18/01/2025 lúc 02:58 (GMT+7)
Breaking News

Hàng trăm nghìn người có nguy cơ đột quỵ cao vì làm việc trong nhiều giờ

Theo kết luận được đưa ra trong một báo cáo chung của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) công bố ngày 17/5, mỗi năm có hàng trăm nghìn người thiệt mạng vì thời gian làm việc quá dài. Làm việc hơn 55 giờ mỗi tuần làm tăng nguy cơ tử vong liên quan bệnh tim mạch và đột quỵ.

Theo kết luận được đưa ra trong một báo cáo chung của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) công bố ngày 17/5, mỗi năm có hàng trăm nghìn người thiệt mạng vì thời gian làm việc quá dài. Làm việc hơn 55 giờ mỗi tuần làm tăng nguy cơ tử vong liên quan bệnh tim mạch và đột quỵ.

Đột quỵ - Chứng bệnh nguy hiểm

Đột quỵ hay còn gọi là tai biến mạch máu não. Đây là tình trạng não bộ bị tổn thương nghiêm trọng do quá trình cấp máu não bị gián đoạn hoặc giảm đột ngột. Lúc này không có đủ oxy và chất dinh dưỡng, các tế bào não sẽ dần hoại tử, mất khả năng kiểm soát các chức năng trên cơ thể. Người bị đột quỵ cần nhanh chóng được đưa đi cấp cứu, xử trí kịp thời để tránh tử vong và hạn chế di chứng.

Theo thống kê, mỗi năm thế giới có khoảng 15 triệu người bị đột quỵ. Tại Việt Nam con số này là hơn 200.000 người. Hầu hết những người sống sót sau cơn đột quỵ đều có sức khỏe suy yếu hoặc mắc các di chứng như: tê liệt hoặc cử động yếu một phần cơ thể, mất ngôn ngữ, rối loạn cảm xúc, thị giác suy giảm...

Người làm việc nhiều dễ bị đột quỵ

Một cuộc nghiên cứu dựa trên dữ liệu từ 194 quốc gia và tập hợp hàng trăm nghìn người tham gia cho thấy những người làm việc trong khoảng thời gian kéo dài có nguy cơ mắc đột quỵ cao hơn bình thường.

Những người đi làm sớm tại một khu tài chính ở London, Ảnh: REUTERS

Cụ thể, những người làm việc 55 giờ/tuần hoặc nhiều hơn có liên quan tới nguy cơ đột quỵ cao hơn 35% và nguy cơ tử vong do bệnh tim thiếu máu cục bộ tăng 17% so với việc làm việc từ 35-40 giờ một tuần, ngay cả khi những yếu tố như tuổi tác, giới tính, địa vị kinh tế xã hội đã được tính đến.

Theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), trong năm 2016, có 398.000 người tử vong do đột quỵ và 347.000 người tử vong do bệnh tim sau khi làm việc ít nhất 55 giờ/tuần, hầu hết các nạn nhân (72%) là nam giới và đều trong độ tuổi trung niên hoặc cao hơn.

Trong khoảng thời gian từ năm 2000 đến 2016, số người tử vong do bệnh tim liên quan đến giờ làm việc kéo dài tăng 42%, trong khi số trường hợp đột quỵ tăng 19%. Phần lớn số ca tử vong ghi nhận được thuộc nhóm người trong độ tuổi từ 60 đến 79 - những người từng làm việc tối thiểu 55 giờ/tuần khi họ ở độ tuổi từ 45 đến 74. 

Nguyên nhân là do, khi làm việc nhiều giờ sẽ khiến chúng ta phải ngồi trong một thời gian kéo dài, ít vận động. Từ đó, cơ thể liên tục phải trải qua sự căng thẳng mà không được chăm sóc. Bên cạnh đó, những người làm việc lâu tại một địa điểm sẽ kéo theo thói quen không lành mạnh như: hút thuốc lá, uống rượu, ngủ không khoa học… Như vậy, có thể thấy, làm việc quá mức so với thời gian chuẩn không những làm công việc bị giảm năng suất mà ngược lại, chúng ta cũng “bị tước đi” sức khỏe, cụ thể là có nguy cơ mắc đột quỵ não.

Tuy nhiên, giới chức WHO cho hay, làm việc quá nhiều giờ đang giết chết hàng trăm ngàn người hàng năm, với xu hướng ngày càng tồi tệ hơn do đại dịch Covid 19. Đại dịch có thể thúc đẩy thời gian làm việc dài hơn, ước tính ít nhất 9% người lao động phải làm nhiều giờ hơn trong đại dịch COVID-19.

Đối với nhiều người, việc cắt giảm thời gian làm việc là điều khó khăn hoặc không thể. Bởi vậy, để phòng ngừa đột quỵ, trước hết cần tự giác góp phần thay đổi môi trường làm việc, đóng góp sáng kiến để xây dựng văn phòng, cơ quan, công ty thoải mái, nhẹ nhàng hơn mà vẫn đạt hiệu suất cao.

Ngoài ra, nguy cơ đột quỵ có thể giảm đáng kể nếu có lối sống lành mạnh, hãy thiết lập chế độ sinh hoạt khoa học hơn. WHO và ILO cũng kêu gọi chính phủ các nước, các chủ lao động và người lao động cần phối hợp đưa ra quy định giới hạn số giờ làm việc để bảo vệ sức khỏe của người lao động.