17/11/2024 lúc 17:27 (GMT+7)
Breaking News

Hiện tượng tôn giáo mới và những vấn đề đặt ra cho công tác tôn giáo ở Việt Nam hiện nay

Sự xuất hiện của những hiện tượng tôn giáo mới là một trong những hiện tượng tương đối phổ biến trong đời sống tôn giáo tín ngưỡng ở Việt Nam hiện nay.

Đây là một tất yếu khách quan trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế. Bên cạnh những ảnh hưởng tiêu cực, hiện tượng tôn giáo mới cũng có những mặt tích cực nhất định, phần nào đáp ứng được nhu cầu tinh thần của một bộ phận quần chúng nhân dân. Tuy nhiên, cho đến nay, về phương diện chính sách tôn giáo, các cơ quan quản lý tôn giáo vẫn lúng túng trước các hiện tượng này. Do đó, việc nghiên cứu về các hiện tượng tôn giáo mới ở Việt Nam hiện nay sẽ góp phần cung cấp cơ sở lý luận và thực tiễn để các cơ quan quản lý tôn giáo có những chính sách phù hợp, đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo của nhân dân, đồng thời, chống lại âm mưu lợi dụng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo để xâm phạm an ninh chính trị, trật tự an toan xã hội, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, chống phá nhà nước CHXHCN Việt Nam. 

Ảnh minh họa - Internet

1. Hiện tượng tôn giáo mới

Hiện tượng tôn giáo mới (HTTGM) hay “tôn giáo mới” là thuật ngữ dùng để chỉ những tôn giáo hay tổ chức mang tính tôn giáo xuất hiện sau các tôn giáo truyền thống chính thống. Từ “mới” ở đây chủ yếu là để xác định về mặt thời gian xuất hiện một hiện tượng tôn giáo nào đó, không mang hàm ý đánh giá tốt hay xấu. Do đó, những HTTGM còn được gọi là “đạo lạ”, “đạo mới”.

HTTGM thường có quy mô nhỏ, tổ chức phức tạp, tách ra hay nảy sinh từ tôn giáo chính thống hoặc tôn giáo, tín ngưỡng truyền thống và có quan hệ về mặt tư tưởng với tôn giáo, tín ngưỡng đó. Trong cơ cấu tổ chức, nội dung hoạt động, bản chất của HTTGM có một số đặc điểm mới, cho dù nó có nguồn gốc từ một tôn giáo chính thống, rõ ràng. Những người lập ra HTTGM này thường tự cho mình có “thiên tính”, có trách nhiệm với “thần linh” được “thế lực siêu nhiên” nào đó trao nhiệm vụ đứng ra lập “đạo”. Các “đạo” này có tín điều riêng nhưng thường nhào nặn, lắp ghép từ các giáo lý, giáo luật, lễ nghi sinh hoạt tôn giáo chính thống, tín ngưỡng truyền thống và được cải biên gắn với một số yếu tố đời sống tín ngưỡng của xã hội thực tại. Những HTTGM này thường có những hoạt động sinh hoạt tín ngưỡng mang tính “mê tín dị đoan” nhưng chưa có yếu tố cực đoan, chính trị như “tà đạo”. Nhưng cũng có HTTGM tiếp thu học tập tôn giáo, tín ngưỡng gốc để cùng tồn tại và phát triển. Vì vậy, nếu cho rằng tất cả các HTTGM đều là “tà giáo” hoặc coi HTTGM và “tà giáo” không có liên quan gì thì đều không thỏa đáng.

Bên cạnh đó, các HTTGM còn được gọi là “tạp đạo” hay “tạp giáo” do các lý do: Có những HTTGM có biểu hiện phức tạp và đa dạng, như: tự xem tổ chức của mình là một tôn giáo, là “đạo” nhưng vượt xa giáo lý, giáo luật của các tôn giáo chính thống, hoặc đơn giản đến mức tầm thường hóa các tôn giáo đó. Ở khía cạnh này thì chúng gần giống khái niệm “tôn giáo lờ mờ” của phương Tây, hoặc “tôn giáo hỗn tạp” của Trung Quốc; Bản thân HTTGM tự nhận là một tôn giáo nhưng cũng chưa phải là tôn giáo, vì thiếu các yếu tố cấu thành tôn giáo; Các HTTGM rất đa dạng, có loại tiêu cực, cực đoan, có loại bi quan, hoặc kích động bạo lực; có loại tích cực hoặc đan xen cả tích cực và tiêu cực...Do đó, có thể hiểu “tạp đạo” hay “tạp giáo” là biểu hiện của HTTGM, chúng đang trong quá trình vận động mà chưa hình thành đầy đủ các yếu tố cấu thành tôn giáo, cho nên về xu hướng, có thể một số tổ chức này sẽ phát triển thành tôn giáo, hoặc ngược lại sẽ biến mất do thiếu những yếu tố của một tôn giáo.

Tóm lại, chúng ta có thể hiểu, “Hiện tượng tôn giáo mới là những hiện tượng có tính tôn giáo, mới xuất hiện trong những năm gần đây nhằm tập hợp một số người xung quanh một nhân vật tự xưng là “Đấng tiên tri”, hoá thân của thần linh, siêu nhân có những quyền năng phi thường đứng ra lập đạo; có giáo lý riêng được nhào nặn, lắp ghép từ nhiều nguồn sơ sài; có tổ chức riêng nhưng lỏng lẻo; có nghi lễ riêng hay cách thức thực hành nghi lễ nhưng ở mức độ là những hiện tượng có tính tôn giáo, chưa thể hiện với tư cách là một tôn giáo”[1]. Các HTTGM này có các đặc điểm như sau: Chúng là những hiện tượng có tính tôn giáo; Chúng mới xuất hiện từ những năm 1960 đến nay; Chúng có giáo chủ tự xưng là Đấng tiên tri; Chúng có tổ chức lỏng lẻo; Giáo lý, lễ nghi của chúng khá đơn giản, chưa hệ thống và hoàn chỉnh như tôn giáo truyền thống; Đa số chúng hàm chứa yếu tố mê tín, một số mang mầu sắc chính trị.

2. Sự hình thành của HTTGM ở Việt Nam

Ở Việt Nam, từ giữa thập niên 80 của thế kỷ XX, nước ta lâm vào tình trạng khủng hoảng kinh tế - xã hội sâu sắc, đã tác động mạnh mẽ đến đời sống xã hội dẫn tới sự xuất hiện hàng loạt các HTTGM, nhất là ở khu vực đồng bằng Bắc Bộ. Giai đoạn này có thể kể đến các HTTGM như: Vàng Chứ ở các tỉnh miền núi phía Bắc, đạo Long Hoa Di Lặc tại Sóc Sơn, Hà Nội, tà đạo Dương Văn Mình, Thìn Hùng ở các tỉnh Tuyên Quang, Hà Giang…Đến thập niên 90 của thế kỷ XX được xem là thời kỳ nở rộ các HTTGM ở nước ta với hơn 50 hiện tượng tôn giáo mới xuất hiện: đạo Chân Không tại Hà Tĩnh, Ngọc Phật Hồ Chí Minh ở Hải Phòng, Đạo Cửa Thiên Đình ở Thái Nguyên, Tiên Thiên, đạo Con Hiền[2]…Từ năm 2000 đến nay, các HTTGM ít xuất hiện hơn, các HTTGM đã xuất hiện tập trung vào củng cố, mở rộng địa bàn hoạt động. Theo thống kê của các nhà quản lý, nước ta hiện nay có khoảng trên 80 hiện tượng tôn giáo mới, trong đó có cả các tổ chức du nhập từ nước ngoài như: Thanh Hải Vô Thượng Sư, Pháp Môn Diệu Âm và Tam Tổ Thánh Hiền từ Đài Loan, Nhất Quán đạo từ Nhật Bản, Pháp Luân Công từ Trung Quốc...

Từ thực tế có thể thấy, các HTTGM ở nước ta rất đa dạng về nguồn gốc, bao gồm cả nội sinh và ngoại nhập với khoảng 80% hiện tượng phát sinh trong nước, 20% từ nước ngoài du nhập vào[3]. Trong đó, các HTTGM này chủ yếu dựa vào hoặc vay mượn những yếu tố của Phật giáo, Công giáo, Tin lành hoặc vay mượn tín ngưỡng dân gian...Địa bàn xuất hiện tập trung chủ yếu ở khu vực miền Bắc (bao gồm vùng đồng bằng và Trung du Bắc bộ), Tây Nguyên, các tỉnh miền núi phía Bắc.

Người tin theo HTTGM khá đa dạng và phức tạp, thuộc nhiều thành phần, như: trí thức, văn nghệ sĩ, buôn bán nhỏ, cán bộ, công chức, viên chức đã về hưu…nhưng đông nhất vẫn là nông dân, công nhân, tiểu thương, lao động tự do. Họ thường là những người có hoàn cảnh gia đình éo le, khó khăn về kinh tế, bệnh tật, hoạn nạn, ít may mắn trong cuộc sống hoặc có những phản ứng, bất mãn trong đời sống trần tục. Có những người tin theo đã từng là tín đồ của các tôn giáo chính thống như: Tin Lành, Công giáo, Phật giáo... Tương tự như người đứng đầu, người tin theo các HTTGM hiện nay đa phần là phụ nữ trung niên và cao niên, tỷ lệ nữ giới tin theo thường cao hơn nam giới, hầu hết thuộc nhóm trình độ học vấn trung bình và thấp, thậm chí một bộ phận nhỏ không biết chữ[4], trong đó không ít người bị giáo chủ lợi dụng về kinh tế và tình cảm.

HTTGM còn xuất hiện ở các khu vực miền núi Tây Nguyên, Tây Bắc nên bộ phận tín đồ người dân tộc chiếm một tỉ lệ đáng kể. Đại bộ phận tín đồ người dân tộc sinh sống ở vùng sâu, vùng xa, đời sống kinh tế khó khăn, trình độ dân trí thấp, nhận thức xã hội hạn chế, nhưng họ lại có niềm tin khá vững chắc vào tôn giáo đã chọn. Chính vì vậy, các thế lực xấu thường lợi dụng tâm lý đó để lôi kéo họ tham gia vào các hoạt động chính trị phản động.

Có sự khác nhau nhất định giữa tín đồ của các HTTGM từ ngoài nước và tín đồ của các HTTGM trong nước. Nhìn chung, tín đồ các HTTGM có nguồn gốc nước ngoài chủ yếu là tầng lớp thị dân, trí thức, học sinh, sinh viên, công chức, viên chức, người có địa vị xã hội, giới trung và thượng lưu. Ngược lại, tín đồ các HTTGM trong nước phần lớn là những người có hoàn cảnh éo le, bệnh tật, đời sống khó khăn, trình độ học vấn thấp, nhận thức xã hội hạn chế, ít có cơ hội giao lưu, hội nhập với xã hội hiện đại.

3. Ảnh hưởng của HTTGM đến đời sống kinh tế, xã hội Việt Nam

Cũng giống như các tôn giáo truyền thống, các hiện tượng tôn giáo mới cũng tác động nhiều mặt của đời sống xã hội và chúng có cả mặt tích cực và tiêu cực.

Trước hết, các hiện tượng tôn giáo mới góp phần đáp ứng nhu cầu tâm linh tinh thần của một bộ phận nhỏ nhân dân trong xã hội, hướng về cái tốt lành, mong ước, thiện tâm theo lý tưởng của các tôn giáo ấy. Trong những chừng mực nhất định nó góp phần hướng về nguồn cội, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, trân trọng những tấm gương sáng, liêm khiết, nhiệt tâm của các anh hùng dân tộc của các lãnh tụ đã hy sinh vì lợi ích chân chính của nhân dân và giải tỏa những bức xúc trong đời sống thế tục. Một số HTTGM có những nội dung sinh hoạt gắn với bảo tồn di tích lịch sử, văn hóa; trân trọng những người có công với đất nước và dân tộc.

Có những hiện tượng tôn giáo mới còn gắn với tập luyện thể thao, yoga giúp cho việc rèn luyên sức khỏe, chỉ trích các thói hư tật xấu và sự xuống cấp về đạo đức xã hội, phê bình thói hư tật xấu của các chức sắc tôn giáo lớn ở nước ta hiện nay, bài trừ những hoạt động mê tín trong đời sống tôn giáo... Những nội dung này ở một chừng mực nào đó có thể được coi là sự phản biện xã hội.

Ngoài ra, một vài HTTGM hiện nay còn có những hoạt động thiết thực đóng góp cho xã hội những lợi ích cụ thể như tham gia vào các hoạt động từ thiện xã hội ở địa phương như đóng góp quỹ xóa đói giảm nghèo, hỗ trợ đồng bào bị lũ lụt, nạn nhân chất chất độc màu da cam. Ngoài ra, họ còn đóng góp công sức, tiền của cho việc trùng tu, tôn tạo nhiều di tích lịch sử văn hoá, cơ sở thờ tự tôn giáo ở nhiều tỉnh thành.

Tuy nhiên, bên cạnh những điểm tích cực hiếm hoi đó, các HTTGM trong thời gian vừa qua đã có gây ra nhiều tác động tiêu cực đến đời sống kinh tế, chính trị xã hội của Việt Nam.

Trước hết, đa phần các HTTGM đều sinh hoạt tín ngưỡng không rõ ràng, mang tính “mê tín dị đoan”; nội dung và hoạt động gây ra nhiều tác động xấu cho đời sống văn hóa, tinh thần của xã hội. Nội dung giáo lý, hình thức tu luyện phản khoa học, phản văn hóa, đi ngược với phong tục tập quán của dân tộc, là tác nhân gây ra sự đổ vỡ của nhiều gia đình, gây mất trật tự an ninh xã hội. Không ít người sau khi theo HTTGM thì bỏ bê công việc, hằng ngày tập trung thực hiện nghi lễ, cầu kinh sám hối, bỏ thờ cúng tổ tiên...làm tình cảm gia đình, dòng tộc sứt mẻ. Chẳng hạn, tín đồ Thanh Hải Vô Thượng Sư, hằng ngày cài cửa ngồi thiền 2 - 3 giờ, sống cách xa họ hàng, không ăn, uống chung...với gia đình; hoặc Đạo Vàng Chứ, đạo Dương Văn Mình yêu cầu xóa bỏ thờ cúng tổ tiên...Các hiện tượng này sẽ làm cho sự cố kết cộng đồng, vốn là một truyền thống tốt đẹp của dân tộc trước nguy cơ bị phá vỡ, tạo mâu thuẫn trong nội bộ, gây nhiều vấn đề bức xúc về tâm lý xã hội. Một số HTTGM đã không ngừng công kích các tín ngưỡng truyền thống và tôn giáo hợp pháp, đánh đồng các hoạt động “mê tín dị đoan” bất hợp pháp với sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo thuần túy theo qui định của pháp luật.

Tiếp nữa, đa số HTTGM hiện nay nhấn mạnh đến hình thức sinh hoạt đơn giản, tiết kiệm, phù hợp với nhóm yếu thế trong xã hội. Nhưng thực tế, các HTTGM này lại chỉ là công cụ để những kẻ đứng đầu lợi dụng kiếm tiền từ những người tin theo. Có không ít các HTTGM lợi dụng niềm tin mù quáng của tín đồ, thực hành các nghi lễ mê tín dị đoan, mang màu sắc hoang đường để lừa gạt tín đồ mua thuốc chữa bệnh, bỏ tiền cầu cúng, giải hạn, thậm chí chữa bệnh hiểm nghèo bằng nước thánh, không cần đến bệnh viện, thuốc men...Nhiều tín đồ do niềm tin mù quáng nên đã mất cả tiền, thậm chí mất cả tính mạng.

Đặc biệt, trong những năm gần đây, hoạt động của một vài HTTGM đã thể hiện rõ nét xu hướng chính trị hóa như đạo Hà Mòn ở khu vực Tây Nguyên, Thanh Hải Vô Thượng Sư, Dương Văn Mình ở Miền Bắc...Xu hướng chính trị hóa của các HTTGM trong thời gian qua đã gây mất ổn định an ninh chính trị, trật tự xã hội, gây chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc. Sự chống phá trật tự an ninh, chính trị xã hội của một số HTTGM thông qua các hoạt động như: Tuyên truyền những luận điệu chống phá, phê phán xã hội thực tại, sáng tác thơ ca, hò vè có nội dung xuyên tạc các vấn đề quan hệ quốc tế, nói xấu lãnh tụ và chế độ ta, thậm chí bóp méo, xuyên tạc lịch sử của dân tộc gây ảnh hưởng tiêu cực tới an ninh chính trị trên địa bàn và đất nước.

Có HTTGM lồng yếu tố chính trị vào hoạt động sinh hoạt tôn giáo, xuyên tạc chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước ta, có mối quan hệ và nhận sự chỉ đạo, hỗ trợ về vật chất của các thế lực thù địch ở trong và ngoài nước để hoạt động chính trị chống phá đất nước. Mục đích cuối cùng của các nhóm này là tạo sức ép lên các cấp chính quyền để đòi thành lập quốc gia ly khai tự trị.

4. Những vấn đề đặt ra cho công tác quản lý HTTGM ở Việt Nam hiện nay

Dưới góc độ quản lý nhà nước, chúng ta có thể khẳng định: bất cứ một tổ chức tôn giáo nào muốn tồn tại, phát triển ở một quốc gia thì phải được nhà nước cầm quyền thừa nhận dựa trên những tiêu chí phù hợp với lịch sử, văn hóa, đạo đức, truyền thống và điều kiện KT-CT-XH của quốc gia đó. Việt Nam là quốc gia đa tôn giáo, quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta là các tôn giáo, tín ngưỡng hợp pháp được Nhà nước tôn trọng, bảo hộ bằng pháp luật. Hiện nay nước ta chưa có văn bản riêng và chính thức thể hiện quan điểm, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước ta về HTTGM, nhưng qua một số văn bản liên quan thì nội dung này bước đầu được thể hiện như sau:

Thông báo Kết luận số 145-TB/TW, ngày 15/6/1998 của Bộ Chính trị về tăng cường lãnh đạo công tác tôn giáo trong tình hình mới đã viết: 1) Nhà nước xem xét cho phép giáo hội hoặc hệ phái tôn giáo hoạt động với điều kiện: tổ chức tôn giáo ấy có đường hướng hành đạo gắn bó với dân tộc; có tôn chỉ mục đích và điều lệ phù hợp với pháp luật, có tổ chức bộ máy hành đạo và nhân sự chủ chốt đáp ứng yêu cầu nói trên. 2) Tôn trọng các hình thức thờ cúng, tín ngưỡng dân gian phù hợp với truyền thống văn hóa của dân tộc và nếp sống mới lành mạnh, tiến bộ của nhân dân. Bài trừ mê tín dị đoan. 3) Ngăn chặn các hình thức tín ngưỡng, tôn giáo mới phát sinh hoặc du nhập trái với đạo lý, truyền thống và phong tục tốt đẹp của dân tộc. Xử lý nghiêm những người có hành vi truyền đạo trái phép. Nghiêm cấm việc tổ chức, thành lập hoặc du nhập các hình thức tín ngưỡng, tôn giáo có tính chất phản động.

Trong Nghị quyết số 25-NQ/TW tại Hội nghị lần thứ bảy của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa IX), ngày 12/3/2003 về công tác tôn giáo, ghi rõ: Nghiêm cấm sự phân biệt đối xử với công dân vì lý do tín ngưỡng tôn giáo. Đồng thời, nghiêm cấm lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để hoạt động mê tín dị đoan, hoạt động trái pháp luật và chính sách của Nhà nước, kích động chia rẽ nhân dân, chia rẽ dân tộc, gây rối, xâm phạm an ninh quốc gia không được lợi dụng tôn giáo tuyên truyền tà đạo, hoạt động mê tín dị đoan, không được ép buộc người dân theo đạo. Nghiêm cấm các tổ chức tuyên truyền đạo, người truyền đạo và cách thức truyền đạo trái phép, vi phạm các quy định của Hiến pháp và pháp luật.

Quán triệt quan điểm, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước như ở trên, trong thời gian qua các cơ quan chức năng ở địa phương chủ yếu tiến hành những biện pháp kết hợp giữa quản lý hành chính gắn với tuyên truyền, thuyết phục, vận động nhân dân thực hiện tín ngưỡng đúng quy định pháp luật.... Những hoạt động này đã thu được nhiều kết quả đáng khích lệ, như: hạn chế sự phát triển của nhiều HTTGM; giải tán được một số HTTGM có nội dung và hoạt động thiếu lành mạnh, trái pháp luật; xử lý hành chính, xét xử theo pháp luật các đối tượng lợi dụng tôn giáo, tín ngưỡng để gây rồi xã hội và kiếm lời bất chính; tịch thu nhiều tài liệu bất hợp pháp liên quan đến các HTTGM;... Qua đó góp phần hạn chế sự phát triển và tác động tiêu cực của chúng.

Tuy nhiên, công tác quản lý nhà nước đối với các HTTGM vẫn tồn tại các bất cập sau:

Thứ nhất, về mặt khoa học: Cho đến nay, từ giới khoa học cho đến các cơ quan quản lý nhà nước về tôn giáo chưa đưa ra được một khái niệm thống nhất về HTTGM. Điều này sẽ tạo ra sự lúng túng trong nhận diện các đặc điểm của HTTGM, tạo ra sự lầm lẫn giữa khái niệm HTTGM nói chung với khái niệm tà đạo nói riêng. Từ đó, làm cho các cơ quan quản lý gặp không ít khó khăn cả trong nhận thức và cả trong thực tiễn ứng xử với chúng. Chính vì vậy, việc làm rõ nội hàm và ngoại diên của khái niệm HTTGM là hết sức cần thiết.

Thứ hai, sự xuất hiện các HTTGM ở nước ta cũng như trên thế giới là một xu thế khách quan trong điều kiện mở cửa và hội nhập quốc tế rộng rãi hiện nay. Các HTTGM không thể nằm ngoài đời sống xã hội chúng ta hiện nay, nó làm thay đổi diện mạo đời sống tôn giáo, làm thay đổi cấu trúc, loại hình tôn giáo ở nước ta và buộc nhà nước phải thừa nhận như là một thực thể xã hội phải đối diện, nó đã và đang đặt ra những thách thức về chính sách tôn giáo nói chung, chính sách tự do tín ngưỡng tôn giáo nói riêng và pháp luật của nước ta, điều này buộc các cơ quan nghiên cứu, các nhà quản lý phải tính đến.

Thứ ba, xu hướng chính trị hóa của các HTTGM thực sự đang là những thách thức đối với Đảng và Nhà nước. Hoạt động của một số HTTGM đã động chạm đến những vấn đề về quan hệ quốc tế, bôi nhọ lãnh tụ Đảng và Nhà nước ta, thậm chí có liên hệ với các thế lực phản động, thù địch trong và ngoài nước, đã gây ra những những vụ việc gây rối trật tự trị an, nói xấu chế độ, hạ thấp uy tín của Đảng, Nhà nước ta, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc. Tuy nhiên, nhận thức của các cấp, các ngành, các cơ quan quản lý và chính quyền của các địa phương chưa thấy hết được sự nguy hại, mức độ ảnh hưởng và hậu quả của nó đối với đời sống xã hội.

Để công tác quản lý nhà nước về các HTTGM đạt hiệu quả cao hơn nữa, chúng ta cần thực hiện các biện pháp sau:

Một là, về mặt khoa học, cần phải đi đến một sự thống nhất trong nhận thức về HTTGM, tức là đưa ra được khái niệm về HTTGM và các đặc trưng của nó để làm cơ sở nhận thức giải quyết các vấn đề thực tiễn. Cần có sự nghiên cứu bài bản, quy củ từ góc độ xã hội học về HTTGM để có được những số liệu thống kê khách quan, đầy đủ trong cả nước cũng như ở từng địa phương. Trên cơ sở đó mà phân loại, đánh giá và có phương pháp quản lý phù hợp.

Hai là, Nhận thức và ứng xử với HTTGM ở nước ta hiện nay cần phải đặt trong mối quan hệ với hiện tượng tôn giáo mới đang diễn ra trên thế giới. Phải thấy đây là một xu hướng không tránh khỏi trong điều kiện toàn cầu hóa, mở cửa, hội nhập và của xu hướng cá thể hóa tôn giáo đang diễn ra trong những thập niên gần đây. Điều này sẽ giúp chúng ta chủ động và kịp thời ứng phó, không rơi vào bị động.

Ba là, Về chính sách và pháp luật: Cần xây dựng hệ thống pháp luật với những quy định cụ thể và thống nhất trong toàn quốc về các HTTGM để tạo ra một “hành lang pháp lý” phục vụ công tác quản lý, đấu tranh với các HTTGM hoạt động lợi dụng tôn giáo, tín ngưỡng.

Bốn là, Về công tác quản lý. Cùng với các cấp chính quyền, cần có sự tham gia tích cực và hiệu quả hơn của các tổ chức chính trị xã hội ở địa phương, mà trước hết là Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam , Đoàn thanh niên CSHCM... bởi những người tham gia trong các HTTGM phần lớn là những người dân nghèo và phụ nữ. Thường xuyên đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động quần chúng tham gia phong trào toàn dân bảo vệ An ninh Tổ quốc.

Năm là, Đảng, Nhà nước cần quan tâm chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành, từ Trung ương đến địa phương thực hiện tốt, có hiệu quả các Chương trình an sinh xã hội. Tăng cường phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho quần chúng nhân dân. Xây dựng nếp sống văn hóa lành mạnh, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, xây dựng môi trường tôn giáo, tín ngưỡng lành mạnh.

Kết luận: Cùng với nhiều loại hình tôn giáo, tín ngưỡng truyền thống, ở Việt Nam hiện nay có nhiều HTTGM. Những HTTGM này có vai trò nhất định đối với một bộ phận người dân, nó đáp ứng nhu cầu tâm linh, giải tỏa đời sống tinh thần thậm chí là nhu cầu cấp thiết về vật chất của họ khi thực tế đời sống còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, ở nhiều nơi sự phát triển các HTTGM lại làm phức tạp tình hình an ninh trật tự xã hội trên địa bàn, gây nên tâm lý hoang mang, lo sợ trong cộng đồng, xáo trộn đời sống nhân dân, tiềm ẩn nhân tố gây bất ổn xã hội.

Vì vậy, trong thời gian tới cần thực hiện đồng bộ các giải pháp để giải quyết hiệu quả vấn đề HTTGM, một mặt, đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo của nhân dân, đồng thời đấu tranh, ngăn chặn, làm thất bại các âm mưu của các thế lực thù địch lợi dụng chính sách tự do tôn giáo của Đảng và Nhà nước để chống phá nhà nước CHXHCN Việt Nam.

TS Hoàng Văn Thảo - Khoa Chính trị 

Đại học Văn hóa

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Ban Dân vận Trung ương, Hỏi đáp một số vấn đề về đạo lạ ở nước ta hiện nay, Nxb Tôn giáo, HN 2007.
  2. TS Ngô Hữu Thảo-Đào Văn Bình, Đạo lạ ở Hà Nội hiện nay và những vấn đề đặt ra, Nxb Lý luận Chính trị, HN 2014.
  3. Lê Tâm Đắc, Nguyễn Thị Minh Ngọc đồng chủ nhiệm (2014), Một số hiện tượng tôn giáo mới ở Miền Bắc từ sau Đổi mới đến nay, Đề tài cấp Bộ, Viện Nghiên cứu Tôn giáo, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.
  4. Đỗ Quang Hưng (2001), "Hiện tượng tôn giáo mới: mấy vấn đề lý luận và thực tiễn", Nghiên cứu Tôn giáo, số 5.
  5. Trung tâm Nghiên cứu Tôn giáo, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh (2014), Chủ nghĩa hậu hiện đại và phong trào tôn giáo mới ở Việt Nam và thế giới, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.
  6. Võ Minh Tuấn (1996), "Những hiện tượng tôn giáo mới ở Việt Nam", trong: Đặng Nghiêm Vạn chủ biên, Về tôn giáo tín ngưỡng Việt Nam hiện nay, Khoa học xã hội.
  7. Nguyễn Quốc Tuấn, "Về hiện tượng tôn giáo mới", Nghiên cứu Tôn giáo, số 12/2011 và số 1/2012.

[1] Xem: Giáo trình Cao học tôn giáo, Viện Nghiên cứu tôn giáo, tín ngưỡng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh (2014), Hiện tượng tôn giáo mới, Trang 1317-1318

[2]Ban Dân vận Trung ương: Hỏi đáp một số vấn đề về đạo lạ ở nước ta hiện nay, Nxb Tôn giáo. Hà Nội 2007, tr.32.

[3] Nguyễn Phú Lợi: Nhận diện hiện tượng tôn giáo mới ở Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, Thông tin khoa học Lý luận Chính trị, Học viện CTQG Hồ Chí Minh, Số 6(7)/2015.

[4] Mai Thùy Anh (2012), Cơ cấu nhân khẩu xã hội của những người theo tín ngưỡng thờ Hồ Chí Minh (khảo sát Đạo Trời tâm linh nước Việt Nam), Luận văn Thạc sĩ chuyên ngành Xã hội học, Học viện Khoa học Xã hội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.

...