21/01/2025 lúc 11:19 (GMT+7)
Breaking News

Hình thành hệ sinh thái du lịch thông minh

Phó Thủ tướng khẳng định, du lịch thông minh, du lịch số phải là một trong những động lực chính của nền kinh tế số. Chính phủ Việt Nam mong muốn và tin tưởng rằng du lịch sẽ thuộc nhóm ngành đi đầu về chuyển đổi số quốc gia, tạo sự phát triển mới và mang lại cảm hứng cho cả đất nước về chuyển đổi số.

Tại Diễn đàn cấp cao "Chuyển đổi số thúc đẩy phát triển du lịch", sáng 7/9, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà khẳng định, chuyển đổi số là "chìa khóa" để du lịch kết nối với các hệ sinh thái liên quan, như vận tải, lưu trú, thương mại... mở ra không gian phát triển mới, hạ tầng mới, tài nguyên mới và phương thức thực hiện hiệu quả, bền vững hơn.

Diễn đàn cấp cao "Chuyển đổi số thúc đẩy phát triển du lịch" nằm trong chuỗi sự kiện của Hội chợ Du lịch quốc tế TPHCM năm 2023 với sự tham dự hàng trăm đại biểu các bộ, ngành, 45 tỉnh, thành phố và 42 quốc gia, vùng lãnh thổ - Ảnh: VGP/Minh Khôi

Mở không gian, hạ tầng, tài nguyên mới cho du lịch

Đánh giá cao chủ đề "Chuyển đổi số thúc đẩy phát triển du lịch" nhằm hướng tới hình thành hệ sinh thái du lịch thông minh, Phó Thủ tướng cho rằng cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư với trọng tâm là xây dựng một thế giới siêu kết nối dựa trên công nghệ số đã và đang tác động ngày càng sâu sắc đến tất cả lĩnh vực của đời sống kinh tế-xã hội trên phạm vi toàn cầu.

Thế giới hôm nay, với nhiều công nghệ đột phá mang tính sáng tạo, cốt lõi, như: Dữ liệu lớn (big data), điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ chuỗi khối (blockchain) và internet vạn vật (IoT) đã tạo ra những thay đổi căn bản, sâu sắc, trên phạm vi rộng, loại bỏ ưu thế của kinh nghiệm, của hạ tầng cũ, các phương thức sản xuất truyền thống hay của mô hình kinh doanh cũ...

"Đây là thời điểm có tính lịch sử cho sự chuyển đổi trên phạm vi toàn cầu là chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, và du lịch sẽ là một ngành tiên phong trong lĩnh vực kinh tế", Phó Thủ tướng nói và nhấn mạnh "các động lực tăng trưởng nhờ những ưu thế về tài nguyên thiên nhiên, nguồn nhân lực giá rẻ đang bị thay thế một cách nhanh chóng bởi các nguồn lực, nguồn tài nguyên mới đó là tri thức và tài nguyên số. Đặc biệt trong bối cảnh chuyển đổi xanh, chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu".

Theo Phó Thủ tướng, du lịch không chỉ là ngành kinh tế quan trọng, mà còn thúc đẩy hợp tác, phát triển, giao lưu văn hóa, có tính hội nhập cao, đòi hỏi tư duy không ngừng đổi mới, sáng tạo. Để phát triển nhanh hơn, bền vững hơn, du lịch cần có không gian phát triển mới, hạ tầng mới, tài nguyên mới và phương thức thực hiện hiệu quả, bền vững hơn.

Vì vậy, chuyển đổi số là "chìa khóa" giúp du lịch giải quyết "bài toán" này và hướng tới mô hình quản trị hiệu quả; kết nối với các hệ sinh thái liên quan như vận tải, lưu trú, thương mại,...

Trên các nền tảng trực tuyến, trí tuệ nhân tạo, thực tế ảo,... du khách sẽ được trải nghiệm trước những nét độc đáo của di sản, của văn hóa đã được số hoá của điểm đến. Các tiện ích số, như visa điện tử, lựa chọn phương tiện, đặt vé đi lại, cơ sở lưu trú, ẩm thực và các dịch vụ khác cùng với thanh toán điện tử… được kết nối trên môi trường số giúp du khách tiếp cận, lựa chọn sản phẩm du lịch nhanh chóng, dễ dàng, thuận lợi hơn.

Chuyển đổi số còn là giải pháp thúc đẩy xanh hóa trong du lịch, giảm thiểu tác động đến môi trường, tài nguyên thiên nhiên, cảnh quan, di sản…

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, mỗi quốc gia, mỗi doanh nghiệp cần đưa ra chiến lược, giải pháp, cách tiếp cận riêng trong chuyển đổi số. Biết phát hiện vấn đề và có một tầm nhìn khác biệt là vô cùng quan trọng để đưa các quốc gia, doanh nghiệp tiến lên phía trước trong bối cảnh ngày nay. Đồng thời, xu thế liên kết, hợp tác và kết nối sẽ mang lại những ưu thế, lợi ích chung cho từng quốc gia, địa phương, doanh nghiệp và cộng đồng.

Hình thành hệ sinh thái du lịch thông minh

Phó Thủ tướng cho rằng chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, liên kết kinh tế đa tầng nấc đang tạo nên những không gian phát triển mới, nhưng cũng đặt ra thách thức lớn về cải cách bên trong để tương thích với các sân chơi và luật chơi mới, trên phạm vi mỗi quốc gia, khu vực và toàn cầu.

Không đứng ngoài xu thế đó, Việt Nam đang tập trung chuyển đổi số ở một số ngành, lĩnh vực có mức độ sẵn sàng cao, khả năng lan tỏa lớn, hiệu quả sâu rộng, và ngành du lịch là một ưu tiên hàng đầu với các nhóm giải pháp cụ thể.

Một là sự dẫn dắt của Chính phủ trong triển khai chiến lược phát triển kinh tế số và xã hội số quốc gia. Trong đó, ngành du lịch tập trung số hóa toàn bộ di sản văn hóa, danh thắng, khu du lịch, điểm đến…

Hai là thiết lập môi trường pháp lý đồng bộ cho chuyển đổi số và kinh tế số: Bảo mật, quy chuẩn, tiêu chuẩn về giao dịch số, chữ ký số, thanh toán điện tử, các dịch vụ công nghệ tài chính (fintech), sở hữu trí tuệ.

Ba là phát triển hạ tầng kết nối số an toàn, với tốc độ cao, theo thời gian thực.

Bốn là phát triển nguồn nhân lực số; khai thác ưu thế về người dùng internet, thiết bị di động để hình thành xã hội số.

Năm là thúc đẩy xúc tiến, quảng bá các sản phẩm dịch vụ du lịch; kết nối tài nguyên du lịch trong nước và quốc tế, trong đó du lịch ảo di trước một bước.

Phó Thủ tướng mong muốn tại diễn đàn, các nhà quản lý, doanh nghiệp, chuyên gia du lịch trong nước và quốc tế cùng nhau thảo luận về cơ chế hợp tác để thiết lập hệ thống kết nối số, phát triển các nội dung số, nền tảng đa phương tiện để hỗ trợ quảng bá, xúc tiến, liên kết trong hoạt động du lịch và khai mở các tiềm năng, thế mạnh du lịch riêng có, mở rộng thị trường. Mức độ tham gia của các doanh nghiệp số, cũng như các cơ hội, tác động từ chuyển đổi số trong ngành du lịch.

Các quốc gia cũng cần tăng cường hợp tác trong việc đào tạo nguồn nhân lực, thừa nhận lẫn nhau về tiêu chuẩn nghề, kỹ năng và văn bằng nhằm cho phép chuyển dịch việc làm của người lao động du lịch lành nghề.

"Nếu chúng ta cùng nhau tạo ra một nền tảng số thì sẽ mang lại sự kết nối và phát triển du lịch bền vững", Phó Thủ tướng bày tỏ và kêu gọi Chính phủ các nước tăng cường hợp tác liên kết trong phát triển các tour, tuyến du lịch, khai thác tiềm năng, lợi thế về danh thắng và văn hóa; tăng cường trao đổi kinh nghiệm trong chuyển đổi số; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp số hợp tác, hình thành nền tảng số kết nối các hệ sinh thái tài nguyên du lịch, quản trị, dịch vụ du lịch, cũng như giữa các quốc gia với nhau.

Phó Thủ tướng khẳng định, du lịch thông minh, du lịch số phải là một trong những động lực chính của nền kinh tế số. Chính phủ Việt Nam mong muốn và tin tưởng rằng du lịch sẽ thuộc nhóm ngành đi đầu về chuyển đổi số quốc gia, tạo sự phát triển mới và mang lại cảm hứng cho cả đất nước về chuyển đổi số.

Du lịch số là cơ sở, nền tảng tạo sức hút mạnh mẽ, quảng bá và xúc tiến cho du lịch trực tiếp, để du lịch Việt Nam, cũng như các quốc gia ngày càng có chỗ đứng quan trọng hơn, không thể thay thế trong lòng du khách toàn cầu.

Minh Khôi

...