Báo lỗ thêm hơn 1.100 tỷ đồng trong năm 2021, lỗ lũy kế của CTCP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HOSE: HNG) tại thời điểm 31/12/2021 đã vượt mức 3.400 tỷ đồng.
HNG lỗ thêm hơn 1.100 tỷ đồng trong năm 2021
CTCP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HoSE: HNG) công bố BCTC hợp nhất quý IV/2021 với doanh thu thuần gần 1.199 tỷ đồng, giảm 50% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, giá vốn chỉ giảm 26%, dẫn đến tình trạng kinh doanh dưới giá vốn, khiến Công ty lỗ gộp hơn 453 tỷ đồng.
Trong kỳ, doanh thu tài chính của HNG chỉ đạt 4,8 tỷ đồng, giảm tới 99,5% so với cùng kỳ. Các khoản chi phí tài chính, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp của HNG đều giảm so với cùng kỳ năm trước, song vẫn neo ở mức cao.
Khấu trừ đi các chi phí, HNG báo lỗ sau thuế lên tới 815,8 tỷ đồng trong quý IV/2021, nâng số lỗ luỹ kế chưa phân phối của công ty này tại thời điểm 31/12/2021 tăng lên mức 3.426,5 tỷ đồng.
Theo giải trình của Công ty, nguyên nhân do Công ty tiến hành rà soát và ghi nhận hạch toán lại các chi phí đã phát sinh từ năm 2020 về trước nhưng chưa hạch toán. Chi phí khấu hao vườn cao su lớn với 17.506ha, trong đó diện tích vườn cao su chưa đủ điều kiện kỹ thuật khai thác là 10.175ha, diện tích cao su đủ điều kiện kỹ thuật đang khai thác thu hoạch là 7.331ha.
Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của Covid-19, nguồn lao động người địa phương bị hạn chế gây ảnh hưởng lớn đến sản lượng thu hoạch và đầu tư chăm sóc vườn cây của Công ty. Chi phí nhân công tăng giá, giá mua phân bón tăng 160%, bao bì đóng gói tăng 25%, chi phí vận chuyển đường biển tăng 20% so với năm 2020.
Luỹ kế cả năm, HNG ghi nhận doanh thu 1.199 tỷ đồng, giảm nửa so với mức 2.375 tỷ năm ngoái. Khấu trừ chi phí, Công ty lỗ ròng hơn 1.119 tỷ đồng.
Tại thời điểm 31/12/2021, tổng tài sản của HNG giảm 43% so với đầu năm, chỉ còn ghi nhận hơn 14.000 tỷ đồng. Trong đó, tài sản ngắn hạn của công ty đã sụt giảm hơn 54% trong năm. Các khoản mục chính yếu như khoản phải thu, hàng tồn kho, tài sản cố định lần lượt giảm mạnh ở mức 70%, 30% và 40%
Về phía nguồn vốn, nợ phải trả của Công ty cũng giảm mạnh 49%, còn hơn 8.000 tỷ đồng, chủ yếu do tổng nợ vay giảm một khoản tương ứng. Tổng dư nợ vay ngắn và dài hạn của HNG đạt 5.864,4 tỷ đồng, giảm hơn 5.538 tỷ đồng so với đầu năm và chiếm 41,8% tổng nguồn vốn. Trong đó chủ yếu là vay ngân hàng với 3.272,4 tỷ đồng và vay dài hạn các doanh nghiệp hơn 2.550 tỷ đồng.
Về dòng tiền, HNG đã ghi nhận dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh năm 2021 âm tới 1.148 tỷ đồng.
Lên kế hoạch năm 2022, HNG đặt mục tiêu doanh thu đạt 2.400 tỷ đồng, với sản lượng bán hàng đạt 177.000 tấn. Tuy nhiên, HNG không đề cập đến mục tiêu lợi nhuận.
Công ty cho biết sẽ tiếp tục đầu tư hoàn thiện sân bay Nong Khang và bàn giao cho Chính phủ Lào. Dự kiến tổng mức đầu tư và xây dựng cơ bản trong năm 2022 là 898 tỷ đồng, giải ngân chi đầu tư là 422 tỷ đồng.
Song song, Công ty cũng sẽ làm việc với HAGL và BIDV để giải quyết công nợ giữa các bên, qua đó nhận lại giấy chứng nhận quyền sở hữu đất tại Lào và Campuchia thuộc HNG đang đảm bảo cho khoản vay của HAGL với giá trị đảm bảo 4.780 tỷ đồng.
Công ty sẽ ghi nhận chi phí chuyển đổi vườn cây từ năm 2020 trở về trước chưa hạch toán, ước tính lỗ riêng cho khoản chi phí này lên đến 2.400 tỷ. Như vậy, có thể thấy công cuộc tái cơ cấu tại HNG còn dài hạn, và không dễ dàng. Mà trong đó, ông Trần Bá Dương từng phân trần: "Làm nông nghiệp nói chung và làm Chủ tịch HAGL Agrico nói riêng, với tôi là bất đắc dĩ!
Thời gian gần đây, Hoàng Anh Gia Lai liên tục giảm sở hữu tại công ty nông nghiệp trong bối cảnh đặt mục tiêu trọng tâm năm 2022 là tăng cường các biện pháp cơ cấu tài chính, giảm số dư nợ ngân hàng phải trả xuống còn 5.000 tỷ đồng.Trong 2 tháng đầu năm, HNG liên tiếp bán ra hơn 73 triệu cổ phiếu với mục đích trả nợ ngân hàng.
Trên thị trường, sau khi tăng 50% chỉ trong một tháng cuối năm ngoái, lên mức đỉnh 13.650 đồng, cổ phiếu HNG hiện giảm mạnh xuống còn 8.810 đồng/cp.