Một chiều mùa thu tháng 10, cùng với sự hối hả của mọi người đang làm việc tại Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị biên giới của tỉnh Lạng Sơn, chúng tôi tìm đến khu vực làm việc của anh Đức với hi vọng chứng kiến cảnh hoạt động lưu thông hàng hóa tại cửa khẩu của Lạng Sơn. Nhưng có lẽ đang trong giờ cao điểm của thông quan xuất nhập khẩu hàng hóa với hàng trăm xe chở hóa quả tươi của bà con nông dân, các sản phẩm… nên anh Đức vội vàng: “Đợi mình chút, mình đang cùng anh em nhân viên làm nốt việc kẻo hàng hóa lẫn lộn mất…”.
Anh không quên “khuyến mại” chúng tôi nụ cười sảng khoái, vui vẻ rồi đưa tay lên quệt ngang mồ hôi đẫm trên mặt rồi quay trở lại với guồng quay của công việc. Trước mắt chúng tôi là một doanh nhân trẻ đang không ngại ngần đồng hành với anh em nhân viên, người lái xe, phụ xe… cùng nhau hoàn thành công việc được hiệu quả và nhanh nhất.
Tại Lạng Sơn, hiện nay có 4 cửa khẩu, trong đó Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị là một trong 2 cửa khẩu thực hiện mô hình giao nhận hàng hóa không tiếp xúc theo phương thức cắt, nối container tại bãi chờ, đồng thời triển khai có hiệu quả nền tảng Cửa khẩu số vì vậy hiệu suất thông quan đều đã tăng nhiều so với các cửa khẩu khác.
Giai đoạn 2020 và 2021 do ảnh hưởng của dịch Covid-19 là khoảng thời gian nhiều khó khăn đối với hoạt động xuất nhập khẩu của nước ta và Lạng Sơn cũng chịu ảnh hưởng do là nơi thông quan hàng hóa với Trung Quốc. Nhưng vươn mình qua giai đoạn đó, người thuyền trưởng Lê Anh Đức đã ra đảm đương dẫn dắt “vượt qua sóng dữ”, đây là thời điểm nhiều doanh nghiệp đang oằn mình duy trì công ty, thế nhưng Công ty Thuận Phát của Anh Đức vẫn tiếp tục không ngừng phát triển tạo điều kiện thu nhập kinh tế cho anh em nhân viên.
Từ khi dịch Covid-19 được kiểm soát, xuất nhập khẩu, vận tải, lái xe… trở lại hoạt động, doanh nghiệp của anh Đức đã chủ động chuyển đổi số, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào các mô hình làm việc của công ty, từ đó có sự đồng bộ hóa với các cơ quan nhà nước đang quản lý tại cửa khẩu, giúp cho doanh nghiệp của anh phát triển mạnh và có tiếng trong lĩnh vực xuất nhập khẩu này. Với mong muốn được học hỏi, học nhiều hơn nữa trong môi trường kinh doanh chuyên nghiệp, anh Đức chia sẻ: “Hết thời công việc chỉ dựa vào sức người, giờ đây hiện đại hóa, số hóa các mã hàng, kho vận… đã được thay thế trong các quy trình để giảm tối thiểu các công đoạn đạt kết quả cao”.
Ngành vận tải hàng xuất nhập khẩu có nhiều rủi ro, mang trách nhiệm lớn với khách hàng nhưng với kinh nghiệm hơn 15 năm làm trong lĩnh vực dịch vụ Logistics, trực tiếp điều hành các công đoạn để kiểm soát sự vận hành của quy trình nhập khẩu và mở rộng thêm văn phòng làm việc tại thủ đô Hà Nội trong thời gian tới nên anh Lê Anh Đức rất tự tin khi đưa ra khát vọng tối ưu từng công đoạn, để hàng hóa của xuất khẩu và nhập khẩu thông qua dịch vụ của Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu dịch vụ quốc tế Thuận Phát một cách tốt nhất, giá thành tốt nhất, uy tín nhất.
Không chỉ là doanh nghiệp đi đầu trong việc chuyển đổi số, lĩnh vực xuất nhập khẩu, anh Đức mong muốn sẽ tiếp tục tham gia các hoạt động vì cộng đồng xã hội, cùng với đó thời gian tới anh định hướng sẽ đồng hành đào tạo, chia sẻ kinh nghiệm tới các bạn trẻ trong hành trình khởi nghiệp lan tỏa giá trị nhân hiệu của mình tới mọi người, từ đó tạo thêm niềm tin vững chắc vì một tương lai tốt đẹp hơn.
Nhấp chén trà, chia tay vị doanh nhân trẻ Lê Anh Đức, một người bản lĩnh, chịu khó trong ngành của mình, chúng tôi tin rằng, thương hiệu của vị doanh nhân trẻ cùng Thuận Phát của anh sẽ đặt được dấu ấn trong lòng đối tác, khách hàng và sẽ là “bà đỡ” cho nông sản Việt đến với thị trường quốc tế, góp phần cho sự phát triển kinh tế của đất nước./.
Doãn Phương Nam