17/01/2025 lúc 12:54 (GMT+7)
Breaking News

Hiệu quả Mô hình nuôi cá nước ngọt trên ruộng lúa

Nhằm tăng thu nhập trên cùng một thửa ruộng, nhiều năm nay ông Nguyễn Văn Sanh, xã Dur Kmăl (huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk) đã áp dụng mô hình nuôi cá nước ngọt trên ruộng lúa mang lại lợi ích kinh tế cao.

Nhằm tăng thu nhập trên cùng một thửa ruộng, nhiều năm nay ông Nguyễn Văn Sanh, xã Dur Kmăl (huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk) đã áp dụng mô hình nuôi cá nước ngọt trên ruộng lúa mang lại lợi ích kinh tế cao.

Gia đình ông Nguyễn Văn Sanh có 6 ha đất trồng lúa nước 2 vụ, do chân ruộng ở vùng trũng, mùa mưa thường ngập lụt, mùa khô hạn hán nên hiệu quả canh tác không cao. Năm 2006 ông Sanh nảy sinh ý tưởng dùng 2 ha ruộng trũng để bơm nước sông vào trữ nước phục vụ sản xuất trong mùa khô, đồng thời nuôi cá tăng thêm thu nhập cho gia đình. Với ý nghĩ đó, vào đầu tháng 4 hàng năm, sau khi kết thúc vụ đông xuân, ông đã tiến hành thả 3 tấn cá giống các loại: trắm, chép, mè, trôi, bống, lóc, rô phi… vào chân ruộng để nuôi.

Ông Nguyễn Văn Sanh phấn khởi trong mùa thu hoạch cá

Ông Nguyễn Văn Sanh cho biết, cách nuôi cá trên chân ruộng của ông rất đơn giản, không phải đầu tư thức ăn và cho cá ăn mỗi ngày. Những tháng làm lúa thì cắt cỏ cho cá ăn, tận dụng lượng thức ăn từ phù sa trên đồi, phù du từ lá cây của cánh rừng nguyên sinh, phân bò, cỏ trôi xuống… Sau khi thu hoạch tháo nước cho cá ra ăn rơm rạ rơi vãi trên đồng ruộng. Được nuôi bằng nguồn nước tự nhiên và thức ăn tự nhiên nên cá rất béo và sạch, không có tồn dư thuốc bảo vệ thực vật và phân hóa học, rất an toàn. Con nào cũng to, khỏe thịt rất thơm ngon, có những con cá mè nặng 18 kg/1con, cá chép nặng 3 kg/con, cá trắm từ 5 đến 8 kg/con, cá lăng đuôi đỏ cũng từ 3 đến 9 kg/con. Đến vụ thu hoạch, thương lái đến tận chân ruộng thu mua nên đầu ra tương đối ổn định.

Thời gian nuôi cá bắt đầu từ tháng 4 và đến tháng 11 thu hoạch. Mỗi năm gia đình ông thu hoạch 1 lứa, mỗi lứa thu từ 8 đến 10 tấn; cá ông bán ra với giá bình quân 45.000 đ/kg, mỗi vụ thu được 400 đến 450 triệu đồng, sau khi trừ chi phí các loại còn lời 300 triệu đồng.

Theo ông Sanh, mô hình nuôi cá nước ngọt trên ruộng lúa là phương thức hỗ trợ nhau cùng phát triển. Cá ăn sâu bọ hại lúa, sục bùn, diệt cỏ dại và thải phân làm tốt lúa. Những lần bón phân cho lúa sẽ góp phần bổ sung thức ăn cho cá. Bên cạnh đó, trong quá trình nuôi, cá để lại một lớp phân hữu cơ giàu dinh dưỡng, giúp vụ lúa tiếp theo giảm chi phí về phân bón. Mô hình nuôi cá trong ruộng trũng còn diệt được phần nào mầm mống sâu bệnh cho lúa ở những vụ sau.

Năng suất cá đạt tỷ lệ cao

Ông Nguyễn Đức Thuận, Chủ tịch Hội Nông dân xã Dur Kmăl cho biết, cánh đồng thôn Buôn Triết có nhiều diện tích ở vùng trũng, mùa khô bị hạn hán thường bỏ hoang không canh tác được. Hộ ông Nguyễn Văn sanh đã biết sáng tạo ra việc bơm nước sông vào trữ nước sản xuất mùa khô, đồng thời thả cá nuôi trên chân ruộng lúa để tăng thêm thu nhập cho gia đình và đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Hội Nông dân xã cũng đã nhiều lần đưa hội viên đến tham quan học tập. Sau khi tham quan về một số hộ dân ở thôn Buôn Triết cũng đã áp dụng làm theo.  Có thể nói đây là cách làm hay, không chỉ giúp các hộ nông dân tăng thu nhập cho gia đình mà còn hạn chế được thuốc hóa học vào đồng ruộng và cải thiện môi trường sinh thái.