26/04/2024 lúc 03:36 (GMT+7)
Breaking News

Hàng Việt Nam ngày càng được người tiêu dùng Nhật Bản ưa chuộng

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, trong 5 tháng đầu năm 2021, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam với Nhật Bản đạt 17,1 tỷ USD, tăng 9,7% so với cùng kỳ năm 2020.

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, trong 5 tháng đầu năm 2021, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam với Nhật Bản đạt 17,1 tỷ USD, tăng 9,7% so với cùng kỳ năm 2020.

Ngày 25/6/2021, chương trình Tuần hàng Việt Nam bắt đầu được tổ chức trên toàn bộ hệ thống siêu thị AEON ở Nhật Bản. Sự kiện đã thu hút sự chú ý của đông đảo người tiêu dùng “xứ sở Hoa anh đào”.

Tuần lễ hàng Việt Nam tại AEON là một sự kiện thường niên do Công ty trách nhiệm hữu hạn AEON phối hợp với Bộ Công Thương và Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản tổ chức, với mục tiêu nâng tổng doanh thu bán các sản phẩm Việt Nam trong hệ thống AEON ở Nhật Bản lên 1 tỷ USD vào năm 2025.

AEON sẽ trưng bày các sản phẩm Việt Nam ở khoảng 350 cửa hàng, siêu thị của tập đoàn này trên toàn Nhật Bản và trên hệ thống website của tập đoàn. So với năm ngoái, hàng hóa Việt Nam được trưng bày năm nay có sự đa dạng và phong phú hơn về chủng loại và mẫu mã, từ trái cây tươi như vải và chuối, và các loại thực phẩm chế biến như mỳ tôm và phở ăn liền, cho đến các sản phẩm dệt may, da giày, đồ gia dụng và hàng thủ công mỹ nghệ.

Đặc biệt, điểm nhấn quan trọng của Tuần hàng Việt Nam tại AEON năm 2021 là quả vải thiều tươi của Việt Nam. Đây là mặt hàng được người dân Nhật Bản rất ưa chuộng. AEON đã nhập khẩu 30 tấn vải thiều từ các tỉnh Bắc Giang và Hải Dương để quảng bá và giới thiệu tới người tiêu dùng Nhật Bản.

Người tiêu dùng Nhật Bản chọn mua vải thiều Việt Nam ở siêu thị AEON. Ảnh: Internet

Cùng với vải thiều, năm nay, AEON cũng chú trọng quảng bá chuối của Việt Nam. Ông Soichi Okazaki - Ủy viên Ban Điều hành AEON phụ trách khu vực Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cho biết: “Ngoài vải quả đã rất thành công rồi, có một loại trái cây khác mà chúng tôi đang hướng tới đó là chuối. Nhật Bản đang nhập khẩu chuối từ nhiều nơi như Ecuador, Philippines và Đài Loan (Trung Quốc), nhưng tôi thấy chuối Việt Nam ngon và vị cũng tốt hơn. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tập trung nguồn lực để xúc tiến việc nhập khẩu chuối”. 

Sau nhiều năm triển khai, đến nay, Tuần hàng Việt Nam tại AEON đã hỗ trợ cho hơn 100 lượt doanh nghiệp của 21 tỉnh,thành ở Việt Nam quảng bá và giới thiệu sản phẩm trực tiếp tới người tiêu dùng Nhật Bản.

Phát biểu trong buổi tiếp Đại sứ Vũ Hồng Nam trước lễ khai mạc Tuần hàng Việt Nam ở siêu thị AEON Lake Town (tỉnh Saitama), ông Okazaki cho biết thời gian qua, AEON đã nỗ lực quảng bá và bán nhiều sản phẩm sản xuất tại Việt Nam trong hệ thống siêu thị của tập đoàn này không chỉ ở Việt Nam mà còn ở Nhật Bản và Đông Nam Á.

Kết quả là kim ngạch nhập khẩu hàng hóa Việt Nam của AEON đã liên tục tăng từ 35 tỷ yen (hơn 316 triệu USD) năm 2019 lên 40,4 tỷ yen năm 2020 và có thể đạt mục tiêu 50 tỷ yen trong năm nay. Việc nhập khẩu có thể sẽ có sự bứt phá trong năm 2022.

Đại sứ Vũ Hồng Nam cho biết: “Chúng tôi đã thống nhất với AEON về mục tiêu nâng tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa qua công ty này lên 1 tỷ USD vào năm 2025. Một số loại hoa quả mà chúng ta kỳ vọng như nhãn sẽ được đưa vào Nhật Bản. Trong khi đó, doanh thu bán các sản phẩm may mặc, giày dép và hàng tiêu dùng của Việt Nam ở Nhật Bản đang tăng. Hiện nay, các sản phẩm Việt Nam bán trong hệ thống siêu thị của AEON được người tiêu dùng Nhật Bản rất ưa chuộng”.

Theo thống kê của Hải quan Việt Nam, năm 2020, kim ngạch xuất khẩu hàng nông, thủy sản của Việt Nam sang Nhật Bản đạt 1,8 tỷ USD, tăng 0,1% so với năm 2019, trong đó xuất khẩu thủy sản đạt 1,4 tỷ USD; cà phê đạt 181 triệu USD; rau quả đạt 128 triệu USD.

Trong 5 tháng đầu năm 2021, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam với Nhật Bản đạt 17,1 tỷ USD, tăng 9,7% so với cùng kỳ năm 2020.

Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam vào Nhật Bản trong 5 tháng đầu năm 2021 gồm: nhóm hàng chế biến, chế tạo đạt kim ngạch xuất khẩu 6,5 tỷ USD; hàng dệt may đạt 1,3 tỷ USD; phương tiện vận tải và phụ tùng 1,08 tỷ USD; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác 1,08 tỷ USD; gỗ và sản phẩm gỗ 581 triệu USD; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện 376 triệu USD; giày dép các loại 409 triệu USD; điện thoại các loại và linh kiện 356 triệu USD..