18/01/2025 lúc 17:12 (GMT+7)
Breaking News

Hiệu quả từ việc thực hiện Chỉ thị số 40 của Ban Bí thư tại Văn Yên, Yên Bái

Văn Yên là huyện miền núi phía Bắc của tỉnh Yên Bái với 24 xã, 01 thị trấn, với 172 thôn, tổ dân phố; trong đó có 08 xã, 43 thôn đặc biệt khó khăn với tổng số 35.925 hộ dân thuộc 12 dân tộc anh em cùng sinh sống. Toàn huyện đã có 20/24 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, 05 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 02 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Thu nhập bình quân của người dân nông thôn đạt 62 triệu đồng/người, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều khu vực nông thôn chỉ còn 11,07%.

Trong kết quả chung đáng tự hào đó có phần trợ lực quan trong từ Chỉ thị  số 40 của Ban bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tín dụng chính sách xã hội đã và đang được triển khai ở huyện Văn Yên trong 10 năm qua.

Lãnh đạo huyện Văn Yên (Yên Bái) kiểm tra mô hình nuôi gà đặc sản hữu cơ từ nguồn vốn Ngân hàng CSXH huyện.

Đồng chí Luyện Hữu Chung - Bí thư huyện ủy Văn Yên cho biết: “Chỉ thị số ngày 22/11/2014 của Ban bí thư được đánh giá là một Chỉ thị quan trọng, thể hiện sự quan tâm của Đảng đối với một chính sách thiết yếu, một kênh tín dụng giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo, các đối tượng chính sách khác vươn lên trong cuộc sống. Vì vậy việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TƯ của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội đã được huyện Văn Yên đặc biệt quan tâm. Trên cơ sở các văn bản chỉ đạo, kế hoạch triển khai Chỉ thị 40 của Tỉnh ủy Yên Bái, Ban Thường vụ Huyện ủy đã quán triệt, phổ biến, tuyên truyền và triển khai thực hiện nội dung Chỉ thị, Kết luận đến các cấp ủy, tổ chức đảng, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội. Ngân hàng Chính sách xã hội đã phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và 4 tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác tuyên truyền tại cuộc họp giao ban của Điểm giao dịch xã, các buổi sinh hoạt định kỳ của tổ tiết kiệm và vay vốn, tại các cuộc họp chi bộ thôn, tổ dân phố, qua loa truyền thanh của địa phương. Ngoài ra Ban đại diện Hội đồng quản trị đã phát huy tốt vai trò tham mưu cho Huyện ủy, UBND huyện trong việc chỉ đạo, giám sát việc thực hiện tín dụng chính sách xã hội công khai, dân chủ, lồng ghép thực hiện chính sách tín dụng với các chương trình mục tiêu quốc gia và kế hoạch phát triển kinh tế xã hội tại địa phương; kịp thời tiếp nhận, giải quyết khó khăn, vướng mắc phát sinh; chủ động tham mưu trong việc bố trí ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội bổ sung nguồn vốn vay. Hằng năm thực hiện kiểm tra 100% các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác cấp dưới, các Tổ Tiết kiệm và vay vốn và các hộ vay vốn. Các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác cấp xã thực hiện kiểm tra việc sử dụng vốn vay của 100% các món vay mới trong vòng 30 ngày kể từ ngày Ngân hàng Chính sách xã hội giải ngân; kiểm tra sử dụng vốn vay của ít nhất 75% hộ vay đang còn dư nợ đối với đơn vị cấp xã thuộc vùng có điều kiện khó khăn; ít nhất 90% hộ vay đang còn dư nợ đối với đơn vị cấp xã không thuộc vùng có điều kiện khó khăn. Qua đó, đã nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp uỷ, chính quyền các cấp trong triển khai tín dụng chính sách xã hội. Các hộ vay vốn có ý thức, trách nhiệm hơn đối với khoản vay của mình và thực hiện đầy đủ quyền, nghĩa vụ khi vay vốn, sử dụng vốn đúng mục đích.”

Buổi giao dịch của Ngân hàng CSXH huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái.

Ngay sau khi ban hành các chương trình, kế hoạch triển khai Chỉ thị 40, Văn Yên đã chủ động, sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo đưa hoạt động tín dụng chính sách xã  hội thành nhiệm vụ thường xuyên, nhiệm vụ trọng tâm của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm với việc UBND huyện đều bố trí nguồn vốn uỷ thác cho vay từ ngân sách huyện chuyển sang để bổ sung nguồn vốn cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách. Cấp ủy, chính quyền cơ sở, tổ chức chính trị xã hội các cấp làm tốt công tác điều tra, rà soát, xác nhận đối tượng vay vốn các chương trình tín dụng chính sách theo kế hoạch, đồng thời công bố kết quả kịp thời để hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được thụ hưởng chính sách tín dụng ưu đãi của Chính phủ; đôn đốc việc lập danh sách đối tượng thụ hưởng một số chính sách hỗ trợ đặc thù giành cho hộ nghèo và đối tượng thụ hưởng chính sách hỗ trợ phát triển vùng dân tộc, miền núi theo các Nghị quyết của Quốc hội và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ đảm bảo những đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo đủ điều kiện đều  được đáp ứng nhu cầu vay vốn để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

Đặc biệt, để đảm bảo nguồn vốn cho vay được sử dụng đúng mục đích có hiệu quả, từ đó tăng thu nhập cho hộ vay vốn, giúp các hộ vay vốn có điều kiện thoát nghèo bền vững, cấp ủy, chính quyền địa phương cơ sở thường xuyên phối hợp lồng ghép có hiệu quả hoạt động tín dụng chính sách xã hội với các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, khuyến nông, khuyến công, khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư và hoạt động của các tổ chức chính trị - xã. Coi nguồn vốn tín dụng chính sách là một công cụ thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế địa phương, kế hoạch giảm nghèo và thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới. Gắn tín dụng chính sách với các phong trào làm kinh tế của hộ gia đình với việc thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, giúp người dân từng bước làm quen với sản xuất hàng hóa, từng bước nâng cao thu nhập từ đó thoát nghèo, vươn lên làm giàu, đời sống kinh tế, xã hội ở nông thôn từng bước được nâng lên.

Sau 10 năm kể từ khi triển khai Chỉ thị số 40 của Ban bí thư, tín dụng chính sách xã hội ở Văn Yên đã được áp dụng  một cách khoa học, phú hợp, sát thực, đi sâu vào thực tế cuộc sống, tạo nên tác động mạnh mẽ, tích cực đối với người dân. Hằng năm, bên cạnh việc tranh thủ tối đa nguồn vốn các chương trình tín dụng chính sách từ Trung ương giao. Ban Thường Huyện ủy đã chỉ đạo Ủy ban nhân dân huyện bố trí, ưu tiên cân đối ngân sách địa phương để bổ sung nguồn vốn cho vay đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn. Đến 30/4/2024 tổng nguồn vốn của ngân hành chính sách xã hội huyện đạt 801tỷ 352 triệu đồng, tăng 548.643 triệu đồng so với cuối năm 2014, tốc độ tăng trưởng bình quân 21,7%/năm. Trong đó, nguồn vốn nhận ủy thác từ ngân sách tại địa phương 18 tỷ 264 triệu đồng , chiếm tỷ trọng 2,28% tổng nguồn vốn và tăng 15.550 triệu đồng so với cuối năm 2014; Nguồn vốn do Ngân hàng Chính sách xã hội huyện huy động tại địa phương được Trung ương cấp bù lãi suất 84 tỷ 845 triệu đồng, chiếm tỷ trọng 10,58%/tổng nguồn vốn, tăng 77.358 triệu đồng so với năm 2014; Còn lại là nguồn vốn được cân đối chuyển về từ Trung ương. Điều này đã giải quyết kịp thời nhu cầu vay vốn của hộ nghèo và đối tượng chính sách khác; từng bước khắc phục tình trạng căng thẳng, bị động trong cân đối nguồn vốn cho vay của một số năm trước đây.

Lãnh đạo Phòng giao dịch NHCSXH huyện Văn Yên (Yên Bái) kiểm tra thực tế việc sử dụng vốn vay của hộ nghèo.

Ông Hoàng Ngọc Giang – Giám đốc chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Văn Yên khẳng định: “Vốn ưu đãi đã phủ đến 100% các thôn, bản trên địa bàn huyện, góp phần phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, giúp tạo thêm việc làm, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người nghèo và các đối tượng chính sách, đồng thời góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện Văn Yên.  Đến hết ngày 30/4/2024, các tổ chức chính trị - xã hội của huyện đang quản lý dư nợ nhận ủy thác từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện  là 799 tỷ 800 triệu đồng, chiếm 99,9% tổng dư nợ của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, với 367 tổ TK&VV đang hoạt động. Đã có 13.260, đoàn viên, hội viên đang được thụ hưởng các chương trình tín dụng chính sách. Trong đó,  Hội phụ nữ quản lý dư nợ là 268 tỷ 600 triệu đồng, với 4.487 hội viên đang vay vốn;  Hội nông dân quản lý  dư nợ là 198 tỷ 500 triệu đồng, với 3.297 hội viên đang vay vốn;  Hội cựu chiến binh quản lý dư nợ là 187 tỷ 400 triệu đồng, với 3.057 hội viên đang vay vốn; Đoàn thanh niên quản lý dư nợ là 145 tỷ 300 triệu đồng, với 2.419 đoàn viên đang vay vốn. Từ nguồn vốn được vay, 100% đoàn viên,  hội viên ở các tổ chức hội đã chủ động sử dụng  lồng ghép với các chương trình, dự án của các tổ chức chính trị - xã hội đang được triển khai trên địa bàn như phong trào làm kinh tế của hội viên, thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi…Đặc biệt là các chương trình, dự án phục vụ sản xuất theo chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP, mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị, mô hình liên kết. Điển hình như mô hình cơ sở chế biến các sản phẩm từ vỏ quế xã An Thịnh; mô hình chăn nuôi lợn, gà thương phẩm xã Yên Hợp, xã Mậu Đông, xã Đông An; Mô hình chăn nuôi lợn rừng bán công nghiệp tại xã An Bình; mô hình nuôi vịt xã Yên Hợp; mô hình chế biến gỗ rừng trồng xã Ngòi A; Mô hình kinh doanh sân bóng cỏ nhân tạo Thị trấn Mậu A; Mô hình chăn nuôi dê xã Tân Hợp… Nguồn vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội đã, đang và sẽ trở thành nguồn lực quan trọng trong công tác giảm nghèo, là “điểm tựa” cho nhiều gia đình ổn định kinh tế và thực hiện các tiêu chí thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện Văn Yên.”

Đặc biệt, từ năm 2023 đến nay, trên cơ sở Quyết định số 22 ngày 17/8/2023 của Thủ tướng chính phủ về chính sách tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Văn Yên đã chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan tuyên truyền, phổ biến rộng rãi chính sách tín dụng đến các cấp, các ngành và người dân. Nhanh chóng đưa chính sách tín dụng này đến với người đã chấp hành xong án phạt tù, tạo nguồn lực để họ vượt qua rào cản, tái hòa nhập cộng đồng, từng bước vươn lên trong cuộc sống. Phong giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Văn Yên đã và đang tập trung tổ chức cho vay đảm bảo nhanh chóng, kịp thời; chủ động phối hợp với cơ quan có liên quan nắm bắt thông tin; tiếp cận, hướng dẫn người chấp hành xong án phạt tù hoàn thiện hồ sơ vay vốn để cho vay; xử lý kịp thời những khó khăn, vướng mắc phát sinh. Đến thời điểm hiện tại, Phòng giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội huyện Văn Yên đã tiến hành giải ngân cho 08 người đã chấp hành xong án phạt tù ở các xã An Bình, Xuân Ái, Đông An, Ngòi A, An Thịnh, Châu Quế Hạ với số tiền 735 triệu đồng, thời hạn cho vay của mối trường hợp là 10 năm. Sau khi được vay vốn, với sự hỗ trợ, quản lý, giúp đỡ các trường hợp này đã sử dụng nguồn vốn đúng mục đích và đạt hiệu quả, đầu tư trồng và chăm sóc quế 30 ha. Đây là một trong những chính sách nhân đạo của Nhà nước, nhằm tạo điều kiện cho người đã từng lầm lỗi sau khi chấp hành phạt tù trở về địa phương có điều kiện ổn định phát triển cuộc sống, làm giàu cho gia đình và quê hương đất nước.

Thực tế cho thấy, từ việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, 17 Chương trình tín dụng chính sách ưu đãi đến với các hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn đã giúp người dân có thêm nguồn vốn đầu tư vào kinh doanh hàng hoá, dịch vụ; phát triển cây lâm nghiệp có giá trị cao kinh tế cao. Cụ thể là đã trồng được 18.519 ha quế, 1.605 ha bồ đề, keo; hình thành 3.122.dự án chăn nuôi gia súc, 320 mô hình chăn nuôi gà quy mô 2.320 con; giúp 2.147.học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được theo học các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, tạo việc làm cho 4.745 lượt lao động, xây dựng được 18.253 công trình nước sạch và công trình vệ sinh môi trường, hỗ trợ cho vay xây dựng 1.561 nhà ở cho hộ nghèo theo Quyết định 167, Quyết định 33 của Thủ tướng Chính phủ; Làm điểm tựa giúp 15.784 hộ thoát khỏi ngưỡng nghèo.

Với trọng trách đồng hành cùng người nghèo, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Văn Yên đã  luôn làm tốt vai trò cầu nối đưa các chính sách tin dụng của Đảng, Nhà nước đến với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và đối tượng chính sách khác  để họ có điều kiện phát triển sản xuất, tạo việc làm, cải thiện điều kiện sống, vươn lên thoát nghèo. Những tín dụng chính sách ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội đã, đang và sẽ trở thành nguồn lực quan trọng trong công tác giảm nghèo, là “điểm tựa” cho nhiều gia đình ổn định kinh tế. Góp phần đặc lực  thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, cùng với Cấp ủy Đảng, chính quyền huyện Văn Yên xây dựng thành công huyện nông thôn mới vào cuối năm 2024, sớm hơn 1 năm so với Nghị quyết đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XVI đã đề ra./.

Đoàn Tuấn - Thu Nhài