Vùng đồng bằng sông Hồng có vị trí chiến lược quan trọng của cả nước về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại, vì vậy, cần có chiến lược toàn diện phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao để khai thác tối đa lợi thế của vùng, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh hiện nay. Bài viết khái quát thực trạng nguồn nhân lực chất lượng cao, từ đó đề xuất một số phương hướng xây dựng, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ở vùng đồng bằng sông Hồng trong thời gian tới.
Ảnh minh họa - TL
1. Mở đầu
Nguồn nhân lực chất lượng cao bao gồm những người trong độ tuổi lao động, “có sức khỏe thể chất, tinh thần tốt; có trình độ tay nghề cao, khả năng lao động giỏi và kỹ năng chuyên môn tốt trong nghề; có những phẩm chất xã hội tốt đẹp, như tinh thần nhân văn, tập thể, hòa nhập, thích nghi làm việc trong môi trường đa văn hóa...”(4). Quan điểm về vị trí, vai trò của nguồn nhân lực chất lượng cao được Đảng ta khẳng định xuyên suốt và bổ sung, hoàn thiện nội hàm qua các kỳ đại hội. Đảng xác định rõ tầm nhìn chiến lược về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, coi đó là yếu tố then chốt để góp phần phát triển đất nước nhanh và bền vững trong giai đoạn mới.
Vùng đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) gồm các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hà Nam, Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình, Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hưng Yên. Toàn vùng có diện tích 23.336 km2, chiếm 6,42% diện tích Việt Nam; dân số 22,92 triệu người, chiếm 23,49% dân số cả nước; mật độ dân số 1.087 người/km2, cao nhất so với các vùng khác và gấp 3,66 lần so với mật độ trung bình chung của Việt Nam.
Trong những năm qua, tình hình phát triển kinh tế - xã hội của vùng ĐBSH đạt nhiều kết quả tích cực, khẳng định được vị trí, vai trò của một vùng kinh tế năng động, phát triển, “là động lực phát triển hàng đầu, có vai trò dẫn dắt quá trình cơ cấu lại nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng của đất nước để tạo đột phá phát triển nhanh, bền vững”(5).
“Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao được xác định là một trong những yếu tố quan trọng quyết định sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng ĐBSH.
Vùng ĐBSH hội tụ nhiều điều kiện thuận lợi và có những ưu thế vượt trội để phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt có Thủ đô Hà Nội là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa hàng đầu cả nước. Về lực lượng lao động, vùng có quy mô lao động lớn nhất trong 6 vùng kinh tế với tổng lực lượng lao động là 11,44 triệu người, chiếm 22,64% lực lượng lao động cả nước(6). Xây dựng và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao vùng ĐBSH đóng vai trò then chốt để vùng phát huy vị trí chiến lược, là đầu tàu phát triển, dẫn dắt quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập quốc tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng của Việt Nam theo hướng phát triển nhanh, bền vững.
Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2023 của vùng đạt 6,28%, gấp 1,24 lần so với bình quân chung cả nước. Quy mô nền kinh tế theo giá hiện hành năm 2023 đạt hơn 3,1 triệu tỷ đồng, chiếm 30,1% GDP của Việt Nam và xếp thứ 2/6 vùng kinh tế của cả nước. Trong năm 2023, vùng ĐBSH dẫn đầu cả nước về thu ngân sách nhà nước, đạt mức hơn 720 nghìn tỷ đồng. Thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) năm 2023 ở mức cao nhất cả nước, đạt trên 17 tỷ USD, trong đó có 5 trong tổng số 11 tỉnh, thành phố của vùng ĐBSH nằm trong nhóm 10 địa phương dẫn đầu về thu hút FDI(7). Vùng ĐBSH thu hút 1/3 tổng số dự án FDI của cả nước với hơn 360 cụm công nghiệp trên toàn vùng.
2. Thực trạng công tác xây dựng, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao vùng đồng bằng sông Hồng
Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao được xác định là một trong những yếu tố quan trọng quyết định sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng ĐBSH. Công tác xây dựng, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ở vùng ĐBSH thời gian qua đạt được một số kết quả, như:
Chất lượng lao động ngày càng nâng cao. Lực lượng lao động của vùng ĐBSH có mặt bằng dân trí cao, tập trung nhiều trí thức có trình độ. Tính chung cả nước, khu vực ĐBSH tập trung khoảng 26% lao động có trình độ cao đẳng, đại học và 72% có trình độ trên đại học. Đồng thời, vùng ĐBSH cũng chiếm gần 1/4 số lượng lao động có trình độ kỹ thuật của cả nước, với tỷ lệ lao động có bằng cấp/chứng chỉ tăng từ 21,3% năm 2011 lên gần 37% năm 2021, cao hơn so với mức trung bình của cả nước là 26,1%. Đặc biệt, hai tỉnh thành là Hà Nội và Quảng Ninh có chất lượng lao động cao nhất, với tỷ lệ lao động qua đào tạo, có bằng cấp/chứng chỉ lần lượt là 50,27% và 42,07%(8).
Cơ cấu lao động trong vùng dần chuyển dịch theo hướng bền vững. Tỷ lệ lao động làm việc trong lĩnh vực nông - lâm - ngư nghiệp của vùng ĐBSH là 13,55%, thấp hơn nhiều so với mức chung 29% của cả nước. Trong đó, gần 2/3 lực lượng lao động của vùng (60,53%) làm công hưởng lương, cao hơn mức trung bình cả nước (52%). Tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm của vùng ĐBSH luôn ở mức dưới 3% trong giai đoạn 2011-2021(9).
Vùng ĐBSH là trung tâm về đào tạo nhân lực của cả nước. Toàn vùng hiện có 113 cơ sở giáo dục đại học và gần 600 cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Nhiều cơ sở giáo dục đại học đã được xếp hạng cao và tăng thứ bậc trên các bảng xếp hạng uy tín quốc tế. Công tác nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ đạt nhiều kết quả tích cực, sản phẩm nghiên cứu ứng dụng ngày càng tăng về số lượng và chất lượng.
Mặc dù có nhiều thuận lợi trong quá trình xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao và đạt được một số kết quả tích cực, tuy nhiên, việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của vùng ĐBSH còn một số hạn chế:
Thứ nhất, công tác phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao chưa theo kịp yêu cầu phát triển. Tốc độ phát triển nhanh cùng với tốc độ đô thị hóa, chuyển dịch dân số kéo theo không ít các vấn đề xã hội, trong đó có phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao dù được quan tâm vẫn chưa theo kịp tốc độ phát triển. Bên cạnh đó, chất lượng lao động của vùng ĐBSH cao hơn so với mặt bằng chung của cả nước, song nếu so với quy mô và tiềm năng phát triển thì vẫn chưa tương đương. Chất lượng nguồn nhân lực đã qua đào tạo, có chuyên môn, kỹ thuật chưa đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của thị trường lao động (Bảng 1).
Bảng 1: Tỷ lệ lực lượng lao động đã qua đào tạo và tỷ lệ lao động có chuyên môn kỹ thuật năm 2022
Cả nước/vùng | Tỷ lệ lao động qua đào tạo | Tỷ lệ chuyên môn kỹ thuật (%) | |||
Sơ cấp | Trung cấp | Cao đẳng | Đại học trở lên | ||
CẢ NƯỚC | 26,4 | 9,8 | 4,4 | 4,2 | 12,3 |
Vùng kinh tế - xã hội | |||||
Trung du và miền núi phía Bắc | 26,4 | 12,1 | 6,5 | 5,2 | 10,5 |
Đồng bằng sông Hồng | 37,1 | 13,7 | 5,7 | 5,4 | 17,6 |
Trong đó: Hà Nội | 50,3 | 16,1 | 6,4 | 6,1 | 30,3 |
Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung | 26,7 | 10,6 | 4,5 | 4,4 | 11,4 |
Tây Nguyên | 17,6 | 6,6 | 3,9 | 2,7 | 8,2 |
Đông Nam Bộ | 28,2 | 9,2 | 3,4 | 4,3 | 14,1 |
Trong đó: Thành phố Hồ Chí Minh | 35,9 | 7,2 | 3,0 | 5,7 | 21,3 |
Đồng bằng sông Cửu Long | 14,5 | 4,3 | 2,5 | 2,1 | 7,0 |
(Nguồn: Tổng hợp số liệu của Tổng cục Thống kê năm 2023)
Thứ hai, cơ cấu nguồn nhân lực chất lượng cao chưa phù hợp với tình hình thực tế. Một số địa phương của vùng ĐBSH có đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao nhưng chưa sát với quy hoạch phát triển vùng, liên vùng. Cơ cấu nguồn nhân lực chất lượng cao chưa phù hợp với yêu cầu của chuyển dịch cơ cấu lao động, chỉ hướng tới đáp ứng nguồn nhân lực cho các dự án mới đầu tư vào địa phương. Công tác đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề cao chưa được quan tâm đúng mức, kết quả cải thiện cơ cấu lao động nông thôn, lao động nữ của vùng còn chậm, chưa thực sự hiệu quả. Việc triển khai các chương trình đào tạo nghề, đặc biệt là đào tạo lao động nông thôn còn hạn chế, chưa cập nhật, bám sát nhu cầu của thị trường lao động để có những điều chỉnh về số lượng và cơ cấu ngành nghề đào tạo phù hợp, vì vậy vẫn xảy ra tình trạng vừa thừa, vừa thiếu, gây lãng phí các nguồn lực.
Thứ ba, cơ chế, chính sách đào tạo và sử dụng lao động qua đào tạo chưa đồng bộ, đủ mạnh, do đó chưa thực sự tạo động lực để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cả về số lượng và chất lượng. Triển khai các chính sách hỗ trợ việc làm còn chậm, chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động các doanh nghiệp chưa thực sự thuận lợi, nhiều đối tượng thụ hưởng chính sách chưa được tiếp cận. Bên cạnh đó, cơ chế, chính sách thu hút nhân tài, người có trình độ chuyên môn cao, đặc biệt là chuyên gia trong các lĩnh vực nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ chưa hoàn thiện, chậm đổi mới để phù hợp với yêu cầu phát triển.
Thứ tư, công tác kết nối, cung cấp thông tin còn nhiều hạn chế, đặc biệt là ở các vùng nông thôn ĐBSH. Kênh thông tin qua các trung tâm tư vấn, xúc tiến việc làm chưa được các địa phương quan tâm đúng mức. Trung tâm tư vấn, xúc tiến việc làm chưa làm tốt vai trò cầu nối giữa nhà tuyển dụng và người lao động; hình thức, phương pháp xúc tiến việc làm chưa đa dạng, chậm được đổi mới, thiếu sự liên kết, chia sẻ để tạo mạng lưới thông tin về thị trường lao động giữa các trung tâm trên cùng địa bàn, giữa các địa phương và liên vùng. Xây dựng chỉ tiêu thống kê, hệ thống cơ sở dữ liệu, thông tin về nguồn nhân lực chất lượng cao và thị trường lao động chưa đồng bộ, chưa tính đến xu hướng phát triển của nền kinh tế.
Thứ năm, công tác phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao chưa tạo động lực cạnh tranh của nền kinh tế. Chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam nói chung, vùng ĐBSH nói riêng còn khoảng cách khá xa so với chất lượng lao động của một số nước trong khu vực, như Nhật Bản, Hàn Quốc, Xingapo, Trung Quốc, Malaixia,... Mức độ áp dụng khoa học - kỹ thuật trong lao động sản xuất của nước ta vẫn còn hạn chế, kéo theo năng suất lao động chưa cao, chưa tối ưu được giá thành sản phẩm,… dẫn đến sức cạnh tranh của nền kinh tế còn ở mức khá thấp.
3. Phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm xây dựng, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao vùng đồng bằng sông Hồng trong thời gian tới
Nghị quyết số 30/NQ-TW ngày 23-11-2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định rõ mục tiêu vùng ĐBSH đến năm 2030: “tập trung phát triển công nghiệp, dịch vụ hiện đại và nông nghiệp công nghệ cao, hữu cơ, xanh, tuần hoàn có giá trị kinh tế cao; trở thành trung tâm giáo dục, đào tạo nhân lực chất lượng cao của cả nước; đi đầu về phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, kinh tế số, xã hội số; có hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, đô thị thông minh, có tính kết nối cao”(10).
Triển khai thực hiện Nghị quyết số 30, Chính phủ ban hành Quyết định số 368/QĐ-TTg ngày 04-5-2024 về Phê duyệt Quy hoạch vùng đồng bằng sông Hồng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, đến năm 2030, vùng ĐBSH phấn đấu tăng tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 48-52%; đưa tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội về dưới 10%(11). Mục tiêu đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, vùng ĐBSH phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao hùng hậu, có chuyên môn, văn hóa để nhanh chóng đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập quốc tế.
Để đạt được mục tiêu chiến lược đó, vùng ĐBSH cần chú trọng một số nội dung trọng tâm sau:
Thứ nhất, có sự thống nhất cao trong nhận thức và hành động ở tất cả các cấp, các ngành về vị trí, vai trò của nguồn nhân lực chất lượng cao đối với phát triển kinh tế - xã hội của vùng và liên kết vùng; sự quyết tâm của vùng trong thay đổi đột phá phương thức xây dựng và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Nguồn nhân lực chất lượng cao được xây dựng và phát triển không chỉ có bằng cấp mà cần có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; có khả năng cập nhật, ứng dụng khoa học, công nghệ, lĩnh hội những tri thức mới của nhân loại; kịp thời thích nghi và thích ứng với những biến đổi nhanh của nền sản xuất hiện đại. Đặc biệt, trong bối cảnh hội nhập sâu rộng hiện nay, việc chuẩn hóa quy trình lao động, quy trình đánh giá theo hướng tiệm cận, đạt chuẩn quốc tế là yêu cầu tất yếu. Vì vậy, nguồn nhân lực chất lượng cao phải có khả năng thích ứng tiêu chuẩn của thị trường lao động quốc tế với kiến thức chuyên môn sâu, có khả năng ứng dụng hiệu quả công nghệ tiên tiến vào công việc để đạt được năng suất và hiệu quả lao động cao nhất.
Thứ hai, quy hoạch các ngành nghề đào tạo phải gắn liền với quy hoạch của từng địa phương và mục tiêu chiến lược phát triển kinh tế - xã hội vùng. Thực hiện quản lý chất lượng đào tạo theo chiều sâu, gắn với đổi mới, quản trị hiện đại, quản trị số theo mô hình kinh tế số và đổi mới mô hình tăng trưởng. Sắp xếp, tái cấu trúc hệ thống giáo dục vùng ĐBSH về quy mô đào tạo, cơ cấu ngành nghề, quy hoạch lại mạng lưới giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học. Cập nhật, bám sát tình hình thực tế nguồn nhân lực ở từng địa phương và dự báo nhu cầu sử dụng nguồn nhân lực trong giai đoạn tới của địa phương, cả nước cũng như xu hướng lao động thế giới, từ đó xây dựng, ban hành chiến lược quy hoạch phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phù hợp. Quan tâm hơn nữa đến khâu chia sẻ thông tin, gắn kết quy hoạch vùng nhằm quy hoạch tổng thể về lực lượng lao động, đặc biệt là lao động có trình độ cao, từ đó đón đầu nhu cầu của thị trường lao động, giải quyết những bất hợp lý về cơ cấu nguồn nhân lực chất lượng cao.
Thứ ba, sắp xếp lại hệ thống giáo dục, nhất là giáo dục đại học và dạy nghề; khắc phục bất hợp lý về quy mô đào tạo, cơ cấu trình độ, ngành nghề, đặc biệt chú trọng đào tạo nghề, bảo đảm cơ cấu đào tạo hợp lý giữa đại học, cao đẳng so với trung học chuyên nghiệp và đào tạo nghề. Đồng thời, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực với tiêu chuẩn về trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, phẩm chất và năng lực phù hợp với yêu cầu kinh tế tri thức ở Việt Nam. Thúc đẩy đào tạo nguồn nhân lực vùng ĐBSH theo hướng xem xét thế mạnh của từng cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp ở cả 11 tỉnh, thành phố; từ đó xây dựng chiến lược cụ thể cho từng ngành nghề then chốt, nhất là những ngành phù hợp với xu thế hội nhập. Đổi mới mạnh mẽ phương pháp, hình thức dạy học ở tất cả các cấp học, tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động tiếp cận với công nghệ mới, học tập mở và suốt đời.
Bên cạnh đó, tăng cường hợp tác quốc tế về giáo dục - đào tạo, kiến tạo môi trường làm việc, cơ chế đãi ngộ phù hợp để thu hút các nhà khoa học người Việt Nam ở nước ngoài về công tác, cống hiến cho địa phương; tăng cường, đa dạng hóa các nguồn đầu tư cho giáo dục. Làm tốt công tác phối hợp giữa các cơ sở đào tạo trong nước cũng như tăng cường liên kết đào tạo, nghiên cứu khoa học với cơ sở giáo dục nước ngoài; thực hiện xã hội hóa giáo dục - đào tạo, nhanh chóng hình thành mạng lưới dữ liệu thông tin liên thông, liền mạch để tiến tới đào tạo trúng và đủ theo yêu cầu của nền kinh tế, giảm thiểu tình trạng lãng phí nguồn lực.
Thứ tư, đẩy mạnh hoàn thiện cơ chế chính sách thu hút, sử dụng và đãi ngộ nguồn nhân lực chất lượng cao vùng ĐBSH. Xây dựng chế độ đãi ngộ rõ ràng, cụ thể, phù hợp với thực tiễn, có tính đột phá để người tài giỏi phát huy được năng lực, cống hiến xây dựng các địa phương phát triển. Hạn chế tình trạng dịch chuyển nguồn nhân lực giữa các vùng bất hợp lý, thông qua việc điều chỉnh các chính sách tuyển dụng, đãi ngộ, bồi dưỡng nhân tài phù hợp. Trong công tác quy hoạch, ưu tiên sử dụng hiệu quả, tối ưu hóa các nguồn lực tại chỗ nhằm tăng hiệu quả mục tiêu tạo việc làm, nâng cao chất lượng việc làm và phát triển việc làm bền vững trong các chính sách, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương trong vùng.
Thứ năm, gắn đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao với nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ. Phát triển kinh tế số là xu hướng không thể đảo ngược. Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ở vùng ĐBSH cần theo hướng tiệm cận với xu hướng chung của nền kinh tế thế giới, tăng trưởng kinh tế giảm dần phụ thuộc vào khai thác tài nguyên, mở rộng tín dụng; từng bước ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo gắn kết chặt chẽ với phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ, coi đó là yếu tố quyết định để tăng tiềm lực và sức mạnh của vùng, tạo lợi thế cạnh tranh, bảo đảm phát triển nhanh và bền vững.
Thứ sáu, xây dựng kế hoạch đào tạo ngắn hạn, trung hạn của từng địa phương và toàn vùng ĐBSH, trong đó chú trọng cân đối cơ cấu ngành nghề đào tạo, đáp ứng nhu cầu thị trường lao động. Đẩy mạnh áp dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, hiện đại hóa cơ sở vật chất, thiết bị; đổi mới chương trình, phương thức đào tạo, tăng cường thực hành trong đào tạo nghề. Công tác biên soạn chương trình, giáo trình, tổ chức đào tạo lý thuyết và thực hành phải sát với nhu cầu của thị trường, có sự phối hợp giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp nhằm nâng hiệu quả đào tạo. Đồng thời, chuyển đổi mô hình tăng trưởng vùng ĐBSH theo hướng công nghiệp và dịch vụ hiện đại, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, hữu cơ, xanh, tuần hoàn; phát huy hiệu quả các trung tâm nghiên cứu khoa học - công nghệ, các trung tâm đổi mới sáng tạo; bảo đảm vùng ĐBSH phát triển hiện đại, văn minh.
Thứ bảy, tăng cường kết nối nhân tài, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao liên thông giữa các tỉnh, thành phố trong vùng, liên kết nguồn nhân lực chất lượng cao nội vùng, liên vùng. Bên cạnh đó, xác định những ngành đào tạo trọng yếu, đầu tư tập trung, đồng bộ để đạt tiêu chí phát triển các trường chất lượng cao, đáp ứng tốt vai trò cung ứng nguồn nhân lực vùng ĐBSH cũng như cho cả nước thông qua việc hình thành những trung tâm đào tạo cấp vùng, quốc gia.
Thứ tám, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu thị trường lao động đồng bộ, hiện đại, kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các cơ sở dữ liệu khác. Đó là cơ sở để hoạch định và tổ chức, thực hiện chính sách lao động phù hợp. Đồng thời, tăng cường và nâng cao hiệu quả hoạt động hệ thống trung tâm dịch vụ việc làm; đẩy mạnh kênh tuyển dụng, giao dịch việc làm trực tuyến, cung ứng nguồn lao động đáp ứng yêu cầu doanh nghiệp. Chuyển dịch cơ cấu lao động phù hợp với cơ cấu kinh tế; nâng tỷ trọng lao động trong khu vực chính thức, lao động hưởng lương, tập trung giải pháp nhằm giải quyết việc làm cho lao động khu vực phi chính thức, đặc biệt là lao động nông nghiệp chuyển đổi ngành nghề.
4. Kết luận
Để ĐBSH là vùng đi đầu cả nước trong xây dựng, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế số, xã hội số, vùng ĐBSH cần tập trung vào các nội dung, nhiệm vụ trọng tâm để xây dựng và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Tạo lập và cải thiện các điều kiện cần thiết để phát triển nhanh nguồn nhân lực chất lượng cao với số lượng và cơ cấu phù hợp, có tri thức, có kỹ năng chuyên nghiệp, có ý chí, quyết tâm và khát vọng vươn lên.
TS PHẠM THỊ ÁNH NGUYỆT
ThS VŨ HẢI THÚY
Trường Đại học Thái Bình
_________________
(1) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.41.
(2) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr.90.
(3) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2021, tr.203-204
(4) Trần Văn Phòng, Lê Thị Hạnh: Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng, https://www.tapchicongsan.org.vn, ngày 24-04-2023.
(5), (11) Chính phủ: Quyết định số 368/QĐ-TTg ngày 04-5-2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt quy hoạch vùng đồng bằng Sông Hồng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
(6) Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội: Báo cáo Tổng kết Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020, Hà Nội, 2020.
(7) Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam: Phát triển đồng bằng sông Hồng liên kết, toàn diện và bền vững, https://dangcongsan.vn.
(8), (9) Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công thương: Vùng đồng bằng sông Hồng: Phát triển nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu hội nhập, https://khcncongthuong.vn.
(10) Bộ Chính trị: Nghị quyết số 30-NQ/TW, ngày 23-11-2022 về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng Sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.