, xung đột.

Hồ Chí Minh đã mở đầu cho sự nghiệp đấu tranh chính trị của mình bằng một hoạt động hòa bình, đó là thay mặt những người Việt Nam yêu nước ở Pháp gửi đến Hội nghị hòa bình Véc xây Bản Yêu sách của nhân dân An Nam (năm 1919). Và Người cũng khép lại cuộc đời hoạt động cách mạng của mình bằng “Điều mong muốn cuối cùng” đó là: “Toàn Đảng toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”(1).

Trong di sản của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta thấy Người thể hiện tư tưởng hòa bình ở rất nhiều các bài viết, bài nói, bài trả lời phỏng vấn, các tuyên bố... Trong đó, có hơn 1.000 lần Người đề cập đến cụm từ “hòa bình”. Những luận điểm nổi bật của Hồ Chí Minh có thể kể đến như: Hòa bình phải gắn với độc lập, tự do, hạnh phúc của nhân dân; hòa bình cho dân tộc mình và các dân tộc khác; cuộc đấu tranh giành độc lập cho dân tộc không thể tách khỏi cuộc đấu tranh bảo vệ hòa bình thế giới...

Những mệnh đề được Người nhắc đi nhắc lại nhiều lần như: “Bảo vệ hòa bình tức là chống chiến tranh”, “hòa bình thật sự không thể tách khỏi độc lập thật sự”, “chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng”... Cùng với đó là những tư tưởng tiến bộ vượt thời đại về việc xây dựng một thế giới hòa bình của Hồ Chí Minh như: “Các nước có chế độ xã hội khác nhau có thể chung sống hòa bình với nhau”(2), “Thế giới hòa bình có thể thực hiện nếu các nước trên thế giới, nhất là những nước lớn, đều sẵn sàng giải quyết những xích mích giữa các nước bằng cách thương lượng và nếu nhân dân thế giới không chịu để bọn gây chiến lừa phỉnh, mà tự nhận lấy trách nhiệm bảo vệ hòa bình thế giới”(3)...

Chúng ta sẽ càng thấy rõ hơn sự vô lý của luận điệu cho rằng, Hồ Chí Minh là “hiếu chiến” và “ưa bạo lực”. Ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, trên cương vị đứng đầu Đảng và Nhà nước Việt Nam, Người đã theo đuổi tư tưởng ngoại giao hòa bình với tuyên bố Việt Nam sẵn sàng làm bạn với tất cả các nước, mong muốn và thiện chí giải quyết các vấn đề thông qua đối thoại, đàm phán, thương lượng trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau, bình đẳng và cùng có lợi.

Văn bản ngoại giao chính thức đầu tiên do Hồ Chí Minh ký với tư cách là nguyên thủ quốc gia, đó là Thông cáo về “Chính sách ngoại giao của Chính phủ lâm thời” (ngày 3-10-1945). Bản Thông cáo nêu rõ: “Đưa nước nhà đến độc lập hoàn toàn và vĩnh viễn, và góp phần cùng các nước Đồng minh chống phátxít, trên cơ sở các nguyên tắc dân chủ được các liệt quốc thừa nhận, xây đắp lại nền hòa bình thế giới”(4).

Văn bản này khẳng định những giá trị dân chủ, tiến bộ, nhân đạo và hòa bình của Việt Nam trong chính sách đối ngoại, hoàn toàn phù hợp với xu thế phát triển quan hệ quốc tế sau chiến tranh.

Hồ Chí Minh khẳng định, Việt Nam là một “bộ phận trong phe hòa bình và dân chủ thế giới” và xác định chính sách đối ngoại của Việt Nam là: “Làm bạn với tất cả mọi nước dân chủ và không gây thù oán với một ai”(5). Người quan niệm, xây dựng một nền hòa bình chân chính trên thế giới, một trật tự thế giới mới phải dựa trên nguyên tắc tôn trọng quyền cơ bản của tất cả các dân tộc, “công bình và lý tưởng dân chủ phải thay cho chiến tranh” trong quan hệ quốc tế. Mỗi dân tộc tự quyết định lấy vận mệnh của mình dựa trên những giá trị văn hóa dân tộc và tôn trọng sự lựa chọn con đường phát triển của mỗi quốc gia. Các quốc gia phải được bình đẳng trong việc tham gia giải quyết các vấn đề quốc tế và hòa bình thế giới phải được tất cả các dân tộc quyết định, không phụ thuộc vào một nhóm cầm quyền của một thiểu số các nước lớn.

Là người ủng hộ các nguyên tắc cùng tồn tại hòa bình giữa các nước có chế độ chính trị khác nhau, Chủ tịch Hồ Chí Minh tôn trọng việc giải quyết mâu thuẫn giữa các nước thông qua thương lượng hòa bình, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau...

Hòa bình trong quan điểm của Hồ Chí Minh là nền hòa bình chân chính, không phải là hòa bình giả hiệu, nghĩa là nền hòa bình ấy phải gắn liền với độc lập, tự do, hạnh phúc cho nhân dân. Để có được nền hòa bình chân chính ấy trong bối cảnh các nước thực dân, đế quốc xâm lược, áp bức các dân tộc thuộc địa thì các nước thuộc địa buộc phải thông qua đấu tranh cách mạng để giành độc lập dân tộc.

Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược ở Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta lãnh đạo chính là hai cuộc đấu tranh tiêu biểu vì hòa bình và là thắng lợi của nền hòa bình chân chính. Mặt khác, nhờ có kết hợp đấu tranh quân sự với đàm phán ngoại giao, nhân dân Việt Nam mới giành được thắng lợi trong hai cuộc kháng chiến khổng lồ không cân sức ấy.

Ngay cả khi buộc phải chọn con đường đấu tranh cách mạng để giành lấy hòa bình thì lịch sử cũng cho thấy: thương lượng và đối thoại luôn là giải pháp được Hồ Chí Minh ưu tiên lựa chọn hàng đầu trong giải quyết xung đột dân tộc. Đỉnh cao của những nỗ lực nhằm cứu vãn hòa bình của Người đó là thời gian cuối năm 1945 đầu năm 1946.

Với những hoạt động rất tích cực của Hồ Chí Minh, Chính phủ Pháp đã ký với Chính phủ Việt Nam Hiệp định sơ bộ ngày 6-3-1946 và Tạm ước ngày 14-9-1946. Tuy nhiên, thực dân Pháp không những không thi hành mà còn tìm cách phá hoại, tích cực chuẩn bị chiến tranh nhằm chiếm toàn bộ nước ta một lần nữa bằng những hành động khiêu khích trắng trợn trên khắp cả nước.

 Đặc biệt, từ đầu tháng 12-1946, chúng liên tiếp gây ra những cuộc xung đột vũ trang như: đốt nhà thông tin ở phố Tràng Tiền, chiếm cơ quan Bộ Tài chính và Bộ Giao thông công chính, tàn sát nhiều đồng bào ta ở phố Hàng Bún, gây xung đột đổ máu ở cầu Long Biên, khu Cửa Đông, phố Yên Ninh...

Trước những hành động khiêu khích của kẻ thù, vì nền hòa bình cho nhân dân Việt Nam cũng như nhân dân Pháp, Hồ Chí Minh đã tìm đến những giá trị tốt đẹp mà cả hai dân tộc Việt - Pháp cùng hướng đến nhằm tránh những cuộc đụng độ dẫn đến hy sinh, đổ máu. Người viết: “Máu Việt Nam và máu Pháp đổ đã nhiều rồi. Không nên đổ nữa... Người Việt và người Pháp cùng tin tưởng vào đạo đức: Tự do, Bình đẳng, Bác ái, Độc lập. Người Việt và người Pháp có thể và cần phải bắt tay nhau trong một sự nghiệp cộng tác bình đẳng, thật thà, để gây dựng hạnh phúc chung cho cả hai dân tộc”(6).

Trong Lời kêu gọi gửi Quốc hội và Chính phủ Pháp, Hồ Chí Minh đã thể hiện khát khao cháy bỏng trong việc xây dựng nền hòa bình và mối quan hệ tốt đẹp giữa hai dân tộc Việt - Pháp: “Tôi yêu Tổ quốc và đồng bào tôi, tôi cũng yêu nước Pháp và nhân dân Pháp. Vì vậy, tôi thiết tha kêu gọi Quốc hội và Chính phủ Pháp nghĩ đến lợi quyền chung tối cao của hai dân tộc Pháp - Việt, hạ lệnh cho đương cục Pháp khôi phục tình trạng trước ngày 20-11-1946, để cùng Chính phủ Việt Nam thi hành Tạm ước, để xây đắp sự cộng tác Pháp - Việt thân thiện và lâu dài”(7).

Người cũng đưa ra thông điệp “Đồng bào tôi và tôi thành thực muốn hòa bình. Chúng tôi không muốn chiến tranh... Cuộc chiến tranh này chúng tôi muốn tránh bằng đủ mọi cách... Nước Việt Nam cần kiến thiết, nước Việt Nam không muốn là nơi chôn vùi hàng bao nhiêu sinh mạng”(8).

Từ tháng 9 - 1945 đến cuối năm 1946, Hồ Chí Minh và Chính phủ Việt Nam đã trên 30 lần bày tỏ quan điểm, lập trường hòa bình trong việc giải quyết xung đột Việt - Pháp. Tiếp đó, từ tháng 1 đến tháng 5-1947, Việt Nam đã 20 lần chính thức đề nghị chấm dứt chiến tranh bằng thương lượng. Hồ Chí Minh đã 14 lần gửi thư cho Tổng thống, Chính phủ, Quốc hội và nhân dân Pháp đề nghị chấm dứt chiến tranh, cứu vãn hòa bình... Tuy nhiên, thực dân pháp đã khước từ mọi đề nghị của Hồ Chí Minh, quyết định dùng biện pháp quân sự để giải quyết mối quan hệ Việt - Pháp. Như vậy, mặc dù đã cố gắng hết sức nhưng tiếng gọi hòa bình mà Hồ Chí Minh đại diện cho nhân dân Việt Nam tha thiết kêu gọi đã không được đáp lời(9).

Viết về Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp khẳng định: “Người không bỏ qua một cơ hội nào dù nhỏ đến mấy để tranh thủ khả năng hòa bình và phát triển cách mạng”(10). Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, từ năm 1961 đến 1965, Người đã rất nhiều lần tỏ rõ thiện chí hòa bình thông qua việc trả lời phỏng vấn các hãng thông tấn và phóng viên nước ngoài. Không những thế, Người còn trực tiếp viết thư, gửi điện cho Chính phủ Mỹ đề nghị tiến hành đàm phán để tìm kiếm giải pháp cho vấn đề miền Nam Việt Nam.

Cuối năm 1963, sau khi Ngô Đình Diệm bị lật đổ, Hồ Chí Minh đã gửi thư cho Chính phủ Mỹ đề nghị tiến hành đàm phán Việt - Mỹ nhưng ý kiến của Người không được hồi âm. Người cũng tỏ thái độ đồng tình với quan điểm của Tổng Thư ký Liên hợp quốc lúc bấy giờ về việc đề nghị “Một cuộc trao đổi trực tiếp giữa Hà Nội và Oasinhtơn”. Người hoan nghênh ý kiến của Tổng thống Pháp Đờ Gôn đề nghị triệu tập hội nghị cấp cao bốn nước lớn (Mỹ - Pháp - Liên Xô và Trung Quốc) để thảo luận về chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam và Lào. Người đã chủ trương nhân nhượng, thậm chí là “trải thảm đỏ và rắc hoa cho Mỹ rút”...

Tiếc là tất cả những thiện chí trên đây đều bị khước từ. Đế quốc Mỹ vẫn không chịu từ bỏ âm mưu xâm lược nước ta, ồ ạt đưa quân viễn chinh và những phương tiện, vũ khí chiến tranh hiện đại nhất vào miền Nam Việt Nam...

Rõ ràng, thực dân, đế quốc với bản chất hiếu chiến và tham vọng xâm lược đã đặt Việt Nam trước sự lựa chọn “hàng” hay “đánh”. Vì độc lập, vì hòa bình của dân tộc, nhân dân Việt Nam đã buộc phải đứng lên cầm súng. Với Hồ Chí Minh, hòa bình là mục tiêu nhất quán, lâu dài nhưng cuộc đấu tranh cho hòa bình là cuộc đấu tranh cách mạng mà trong tình thế cần thiết buộc phải dùng tới bạo lực để đạt được mục tiêu. Đặc biệt, với Hồ Chí Minh, khi chiến tranh đã kết thúc, cánh cửa hòa bình và mỗi quan hệ hữu nghị giữa các quốc gia vẫn còn rộng mở, nhịp cầu thương lượng vẫn sẽ được bắc lên để kết nối dân tộc xóa bỏ hận thù, cùng xây dựng một thế giới tốt đẹp.

Tư tưởng và những hoạt động thực tiễn cho hòa bình mang đậm tính nhân văn của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân Việt Nam, tập hợp họ dưới ngọn cờ mà Người khởi xướng để tiến hành cách mạng thành công. Đồng thời, tư tưởng và những hoạt động ấy cũng là những nguyên tắc trong ứng xử quốc tế mà nhiều quốc gia yêu chuộng hòa bình trên thế giới theo đuổi cho đến tận bây giờ. Đây cũng là lý do hai cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam luôn được nhân dân yêu chuộng hòa bình ở nhiều quốc gia có chế độ chính trị khác nhau trên thế giới hết lòng ủng hộ, giúp đỡ về cả vật chất và tinh thần.

Nhiều thập kỷ đã qua, cả khi Chủ tịch Hồ Chí Minh còn sống, những đóng góp to lớn của Người cho hòa bình đã được ghi nhận bởi bạn bè trên thế giới.

Tháng 2-1958, Thủ tướng Ấn Độ J. Nêru đã từng nói: “Thế giới ngày nay đã trải qua một cuộc khủng hoảng, khủng hoảng về tâm lý. Cái cần bây giờ là tiếp cận hòa bình, hữu nghị và tình bạn. Tiến sĩ Hồ là biểu hiện cho sự tiếp cận đó”(11). Ngay cả ý kiến của “người trong cuộc”, từng là đối thủ của Hồ Chí Minh, Tổng thống Pháp Míttơrăng trong chuyến thăm Việt Nam tháng 2-1993 cũng đã thừa nhận: “Cuộc chiến tranh đó - Chiến tranh Đông Dương 1945-1954 - đối với tôi luôn luôn là một sự sai lầm”, rằng “ông Hồ Chí Minh đã tìm kiếm những người đối thoại nhưng không tìm được, dù rất mong muốn đàm phán để hướng tới độc lập, ông Hồ Chí Minh đã bị đẩy vào cuộc chiến tranh”(12).

Đặc biệt, trong Nghị quyết của Tổ chức giáo dục, khoa học và văn hóa Liên hợp quốc về kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ghi rõ: Hồ Chí Minh “một biểu tượng xuất sắc về sự tự khẳng định dân tộc, đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam, góp phần vào cuộc đấu tranh chung của các dân tộc vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội’’(13)...

Giáo sư W. Lulây, Trường Đại học Humbon (Đức) đã nhận xét: “Quan điểm của Hồ Chí Minh rất phù hợp với quan điểm của chúng ta ngày nay trong việc giải quyết xung đột quốc tế... Sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, xu hướng giành hòa bình thế giới bằng các giải pháp phi bạo lực còn yếu. Chính Hồ Chí Minh, ngay từ những ngày đầu sau Cách mạng Tháng Tám 1945 ở Việt Nam, luôn mong muốn hòa bình, đàm phán với Pháp. Hòa bình, hạnh phúc cho nhân dân đó là ý nguyện suốt đời của Người”(14)...

Thế giới còn đổi thay nhưng những cống hiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho hòa bình vẫn sẽ tiếp tục được khẳng định. Xét về đóng góp trên cả phương diện tư tưởng lý luận và thực tiễn, đặc biệt là hoạt động thực tiễn, Chủ tịch Hồ Chí Minh là biểu tượng của hòa bình. Do đó, những luận điệu xuyên tạc vô căn cứ của các thế lực thù địch về Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhằm thực hiện các mưu đồ chính trị đen tối cần phải bị loại bỏ.

_________________

 

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.15, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.614.

(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.12, tr.107.

(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.8, tr.475.

(4) Báo Cứu quốc, số 57, ngày 5-10-1945.

(5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 256.

(6), (7), (8) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.4, tr.511, 519, 526.

(9) Sau này, trong cuốn Hồi ký Câu chuyện về một nền hòa bình bị bỏ lỡ, Gi. Xanhtơny trên cương vị người đối thoại với Hồ Chí Minh của Cộng hòa Pháp trong suốt thời gian dài đã bày tỏ sự hối tiếc trong việc bỏ lỡ cơ hội hòa bình trong quan hệ Pháp - Việt.

(10) Võ Nguyên Giáp: Một số vấn đề nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh, Nxb Công an nhân dân, Hà Nội, 2004, tr.222.

(11) Dẫn theo Lê Văn Tích: Hồ Chí Minh với cuộc đấu tranh vì hòa bình và tiến bộ của nhân loại, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2010, tr. 15.

(12) Thông tấn xã Việt Nam; Tin tham khảo, số 033, năm 1993. Dẫn theo Lê Văn Tích: Hồ Chí Minh với cuộc đấu tranh vì hòa bình và tiến bộ của nhân loại, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2010, tr. 87.

(13) Báo Nhân dân cuối tuần, số 48 (1087), ngày 29-11-2009.

(14) Hội thảo khoa học quốc tế: Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa lớn, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1995, tr.68.

TS TRẦN THỊ HỢI

Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

...